Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-NV

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Mấy năm vừa qua, việc thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ đã đạt được kết quả sau đây: đời sống của số đông thương binh và gia đình liệt sĩ đã được ổn định, nhiều thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ đã phát huy vai trò tích cực của mình trong sản xuất và công tác. Kết quả trên đây đã có ảnh hưởng tốt đến việc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chưa được đều, có nơi làm tốt, cũng có nơi làm chưa tốt, ngay những nơi làm tốt cũng có những việc làm chưa tốt, nơi nào cũng có một số thương binh và gia đình liệt sĩ đời sống gặp khó khăn, nhiều nơi còn coi nhẹ việc bồi dưỡng sử dụng thương binh, quân nhân phục viên; thậm chí còn có tình trạng đối xử không tốt đối với thương binh, không những làm thiệt hại đến quyền lợi chính trị va kinh tế của anh em, mà còn làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết giữa anh em với cán bộ địa phương.

Căn cứ vào tình hình hiện nay, chúng ta phải hết sức cố gắng thực hiện tốt chính sách thương binh liệt sĩ để biểu thị một cách đầy đủ lòng biết ơn của Đảng và Chính phủ đối với những người có công với cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa tinh thần phấn đấu cách mạng của cán bộ, bộ đội và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Vì vậy, Bộ lưu ý các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc chăm lo đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ.

Yêu cầu của việc chăm lo đời sống là:

1. Thể hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, động viên anh em và gia đình phát huy truyền thống đấu tranh cách mạnh hăng hái tham gia sản xuất và công tác.

2. Đảm bảo cho thương binh và gia đình liệt sĩ giữ được mức sống như mức sống trung bình của nhân dân, và ngày càng cải thiện thêm đời sống. Trước mắt, phải tích cực giúp đỡ những thương binh và gia đình liệt sĩ đời sống đang gặp nhiều khó khăn, không để một anh em và gia đình nào quá túng thiếu hoặc không có công ăn việc làm ổn định.

Căn cứ vào yêu cầu trên đây, Bộ đề ra nhiệm vụ công tác thương binh liệt sĩ từ nay đến hết năm 1965 là:

1. Phải nắm chắc tình hình đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ, nhất là tình hình đời sống của những anh em và gia đình đang gặp khó khăn và tìm mọi biện pháp giúp đỡ anh em và gia đình giải quyết những khó khăn trước mắt, nâng cao dần đời sống.

Biện pháp giúp đỡ chủ yếu là sắp xếp cho thương binh và gia đình liệt sĩ có công việc làm thích hợp để anh em và gia đình phát huy hết khả năng của mình tự giải quyết đời sống. Vì vậy, đối với những anh em và gia đình đời sống đang gặp khó khăn, cần giải quyết như sau:

- Ở thành phố, thị trấn, thì sắp xếp cho thương binh và gia đình liệt sĩ có công việc làm trong các hợp tác xã thủ công nghiệp, có thể dành riêng một số ngành nghề để tổ chức cho thương binh sản xuất, không để một thương binh nào không có công việc làm ổn định.

- Ở nông thôn, thì thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 156-CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 445-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giúp đỡ thương bình và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Chú ý thực hiện tốt việc điều hòa lương thực cho những gia đình thương binh, liệt sĩ thiếu lương thực.

Sau khi đã tích cực giải quyết công ăn việc làm rồi mà đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ còn gặp khó khăn thì vận động các hợp tác xã giúp đỡ (giúp công điểm, giúp thóc, tiền…) nếu vẫn còn khó khăn thì Uỷ ban hành chính tỉnh xét trợ cấp thêm, tuyệt đối không để một thương binh hoặc gia đình liệt sĩ nào quá túng thiếu mà không giúp đỡ.

Ngoài ra, cần chú ý giải quyết tốt việc chữa bệnh cho những thương binh, quân nhân phục viên ốm yếu nhiều.

2. Cùng với việc giúp đỡ về vật chất, phải tăng cường hơn nữa việc săn sóc ưu đãi về tinh thần, như động viên, thăm hỏi, thi hành đầy đủ các quyền lợi ưu đãi mà Chính phủ đã quy định …Đối với những quyền lợi còn sót của thương binh và gia đình liệt sĩ, phải giải quyết một cách khẩn trương, không để dây dưa.

3. Săn sóc, giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ phải gắn liền với giáo dục và động viên. Phải mạnh dạn giao công tác cho anh em thương binh, quân nhân phục viên, thường xuyên giáo dục anh em nhận rõ nhiệm vụ của mình, hăng hái tham gia sản xuất và công tác, gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, là chỗ dựa vững chắc của Đảng uỷ và chính quyền địa phương. Vì vậy, từng thời kỳ, Uỷ ban hành chính các địa phương cần họp với thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ để kiểm điểm việc thi hành chính sách thương binh liệt sĩ, động viên mọi người ra sức thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt của địa phương. Cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những anh em và gia đình có nhiều thành tích sản xuất và công tác, lựa chọn và nêu lên những gương tốt cho mọi người học tập và noi theo.

Mặt khác cần tích cực tạo điều kiện cho anh em tự quản lý và giáo dục lẫn nhau, do đó cần thiết phải có tổ chức riêng của thương binh, quân nhân phục viên. Nơi nào đã có tổ thương binh và phục viên rồi thì phải củng cố tổ này, nơi nào chưa có thì phải thành lập, chọn những anh em có tín nhiệm, có năng lực để cử làm tổ trưởng và giúp đỡ các tổ này sinh hoạt đều, với nội dung thiết thực. Cần dựa vào các tổ thương binh và phục viên để nắm tình hình đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ, và thực hiện tốt chính sách đối với anh em và gia đình.

Để động viên thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đấu tranh cách mạng; động viên cán bộ và nhân dân ra sức chấp hành tốt chính sách thương binh liệt sĩ, cần tích cực chuẩn bị mọi mặt để sang đầu năm 1965 sẽ mở hội nghị liên hoan những thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ xung phong gương mẫu trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, ở xã, huyện, tỉnh và trung ương.

Ngoài việc chăm lo đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ, phải quan tâm săn sóc các phần mộ của liệt sĩ, tiến hành việc trồng cây ở các nghĩa trang liệt sĩ và tổ chức bảo quản chu đáo các nghĩa trang này.

Để đẩy mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ trên đây, từ nay đến hết năm 1964, các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố cần làm những việc sau đây:

1. Mỗi tỉnh phải chỉ đạo một số xã thực hiện những yêu cầu và nhiệm vụ nói trên (chủ yếu là: lên phương án giúp đỡ những thương binh và gia đình liệt sĩ đời sống gặp khó khăn, chấn chỉnh việc ưu đãi về tinh thần, thành lập hoặc củng cố các tổ thương binh phục viên, giao công tác cho những anh em chưa công tác …) chuẩn bị những điều kiện cần thiết (rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ huyện, xã…) và tạo nên một sự chuyển biến bước đầu, để sang năm 1965, từng bước đưa tất cả các xã đi vào thực hiện những yêu cầu và nhiệm vụ nói trên.

Cụ thểm tỉnh nào vừa qua đã chỉ đạo một số xã đẩy mạnh việc giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ đời sống gặp khó khăn thì tiếp tục chỉ đạo thêm một số xã nữa, cố gắng đến hết năm nay, mỗi tỉnh có ít nhất một huyện và mỗi huyện trong tỉnh có một vài xã đã bước đầu thực hiện những yêu cầu và nhiệm vụ nói trên. Còn các tỉnh khác thì phải chỉ đạo một số xã để rút kinh nghiệm, sau đó tiếp tục giúp đỡ các huyện chỉ đạo thêm mỗi huyện một, hai xã nữa.

2. Nhân dịp kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12) và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt-Nam (22-12), các địa phương cẩn tổ chức các cuộc họp với thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ để động viên anh em phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng thi đua lập thành tích sản xuất và công tác, bồi dưỡng cá nhân tích cực, chuẩn bị cho việc mở hội nghị liên hoan thương binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ xung phong gương mẫu trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa vào đầu năm 1965.

3. Cần phải nắm lại tình hình tồn tại về giải quyết quyền lợi cho thương binh và gia đình liệt sĩ đình và có kế hoạch chỉ đạo cụ thể để hoàn thành sớm việc này; tiến hành việc trồng cây ở các nghĩa trang trong mùa thu và chuẩn bị kế hoạch để đẩy mạnh việc trồng cây mùa xuân năm 1965.

Để thực hiện tốt những yêu cầu và nhiệm vụ trên đây cần phải làm cho cán bộ các ngành, các cấp nhận rõ ý nghĩa việc thực hiện tốt chính sách thương binh liệt sĩ trong tình hình hiện nay, xác định rõ trách nhiệm của mình để tích cực góp phần vào việc thực hiện chính sách đó. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ…để gây phong trào quần chúng giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ, cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành trong việc tham gia thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ, từng thời kỳ có điểm kết quả việc thực hiện. Uỷ ban hành chính tỉnh, huyện, xã chịu trách nhiệm về tình hình đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ ở địa phương mình phải vận dụng thi hành các chủ trương, chính sách của Chính phủ một cách đầy đủ để giải quyết tốt đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ, nếu có trường hợp khó khăn không giải quyết được thì phải báo cáo lên trên, không được buông trôi. Chỉ trên cơ sở mọi người, mọi ngành hết sức làm tròn trách nhiệm của mình thì việc thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ mới đạt được kết quả tốt.

Mặt khác, cần tăng cường tổ chức phụ trách công tác thương binh liệt sĩ ở tỉnh, huyện, xã, để đủ sức thực hiện tốt những yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.

Đề nghị các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố lưu ý thực hiện đầy đủ thông tư này.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Ung Văn Khiêm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24-NV-1964 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 24-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/09/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Ung Văn Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản