Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2404-BCNNG/KB3

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 1965

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ 96-TTG NGÀY 30/09/1963 VỀ CHẾ ĐỘ NGHỈ SẢN XUẤT, CÔNG TÁC ĐỂ ÔN TẬP, THI CHO HỌC VIÊN CÁC LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TẠI CHỨC

Ngày 30 tháng 09 năm 1963 Thủ tuớng Chính phủ ra chỉ thị số 96-TTg quy định chế độ nghỉ sản xuất, nghỉ công tác để ôn tập, kiểm tra... cho cán bộ, công nhân, viên chức theo học các trường, lớp nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật trung và đại học tại chức. Tiếp đó ngày 23/12/1963 Bộ Giáo dục cũng đã ban hành thông tư số 65-TT/ĐH hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 96-TTg nói trên. Căn cứ vào các văn bản trên trong thời gian vừa qua nhiều cơ sở đã nghiên cứu thực hiện chế độ nghỉ cho các trường lớp, nhưng vì chưa có sự hướng dẫn và quy định cụ thể nên nhiều nơi còn lúng túng hoặc tùy tiện trong việc tổ chức nghỉ ôn tập, thi... Để đảm bảo thực hiện chế độ nghỉ thống nhất và thích hợp với hoàn cảnh công tác và sản xuất của Bộ ta nhất là trong giai đoạn hiện nay, Bộ hướng dẫn, quy định thực hiện chế độ nghỉ sản xuất, nghỉ công tác để ôn tập, thi cho các loại trường, lớp trung và đại học tại chức như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VIỆC CHO NGHỈ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ÁP DỤNG

Chế độ nghỉ sản xuất, nghỉ công tác để ôn tập, kiểm tra... của Phủ Thủ tướng ban hành là nhằm tạo điều kiện cho học viên theo học các trường lớp tại chức “vừa làm vừa học” có thêm một số thời giờ để học tập, đạt kết quả tốt, không phải cho đủ thời giờ để học tập vì vậy anh em cán bộ, công nhân, viên chức theo học ở các lớp vẩn phải tranh thủ sắp xếp bố trí tự học ngoài giờ là chủ yếu. Đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay đang vừa phải dồn mọi sức lực, trí tuệ vào việc hoàn thành các kế hoạch Nhà nước, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội, lại vừa phải sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, một phần cán bộ, công nhân đã và sẽ đi phục vụ cho yêu cầu của quốc phòng, nhiệm vụ sản xuất và công tác ngày càng tăng, trước tình hình khẩn trương này việc cho nghỉ sản xuất, công tác để ôn tập... là một cố gắng rất lớn của Đảng và Chính phủ, mỗi cán bộ, công nhân được đi học cần nhận thức đầy đủ tinh thần trên để sắp xếp kế hoạch học tập cụ thể nhằm tận dụng thời gian tránh đòi hỏi thực hiện chế độ nghỉ ở mức tối đa. Mặc khác phải đặt cho mình nhiệm vụ phấn đấu học tập đạt kết quả tốt nhất, theo học đến cùng, không học nửa chừng bỏ dở (trừ trường hợp bận công tác đặc biệt phải được cơ quan, xí nghiệp đồng ý mới được thôi học) để một mặt nâng cao được trình độ, làm tốt công tác, mặt khác góp phần thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bộ và của Nhà nước. Cán bộ lãnh đạo và cán bộ giáo dục ở cơ sở cũng cần quán triệt đầy đủ ý nghĩa và tinh thần trên để có biện pháp giúp đỡ, đôn đốc anh chị an cán bộ, công nhân học tập đạt kết quả tốt.

Chế độ nghỉ sản xuất, công tác để ôn tập, kiểm tra... chỉ áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức được Bộ xét chọn cho đi học ở các trường lớp trung và đại học tại chức, hàm thụ của các ngành không thuộc Bộ quản lý và cán bộ, công nhân viên đang theo học các lớp trung và đại học tại chức ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học thuộc Bộ đã được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và có quyết định của Bộ cho mở lớp.

II. THỜI GIAN NGHỈ CỤ THỂ VÀ CÁCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ vào quy định thời gian nghỉ trong chỉ thị số 96-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 65-TT/ĐH hướng dẫn của Bộ Giáo dục, xét điều kiện và yêu cầu sản xuất, công tác của Bộ ta, để thực hiện phương châm “vừa học tập tốt vừa bảo đảm sản xuất tốt và công tác tốt”, Bộ cụ thể hóa thời gian nghỉ sản xuất, nghỉ công tác cho từng loại trường lớp như sau:

a) Các trường lớp thuộc Bộ quản lý.

Các trường, lớp trung và đại học kỹ thuật tại chức đã được Bộ duyệt danh sách học sinh, sinh viên và duyệt kế hoạch học tập thì trong toàn khoá học được bố trí mỗi tuần một buổi trong giờ hành chính quyền vào việc học tập, buổi này dùng để lên lớp hoặc tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh, sinh viên nhằm giải quyết khó khăn về mặt tổ chức học tập và nâng cao chất lượng học tập của các lớp.

Cuối mỗi học kỳ của năm học, sinh viên, học sinh được nghỉ một số ngày để ôn tập, thi; thời gian cụ thể là:

- Các lớp đại học mỗi học kỳ, sinh viên được nghỉ 6 ngày sản xuất, công tác để ôn tập, thi;

- Các lớp trung học mỗi học viên được nghỉ làm ba ngày sản xuất, công tác để ôn tập, thi.

Ngoài các thời gian quy định nghỉ trên đây, các cơ sở cần động viên anh chị em cán bộ, công nhân thấy được tình hình sản xuất, công tác khẩn trương hiện nay mà bố trí sắp xếp tự ôn tập thêm ngoài giờ để học tập đạt kết quả.

Riêng đối với các lớp nghiệp vụ (Trung và đại học) tại chức có nhiều khó khăn về tổ chức, về giáo viên, nên các lớp này được nghỉ theo chế độ đã quy định trong chỉ thị số 51-BCNNG/KB3 ngày 15/01/1963 của Bộ, cụ thể là hai tuần được nghỉ hai ngày sản xuất, công tác để tập trung học tập. Ngoài thời gian nghỉ trên, cuối mỗi học kỳ học viên tự sắp xếp thời gian ôn tập, không có chế độ nghỉ học kỳ như các lớp kỹ thuật khác.

Cuối mỗi khoá học khi tổ chức thi tốt nghiệp, căn cứ vào mức độ và yêu cầu của kỳ thi các cơ sở, báo cáo cụ thể thời gian nghỉ cần thiết, trình Bộ duyệt. Chỉ khi nào có quyết định duyệt của Bộ mới được công bố thi hành.

b) Các cán bộ, công nhân viên được Bộ xét cho đi học các trường lớp trung và đại học kỹ thuật, nghiệp vụ ở các lớp trung và đại học kỹ thuật, nghiệp vụ ở các trường hoặc cơ quan không thuộc Bộ quản lý, hành năm được nghỉ một số thời gian sản xuất, công tác theo yêu cầu và quy định của các trường, lớp hoặc cơ quan đó (đã được các ngành các Bộ chủ quản và Nhà nước duyệt) vào việc lên lớp học tập, tập trung phụ đạo, thi học kỳ. Ngoài thời gian kể trên học sinh, sinh viên sẽ dùng các tối trong tuần để học tập cá nhân, không sử dụng thêm thời gian nghỉ trong giờ chính quyền để tự học.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trong các kỳ nghỉ ôn tập, thi, các nơi mở lớp cần bố trí cho học sinh, sinh viên nghỉ xen kẽ để khỏi ảnh hưởng nhiều đến công tác và sản xuất (có thể bố trí theo cách nửa ngày sản xuất, công tác, nửa ngày nghỉ ôn tập thi.v.v...). Đối với những nơi mở nhiều lớp cũng cần bố trí thời gian và lịch thi xen kẽ nhau để tránh cho cán bộ, công nhân viên phải nghỉ dồn vào cùng một thời gian. Trong thời gian nghỉ tập trung ôn tập thi nếu có công tác khẩn đòi hỏi phải giải quyết gấp mà chưa sát ngày thi, anh chị em cán bộ, công nhân viên cần tranh thủ tham gia giải quyết công tác và sẽ nghỉ bù vào buổi khác. Mặt khác khi xét chọn cán bộ, công nhân viên đi học các lớp tại chức các cơ sở cần có quy hoạch cho từng bộ phận, quy định tỷ lệ cho đi học hàng năm (tạm thời các cơ sở định ra tỷ lệ thích hợp với hoàn cảnh sản xuất, công tác của mình, Bộ sẽ có hướng dẫn quy định sau). Quy hoạch của từng bộ phận và việc xét chọn cho đi học của từng cán bộ, công nhân viên phải được thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào yêu cầu công tác, sản xuất quyết định, để tránh tình trạng cho đi học quá đông trong một năm, học tập trung quá nhiều vào một bộ phận làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nhân lực, kế hoạch sản xuất; công tác của bộ phận đó hoặc của cơ quan, xí nghiệp trong những thời gian nghỉ ôn tập, thi. Để bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nâng cao chất lượng học tập, các cơ quan xí nghiệp cần coi việc học tập là một nhiệm vụ công tác của mỗi cán bộ, công nhân được xét chọn cho đi học và phải thường xuyên theo dõi tình hình học tập của từng người, đặt trách nhiệm cho từng người sau mỗi học kỳ phải báo cáo kết quả học tập cho cơ quan, xí nghiệp biết. Nếu học tập không tốt thì coi như không làm tròn một trong những nhiệm vụ công tác được phân công.

Trên đây là một số điểm hướng dẫn cụ thể, các cơ sở cần nghiên cứu thực hiện tốt để đảm bảo chất lượng học tập của các trường lớp. Vụ Tổ chức giáo dục có trách nhiệm tiếp tục hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chế độ quy định trên đây ở các cơ sở.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Chấn