Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TC/CTN

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1988

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22-TC/CTN NGÀY 9-6-1988 VỀ VIỆC THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐÁNH BẮT, NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN.

Căn cứ vào Pháp lệnh ngày 17-11-1987 của Hội đồng Nhà nước sửa đổi một số điều trong Điều lệ thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá; căn cứ vào điều 13 Nghị định số 9-HĐBT ngày 30-1-1988 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh nói trên; Quyết định số 347-CT ngày 14-12-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh nuôi tôm xuất khẩu.
Để phù hợp với đặc điểm riêng của hoạt động nghề cá sau khi thống nhất với Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính quy định về việc thu thuế vào hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ

Tất cả các tổ chức và cá nhân (gồm hợp tác xã, tập đoàn, tổ sản xuất, liên doanh, các tổ chức đoàn thể, các hộ tư nhân, cá thể) làm nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên sông, biển, ao hồ, hoạt động thường xuyên hay theo mùa vụ, không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp hoặc thu quốc doanh, đều phải nộp thuế đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại Thông tư này.

II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ

Căn cứ tính thuế là doanh số và thuế suất.

1. Về doanh số. Doanh số (=) sản lượng x giá tính thuế.

a) Sản lượng tính thuế là sản lượng đánh bắt thường niên theo định mức năng suất nghề nghiệp của từng loại phương tiện, thuộc từng ngành nghề, theo từng khu vực. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan thuỷ sản tham khảo sản lượng của 3 năm kế hoạch, loại trừ những vụ mất mùa, xác định sản lượng định mức, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định và được ổn định trong thời hạn 3 năm. Trường hợp có sự thay đổi về phương tiện đánh bắt (cỡ loại tàu thuyền, ngư cụ), ngư trường, ngành nghề, tổ chức kinh doanh làm sản lượng biến động tăng hoặc giảm từ 20% trở lên thì phải xác định lại sản lượng tính thuế.

b) Giá tính thuế: Nếu bán sản phẩm cho Nhà nước thì tính toán theo giá bán cho Nhà nước, nếu bán ra thị trường tự do thì tính theo giá thị trường tự do trong từng thời gian, ở từng khu vực. Do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định.

2. Về thuế suất:

Việc xác định thuế suất khác nhau giữa các ngành nghề nhằm khuyến khích làm ăn tập thể, khuyến khích nghề khơi, đầu tư mở rộng sản xuất, hạn chế nghề có hại đến nguồn lợi thuỷ sản và gây cản trở giao thông, chiếu cố những nghề có thu nhập thấp.

Thuế suất đối với hoạt động đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản được quy định như sau:

Số TT

Ngành nghề

Thuế suất trên doanh số

Tập thể %

Cá thể %

1

Nghề lưới kéo

6 đến 7

7 đến 8

2

Nghề vỏ mành

6 đến 7

7 đến 8

3

Nghề lưới vây

7 đến 8

8 đến 9

4

Nghề lưới rê

7 đến 8

8 đến 9

5

Nghề đăng đáy

8 đến 9

9 đến 10

6

Nghề te, xiệp, chân, đơn

8 đến 9

9 đến 10

7

Nghề rung rẻo

7 đến 8

8 đến 9

8

Nghề câu

6 đến 7

7 đến 8

9

Nghề bóng

6 đến 7

7 đến 8

10

Nghề lặn

6 đến 7

7 đến 8

11

Trồng thuỷ sản

6 đến 7

7 đến 8

12

Nuôi thuỷ sản

6 đến 7

7 đến 8

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào thuế suất trên quy định cụ thể tỷ lệ thuế đối với từng nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản theo đề nghị của cơ quan thuế và cơ quan thuỷ sản.

Trường hợp các cơ sở đánh bắt, nuôi, trồng thuỷ sản đem sản phẩm của mình để chế biến ra sản phẩm hàng hoá khác thuộc diện nộp thuế hàng hoá (nước mắm, mắm tôm...) thì vẫn phải nộp thuế hàng hoá, nhưng khi thu thuế hàng hoá được trừ theo tỷ lệ thống nhất là 3% trên giá trị nguyên liệu đem chế biến.

III. THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN NỘP THUẾ

1. Thủ tục thu nộp. Để có căn cứ quản lý thu thuế, cơ quan thuế phải lập sổ thuế cho tất cả các cơ sở tập thể, cá thể làm nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản. Sổ thuế được lập thành hai quyển: một quyền do Phòng thuế quản lý, một quyển do Uỷ ban Nhân dân phường, xã quản lý. Phải làm đầy đủ các thủ tục đã quy định về sổ thuế, kiểm tra cách tính toán, phải xuất biên lai khi thu thuế. Thuế đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản thu bằng tiền, do ngành thuế tổ chức thu. Tiền thuế được nộp tại Phòng thuế quận, huyện, thị xã nơi đăng ký hành nghề.

2. Thời hạn nộp thuế. Sản lượng tính thuế được quy định cho cả năm, có phân chia ra từng tháng để tính thuế, cơ quan thuế kết hợp với cơ quan thuỷ sản căn cứ vào đặc điểm mùa vụ ở từng nơi quy định mức thuế phải nộp từng tháng cho sát với khả năng thu nhập của cơ sở. Thuế phải nộp từng tháng, chậm nhất là ngày 5 tháng sau phải nộp đủ số thuế của tháng trước.

IV. MIỄN, GIẢM VÀ PHẠT VỀ THUẾ

1. Miễn, giảm thuế:

- Hợp tác xã có đầu tư mở rộng (mua thêm phương tiện đánh bắt) làm tăng sản lượng tính thuế so với năm trước từ 30% trở lên, được giảm một số thuế để bỏ vào quỹ tích luỹ. Tỷ lệ giảm bằng 30% trên số thuế tăng thêm, thời hạn giảm thuế từ 3 tháng đến một năm.

- Các cơ sở gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ, làm giảm sút sản lượng khai thác từ 20% đến 70% so với sản lượng định mức thì được xét giảm thuế theo tỷ lệ tương đương với mức thiệt hại; nếu tỷ lệ thiệt hại trên 70% thì được miễn thuế trong thời kỳ thiệt hại; nếu tỷ lệ thiệt hại dưới 20% không được xét giảm thuế.

Mọi trường hợp giảm thuế, miễn thuế do cơ sở đề nghị bằng văn bản, cơ quan thuế kiểm tra xem xét và đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định.

2. Phạt về thuế:

- Trốn thuế, lậu thuế, ngoài số thuế phải nộp còn bị phạt ba lần số thuế gian lậu.

- Không nộp đủ số thuế đúng kỳ hạn, ngoài việc phải nộp đủ số thuế thiếu, mỗi ngày quá hạn còn bị phạt thêm 0,5% trên số thuế nộp chậm.

- Vi phạm các điều quy định trong Thông tư này hoặc có hành vi chống đối việc thi hành đúng chính sách thuế của Nhà nước, thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ có thể bị phê bình, cảnh cáo, thu hồi giấy phép hành nghề đến truy tố trước pháp luật

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ TRONG VIỆC QUẢN LÝ THU THUẾ

Để việc thu thuế được sát thực tế, bảo đảm tính công bằng hợp lý, cơ quan thuế phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuỷ sản và các ngành có liên quan làm tốt các công việc như sau:

- Nghiên cứu, xác định định mức sản lượng của từng loại sản phẩm cho từng loại tàu thuyền, thuộc từng ngành nghề chịu thuế trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định.

- Điều tra xác định giá tính thuế của từng thời kỳ, xác định tỷ lệ thu thuế cho từng cơ sở tập thể, cá thể.

- Căn cứ vào sản lượng định mức, hợp đồng kinh tế và kế hoạch thu mua của ngành thuỷ sản, lập kế hoạch thu thuế đối với từng cơ sở và phải công bố công khai mức thuế phải nộp của từng hộ cho ngư dân biết để thực hiện. Khi giá biến động từ 20% trở lên phải điều chỉnh lại doanh số.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thuế thu vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản là một chính sách động viên ngư dân đóng góp cho Nhà nước. Vì vậy phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ và chính quyền các cấp, phải có sự phối hợp giữa ngành thuế với ngành thuỷ sản và các ngành có liên quan.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành thuế và ngành thuỷ sản làm tốt các nội dung đã quy định trên, tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách thu vào nghề cá trong các cấp, các ngành, nhất là trong ngư dân, tổ chức điều tra nắm toàn bộ các cơ sở hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên từng địa bàn phường, xã, rà soát lại các định mức về sản lượng của từng loại ngành nghề, trên từng loại phương tiện, mặt nước để xác định đúng sản lượng tính thuế.

Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký.

Hoàng Quy

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22-TC/CTN-1988 về việc thu thuế đối với hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 22-TC/CTN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/06/1988
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Quy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản