Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-NV

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THANH TOÁN PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT CHO THƯƠNG BINH, DÂN QUÂN DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT, TRƯỚC Ở CÁC LIÊN ĐOÀN, TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT MIỀN NAM THUỘC CÁC NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NGƯ NGHIỆP, CƠ KHÍ, TIỂU THỦ CÔNG, NAY ĐÃ CHUYỂN LÊN NÔNG TRƯỜNG, XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh

Đến nay, phần lớn các liên đoàn, tập đoàn sản xuất miền Nam thuộc các ngành cơ khí, tiểu thủ công, nông nghiệp, ngư nghiệp đã chuyển lên nông trường, xí nghiệp quốc doanh. Thương binh và thanh niên xung phong, dân quân du kích bị thương tật trước đây làm việc ở các tập đoàn, liên đoàn nói trên đã được sắp xếp công tác sản xuất; một số ít anh em vì đau yếu mất sức lao động đã được đi an dưỡng, điều dưỡng.

Thông tư số 84-TB/TB4 ngày 24-03-1958 của Bộ Thương binh và Công văn số 3159-CTXH-ADD ngày 22-11-1958 của Bộ Cứu tế xã hội đã quy định là thương binh và thanh niên xung phong, dân quân, du kích bị thương tật công tác ở cơ quan, nông trường, xí nghiệp hoặc được đi an dưỡng, điều dưỡng chỉ được lĩnh phụ cấp thương tật, không hưởng phụ cấp sản xuất hay an dưỡng của thương binh nữa.

Nhưng, đến nay còn một số nơi thi hành chưa đúng, một số nơi đang lúng túng về cách giải quyết suất phụ cấp sản xuất hay an dưỡng của thương binh.

Để thi hành được thống nhất, bảo đảm việc thanh toán được chính xác và chiếu cố tình hình khó khăn thực tế của một số anh em bị thương tật tham gia sản xuất ở nông trường sau khi được Bộ Tài chính thỏa thuận, Bộ hướng dẫn và quy định một số điểm cụ thể như sau:

Nguyên tắc chung là thương binh và dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tậttrước ở các liên đoàn, tập đoàn sản xuất miền Nam, nay đã được sắp xếp vào biên chế chính thức của các nông trường, xí nghiệp quốc doanh, hoặc được thu nhận vào các trại an dưỡng, điều dưỡng, hoặc được hưởng chế độ an dưỡng lưu động, thì chỉ lĩnh suất phụ cấp thương tật, không lĩnh suất phụ cấp sản xuất hay an dưỡng của thương binh nữa.

Riêng đối với anh em trước ở các tập đoàn, liên đoàn sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp nay được chuyển sang nông trường quốc doanh vì điều kiện sản xuất còn khó khăn, thu nhập của anh em còn thấp, để chiếu cố sinh hoạt của anh em đỡ bị thay đổi đột ngột bước đầu, Bộ quy định kể từ nay đến hết năm 1961:

1. Anh em nào được xếp lương mới (kể cả phụ cấp khu vực nếu có) bằng hoặc cao hơn mức thu nhập cũ khi còn ở liên đoàn, tập đoàn (thu nhập do tham gia sản xuất cộng với suất phụ cấp sản xuất hay an dưỡng) thì chỉ được lĩnh phụ cấp thương tật.

Tuy nhiên, nếu nơi nào đã trả phụ cấp sản xuất hay an dưỡng của quý 2 năm 1961 rồi không đặt vấn đề truy hoàn.

2. Nếu lương mới (kể cả phụ cấp khu vực nếu có) thấp hơn mức cũ (thu nhập do tham gia sản xuất cộng với phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng) thì sẽ được hưởng khoản chênh lệch đến hết tháng 12 năm 1961 (khoản chênh lệch tối đa bằng toàn phần của suất phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng, lấy mức quy định của Nghị định số 131-TTg ngày 01-03-1958 của Phủ Thủ tướng làm mức cố định để tính thu nhập cũ); nếu trong thời gian này, do xếp lương lại mà thu nhập mới bằng hoặc cao hơn thu nhập cũ thì không được hưởng khoản chênh lệch nữa.

Ví dụ:

a) Thương binh hạng A, thương tật hạng 2, nay được xếp lương bậc 2 ngành chăn nuôi tiểu gia súc ở nông trường Cửu long:

Thu nhập mới

1 tháng lương

37đ40

Phụ cấp khu vực 10%

3,74

41đ14

1 quý: 41đ14 X 3 = 123,42

Thu nhập cũ

1 tháng . Thu nhập do tham gia sản xuất ở liên đoàn

35đ

Suất phụ cấp sản xuất cho thương binh hạng 2

10đ

50đ

1 quý: 45đ X 3 = 135 đ

Vậy thương binh A được lĩnh khoản chênh lệch trong một quý là: 135đ -123đ42=11đ58, chứ không được hưởng toàn suất phụ cấp sản xuất của thương binh hạng 2 một quý là 30đ nữa.

b) Thương binh B, thương tật hạng 4, nay được xếp lương bậc 1 ngành trồng trọt ở nông trường Cửu long.

1 tháng lương

33đ20

Phụ cấp khu vực 10%

3,32

36,52

1 quý: 36đ52 X 3 = 109,56

1 tháng . Thu nhập do tham gia sản xuất ở liên đoàn

38đ

Suất phụ cấp sản xuất cho thương binh hạng 4

3,20

41đ20

1 quý: 41đ20 X 3 = 123đ60

Lương mới của thương binh B thấp hơn thu nhập cũ là: 123đ60-109đ56=14đ04, nhưng chỉ được hưởng khoản chênh lệch trong một quý là 9đ60 (toàn phần của suất phụ cấp sản xuất cho thương binh hạng 4) chứ không được hưởng toàn bộ mức sút là 14đ04.

3. Cách thanh toán:

Nông trường ứng tiền trả phụ cấp thương tật, trợ cấp chênh lệch tính trong suất phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng, rồi hàng quý sẽ lập bảng kê kèm theo chứng từ để thanh toán với cơ quan tài chính địa phương (khi thanh toán, trong phiếu lĩnh phụ cấp thương tật chú ý viết thêm chữ “chênh lệch” ở hàng phụ cấp sản xuất hay an dưỡng.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 1962 trở đi, anh em chỉ còn được lĩnh phụ cấp thương tật mà thôi.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24-NV năm 1961 thanh toán phụ cấp thương tật cho thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, trước ở các liên đoàn, tập đoàn sản xuất miền Nam thuộc các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, cơ khí, tiểu thủ công, nay đã chuyển lên nông trường, xí nghiệp quốc doanh do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 24-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 17/05/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản