Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CHỢ ĐẦU MỐI, ĐẤU GIÁ NÔNG SẢN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với ban quản lý chợ hoặc tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ (sau đây gọi chung là Ban quản lý chợ); tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh nông sản trong chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Chợ đầu mối nông sản là nơi có địa điểm cố định, diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa thực phẩm nông sản (sau đây gọi là sản phẩm), sau đó hàng hóa được phân phối đến các chợ bán lẻ hoặc các kênh lưu thông khác.

2. Chợ đấu giá nông sản là nơi có địa điểm cố định, diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa thực phẩm nông sản (sau đây gọi là sản phẩm) thông qua phương thức đấu giá, sau đó hàng hóa được phân phối đến các chợ bán lẻ hoặc các kênh lưu thông khác.

Chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản sau đây gọi tắt là chợ.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

Điều 4. Yêu cầu về địa điểm

1. Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

2. Có đường giao thông đi lại thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm.

3. Có nguồn nước, nguồn điện đáp ứng yêu cầu sử dụng.

4. Không bị ngập nước, đọng nước.

5. Không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm.

Điều 5. Yêu cầu về bố trí, kết cấu

1. Mặt bằng chợ phải được bố trí hợp lý giữa các khu vực để tránh khả năng lây nhiễm cho sản phẩm, đảm bảo hoạt động của chợ thuận tiện. Cần bố trí ngăn cách giữa các khu vực có chức năng khác nhau sau đây:

a) Khu vực văn phòng, điều hành, dịch vụ ăn uống;

b) Khu vực kinh doanh sản phẩm tươi, sống, sơ chế, đông lạnh;

c) Khu vực kinh doanh sản phẩm đã được chế biến, bao gói sẵn, sản phẩm khô;

d) Khu vực phụ trợ: Khu vực vệ sinh; khu vực thu gom rác, xử lý rác và xử lý nước thải: bãi để xe; khu vực đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy; trạm bơm nước, bể chứa nước.

2. Nền chợ có bề mặt cứng, chịu tải trọng, mài mòn; thoát nước tốt, không gây trơn trượt; không đọng nước và dễ làm vệ sinh; nền có độ nghiêng thích hợp, có chiều thoát nước từ khu vực sạch sang khu vực kém sạch hơn để tránh ô nhiễm.

3. Trần hoặc mái che phải đảm bảo chắc chắn, thông thoáng, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn.

4. Tường, vách ngăn, cột nhà trong chợ phải dễ làm vệ sinh.

5. Chợ phải được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nguồn ánh sáng, cường độ ánh sáng đảm bảo dễ dàng nhận biết, đánh giá được sản phẩm kinh doanh trong chợ.

6. Nơi bày bán phải được bố trí để khách hàng dễ dàng tiếp cận và đánh giá được chất lượng sản phẩm, đảm bảo tránh làm nhiễm bẩn sản phẩm.

7. Chợ phải có hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp đủ cho các hoạt động tại chợ. Các bể chứa nước và vòi nước phải được bố trí ở các vị trí thích hợp đáp ứng yêu cầu sử dụng.

8. Hệ thống thông gió phù hợp với yêu cầu bảo quản sản phẩm, bảo đảm thông thoáng ở các khu vực bày bán sản phẩm.

9. Đường đi lại và vận chuyển trong chợ phải đủ rộng, đảm bảo độ bền chắc và không đọng nước.

Điều 6. Yêu cầu về nước, nước đá

1. Nước dùng cho bảo quản, xử lý sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

2. Bồn, thùng chứa đựng nước, đường ống dẫn nước phải sạch và được vệ sinh định kỳ,

3. Nước đá sử dụng trong bảo quản, xử lý sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 7. Yêu cầu về trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm

1. Sản xuất từ nguyên liệu phù hợp, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào sản phẩm; không bị rỉ sét.

2. Bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm dễ làm vệ sinh và khử trùng.

3. Được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi kết thúc hoạt động mua bán và được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ.

4. Có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để chứa đựng, bảo quản sản phẩm.

Điều 8. Yêu cầu về làm vệ sinh

1. Có quy định về quy trình và chế độ vệ sinh tại chợ.

2. Có đủ dụng cụ, thiết bị làm vệ sinh và khử trùng tùy theo quy mô của chợ.

3. Phân biệt rõ dụng cụ làm vệ sinh các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và dụng cụ khác.

4. Có khu vực riêng cất giữ các dụng cụ thiết bị làm vệ sinh.

Điều 9. Yêu cầu về phòng, chống động vật gây hại, côn trùng

1. Ban quản lý chợ phải áp dụng biện pháp phòng ngừa phù hợp để ngăn ngừa sự xâm nhập của động vật gây hại và côn trùng xâm nhập vào chợ.

2. Khi phát hiện có động vật gây hại, côn trùng trong chợ, phải có biện pháp tiêu diệt và xử lý phù hợp.

Điều 10. Yêu cầu về nhà vệ sinh

1. Nhà vệ sinh ngăn cách với khu vực kinh doanh, được duy trì điều kiện vệ sinh sạch sẽ, bố trí nhà vệ sinh nam, nữ riêng biệt.

2. Số lượng nhà vệ sinh đảm bảo công năng sử dụng tùy theo quy mô của chợ.

Điều 11. Yêu cầu về vận chuyển sản phẩm

1. Phương tiện, dụng cụ chứa đựng sản phẩm phải làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không rỉ sét, không bị ăn mòn, có kết cấu dễ làm vệ sinh.

2. Điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển phù hợp với tính chất của từng loại sản phẩm: tươi, sống; sơ chế, đông lạnh, sản phẩm khô.

3. Không vận chuyển sản phẩm cùng với hàng hóa khác có thể gây nhiễm bẩn cho thực phẩm. Nếu đã sử dụng để vận chuyển hàng hóa khác, phương tiện phải được vệ sinh và khử trùng trước khi sử dụng lại để vận chuyển sản phẩm.

4. Việc bốc xếp, vận chuyển sản phẩm phải nhanh, gọn để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không gây ô nhiễm cho sản phẩm.

Điều 12. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm theo quy định, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Điều 13. Yêu cầu về thu gom phế thải, phế liệu

1. Phế thải, phế liệu phải được thu gom định kỳ và chuyển ra khu vực riêng biệt với khu vực kinh doanh sản phẩm.

2. Phương tiện thu gom phù hợp, đảm bảo không là nguồn lây nhiễm vào sản phẩm.

3. Có khu vực tập kết phế thải, phế liệu để cuối ngày được vận chuyển ra khỏi khu vực chợ.

Điều 14. Yêu cầu đối với hộ, cơ sở kinh doanh tại chợ

1. Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ phải được khám sức khỏe và có xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

3. Vệ sinh, sạch sẽ trước khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và sau khi đi vệ sinh; giữ vệ sinh chung, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi trong khu vực kinh doanh tại chợ.

4. Thực hiện việc quét dọn, tẩy rửa, khử trùng sau khi kết thúc kinh doanh trong ngày tại địa điểm kinh doanh của mình.

5. Sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng sản phẩm sạch, đảm bảo không là nguồn gây ô nhiễm cho sản phẩm.

6. Không bày bán sản phẩm đã sơ chế, chế biến trực tiếp trên nền chợ.

7. Chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế để vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ.

8. Trường hợp có sử dụng phụ gia thực phẩm trong bảo quản, xử lý sản phẩm phải theo đúng hướng dẫn loại dùng cho thực phẩm, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm).

9. Chấp hành sự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, hàng hóa buôn bán tại chợ của các cơ quan, quản lý nhà nước và ban quản lý chợ.

Điều 15. Yêu cầu về kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại chợ

1. Ban quản lý chợ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các hộ, cơ sở kinh doanh, người đến mua sản phẩm tại chợ trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Ban quản lý chợ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại chợ; thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ và phối hợp xử lý khi có yêu cầu.

3. Cán bộ của Ban quản lý chợ được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phải được tập huấn về kiến thức và nghiệp vụ kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

4. Tổ chức dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu cơ bản về an toàn thực phẩm đối với chợ loại 1 theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

Điều 16. Quy định chuyển tiếp

Các chợ đã hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 thực hiện quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thông tư này từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) để kịp thời giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 24/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/08/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản