Hệ thống pháp luật

Điều 14 Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 14. Danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ ETF

1. Danh mục đầu tư của quỹ ETF phải phù hợp với danh mục của chỉ số tham chiếu về cơ cấu, tỷ trọng tài sản quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này và bảo đảm mức sai lệch xác định theo điểm a khoản 3 Điều 10 không vượt quá mức sai lệch tối đa quy định tại điều lệ quỹ, quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán và các quy định của pháp luật.

2. Danh mục đầu tư của quỹ ETF bao gồm các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của chỉ số tham chiếu và các tài sản tài chính sau đây tại Việt Nam:

a) Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật về ngân hàng; công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tiền và đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ tại các ngân hàng thương mại đã được ban đại diện quỹ phê duyệt;

b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; tín phiếu Kho bạc nhà nước;

c) Cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

d) Chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại các Sở Giao dịch Chứng khoán của Việt Nam. Việc đầu tư vào chứng khoán phái sinh chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu;

e) Các tài sản khác phát sinh từ việc sở hữu các chứng khoán có trong danh mục của quỹ ETF.

3. Cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ ETF phải phù hợp với các quy định tại điều lệ quỹ và phải bảo đảm:

a) Không đầu tư vào quá mười lăm phần trăm (15%) tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, ngoại trừ trái phiếu Chính phủ;

b) Không đầu tư quá hai mươi phần trăm (20%) tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán phát hành bởi cùng một tổ chức, ngoại trừ trái phiếu Chính phủ;

c) Không được đầu tư quá ba mươi phần trăm (30%) tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu;

d) Không đầu tư vào chứng chỉ của chính quỹ đó, hoặc của các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam;

đ) Không được đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu chưa niêm yết, cổ phiếu chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, trái phiếu phát hành riêng lẻ; trừ trường hợp đó là các tài sản quỹ được hưởng lợi từ các quyền của chủ sở hữu;

e) Không được đầu tư vào chứng khoán phát hành bởi công ty quản lý quỹ, người có liên quan của công ty quản lý quỹ, thành viên lập quỹ trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu;

g) Tại mọi thời điểm, tổng giá trị cam kết trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh và dư nợ các khoản phải trả của quỹ, không được vượt quá giá trị tài sản ròng của quỹ.

4. Công ty quản lý quỹ không được phép vay để tài trợ cho các hoạt động của quỹ ETF, trừ trường hợp vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ. Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ không được quá năm phần trăm (5%) giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa là ba mươi (30) ngày.

5. Cơ cấu đầu tư của quỹ ETF quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều này được phép sai lệch nhưng không quá mười lăm phần trăm (15%) so với các hạn chế đầu tư quy định nêu trên và chỉ do các nguyên nhân sau:

a) Biến động giá trên thị trường của tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ;

b) Hoạt động chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, thâu tóm, chào mua công khai của các tổ chức phát hành;

c) Cơ cấu danh mục chứng khoán của chỉ số tham chiếu thay đổi;

d) Quỹ thực hiện các khoản thanh toán hợp pháp; thực hiện các hoạt động hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

đ) Quỹ đang trong thời gian thanh lý, giải thể hoặc thời gian hoạt động của quỹ tính từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực chưa quá chín mươi (90) ngày.

6. Trong thời hạn ba (03) tháng, kể từ ngày sai lệch phát sinh do các nguyên nhân quy định tại điểm a, b,c và d khoản 5 Điều này, công ty quản lý quỹ phải hoàn tất việc điều chỉnh lại danh mục đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này và tại điều lệ quỹ.

7. Trường hợp sai lệch là do công ty quản lý quỹ không tuân thủ các hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ quỹ, thì phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày phát hiện ra sai lệch. Công ty quản lý quỹ phải bồi thường thiệt hại cho quỹ (nếu có) và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc điều chỉnh lại danh mục đầu tư. Nếu phát sinh lợi nhuận, phải hạch toán ngay mọi khoản lợi nhuận có được cho quỹ.

8. Trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày hoàn tất việc điều chỉnh lại danh mục đầu tư, công ty quản lý quỹ phải công bố thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này, đồng thời thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các sai lệch cơ cấu danh mục đầu tư, nguyên nhân, thời điểm phát sinh hoặc phát hiện ra sự việc, mức độ thiệt hại gây ra cho quỹ (nếu có) hoặc lợi nhuận tạo cho quỹ (nếu có), biện pháp khắc phục, thời gian và kết quả khắc phục. Thông báo phải có ý kiến xác nhận của ngân hàng giám sát.

Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 229/2012/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 221 đến số 222
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH