Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Mục 3. TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ, TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Điều 20. Tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn

1. Trách nhiệm tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn:

a) Khi tai nạn xảy ra trong khu gian do lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu tổ chức thực hiện;

b) Khi tai nạn xảy ra trong phạm vi ga đường sắt do nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga tổ chức thực hiện.

2. Nội dung tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn:

Căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện các quy định sau:

a) Nếu vị trí xảy ra tai nạn thuận lợi cho việc đưa nạn nhân đi cấp cứu bằng các phương tiện giao thông khác thì phải cử người hoặc huy động khẩn cấp người, phương tiện đưa nạn nhân đến nơi gần nhất có cơ sở y tế để cấp cứu, sau khi đã sơ cứu cho nạn nhân;

b) Trường hợp không thực hiện được theo quy định tại điểm a Khoản này thì nhanh chóng đưa nạn nhân lên tàu hoặc đầu máy, đến ga tiếp theo gần nhất để tổ chức cấp cứu cho người bị nạn trong trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng và được phép tiếp tục chạy tàu theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp không thực hiện theo điểm a, điểm b Khoản này, phải đề nghị Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc các tổ chức, cá nhân nơi gần nhất để hỗ trợ phương tiện, thuốc men cấp cứu người bị nạn;

d) Khi có người bị thương trong ga hoặc trên tàu giao xuống ga thì nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga tổ chức việc sơ cứu, cấp cứu người bị nạn;

e) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 44 Luật Đường sắt.

Điều 21. Tổ chức phòng vệ địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn

1. Khi sự cố, tai nạn xảy ra trên đường sắt đô thị, lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (nếu đoàn tàu vận hành ở chế độ lái tự động không có lái tàu) phải báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu của Trung tâm điều hành vận tải đường sắt đô thị để tổ chức phòng vệ khu vực xảy ra tai nạn và báo cho các đoàn tàu phía sau dừng tàu.

2. Lái tàu, nhân viên hỗ trợ an toàn sau khi báo cáo tình hình sự cố, tai nạn cho nhân viên điều độ chạy tàu phải tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn, trấn an tinh thần cho hành khách trên tàu.

3. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có trách nhiệm quy định, ban hành biện pháp phòng vệ khi phải dừng tàu.

Điều 22. Báo tin và xử lý tin báo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

1. Khi có sự cố, tai nạn xảy ra lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn phải báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu.

2. Nhân viên điều độ chạy tàu phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Các ga hai đầu khu gian;

b) Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị.

3. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Cơ quan công an nơi gần nhất;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong trường hợp xảy ra tai nạn chết người và trong các trường hợp cần sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các cấp) và các đơn vị có liên quan.

4. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị quy định việc báo tin sự cố giao thông đường sắt gây ra không phải dừng tàu, không bế tắc chính tuyến, không ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu.

5. Trường hợp quá thời gian chạy tàu trong khu gian theo kế hoạch chạy tàu mà không xác định được thông tin về đoàn tàu, nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga đón phải thông báo tới Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị để có biện pháp xử lý tình huống và tổ chức xác định vị trí đoàn tàu trong khu gian. Đồng thời báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu để có biện pháp xử lý tình huống.

6. Biện pháp báo tin:

a) Khi xảy ra sự cố, tai nạn các cá nhân có liên quan phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp, thông qua các phương tiện thông tin, liên lạc hoặc gặp trực tiếp để báo tin về sự cố, tai nạn đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Trong trường hợp các cá nhân quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này không thể liên lạc được với một trong số các tổ chức, cá nhân có liên quan thì yêu cầu tổ chức, cá nhân mình đã liên lạc được cùng phối hợp, hỗ trợ trong việc báo tin cho tổ chức, cá nhân còn lại.

7. Nội dung thông tin ban đầu về sự cố, tai nạn phải kịp thời, chính xác và bao gồm các nội dung sau:

a) Địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn (km, khu gian, xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố);

b) Thời gian xảy ra sự cố, tai nạn;

c) Số người chết, số người bị thương (nếu có);

d) Sơ bộ trạng thái hiện trường, phương tiện bị sự cố, tai nạn; kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng do sự cố, tai nạn gây ra;

đ) Ngoài việc báo tin ban đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nhân viên điều độ chạy tàu phải lập báo cáo tai nạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo tai nạn được gửi cùng Hồ sơ vụ việc về sự cố, tai nạn tới các cơ quan chức năng theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 của Thông tư này.

8. Xử lý tin báo về sự cố, tai nạn:

a. Mọi tổ chức, cá nhân khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn hoặc yêu cầu phối hợp, hỗ trợ trong việc báo tin phải tìm mọi biện pháp để thực hiện theo đề nghị và báo lại cho người đề nghị (nếu được), đồng thời phải triển khai thực hiện ngay các công việc, biện pháp nghiệp vụ theo quy định nếu vụ tai nạn, sự cố thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình.

b. Nếu sự cố, tai nạn không thuộc phạm vi, trách nhiệm giải quyết của mình thì tiếp tục báo tin cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, phải phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.

Điều 23. Lập hồ sơ vụ việc vụ tai nạn

1. Các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Thông tư này phải thực hiện lập Hồ sơ vụ việc đối với tai nạn giao thông đường sắt (sau đây gọi là Hồ sơ vụ việc vụ tai nạn).

2. Các Hồ sơ vụ việc nêu tại Khoản 1 Điều này phải được giao lại cho nhân viên phục vụ chạy tàu ga gần nhất để chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Hồ sơ vụ việc nêu tại Khoản 1 Điều này gồm có:

a) Báo cáo tai nạn giao thông đường sắt theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Biên bản vụ tai nạn giao thông đường sắt theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo của nhân viên đường sắt có liên quan theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Báo cáo của người chứng kiến (nếu có) nhưng không có trách nhiệm liên quan đến tai nạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Biên bản bàn giao nạn nhân, tài sản và các giấy tờ có liên quan khi xảy ra vụ tai nạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sắt theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga sau khi tiếp nhận Hồ sơ vụ việc vụ tai nạn theo quy định tại Khoản 2 Điều này phải lập thành các bản sao Hồ sơ và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho các cơ quan, tổ chức sau:

a) 01 bộ gửi cho cơ quan công an cấp quận, huyện nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt;

b) 01 bộ gửi cho Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị;

c) 01 bộ gửi cho đơn vị trực tiếp quản lý khai thác đường sắt thuộc doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị;

d) Thời gian thực hiện các nội dung quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản này thực hiện trong vòng 12 giờ, kể từ khi tai nạn xảy ra.

Điều 24. Báo tin, xử lý tin báo và lập hồ sơ vụ việc sự cố giao thông đường sắt

Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị quy định việc báo tin, xử lý tin báo, lập Hồ sơ vụ việc giải quyết sự cố giao thông đường sắt đô thị không phải dừng tàu, bế tắc chính tuyến, ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu trong phạm vi quản lý khai thác.

Điều 25. Giải quyết hậu quả tai nạn giao thông đường sắt đô thị trong trường hợp có người chết

1. Lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (trường hợp tai nạn xảy ra ở trong khu gian) hoặc nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga (trường hợp tai nạn xảy ra trong phạm vi ga) có trách nhiệm giải quyết hậu quả ban đầu vụ tai nạn.

2. Trình tự giải quyết:

a) Nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu có trách nhiệm trông coi, bảo vệ nạn nhân cho đến khi bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

b) Trường hợp tàu có thể tiếp tục chạy được mà vị trí người chết trở ngại đến chạy tàu thì nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu phải đánh dấu, xác định vị trí người chết (phải ghi rõ trong biên bản tai nạn) rồi đưa ra khỏi phạm vi trở ngại để cho tàu chạy tiếp;

c) Trường hợp tai nạn xảy ra mà trên tàu chỉ có một lái tàu thì lái tàu có quyền giao nhiệm vụ cho nhân viên đường sắt đang làm nhiệm vụ tại nơi xảy ra tai nạn hoặc gần nơi xảy ra tai nạn ở lại trông coi nạn nhân, bảo vệ tài sản của nạn nhân;

d) Trường hợp không thực hiện được theo quy định tại điểm c Khoản này, lái tàu phải liên hệ với nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga gần nhất để cử người đến trông coi nạn nhân và bảo vệ tài sản của nạn nhân. Trong thời gian chờ nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, lái tàu phải trực tiếp ở lại trông coi nạn nhân và bảo vệ tài sản của nạn nhân.

4. Trường hợp có người chết trên tàu thì lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn đưa thi thể nạn nhân, tài sản của nạn nhân xuống ga gần nhất theo hướng tàu chạy, làm thủ tục và bàn giao cho nhân viên phục vụ chạy tàu ga giải quyết.

5. Khi có người chết vì tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi ga hoặc trên tàu giao xuống ga thì nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga phải tổ chức trông coi nạn nhân, bảo vệ tài sản của nạn nhân và phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có chức năng khác tiếp tục giải quyết.

6. Trình tự giải quyết chôn cất đối với nạn nhân bị chết:

a) Trường hợp nạn nhân bị chết có thân nhân đi cùng thì nhân viên phục vụ chạy tàu ga và thân nhân người bị nạn có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan công an nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt làm thủ tục theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp nạn nhân bị chết không có thân nhân đi cùng, nạn nhân không rõ tung tích, nhân viên phục vụ chạy tàu ga có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan công an nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt làm thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 44 Luật Đường sắt;

c) Trường hợp nạn nhân bị chết là người nước ngoài, nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga phối hợp với công an, chính quyền địa phương báo cáo về cơ quan công an cấp tỉnh để giải quyết.

7. Hồ sơ chôn cất nạn nhân thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

8. Khi Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tai nạn tại hiện trường (trong trường hợp nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga không được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tai nạn) thì nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga báo cáo lại và thực hiện các công việc giải quyết hậu quả đối với người bị chết theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tai nạn.

Điều 26. Khôi phục giao thông trong trường hợp phải xin cứu hộ

1. Khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt hoặc các trường hợp bất thường khác dẫn đến phải ngừng tàu mà những người có mặt tại hiện trường không có khả năng giải quyết để bảo đảm an toàn cho tàu chạy tiếp thì lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (nếu xảy ra ngoài khu gian), nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga (nếu xảy ra trong ga) phải yêu cầu Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt cứu hộ.

2. Người yêu cầu cứu hộ phải khẩn trương quan sát hiện trường, tổng hợp tình hình, thông báo đầy đủ, chính xác nội dung của yêu cầu cứu hộ và chịu trách nhiệm về nội dung yêu cầu cứu hộ của mình. Sau khi yêu cầu cứu hộ, cùng nhân viên các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường tiến hành kiểm tra, xem xét hiện trường rồi lập biên bản ban đầu, đồng thời phân công người bảo vệ hiện trường cho đến khi cơ quan chức năng đến giải quyết.

3. Trong những trường hợp nhận được thông tin cứu hộ tai nạn chạy tàu xảy ra trong khu gian do người không làm công tác chạy tàu trong khu gian báo tin thì nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga phải báo ngay về nhân viên điều độ chạy tàu của tổ chức điều hành chạy tàu thống nhất phương án nhanh nhất cử người đến hiện trường kiểm tra cụ thể để làm thủ tục xin cứu hộ.

4. Khi doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết thì lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra trong khu gian), nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga (trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra trong ga) phải bàn giao hồ sơ, giấy tờ, trang thiết bị, các vật chứng có liên quan khác thực hiện theo yêu cầu.

5. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị quy định việc tổ chức cứu hộ, khôi phục giao thông trên đường sắt do mình quản lý, khai thác.

Điều 27. Khôi phục giao thông đường sắt trong trường hợp không phải xin cứu hộ

1. Khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (nếu xảy ra trong khu gian), nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga (nếu xảy ra trong ga) sau khi đã phối hợp với các cá nhân có liên quan kiểm tra đầu máy, toa xe, thiết bị trên đường sắt, xác định mọi chướng ngại đã được đưa ra ngoài khổ giới hạn đầu máy, toa xe thì cho tàu chạy tiếp sau khi đã lập xong Hồ sơ vụ việc và cử nhân viên đường sắt thay mình ở lại làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (khi xảy ra tai nạn trong khu gian).

2. Trường hợp tàu đâm, va với chướng ngại mà không đe dọa đến an toàn chạy tàu hoặc không gây thiệt hại về người thì không phải dừng tàu.

Điều 28. Kinh phí ban đầu để giải quyết hậu quả tai nạn giao thông đường sắt

Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị chịu trách nhiệm về kinh phí để phục vụ việc giải quyết hậu quả sự cố, tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi tuyến đường sắt được giao kinh doanh, khai thác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Xác định mức độ thiệt hại do sự cố, tai nạn giao thông đường sắt gây ra

Để làm cơ sở xác định mức độ thiệt hại phục vụ công tác bồi thường, việc xác định mức độ thiệt hại thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị chủ trì xác định mức độ thiệt hại do sự cố, tai nạn giao thông đường sắt gây ra trong phạm vi tuyến đường sắt được giao kinh doanh, khai thác và có trách nhiệm:

a) Tổ chức lập và phê duyệt dự toán chi phí thiệt hại về phương tiện giao thông đường sắt, thiệt hại ảnh hưởng đến chạy tàu do sự cố, tai nạn gây ra;

b) Lập dự toán chi phí thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do sự cố, tai nạn giao thông đường sắt gây ra theo quy định của pháp luật trình cơ quan quản lý theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp cần sự xác minh, điều tra của cơ quan điều tra thì trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra về xử lý vi phạm và điều tra xác minh, giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và mức độ thiệt hại thực tế để làm căn cứ bồi thường.

Điều 30. Bồi thường thiệt hại

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị chủ trì thực hiện việc bồi thường thiệt hại do sự cố, tai nạn giao thông đường sắt gây ra trên đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật;

2. Mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí giải quyết sự cố, tai nạn do hành vi vi phạm của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Sau khi giải quyết xong hậu quả sự cố, tai nạn giao thông đường sắt doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị và bên gây ra thiệt hại thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức độ và hình thức, thời gian thực hiện bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan.

4. Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận khắc phục hậu quả được thì thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 23/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: 02/06/2018
  • Số công báo: Từ số 663 đến số 664
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH