Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 96-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 1963 

 

 CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ NGHỈ CÔNG TÁC, NGHỈ SẢN XUẤT CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THEO HỌC CÁC TRƯỜNG VÀ LỚP NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN, KỸ THUẬT TRUNG HỌC VÀ ĐẠI HỌC TẠI CHỨC

Tiếp theo Nghị định số 101-TTg ngày 11/10/1962 ban hành quy chế chung về tổ chức các trường và lớp nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật trung học và đại học tại chức, nay Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chế độ cho cán bộ, công nhân, viên chức theo học các lớp ấy nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập, kiểm tra, thi tốt nghiệp như sau:

1. Ngoài việc nghỉ phép hàng năm theo chế độ chung của Nhà nước, học viên các trường và lớp đại học tại chức nói trong Nghị định số 101-TTg ngày 11/10/1962, mỗi năm học, được nghỉ từ một đến hai tháng để ôn tập, kiểm tra.

Trong năm học cuối khóa, ngoài thời gian nghỉ hàng năm, học viên còn được nghỉ thêm một tháng để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trường hợp cần làm luận án, làm đồ án thiết kế hay thực tập chuyên khoa, thì học viên có thể được nghỉ thêm từ một đến bốn tháng.

2. Thời gian nghỉ để ôn tập, kiểm tra và thi tốt nghiệp của học viên các trường và lớp trung học chuyên nghiệp tại chức bằng 2/3 thời gian quy định cho học viên các trường và lớp đại học tại chức.

3. Căn cứ vào những quy định trên đây, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh quản lý các trường và lớp nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật trung học và đại học tại chức sẽ thỏa thuận với Bộ giáo dục để quy định cụ thể số ngày nghỉ thích hợp với từng loại lớp, loại trường.

Theo sự sắp xếp của Nhà trường, sau khi thỏa thuận với cơ quan có người đi học, học viên có thể nghỉ một lần hay nghỉ nhiều lần, tùy theo sự cần thiết của việc ôn tập, kiểm tra của từng năm học.

4. Các khoản chi phí cho việc tổ chức các trường và lớp tại chức nói trong chỉ thị này đều do ngân sách Nhà nước đài thọ. Trong thời gian nghỉ để ôn tập, kiểm tra và thi tốt nghiệp, học viên sẽ do cơ quan, xí nghiệp có người đi học trả.

Để lãnh đạo thực hiện tốt chỉ thị này, ít gây trở ngại cho công tác, cho sản xuất, ít ảnh hưởng tới qũy tiền lương, các bộ, các ngành, quản lý các trường và lớp nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật trung học và đại học tại chức cần chú ý:

1. Lập kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Chỉ tiêu tuyển sinh cần thiết phải ghi vào kế hoạch Nhà nước. Cần tránh lấy người đi học ồ ạt, tập trung vào một bộ phận của cơ quan, xí nghiệp gây ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nhân lực, kế hoạch sản xuất của bộ phận đó.

2. Đi đôi với kế hoạch tuyển sinh, cần có kế hoạch chuẩn bị người thay thế những người được nghỉ để ôn tập, kiểm tra, nhất là lúc nghỉ để thi tốt nghiệp cuối khóa.

Để giảm nhẹ biên chế, tiết kiệm công qũy, chính quyền và công đoàn cần động viên anh chị em không đi học gánh vác thêm những phần việc của người đi học. Chỉ được lấy người mới thay thế trong trường hợp thật cần thiết, và chỉ lấy để thay thế tạm thời cho đến khi người đi học trở về.

Các Bộ giáo dục, Tài chính, Lao động, Nội vụ, Ủy ban kế hoạch Nhà nước, các bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành có liên quan đến các trường và lớp nghiệp vụ tại chức này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện và kiểm tra thực hiện chỉ thị này.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 

Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 96-TTg năm 1963 về chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất cho cán bộ, công nhân, viên chức theo học các trường và lớp nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật trung học và đại học tại chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 96-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/09/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản