Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương III

PHÂN TÍCH, THỐNG KÊ, BÁO CÁO VỀ SỰ CỐ, TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 31. Phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

1. Sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải được tiến hành phân tích nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra biện pháp khắc phục và phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp tương tự xảy ra. Việc phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi có kết quả phân tích vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, Chủ tịch Hội đồng được thành lập theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản 5 Điều 5 của Thông tư này có trách nhiệm thông báo kết quả đến các cơ quan, tổ chức sau:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đối với các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia;

b) Cơ quan quản lý theo phân cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường sắt đô thị đối với các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt đô thị;

c) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đối với các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt chuyên dùng.

3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm báo cáo kết quả phân tích tai nạn giao thông đường sắt về Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Điều 32. Quy định chế độ lưu trữ, thống kê, báo cáo sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

1. Tất cả các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đều phải được lập hồ sơ lưu trữ để làm cơ sở phân tích, kết luận nguyên nhân, tổng hợp tình hình an toàn chung trong hoạt động đường sắt. Hồ sơ lưu trữ bao gồm hồ sơ vụ việc về sự cố, tai nạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Thông tư này (đối với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng), Khoản 3 Điều 23 của Thông tư này (đối với đường sắt đô thị) và kết luận điều tra vụ sự cố, tai nạn của cơ quan công an có thẩm quyền.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng có trách nhiệm:

a) Lưu trữ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Thống kê, báo cáo, tổng hợp tình hình về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

3. Nội dung thống kê, báo cáo, tổng hợp tình hình về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt theo Mẫu báo cáo thống kê quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Chế độ báo cáo thống kê:

a) Các tổ chức nêu tại Khoản 2 Điều này báo cáo định kỳ (hàng tháng, quý, năm) hoặc đột xuất theo yêu cầu về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng về các cơ quan theo quy định như sau:

Đối với sự cố, tai nạn xảy ra trên đường sắt quốc gia: Bộ Giao thông Vận tải (qua email: vanthu.atgt@mt.gov.vn) và Cục Đường sắt Việt Nam (qua email: cucduongsat@mt.gov.vn);

Đối với sự cố, tai nạn xảy ra trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng: Cơ quan quản lý theo phân cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Báo cáo tháng: Kỳ báo cáo từ ngày 16 tháng trước đến ngày 15 của tháng báo cáo; thời gian báo cáo từ ngày 16 đến ngày 20 của tháng báo cáo;

c) Báo cáo quý: Kỳ báo cáo từ ngày 16 của tháng cuối quý trước đến ngày 15 tháng cuối của quý báo cáo; thời gian báo cáo từ ngày 16 đến ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo;

d) Báo cáo năm: Kỳ báo cáo từ ngày 16 tháng 12 của năm trước năm báo cáo đến hết ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo; thời gian báo cáo từ ngày từ ngày 16 đến ngày 20 của tháng cuối năm báo cáo;

đ) Nội dung, biểu mẫu báo cáo: Theo Phụ lục số 78 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo từ doanh nghiệp kinh doanh đường sắt theo quy định tại Khoản 4 Điều này:

Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình sự cố, tai nạn giao thông đường sắt;

Cơ quan quản lý theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình sự cố, tai nạn giao thông đường sắt trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng;

f) Trường hợp đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các tổ chức có liên quan báo cáo riêng.

Điều 33. Quản lý cơ sở dữ liệu về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

1. Sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đều phải được tổng hợp, thống kê, lưu trữ và cung cấp cho các cơ quan khi có yêu cầu.

2. Các tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều 32 của Thông tư này có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đảm bảo tính chính xác số liệu đã công bố theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 23/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: 02/06/2018
  • Số công báo: Từ số 663 đến số 664
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH