Hệ thống pháp luật

Điều 6 Thông tư 225/2010/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Điều 6. Lập kế hoạch tài chính dự án viện trợ

1. Kế hoạch tài chính dự án viện trợ là kế hoạch giải ngân vốn viện trợ và vốn đối ứng của các dự án ODA không hoàn lại và dự án viện trợ PCPNN (bao gồm cả kế hoạch vốn cho thời kỳ chuẩn bị và thời kỳ thực hiện dự án), do các chủ dự án viện trợ lập theo các hướng dẫn về lập kế hoạch tài chính đối với các dự án ODA quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Kế hoạch tài chính dự án viện trợ phải phù hợp với văn kiện dự án viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kèm theo báo cáo thuyết minh cụ thể cơ sở, căn cứ tính toán.

Kế hoạch tài chính dự án viện trợ hàng năm được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

2. Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán NSNN, chủ dự án viện trợ lập kế hoạch tài chính dự án viện trợ cùng với dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao, gửi cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (trường hợp không phải là đơn vị dự toán cấp I) có trách nhiệm xem xét, tổng hợp dự toán ngân sách của các đơn vị cấp dưới trực thuộc để gửi cho cơ quan quản lý cấp trên là đơn vị dự toán cấp I.

Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương (đơn vị dự toán cấp I) xem xét, tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc vào dự toán ngân sách thuộc phạm vi trực tiếp quản lý, gửi cơ quan Tài chính và cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp.

Sau khi dự toán ngân sách hàng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự toán được giao cho các Bộ, địa phương thực hiện.

3. Đối với viện trợ nước ngoài trực tiếp cho ngân sách nhà nước theo các chương trình “hỗ trợ tiếp cận theo ngành, lĩnh vực”:

Vào thời điểm lập dự toán NSNN hàng năm, căn cứ vào nhu cầu giải ngân cho năm kế hoạch và tình hình thực hiện chương trình năm trước, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm lập và tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn viện trợ của chương trình.

Bộ Tài chính phối hợp với Bên tài trợ để xác định chính thức mức giải ngân vốn viện trợ năm kế hoạch và thông báo cho chủ dự án để xây dựng phương án phân bổ dự toán của chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.

4. Đối với “vốn viện trợ hỗ trợ trực tiếp cho NSNN” được cân đối vào dự toán thu NSNN hàng năm và bố trí dự toán chi NSNN để thực hiện các nhiệm vụ chi chung của NSNN. Việc lập dự toán nguồn vốn viện trợ hỗ trợ trực tiếp cho NSNN được thực hiện theo các quy định về lập và chấp hành ngân sách hiện hành và phù hợp với các điều ước, thoả thuận quốc tế đã ký kết (nếu có).

5. Không phải lập kế hoạch tài chính viện trợ nước ngoài đối với các khoản viện trợ phi dự án, viện trợ hàng hoá, cứu trợ khẩn cấp, hoặc với các dự án do Bên tài trợ trực tiếp quản lý. Căn cứ vào thực tế tiền, hàng viện trợ, hoặc tài sản bàn giao của Bên tài trợ, cơ quan hoặc đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận, sử dụng khoản viện trợ phi dự án, viện trợ hàng hoá, tài sản bàn giao từ dự án do Bên tài trợ trực tiếp quản lý có trách nhiệm gửi báo cáo thực hiện kèm theo hồ sơ viện trợ cho cơ quan chủ quản và cơ quan Tài chính để làm thủ tục xác nhận viện trợ và hạch toán ngân sách.

6. Trong trường hợp điều ước, thoả thuận quốc tế về dự án đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, hoặc đã có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước, trong thời hạn lập dự toán ngân sách hàng năm, cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bố trí trong dự phòng chi XDCB hoặc từng lĩnh vực chi HCSN, trình cấp có thẩm quyền quyết định (nếu là trường hợp ngân sách trung ương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng), hoặc chủ dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan chủ quản dự án ở địa phương để bố trí trong dự phòng ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định (nếu là trường hợp ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng).

7. Đối với các dự án viện trợ được phê duyệt sau thời điểm lập kế hoạch ngân sách hàng năm, cơ quan chủ quản lập kế hoạch bổ sung vào thời gian bổ sung kế hoạch ngân sách hàng năm. Đối với các khoản viện trợ PCPNN nhỏ, lẻ, phát sinh đột xuất trong năm, cơ quan chủ quản báo cáo cơ quan Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan Tài chính đồng cấp để xử lý từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào thông báo giải ngân của Bên tài trợ.

8. Kế hoạch tài chính dự án viện trợ nước ngoài hàng năm, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thông báo, là cơ sở để cơ quan Tài chính thực hiện việc rút vốn viện trợ, cấp phát vốn đối ứng và quản lý tài chính đối với dự án.

9. Đối với một số dự án viện trợ nhỏ, có thời gian thực hiện gối đầu giữa 2 năm ngân sách liên tục, thì kế hoạch tài chính lập năm trước được chuyển sang năm sau để thực hiện, không phải lập kế hoạch tài chính cho năm sau.

Thông tư 225/2010/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 225/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: 26/01/2011
  • Số công báo: Từ số 69 đến số 70
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra