Hệ thống pháp luật

Điều 24 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Điều 24. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Đơn đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng các yêu cầu chung về tài liệu đơn quy định tại Điều 100, 105 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều này.

2. Đơn phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ.

3. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là các tài liệu sau đây:

a) Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn:

(i) Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(ii) Thỏa thuận, văn bản xác nhận người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của người tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm của người sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iii) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức xác nhận chức năng, thẩm quyền quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iv) Thỏa thuận, giấy đăng ký kinh doanh, tài liệu liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu của các đồng chủ sở hữu theo quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(v) Tài liệu xác nhận người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký nhãn hiệu từ người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(vi) Thỏa thuận, văn bản đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu của người đại diện, đại lý theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 6septies của Công ước Paris.

b) Tài liệu chứng minh tư cách đại diện của người nộp đơn: văn bản ủy quyền gốc của người nộp đơn; giấy tờ xác nhận đại diện của người nộp đơn là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký nhãn hiệu hoặc là người được người đó ủy quyền; giấy tờ xác nhận người được ủy quyền của người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu để đứng tên đại diện của người nộp đơn theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

c) Tài liệu chứng minh quyền sử dụng hoặc đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt theo quy định tại khoản 2, 4 và khoản 7 Điều 73, điểm p khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ; tài liệu chứng minh việc sử dụng trên nhãn hiệu chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương hoặc ký hiệu đặc trưng của một loại sản phẩm nhất định không làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch, nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng;

d) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

đ) Tài liệu để chứng minh về chức năng kiểm soát, chứng nhận của tổ chức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận;

e) Thông tin cần thiết để làm rõ hoặc khẳng định các nội dung nêu trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc trong các tài liệu đơn khác;

g) Tài liệu khác thích hợp để làm rõ tính xác thực của thông tin trong đơn.

4. Tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Liên minh hợp tác xã; các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã, nếu thành viên có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập;

b) Hội theo quy định của pháp luật về hội, nếu thành viên của hội có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập;

c) Tổ chức tập thể khác có từ 02 thành viên trở lên được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó các thành viên của tổ chức đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập, có hàng hóa hoặc dịch vụ riêng.

5. Tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận đặc tính (chất lượng, nguồn gốc v.v.) của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, là tổ chức mà hoạt động kiểm soát, chứng nhận nêu trên do chính tổ chức đó thực hiện hoặc giao, thuê, ủy quyền v.v. cho tổ chức khác thực hiện phù hợp với chức năng mà pháp luật quy định, hoặc được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ, quyết định thành lập, quyết định giao nhiệm vụ v.v. của tổ chức đó.

6. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có các nội dung tương ứng quy định tại khoản 4 và 5 Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn có trách nhiệm bảo đảm các thông tin nêu trong quy chế phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

7. Tài liệu chứng minh việc cho phép đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản cho phép sử dụng phù hợp với quy định tại điểm a và bản đồ khu vực địa lý tương ứng phù hợp với quy định tại điểm b của khoản này.

a) Văn bản cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa yếu tố đó, do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

(i) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc một địa phương);

(ii) Tất cả các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc nhiều địa phương).

b) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương phải thể hiện đầy đủ thông tin tới mức có thể xác định chính xác vùng địa lý đó và phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a khoản này.

8. Việc xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm được thực hiện theo các tiêu chí sau đây:

a) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm là dấu hiệu dùng cho sản phẩm của địa phương và có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm (chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương đó).

Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm là địa danh, hoặc dấu hiệu biểu trưng của địa phương (hình ảnh các sự vật tiêu biểu của địa phương, như biểu tượng, bản đồ, cờ, huy hiệu, thắng cảnh, công trình đặc biệt của địa phương, v.v.), hoặc có thể là bất kỳ dấu hiệu nào khác.

Địa danh có thể là tên gọi hiện hành hay tên gọi trong lịch sử hoặc tên gọi chính thức hoặc tên gọi dân gian của một khu vực địa lý đang được sử dụng để thay thế cho địa danh hiện hành hoặc được biết đến rộng rãi (xác định theo địa giới hành chính hay các phương thức địa lý học).

b) Một địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương sử dụng cho sản phẩm thông thường (không phải là đặc sản) có thể có hoặc không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm, tùy thuộc vào sản phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương.

c) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường hợp sau đây:

(i) Dùng cho đặc sản của địa phương (sản phẩm đặc biệt, có danh tiếng nhờ những đặc trưng nhất định, được sản xuất tại địa phương);

(ii) Dùng cho cây trồng, vật nuôi đặc trưng của địa phương và các sản phẩm chế biến từ cây trồng, vật nuôi đó;

(iii) Dùng cho sản phẩm khai thác nguyên liệu thiên nhiên (than, sắt, thép, nhôm, xi măng, đá, muối, gỗ, v.v.) ở địa phương;

(iv) Dùng cho những sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp phát triển ở địa phương;

(v) Dùng cho các dịch vụ đặc thù (dịch vụ có danh tiếng gắn với đặc trưng nhất định tại địa phương;

(vi) Các trường hợp khác được xác định theo sản phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương cho sản phẩm.

d) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường hợp sau đây:

(i) Đã được sử dụng với chức năng nhãn hiệu thông thường và được thừa nhận rộng rãi, tức là đạt được ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc thương mại (khả năng phân biệt) và mất ý nghĩa mô tả nguồn gốc địa lý, ví dụ: bia Hà Nội, bia Sài Gòn;

(ii) Địa phương tương ứng không thể là nơi sản phẩm được sản xuất, ví dụ: thuốc lá Bắc Cực, v.v.

Những địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương mà không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm có thể được bảo hộ như nhãn hiệu thông thường, không cần sự cho phép của chính quyền địa phương.

đ) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương thuộc kiến thức địa lý phổ thông được nhiều người biết đến (ví dụ: tên các tỉnh, thành phố, các danh lam, thắng cảnh) dùng cho sản phẩm thông thường của địa phương (kể cả sản phẩm mà địa phương có lợi thế kinh doanh nhưng chưa có danh tiếng, đặc trưng về chất lượng), được nhiều chủ thể kinh doanh ở địa phương sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ của mình có ý nghĩa mô tả địa điểm sản xuất (nhưng không có đủ căn cứ để xếp vào các trường hợp theo quy định tại điểm c và d khoản này) là dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu nhưng có thể được sử dụng làm một yếu tố phụ cấu thành nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân ở địa phương tương ứng, với điều kiện địa danh đó bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ (không bảo hộ riêng) và không phải xin phép chính quyền địa phương.

Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 23/2023/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thế Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH