Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 1960 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các vị Bộ trưởng các Bộ, |
Từ năm 1958 đến nay, tiền lương của lái xe và phụ lái xe ô tô vận tải được xác định theo trình độ kỹ thuật cao thấp khác nhau, mà chưa có sự phân biệt đãi ngộ theo tính chất lao động nặng nhọc nhiều hay ít. Vì vậy, ngoài lương cấp bậc, nghị định Liên bộ Lao động – Giao thông và Bưu điện số 52-NĐ/LB ngày 01-06-1959 đã quy định thêm một khoản phụ cấp cho lái xe và phụ lái xe ô-tô vận tải có phân biệt theo trọng tải của xe nặng hay nhẹ, theo cung độ vận chuyển và theo loại đường (đường đèo dốc hay đồng bằng).
Trong lần cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm nay, tiền lương của lái xe và phụ lái xe đã được quy định lại theo trọng tải, loại xe, loại đường. Ngoài ra, lái xe còn tùy theo trình độ kỹ thuật cao thấp mà được hưởng một khoản phụ cấp kỹ thuật. Vì vậy, chế độ phụ cấp lưu động của lái xe và phụ lái xe vận tải quy định trong nghị định Liên bộ số 52 nói trên có một số điểm không còn thích hợp nữa.
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960, có quyết định giao cho Bộ Lao động nghiên cứu điều chỉnh lại các khoản phụ cấp lưu động, Bộ Lao động ra thông tư này sửa đổi và hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp lái xe cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
Chế độ phụ cấp của lái xe vận tải ban hành trong thông tư này nhằm bồi dưỡng một phần những công nhân lái và phụ lái xe ô tô vận tải, do phải thường xuyên lưu động trên mặt đường, sinh hoạt ăn, ở không có giờ giấc nhất định, nên phải chi tiêu tốn hơn người làm công tác tĩnh lại.
I. MỨC PHỤ CẤP VÀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP
Căn cứ vào mục đích ý nghĩa trên các mức phụ cấp quy định trước đây có phân biệt theo trọng tải của xe và theo loại đường xét không còn thích hợp nữa, nay sửa lại và ấn định những trường hợp được hưởng phụ cấp và mức phụ cấp như sau:
1. Lái xe vận tải thường xuyên trên những chặng đường dài: 0đ70 một ngày, 0đ35 nửa ngày.
Những lái và phụ lái thường xuyên chạy trên chặng đường dài, dù được điều động đi công tác đột xuất hay phải thay đổi tuyến đường thì vẫn hưởng mức phụ cấp như trên là 0đ70 và 0đ35.
2. Lái xe đi công tác bất thường:
1đ20 một ngày, 0đ60 nửa ngày.
Được coi là đi công tác bất thường để hưởng phụ cấp 1đ20 một ngày, những trường hợp công nhân chỉ chuyên lái xe trong đơn vị sản xuất hoặc chỉ hoạt động trong một phạm vi nhất định, không xa trụ sở chính, thường xuyên không có phụ cấp mà bất thường do yêu cầu công tác phải đi chuyên chở xa trong thời gian không quá 10 ngày trong tháng.
Nếu đi quá 10 ngày thì từ ngày thứ 11 trở đi sẽ tính theo mức phụ cấp thường xuyên là 0đ70 một ngày, 0đ35 nửa ngày.
Trường hợp đi công tác bất thường, nếu đi từng đoàn có cấp dưỡng đi theo phục vụ, thì cũng hưởng theo mức phụ cấp thường xuyên là 0đ70 và 0đ35 kể từ ngày thứ nhất.
Phụ cấp sẽ căn cứ vào số ngày hoạt động của xe để tính, vì lái xe vận tải trên các tuyến đường làm việc không có giờ giấc nhất định, cho nên phải căn cứ vào số ngày tiêu chuẩn quy định cho từng cung độ vận chuyển và cho từng loại xe, có kết hợp với số ngày hoạt động thực tế trên đường để tính phụ cấp cho lái xe:
a) Nếu số ngày thực tế hoạt động ít hơn số ngày tiêu chuẩn, được tính theo số ngày tiêu chuẩn.
- Nếu số ngày thực tế hoạt động nhiều hơn số ngày tiêu chuẩn, nguyên tắc là không trả phụ cấp cho những ngày chậm trễ, trừ trường hợp giữa đường bị nước lũ, sạt đường, đường bị ngập lụt, hỏng cầu, cấm phà, cấm đường được cơ quan có trách nhiệm ở trên đường chứng nhận (như trạm soát Công an, người phụ trách bến phà, Ủy ban hành chính thị xã, v.v...) thì những ngày chậm trễ được thanh toán chậm trễ khác lái xe và phụ lái đều không được trả thêm phụ cấp.
Thí dụ: Số ngày tiêu chuẩn quy định cho một loại xe và một cung độ nào đó là 4 ngày (cả đi lẫn về), ra đi ngày 01-06-1960 phải về trong ngày 04-06-1960.
Nếu đến sáng ngày 04-06-1960 (sớm hơn nửa ngày) xe đã trở về, thì phụ cấp cũng được tính đủ 4 ngày: 0đ70 x 4 = 2đ80.
Trường hợp bị nghẽn giữa đường vì nước lũ, ngày 05-06-1960 xe mới về (chậm 1 ngày) thì phụ cấp được tính 5 ngày: 0đ70 x 5 = 3đ50. Nhưng vì xe hỏng ở trên đường nên đến ngày 05-06-1960 xe mới về (chậm 1 ngày) thì phụ cấp cũng chỉ được tính: 0đ70 x 4 = 2đ80.
Đối với những ngày đi chậm được trả thêm phụ cấp thì sẽ áp dụng cách tính như sau: về nơi quy định trước 9 giờ sáng không có phụ cấp, từ 9 giờ đến 15 giờ được tính nửa ngày, từ 15 giờ trở đi được tính 1 ngày.
Để làm cơ sở tính phụ cấp được dùng, các ngành cần dựa vào các yếu tố sau đây để quy định hoặc điều chỉnh số ngày tiêu chuẩn cho mỗi cung độ vận chuyển cho thích hợp với tình hình vận chuyển của đơn vị mình và tình hình đường sá đã được sửa chữa tốt hơn:
- Tình hình tốt xấu và trọng tải của từng loại xe;
- Tình hình tốt xấu của từng tuyến đường;
- Thời gian chờ đợi, bốc dỡ cần thiết của từng loại hàng;
- Luồng hàng một chiều hay hai chiều.
b) Đối với những xe vận tải không chạy trên những chặng đường nhất định (như đoàn xe vận tải thuộc Bộ Nội thương, những xe của các xí nghiệp, công trường, cơ quan di chuyển bất thường, v.v...) thì cơ quan sử dụng căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế từ trước đến nay và tham khảo các tiêu chuẩn về cung độ vận chuyển của các Công ty vận tải ô tô thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện để định thời gian đi và về của mỗi xe trước khi xe khởi hành. Thời gian đó sẽ ghi vào công lệnh cử lái xe đi công tác và làm cơ sở trên việc thanh toán phụ cấp. Nếu thời gian hoạt động thực tế của xe dài hơn hay ngắn hơn thời gian quy định thì sẽ căn cứ vào nguyên tắc nói ở điều "a" trên đây để thanh toán.
c) Về phụ cấp làm thêm giờ: Tính chất công việc của lái và phụ lái xe khác với công nhân sản xuất ở xí nghiệp ở chỗ không phân rõ được ranh giới giữa thời giờ thực tế làm việc và thời giờ nghỉ ngơi chờ đợi. Trong lương đã có sự chiếu cố đến tính chất đó, nên không đặt vấn đề thi hành chế độ phụ cấp làm thêm giờ.
Đối với công nhân lái và phụ lái xe ô tô vận tải, cần phải căn cứ vào điều kiện công tác của lái và phụ lái xe, vào tính chất phục vụ của đơn vị và dựa vào cung độ vận chuyển mà quy định số ngày tiêu chuẩn làm việc hàng tháng, gồm có những ngày hoạt động trên đường và những ngày bảo dưỡng xe. Nếu anh em làm thêm ngày ngoài số ngày tiêu chuẩn quy định hàng tháng thì được tính phụ cấp làm thêm ngày (có thông tư quy định riêng).
1. Chế độ này thi hành thống nhất cho:
a) Lái xe và phụ lái xe ô tô vận tải hoạt động trên các tuyến đường, thuộc các đoàn xe của các xí nghiệp, công trường.
b) Cán bộ đi theo phụ trách đoàn xe hay làm công tác kiểm tra thợ máy và thợ phụ đi theo xe để sửa chữa được thi hành khoản phụ cấp này.
2. Vì khoản phụ cấp này nhằm bù một phần nào sự chi tiêu khi đi đường, cho nên không thi hành đối với:
a) Giáo viên và học sinh lái xe đi thực tập trên xe.
b) Những lái và phụ lái xe ô tô vận tải trong đơn vị sản xuất của xí nghiệp và công trường.
Được coi là vận chuyển trong đơn vị sản xuất, những trường hợp xe của xí nghiệp, công trường hoạt động nói chung có giờ giấc nhất định, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, nghỉ ngơi, học tập của lái xe gắn liền với công nhân sản xuất của xí nghiệp, công trường như: lái xe tracteur ở Cảng, lái xe vận chuyển than ở mỏ, lái xe chuyên chở dụng cụ, vật liệu trong phạm vi xí nghiệp, công trường, v.v....
c) Những lái xe và phụ lái xe ô tô vận tải ngoài đơn vị sản xuất nhưng chỉ hoạt động trong một khu vực nhất định, không xa trụ sở chính, thời giờ làm việc của những công nhân này cũng có khi bị kéo dài, nhưng nói chung điều kiện sinh hoạt không khác với công nhân sản xuất của xí nghiệp, công trường như những xe chạy xung quanh thành phố, chung quanh thị xã, hoặc xung quanh thành phố, chung quanh thị xã, hoặc chuyên chở hàng ngày nguyên vật liệu, hàng hóa từ các ga ở gần đến kho các xí nghiệp, công trường.
Đối với những công nhân lái các loại xe nói ở điểm "b" và "c" trên đây, cơ quan sử dụng cần nghiên cứu định mức vận chuyển hàng ngày (theo số chuyến hay tấn cây số) để áp dụng các chế độ lương theo sản phẩm hoặc tiền thưởng. Nếu anh em làm thêm ca, thêm kíp thì nghiên cứu áp dụng chế độ phụ cấp làm thêm ca, thêm kíp.
Lái và phụ lái xe ô tô vận tải là những công nhân làm công tác lưu động. Điều kiện lao động nặng nhọc vất vả do tính chất công tác lưu động thường xuyên tạo nên, đã được đãi ngộ tướng đối thích đáng trong tiền lương chính của lái và phụ lái xe. Mặt khác, định phụ cấp cho lái và phụ lái xe vận tải trên các tuyến đường còn phải bảo đảm quan hệ đãi ngộ tốt đối với lái xe trong đơn vị sản xuất và các loại công nhân lưu động khác. Vì vậy, khi áp dụng, các ngành cần giải thích cho cán bộ và công nhân hiểu rõ mục đích ý nghĩa, và nội dung cải tiến chế độ phụ cấp của lái xe để thi hành được thông suốt và thống nhất.
Đề nghị các Bộ, các ngành căn cứ vào thông tư này giải thích, hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp của lái và phụ lái xe vận tải cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của các đơn vị vận tải thuộc ngành mình.
Thông tư này thi hành từ ngày ban hành và thay thế cho nghị định số 52-NĐ/LB ngày 01-06-1959 và thông tư số 13-TT ngày 01-06-1959 của Liên bộ Lao động – Giao thông và Bưu điện về chế độ phụ cấp cho lái xe và phụ lái xe ô tô vận tải.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Thông tư số 13-TT năm 1959 hướng dẫn Nghị định 52 năm 1959 của Liên bộ Giao thông và Bưu điện – Lao động về phụ cấp lái và phụ xe ô tô vận tải do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành
- 2Nghị định 52-NĐ/LB năm 1959 quy định tạm thời phụ cấp đi đường của lái và phụ xe ô-tô vận tải do Bộ trưởng Bộ Lao động và Bưu điện - Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành
- 1Thông tư số 13-TT năm 1959 hướng dẫn Nghị định 52 năm 1959 của Liên bộ Giao thông và Bưu điện – Lao động về phụ cấp lái và phụ xe ô tô vận tải do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành
- 2Nghị định 52-NĐ/LB năm 1959 quy định tạm thời phụ cấp đi đường của lái và phụ xe ô-tô vận tải do Bộ trưởng Bộ Lao động và Bưu điện - Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành
Thông tư 23-LĐ/TT năm 1960 về phụ cấp lưu động của lái xe và phụ cấp lái xe ô-tô vận tải trong thời gian hoạt động trên các tuyến đường do Bộ Lao Động ban hành.
- Số hiệu: 23-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/08/1960
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: 08/08/1960
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra