Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 234/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HÌNH THÀNH, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 84/2009/NĐ - CP NGÀY 15/10/2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/04/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về việc kinh doanh xăng dầu (dưới đây gọi tắt là Nghị định 84/2009/NĐ-CP);
Sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 11339/BCT-TTTN ngày 10/11/2009 về Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP;

Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (sau đây gọi tắt là Quỹ Bình ổn giá).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định của Luật Thương mại; Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thông tư này không áp dụng đối với: các thương nhân được phép nhập khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không bán ra thị trường theo quy định của pháp luật; các thương nhân được phép nhập khẩu xăng dầu vào trong nước theo quy định của Luật Đầu tư, để làm hàng mẫu quảng cáo, dự hội chợ triển lãm, hoặc là hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại; thương nhân sản xuất xăng dầu bán xăng dầu cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xăng dầu quy định trong Thông tư này bao gồm: xăng, dầu điêzen, dầu hoả, dầu ma dút.

2. Giá xăng dầu thế giới là giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch trên thị trường quốc tế theo công bố của Tờ Platt's Singapore.

3. Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Quỹ Bình ổn giá (+) Lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Giá cơ sở được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

4. Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) Phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam;

5. Tỷ giá ngoại tệ để tính giá cơ sở là tỷ giá bán bình quân giữa đồng đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VNĐ) mà các ngân hàng thương mại bán cho các thương nhân đầu mối phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP.

6. Chi phí kinh doanh định mức là chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí giành cho Tổng đại lý, đại lý) để tính giá cơ sở theo mức tối đa, trong đó:

- Chi phí bán lẻ bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng, dầu điêzen, dầu hoả tối đa: 600 đồng/lít;

- Chi phí bán buôn bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu madut tối đa: 400 đồng/kg.

Các mức chi phí kinh doanh định mức tối đa trên sẽ được Bộ Tài chính Thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ.

7. Lợi nhuận định mức trước thuế là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là: 300 đồng/lít, kg và sẽ được Bộ Tài chính Thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ.

Lợi nhuận thực tế thu được trong kinh doanh phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các thương nhân.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ chế hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

1. Các Thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích bình ổn giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các Thương nhân đầu mối thực hiện.

3. Căn cứ chỉ đạo của Lãnh đạo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Tổ Giám sát Liên Ngành (Tài chính – Công Thương) về giá xăng dầu thông báo thời điểm ngừng trích, khôi phục lại mức trích Quỹ Bình ổn giá để Thương nhân đầu mối thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Quy định mức trích Quỹ Bình ổn giá thấp hơn quy định tại khoản 2 Điều này hoặc tạm thời ngừng trích Quỹ khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán hiện hành; hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân;

b) Trường hợp khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với mức giá trước khi ngừng trích hoặc giảm mức trích quy định tại điểm a nêu trên, Tổ Giám sát Liên Ngành về giá xăng dầu thông báo thời điểm khôi phục lại mức trích Quỹ Bình ổn giá theo quy định tại khoản 2 của Điều này.

4. Tổng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá được xác định bằng mức trích quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 4 Thông tư này nhân (x) với sản lượng xăng, dầu thực tế đã tiêu thụ ở thị trường nội địa trong thời gian trích lập Quỹ Bình ổn giá.

Điều 5. Cơ chế sử dụng Quỹ Bình ổn giá

Thương nhân đầu mối được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp như sau:

1. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến bảy phần trăm (≤7%) cộng (+) thêm sáu mươi phần trăm (60%) của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt 7% đến mười hai phần trăm (≤ 12%); bốn mươi phần trăm (40%) còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.

2. Sử dụng Quỹ Bình ổn giá để thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với thời gian tối thiểu giữa hai (02) lần điều chỉnh giá.

3. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán hiện hành thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán như khoản 1 Điều này. Phần chênh lệch còn lại Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá và các biện pháp kinh tế hành chính khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Trường hợp việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá và các biện pháp kinh tế hành chính khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Hạch toán, quyết toán Quỹ Bình ổn giá

1. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm hạch toán đầy đủ, chính xác khoản trích lập Quỹ Bình ổn giá vào giá vốn hàng bán.

2. Quỹ Bình ổn giá được sử dụng theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này, khi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thương nhân đầu mối hạch toán giảm giá vốn hàng bán.

3. Kết thúc năm tài chính, Quỹ Bình ổn giá có kết dư, Thương nhân đầu mối được phép kết chuyển sang năm sau.

4. Định kỳ vào ngày 30 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, Thương nhân đầu mối phải gửi báo cáo đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về tình hình trích lập, sử dụng và số dư của Quỹ Bình ổn giá của quý trước. Trong trường hợp đặc biệt, Thương nhân đầu mối phải gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều 7. Phương pháp kế toán và trình bày báo cáo tài chính đối với Quỹ Bình ổn giá

1. Bổ sung Tài khoản 357 - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

1.1 - Nội dung của Tài khoản: Tài khoản 357 dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu của Thương nhân đầu mối. Việc kế toán tài khoản này được thực hiện với một số nguyên tắc như quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

1.2 - Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 357 - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:

Bên Nợ: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giảm do sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Bên Có: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tăng do trích lập theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Số dư bên Có: Số tiền của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện còn tại thời điểm báo cáo.

2. Phương pháp kế toán trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:

2.1 - Khi trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành, kế toán ghi:

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán

Có TK 357 - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

2.2 - Khi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho mục đích bình ổn giá theo quy định của pháp luật, kế toán ghi:

Nợ TK 357 - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Có TK 632 - Giá vốn hàng bán

3. Trình bày Báo cáo tài chính:

Bổ sung chỉ tiêu “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu” - Mã số 340 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 357 “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu” trên sổ kế toán TK 357.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) giám sát việc thu, chi và số dư Quỹ Bình ổn giá của các Thương nhân đầu mối.

2. Căn cứ chỉ đạo của Lãnh đạo Liên Bộ (Tài chính - Công Thương), Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) có trách nhiệm: Thông báo thời điểm trích, thời điểm ngừng trích, mức trích Quỹ Bình ổn giá quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư này để các Thương nhân đầu mối thực hiện.

3. Trường hợp Tổ Giám sát Liên Ngành về giá xăng dầu phát hiện thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán xăng dầu không hợp lý theo quy định tại khoản 9 Điều 3 chương I, Điều 27 chương III của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và các hướng dẫn tại Thông tư này, Tổ Giám sát Liên Ngành có văn bản Thông báo đình chỉ giá bán của Thương nhân, yêu cầu Thương nhân phải bán với giá hợp lý theo các quy định trên.

4. Thanh tra Tài chính (Bộ Tài chính) có trách nhiệm truy thu và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, kế toán thống kê theo quy định hiện hành trong các trường hợp sau:

a) Truy thu vào ngân sách Nhà nước phần chênh lệch giá phát sinh giữa mức giá do Thương nhân đầu mối quy định không hợp lý với mức giá hợp lý theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này của khối lượng xăng dầu thực tế đã tiêu thụ trong toàn bộ thời gian xảy ra sai phạm.

b) Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và yêu cầu buộc phải thực hiện theo quy định khi các thương nhân đầu mối không thực hiện đúng:

- Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá quy định tại Điều 27 chương III Nghị định số 84/2009/NĐ-CP;

- Không tuân thủ mức trích, thời gian ngừng trích, hoặc thời gian bắt đầu khôi phục lại mức trích Quỹ Bình ổn giá.

- Không sử dụng Quỹ Bình ổn giá đúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

c) Không thực hiện đúng hướng dẫn về phương pháp kế toán trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và trình bày báo cáo tài chính quy định tại Điều 6, Điều 7 Chương II Thông tư này.

5. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời thực hiện việc trích lập, sử dụng, hạch toán, hướng dẫn về phương pháp kế toán trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và trình bày báo cáo tài chính Quỹ Bình ổn giá theo quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2009 là ngày Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và thay thế Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thông tư số 159/2009/TT-BTC ngày 06/8/2009 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 về hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá.

2. Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, các Thương nhân đầu mối và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án ND tối cao; Viện Kiểm soát ND tối cao;
- Bộ Công Thương;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng;
- Các doanh nghiệp KD xăng dầu đầu mối;
- TCT, Cục TCDN, Vụ CST, Vụ PC, Vụ CĐKT, TTraTC;
- Lưu: VT, Cục QLG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 234/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/12/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: 24/12/2009
  • Số công báo: Từ số 593 đến số 594
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản