Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 235-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ VIỆC BÁO BÃO

Việc dự báo bão và báo tin hết sức quan trọng. Có dự báo kịp thời chính xác, có báo tin nhanh chóng, đúng đắn thì việc chuẩn bị chống bão mới được kịp thời, giảm bớt được thiệt hại. Do đó cần chú trọng đặc biệt việc theo dõi bão, dự báo bão và cần huy động mọi phương tiện hiện có để báo tin bão.

Thông tư này thay cho Thông tư số 933-TTg ngày 17/6/1956, quy định chế độ dự báo bão, cách thức báo tin bão và nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan.

I. CHẾ ĐỘ DỰ BÁO BÃO.

Nha Khí thượng thuỷ văn có nhiệm vụ theo dõi thời tiết thường xuyên và phát hiện các cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thời tiết nước ta.

Mỗi khi có bão trong khu vực biển Đông (trên địa đồ thường ghi là Biển Trung Hoa), Nha Khí tượng thủy văn sẽ phát ra những bản dự báo riêng để các cơ quan và nhân dân chuẩn bị đề phòng. Các bản dự báo đó gọi là tin bão.

A. PHÂN BIỆT CÁC LOẠI BÃO

Căn cứ vào sức gió rất mạnh, mạnh hay khá mạnh, sẽ phân biệt 3 loại bão:

1) Bão to sức gió ở gần trung tâm rất mạnh, từ cấp 11 trở lên (trên 100 cây số một giờ) có sức phá hoại rất lớn.

2) Bão vừa, sức gió ở gần trung tâm mạnh, từ cấp 8 đến cấp 10 (từ 60 đến100 cây số một giờ), có thể làm đắm thuyền, đổ nhà tranh, tốc mái ngói nhà gạch, v.v…

3) Bão nhẹ, sức gió ở gần trung tâm khá mạnh, từ cấp 6 đến cấp 7, (từ 40 đến 60 cây số một giờ) có thể đắm thuyền nhỏ, tốc mái nhà tranh, v.v…

B. CÁC LOẠI TIN BÃO

Khi bão phát sinh ở biển Đông hoặc đã từ Thái Bình Dương vượt qua Phi luật tân vào biển Đông, Nha Khí tượng thủy văn phát tin bão cho:

- Tàu thủy ở ngoài khơi, bản tin viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Anh với những chỉ dẫn có tính chất chuyên môn theo thông lệ quốc tế.

- Nhân dân, cơ quan và bộ đội, bản tin có tính chất phổ thông.

- Các trạm tín hiệu ở các vùng trực tiếp bị đe doạ với những chỉ dẫn cần thiết về mặt kéo tín hiệu, bản tin chỉ phát ra khi bão tới gần.

Tùy theo vị trí và tình hình phát triển của cơn bão, các tin báo cho nhân dân, cơ quan và bộ đội chia thành 7 loại.

1. Tin bão xa: Khi có bão ở biển Đông từ cấp 5 trở lên (trên 30 cây số mỗi giờ), còn cách xa bờ biển Việt Nam từ 1.000 cây số trở lên, và bão chưa có triệu chứng chắc chắn sẽ tiến vào nước ta thì phát “tin bão xa”.

2. Tin bão gần: Khi vùng gió bão từ cấp 5 trở lên cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam từ 500 đến 1.000 cấy số, hoặc khi vùng gió bão còn ở cách xa hơn, nhưng có triệu chứng chắc chắn sẽ tiến vào nước ta thì phát “tin bão gần”

3. Tin bão khẩn cấp: Khi vùng gió bão từ cấp 5 trở lên cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam dưới 500 cây số, thì phát “tin bão khẩn cấp” cho khu vực bị đe doạ, và tiếp tục phát “tin bão gần” cho các khu vực khác.

4. Tin bão tan: Phát đi khi bão đang tan ở ngoài biển hay trên đất liền. Trong trường hợp bão chưa tan nhưng đã đi ra khơi biển Đông không ảnh hưởng đến nước ta nữa, thì bản tin gọi là “tin bão không đến”.

5. Tin bão đính chính: Phát đi khi Nha khí tượng thủy văn nhận thấy, tình hình tiến triển của cơn bão không đúng với dự đoán trước nữa.

6. Tin bão cho miền Nam: Phát đi khi có bão đe doạ miền Nam Việt Nam, không ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc.

7. Tin bão để theo dõi: trường hợp đặc biệt, bão còn ở ngoài Thái Bình Dương, nhưng nếu bão đó rất to và Nha Khí tượng thủy văn nhận thấy có triệu chứng có thể tiến vào biển Đông thì phát “tin bão để theo dõi”. Loại tin này chỉ dành riêng cho Thủ tướng phủ, Ban chỉ huy chống lụt chống bão trung ương, Bộ Quốc phòng (Cục thông tin, Cục tác chiến, Cục phòng thủ bờ biển). Bộ Giao thông và Bưu điện, Cục vận tải thủy, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc để theo dõi trước, những không phổ biến cho nhân dân.

C. NỘI DUNG BẢN TIN BÃO

Trong mỗi bản tin báo bão phải ghi rõ:

- Loại tin bão.

- Ngày, tháng, giờ, mà cơ bão có những đặc điểm nói đến trong bản tin.

- Vị trí của trung tâm cơn bão, ghi bằng kinh độ vĩ độ, và bằng cây số cách xa bờ biển Bắc bộ hay Trung bộ.

- Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm, ghi bằng cấp gió (có giải thích thêm bằng cây số/giờ), phạm có gió khá mạnh đã lên tới cấp 5; tình hình sóng biển.

- Hướng đi của bão và tốc độ đi.

Khi bão tới gần, nếu Nha Khí tượng thủy văn dự đoán được khu vực và thời gian bão tới đất liền thì sẽ ghi thêm trong bản tin nhận định về khu vực và thời gian bão tới đất liền.

II. CÁCH THỨC BÁO TIN BÃO VÀ NHIỆM VỤ CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN

1. Nha khí thượng thủy văn:

Trong suốt thời gian có bão ở biển Đông, Nha Khí tượng thủy văn có nhiệm vụ:

- Báo tin bão cho các tàu biển ở ngoài khơi.

- Đối với bão xa, báo tin cho Thủ tướng phủ, Ban chỉ huy chống lụt chống bão trung ương, Bộ Quốc phòng, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam thông tấn xã, Bộ Giao thông và Bưu điện, Tổng cục Bưu điện, Cục vận tải thủy, Bộ Thủy lợi và Kiến trúc, Cục Hàng không dân dụng, Cục Phòng thủ bờ bể, các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh miền duyên hải (do các khu và ty bưu điện chuyển giao).

- Khi bão đến gần, thì báo “tin bão gần” cho nơi đã báo trước, báo thêm cho một số khu tỉnh ở đồng bằng hoặc trung thượng du có thể bị ảnh hưởng của bão, và phối hợp với Sở bưu điện Hà Nội báo cho các cơ quan trung ương (theo bản danh sách kèm theo sau).

- Khi có thể dự toán được hướng bão sẽ tiến vào đất liền thì báo “tin bão khẩn cấp” cho các khu tỉnh bị trực tiếp đe doạ, tiếp tục báo “tin bão gần” cho các khu tỉnh còn có thể bị ảnh hưởng của bão và báo “tin bão không đến” cho các khu tỉnh không còn bị ảnh hưởng của bão nữa. (Những khu tỉnh đã nhận được “tin bão không đến”, coi như lần này đã hết bão trong địa phương mình, sẽ không nhận được những tin tiếp tục về cơ bão ấy của Nha Khí tượng thủy văn nữa).

2. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam:

Khi nhận được tin báo bão, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phải cho phát thanh ngay nếu đang là giờ phát thanh. Nếu lúc nhận được không là giờ phát thanh thì sẽ phát thanh vào buổi gần nhất. Đặc biệt đối với các loại: tin bão gần, tin bão khẩn cấp, tin bão đính chính, nên phát thanh nhiều lần trong các buổi phát thanh. Các tin bão đó nên đọc chậm để người nghe có thể ghi chép được, sau đó đọc lại một lần để kiểm soát.

Trong kỳ phát thanh sẽ phát bản tin bão mới nhất; trong trường hợp chưa có tin mới thì đọc lại tin cũ.

3. Các cơ quan bưu điện:

Tổng cục bưu điện có nhiệm vụ:

- Chuyển ngay các điện báo tin bão của Nha Khí tượng thủy văn (theo những bản quy định giữ Nha Khí tượng thủy văn và Tổng cục bưu điện về khu vực chuyển mỗi loại tin bão, cơ quan bưu điện nhận tin bão và các cơ quan địa phương được Khu, Ty bưu điện chuyển tin bão).

- Kiểm tra xem những điện tín bão chuyển đi có được các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, nhận đầy đủ và đúng giờ không. Trong trường hợp không điện được hoặc điện bị chậm vì một lý do gì, phải báo cho Nha Khí tượng thủy văn và Ban chỉ huy chống lụt chống bão trung ương biết.

Sở bưu điện Hà Nội, các Khu, các Ty và trạm bưu điện ở địa phương nhận được tin phải chuyển ngay cho Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố và cơ quan được nhận tin, và dán một bản tại trụ sở của mình cho nhân dân xem.

Tin báo bão bằng điện tín, điện thoại, vô tuyến điện phải được chuyển theo chế độ “ưu tiên không trì hoãn”. Nếu chuyển bằng công văn thì phải chuyển hỏa tốc.

4. Cục thông tin liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng.

 Cục thông tin liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ báo tin bão cho các đơn vị bộ đội đóng ở  những vùng bị bão đe dọa. Các đơn vị bộ đội nhận được tin phải báo tin đủ và dùng cho Ủy ban Hành chính địa phương nơi mình đóng quân nếu các cơ quan này không liên lạc được với trung ương bằng bưu điện, vô tuyến điện. Các đơn vị bộ đội có nhiệm vụ báo tin bão cho nhân dân trong vùng mình đóng quân.

5. Cục phòng thủ bờ bể.

 Khi nhận được tin báo bão, các đơn vị phòng thủ bờ bể có nhiệm vụ: treo tin hiệu (nếu có tín hiệu) báo bão cho thuyền bè ngoài bể biết, báo tin cho nhân dân địa phương gần đơn vị đóng quân biết, và tuỳ theo hoàn cảnh giúp đỡ các thuyền bè của nhân dân lánh nạn lúc cần thiết.

6. Ủy ban Hành chính và Ban chỉ huy chống lụt chống bão các cấp:

Ở những địa phương có đê, có thành lập Ban chỉ huy chống lụt bão thì Ủy ban Hành chính phối hợp với Ban chỉ huy chống lụt chống bão báo tin bão cho nhân dân và lãnh đạo công tác chuẩn bị chống bão.

Ở những địa phương không có Ban chỉ huy chống lụt chống bão, thì Ủy ban Hành chính có nhiệm vụ báo tin bão cho nhân dân và lãnh đạo công tác chuẩn bị chống bão.

Khi nhận được “tin bão xa” khu, tỉnh, thành phố chỉ báo cho các cơ quan ở địa phương có nhiệm vụ theo dõi báo và đặt kế hoạch chống bão. Chưa cần báo cho nhân dân.

Khi nhận được tin bão gần, tin bão khẩn cấp, tin bão đính chính, tin bão tan, tỉnh, thành phố có nhiệm vụ huy động mọi phương tiện như điện thoại, cán bộ và công nhân viên, xe cộ để báo cáo các tin bão đó một cách hết sức nhanh chóng cho:

- Các cơ quan trực thuộc, các trạm tín hiệu của tỉnh, các Ủy ban khu phố, các huyện và xã.

- Các cơ quan hoặc xí nghiệp trực thuộc trung ương đặt tại địa phương.

Quận và khu phố nhận được tin báo bão của thành phố phải dùng mọi phương tiện (loa, yết thị…) để báo tin cho nhân dân.

Huyện nhận được tin báo bão của tỉnh hay của Nha Khí tượng thủy văn phải có người hỏa tốc báo tin bão cho các xã. Xã phải cho người hỏa tốc báo tin bão cho thôn xóm, đồng thời dùng những tín hiệu do tỉnh đã định (loa, mõ, trống hoặc đốt lửa…) để báo cho nhân dân.

7. Nhiệm vụ chung của các cơ quan:

Trong thời gian có tin báo bão, các cơ quan phải được đặt người thường trực ở cơ quan, nhất là trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ. Khi nhận được tin báo bão, người thường trực phải báo ngay cho Thủ trưởng cơ quan hoặc người thay mặt. Trong mùa bão các cơ quan phải đặt người theo dõi tin bão và phải thường xuyên nghe và ghi chép tin bão do Đài phát thanh truyền đi.

Các ngành ở trung ương cần hướng dẫn trước cho các cơ sở ở địa phương có kế hoạch phòng chống bão lụt hợp với điều kiện chuyên môn của ngành mình. Lúc có tin báo bão các cơ sở ở địa phương nhận tin và theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy chống bão chống lụt, hay của Ủy ban Hành chính địa phương mà tiến hành công tác chuẩn bị chống bão. Các ngành ở trung ương trừ trường hợp đặc biệt mới điện nên hết sức tránh gửi nhiều điện trong lúc này làm khó khăn cho bưu điện trong việc chuyển nhanh chóng tin báo bão của Nha Khí tượng thủy văn xuống các địa phương.

Các cơ quan có nhiệm vụ thi hành Thông tư này đều phải phổ biến và giải thích cho toàn thể cán bộ và nhân viên hiểu rõ tính chất quan trọng của công tác báo tin bão và trách nhiệm của mình trong công tác báo tin bão.

 

T. L.  THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỨ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ





Phan Mỹ

 

 

 

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG ĐƯỢC NHA KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VÀ SỞ BƯU ĐIỆN HÀ NỘI CHUYỂN TIN BÃO

Bảng 1. Cơ quan trung ương được Nha Khí tượng thủy văn đưa tin đến

1. Văn phòng Chủ tịch phủ.

2. Văn Phòng Thủ tướng phủ (2 bản).

3. Văn Phòng Bộ giáo dục.

4. Văn phòng Bộ Công an.

5. Văn Phòng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu (Cục tác chiến)

6. Văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện.

7. Văn phòng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc.

8. Văn phòng Bộ Nông lâm.

9. Văn phòng Bộ Công nghiệp.

10. Văn phòng Bộ Thương nghiệp

11.Văn phòng Bộ Y tế.

12. Văn phòng Bộ Cứu tế xã hội.

13. Văn phòng Bộ Thương binh Cựu binh.

14. Ban liên lạc Nông dân toàn quốc.

15. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

16. Đài tiếng nói Việt Nam.

17. Việt Nam thông tấn xã.

18. Tổng cục Bưu điện.

19. Cục thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng.

20. Cục Phòng thủ bờ bể (gọi đến nhận tin).

21. Tổng cục đường sắt.

22. Cục Vận tải thủy.

23. Ban chỉ huy chống bão chống lụt trung ương.

Bảng 2. Cơ quan trung ương được Nha Khí tượng thủy văn báo tin bão bằng điện thoại.

1. Văn phòng Thủ tướng phủ.

2. Ban chỉ huy chống bão chống lụt trung ương.

3. Đài tiếng nói Việt Nam.

4. Tổng cục Bưu điện.

5. Bộ Tổng tham mưu (Cục tác chiến).

6. Cục thông tin Liên lạc Bộ Quốc phòng.

7. Cục Hàng không dân dụng.

8. Tổng cục đường sắt.

Bảng 3. Cơ quan trung ương được Sở Bưu điện Hà Nội chuyển tin bão.

1. Văn phòng ủy ban kế hoạch Nhà nước.

2. Văn phòng Bộ Nội vụ.

3. Văn phòng Bộ ngoại giao.

4. Văn phòng Bộ Lao động.

5. Văn phòng Bộ Tài chính.

6. Văn phòng Bộ Tư pháp.

7. Văn phòng Bộ văn hóa.

8. Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam.

9. Quốc doanh vận tải.

10. Cục Điện nước.

11. Sở muối trung ương.

12. Sở kho thóc trung ương.

13. Tổng công ty xuất nhập khẩu.

14. Tổng cục Hậu cần.

15. Cục Quân khí.

16. Ủy ban Cải cách ruộng đất trung ương.

17. Ủy ban Hành chính Hà Nội.

18. Giao tế trung ương.

19. Cục Quản lý doanh trại.

20. Tổng công ty lâm thổ sản

21. Tổng công ty lương thực.

22. Tổng công ty xăng dầu mỡ.

23. Tổng công ty bách khoa.

24. Sở Hải quan trung ương.

25. Cục Điện lực.

26. Cục Cung tiêu (Bộ Công nghiệp).

27. Đoàn ca nô Tổng cục cung cấp.

Những cơ quan khác sẽ theo dõi tin bão trên Đài phát thanh hoặc nếu muốn nhận tin bão sẽ báo danh sách cho Sở Bưu điện Hà Nội.