Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2022/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số cụm từ, khoản, điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/05/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (gọi tắt là Thông tư 16/2012/TT-NHNN)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Thông tư số 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 38/2015/TT-NHNN); khoản 3 Điều 1khoản 2 Điều 2 Thông tư số 15/2021/TT-NHNN ngày 30/09/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 15/2021/TT-NHNN)) như sau:

“Điều 16. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm

1. Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp có thay đổi liên quan đến nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 8, Điều 8a Thông tư này.

2. Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, căn cứ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tại Thông tư này và kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 16 Thông tư này).

3. Đối với thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, căn cứ quy định về điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tại Thông tư này và kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp (trường hợp thay đổi địa điểm sản xuất), trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét và cấp Quyết định điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 21 Thông tư này). Quyết định điều chỉnh này là bộ phận không tách rời của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Thủ tục cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm và thủ tục điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp có nhu cầu tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm hoặc điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 11, Điều 11a Thông tư này theo một trong ba cách thức sau:

(i) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước;

(ii) Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

(iii) Gửi qua dịch vụ bưu chính.

b) Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

c) Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước;

d) Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp về việc sao từ bản chính.

5. Đối với thủ tục cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử (theo mẫu tại Phụ lục 17 Thông tư này). Thời hạn có giá trị của Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm được xác định căn cứ theo hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ và tối đa là 12 tháng kể từ ngày cấp phép. Việc tái xuất sản phẩm thực hiện trong thời hạn có giá trị của Giấy phép. Khối lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu được xác định căn cứ hợp đồng gia công và kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

6. Đối với thủ tục điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái sản xuất sản phẩm, căn cứ hợp đồng điều chỉnh và các quy định tại Thông tư này, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Quyết định điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử (theo mẫu tại Phụ lục 21 Thông tư này). Trong trường hợp điều chỉnh thời hạn Giấy phép, thời hạn điều chỉnh được xác định căn cứ theo hợp đồng gia công điều chỉnh và tối đa là 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép lần đầu. Trường hợp điều chỉnh khối lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu, khối lượng điều chỉnh được xác định căn cứ hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng và kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNNkhoản 2 Điều 2 Thông tư 15/2021/TT-NHNN) như sau:

“1. Doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 10 Thông tư này để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN) như sau:

“b. Bản sao hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 của Thông tư 15/2021/TT-NHNN) như sau:

“1. Tài liệu trong hồ sơ quy định tại Mục 3 Thông tư này, trừ trường hợp hồ sơ cấp phép theo cơ chế một cửa quốc gia và trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này, phải là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu. Trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.”.

4. Bỏ cụm từ “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” tại điểm c khoản 1điểm c khoản 2 Điều 9 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư số 03/2017/TT-NHNN ngày 06/6/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 03/2017/TT-NHNN)).

5. Bãi bỏ khoản 2 Điều 8 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2017/TT-NHNN), khoản 2 Điều 8a (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN), khoản 2 Điều 10khoản 2 Điều 11 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN).

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Thông tư số 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ (gọi tắt là Thông tư 34/2015/TT-NHNN)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ

1. Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư này và nhận kết quả thủ tục hành chính theo một trong ba cách thức sau:

a) Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam);

b) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính;

c) Gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính.

3. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước.

4. Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức về việc sao từ bản chính.

5. Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài là bản dịch do tổ chức tự dịch hoặc thông qua một tổ chức cung cấp dịch vụ dịch thuật. Tổ chức xác nhận về tính chính xác của bản dịch tiếng Việt và nội dung bằng tiếng nước ngoài.

6. Tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đề nghị.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Tổ chức kinh tế có nhu cầu thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ (hoặc thay đổi, bổ sung, gia hạn trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ) gửi 01 bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế có nhu cầu thực hiện hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ (hoặc thay đổi, bổ sung, gia hạn đăng ký đại lý) gửi 01 bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.”.

4. Bãi bỏ điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 11điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 14.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài (gọi tắt là Thông tư 12/2016/TT-NHNN)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này theo một trong ba cách thức sau:

a) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng);

b) Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đối với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng);

c) Gửi qua dịch vụ bưu chính.”.

b) Bổ sung khoản 2a, 2b, 2c như sau:

“2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước.

2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của nhà đầu tư.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Thông tư này đến cơ quan có thẩm quyền nơi xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối hoặc nơi xác nhận đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối lần gần nhất đối với trường hợp đã đăng ký thay đổi theo một trong ba cách thức sau:

a) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng);

b) Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đối với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng);

c) Gửi qua dịch vụ bưu chính.”.

b) Bổ sung khoản 2a, 2b, 2c như sau:

“2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối hoặc nơi xác nhận đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối lần gần nhất đối với trường hợp đã đăng ký thay đổi.

2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước.

2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thay đổi đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký thay đổi cho nhà đầu tư dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.”.

Điều 4 . Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

2. Đối với các hồ sơ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được xem xét, xử lý thì tiếp tục xử lý theo phương thức quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 34/2015/TT-NHNNThông tư 12/2016/TT-NHNN.

3. Bãi bỏ khoản 15 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN; khoản 3khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2021/TT-NHNN.


Nơi nhận:
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN;
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Công báo;
- Lưu: VP, QLNH, PC (05 bản).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Phạm Thanh Hà

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 24/2022/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Phạm Thanh Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản