Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành các quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 65/2023/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại các trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “người nộp đơn”) là tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi văn bằng bảo hộ sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là chủ văn bằng bảo hộ. Khi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là người đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

2. Người khiếu nại là tổ chức, cá nhân thực hiện việc khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành thông thường và biết rõ các kiến thức chung, phổ biến trong lĩnh vực tương ứng.

4. Công ước Paris là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, được sửa đổi năm 1967 và năm 1979.

5. Hiệp ước Budapest là Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế năm 1977, được sửa đổi năm 1980.

Điều 4. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại

1. Đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại Điều 89 và Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 89 và khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ:

(i) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại;

(ii) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại ủy quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại; người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định pháp luật về đầu tư (nếu người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức nước ngoài).

Trường hợp đối tượng yêu cầu bảo hộ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được giao trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 có hiệu lực hoặc thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng: đại diện chủ sở hữu nhà nước; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo ủy quyền của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

b) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 89 và khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ: tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại.

2. Khi tiến hành các thủ tục liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ được phép giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều này. Việc thực hiện giao dịch với các chủ thể nêu trên sau đây gọi chung là giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại.

Điều 5. Ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Việc ủy quyền đại diện, bao gồm cả việc ủy quyền lại và thực hiện ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “ủy quyền”) phải phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền của Bộ luật dân sự, Điều 107 của Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Thông tư này.

Người nộp đơn, người khiếu nại có thể thay đổi người đại diện (sau đây gọi là thay thế ủy quyền). Việc thay thế ủy quyền làm chấm dứt quan hệ ủy quyền giữa người nộp đơn, người khiếu nại với người đang được ủy quyền. Việc thay thế ủy quyền phải được người nộp đơn, người khiếu nại tuyên bố bằng văn bản (ngay trong văn bản ủy quyền hoặc văn bản riêng).

Người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác theo quy định của Bộ luật dân sự với điều kiện tổ chức, cá nhân được ủy quyền lại đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này. Việc ủy quyền lại chỉ được thực hiện sau khi ủy quyền ban đầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời điểm văn bản ủy quyền được thừa nhận trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận văn bản ủy quyền hợp lệ. Đối với trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại hoặc sửa đổi về thông tin liên quan đến việc thay đổi phạm vi ủy quyền, chấm dứt ủy quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên được ủy quyền, thời điểm này là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận các tài liệu hợp lệ tương ứng.

3. Trường hợp văn bản ủy quyền được nộp muộn hơn ngày nộp đơn nhưng trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc được thụ lý, Cục Sở hữu trí tuệ giao dịch với người tự xưng danh là đại diện cho người nộp đơn, người khiếu nại (trong tờ khai hoặc trong đơn khiếu nại) nhằm thực hiện thủ tục thẩm định hình thức để kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, được thụ lý hay không được thụ lý, bao gồm cả kết luận về tính hợp pháp về tư cách đại diện.

4. Mọi giao dịch của bất kỳ bên được ủy quyền nào trong phạm vi ủy quyền tại bất kỳ thời điểm nào đều được coi là giao dịch nhân danh người nộp đơn, người khiếu nại, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người nộp đơn, người khiếu nại. Trong trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại, bên được thay thế ủy quyền hoặc bên được ủy quyền lại kế tục việc đại diện với mọi vấn đề phát sinh do bên được ủy quyền trước thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Nếu văn bản ủy quyền có phạm vi ủy quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được ủy quyền phải nộp bản sao văn bản ủy quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc văn bản ủy quyền đó trong tờ khai hoặc tài liệu của thủ tục tiếp theo.

6. Trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân không được phép đại diện hoặc ủy quyền cùng một lúc cho nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có tổ chức, cá nhân không được phép đại diện thì đơn bị coi là không hợp lệ.

Điều 6. Trách nhiệm của người nộp đơn, người khiếu nại và đại diện

1. Người nộp đơn, người khiếu nại và đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo các quy định sau đây:

a) Mọi tài liệu giao dịch phải được người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại tự xác nhận bằng chữ ký của mình và con dấu của tổ chức (nếu có). Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần phải được công chứng hoặc chứng thực thì phải được thực hiện theo quy định đó.

b) Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt đều phải có cam kết của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại bảo đảm là dịch nguyên văn từ tài liệu đó trừ trường hợp bản dịch tiếng Việt đã được công chứng xác nhận bản dịch;

c) Trường hợp đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện cho tổ chức đó ký tài liệu giao dịch phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

2. Người nộp đơn hoặc người khiếu nại phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của người nộp đơn thực hiện trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

3. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại phải chịu trách nhiệm trước người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Phí, lệ phí sở hữu công nghiệp

1. Người nộp đơn và người sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp phải nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và phí dịch vụ khác theo quy định.

2. Việc thu phí, lệ phí được thực hiện như sau:

a) Khi tiếp nhận đơn hoặc yêu cầu tiến hành các thủ tục có quy định thu phí, lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu người nộp đơn nộp phí, lệ phí theo quy định (lập phiếu báo thu cho người nộp đơn);

b) Khi thu phí, lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ lập biên lai thu phí, lệ phí làm chứng từ nộp phí, lệ phí có ghi rõ các khoản và mức phí, lệ phí đã thu, lưu vào hồ sơ đơn để phục vụ việc thẩm định hình thức đơn;

c) Trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ, việc thu phí, lệ phí được xác định thông qua bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí trong đơn.

Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 23/2023/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thế Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH