Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 347-CT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH NUÔI TÔM XUẤT KHẨU

Tôm là mặt hàng quý có giá trị xuất khẩu cao. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã tận dụng cả tôm biển và tôm nuôi để xuất khẩu, nhưng việc khai thác tôm biển có nhiều khó khăn và chỉ đạt tới một giới hạn nhất định, ngược lại tiềm năng về tôm nuôi còn rất lớn.
Để phát huy mạnh tiềm năng sẵn có, tăng nhanh sản lượng tôm xuất khẩu, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số chủ trương, biện pháp đẩy mạnh nuôi tôm xuất khẩu:

I. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG MỤC TIÊU

Phát động rộng rãi và tổ chức cho nhân dân vận dụng các loại mặt nước ngọt, mặn, lợ để nuôi tôm. Kết hợp hợp lý giữa nuôi tôm với các cây con khác như tôm với lúa, tôm với dừa, tôm với rừng, tôm với muối. Đi đôi với mở rộng diện tích phải coi trọng thâm canh, tăng năng suất tôm nuôi, vừa mở rộng nuôi tôm tăng sản, cao sản, vừa tăng năng suất trên diện tích nuôi tôm đại trà.

Đầu tư đúng mức và đưa mạnh khoa học kỹ thuật vào quốc doanh, làm cho quốc doanh trở thành chủ đạo trong ngành nuôi tôm. Khuyến khích mạnh hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, gia đình, cá thể và tư nhân bỏ vốn đầu tư để nuôi tôm và mở rộng các hình thức liên kết, liên doanh phát triển nuôi tôm xuất khẩu. Cố gắng phấn đấu để đến năm 1990 đạt sản lượng tôm nuôi từ 4 đến 5 vạn tấn và giá trị xuất khẩu tôm nuôi chiếm từ 55 đến 60% tổng kim ngạch về xuất khẩu tôm.

II. VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP LỚN

Để thực hiện phương hướng mục tiêu nêu trên đây, Bộ Thuỷ sản và các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch:

Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản và các Bộ có liên quan, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra, đánh giá nguồn lợi về tôm và lập quy hoạch tổng thể trên địa bàn tỉnh và quy hoạch cụ thể cho từng huyện, xã.

Quy hoạch phải đạt yêu cầu về bố trí cơ cấu giống nuôi trồng và lực lượng sản xuất phù hợp với từng vùng, bảo vệ nguồn lợi và gắn được việc giao đất có mặt nước để nuôi tôm với tổ chức lại sản xuất, phân bố lao động, quy hoạch dân cư. Những vùng nước sẵn có giống tôm và thức ăn tự nhiên, Bộ Thuỷ sản và địa phương có trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Phải kết hợp nuôi tôm với việc bảo vệ môi trường, điều kiện sinh thái tự nhiên và bảo vệ đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã quy hoạch trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi, trồng trọt các cây con khác.

Căn cứ vào quy hoạch, Bộ Thuỷ sản và địa phương xây dựng kế hoạch nuôi tôm năm 1988, kế hoạch đến năm 1990, phương hướng phát triển đến năm 2000 và phải được thể hiện trong kế hoạch chung của ngành và địa phương.

2. Giao và sử dụng đất có mặt nước để nuôi tôm:

Uỷ ban Nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét khả năng sử dụng thực tế của các đơn vị tập thể, gia đình, cá thể, tư nhân để giao ổn định từ 5 năm trở lên và không hạn chế về diện tích các loại đất có mặt nước không sử dụng hoặc chưa sử dụng đến để đơn vị, gia đình, cá thể và tư nhân nuôi tôm theo các hình thức mượn, nhận khoán, đấu thầu...

Đất có mặt nước do đơn vị và cá nhân có công khai hoang, phục hoá, đầu tư xây dựng để nuôi tôm thì đơn vị hoặc cá nhân đó được sử dụng lâu dài vào mục đích nuôi tôm, được quyền thừa kế và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai theo đúng quy định của pháp luật.

Đất có mặt nước đã giao quyền sử dụng, quản lý, đơn vị hoặc cá nhân sử dụng không đúng mục đích, để hoang hoá hoặc vi phạm các quy định về sử dụng đất sẽ bị thu hồi. Đất có mặt nước do tập thể và cá nhân đang nuôi tôm, nếu Nhà nước thu hồi thì phải báo trước cho người sử dụng 1 năm, có thể được giao mặt nước khác và cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao sử dụng diện tích ấy phải đền bù thiệt hại thực tế do việc thu hồi đất đai đó gây ra.

3. Đầu tư và liên doanh, liên kết để nuôi tôm:

Hàng năm Nhà nước dành một phần vật tư cần thiết như xi-măng, sắt, gỗ, xăng dầu để bán cho các cơ sở nuôi tôm theo kế hoạch. Đối với các hạng mục công trình nuôi tôm đầu tư lớn, liên quan đến nhiều vùng như đê biển, cống đầu mối, đường trục chính, Nhà nước sẽ cân đối vốn hỗ trợ.

Các đơn vị sản xuất quốc doanh, tập thể, gia đình, tư nhân cần tích cực huy động nguồn vốn tự có, vốn do liên kết liên doanh và được vay vốn của cán bộ, công nhân viên chức, xã viên hợp tác xã và nhân dân, vay vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định hiện hành, kể cả vốn ngoại tệ và vay vốn của nước ngoài thông qua các tổ chức xuất, nhập khẩu của ngành thuỷ sản. Quốc doanh, tập thể, tư nhân được mở rộng liên kết, liên doanh để huy động vốn, vật tư, phương tiện sản xuất, sức lao động và khoa học kỹ thuật vào phát triển nuôi tôm. Việc liên doanh với nước ngoài phải có các hình thức thích hợp, có hiệu quả, nằm trong quy hoạch chung của ngành thuỷ sản và theo đúng chính sách của Nhà nước.

4. Cung ứng con giống và thức ăn để nuôi tôm:

Để từng bước ổn định và phát triển nghề nuôi tôm, ngành thuỷ sản phải chỉ đạo chặt chẽ những việc sau đây:

- Kết hợp với giống tôm tự nhiêm với sản xuất tôm giống bằng phương pháp nhân tạo. Trước mắt cần ưu tiên và mở rộng vớt tôm giống tự nhiên để bán rộng rãi cho nhân dân nuôi thả, đồng thời tích cực chuẩn bị để sản xuất ổn định tôm giống bằng phương pháp nhân tạo, nhằm chủ động về con giống.

- Sử dụng hợp lý nguồn thức ăn tự nhiên để phát triển nhanh nuôi tôm, đồng thời từng bước xây dựng các cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp để dần dần chủ động về thức ăn cho tôm nuôi, nhất là cho các điểm nuôi tập trung, tăng sản và cao sản.

- Ban hành sớm các quy trình kỹ thuật về xây dựng các công trình nuôi tôm, quản lý chăm sóc và thu hoạch tôm, đồng thời hướng dẫn rộng rãi cho nhân dân thực hiện.

5. Lao động và đào tạo cán bộ:

Các đơn vị sản xuất quốc doanh, tập thể, gia đình, cá thể và tư nhân được thuê lao động, kể cả lao động kỹ thuật và nghiệp vụ để xây dựng, cải tạo đầm nuôi tôm và quản lý, chăm sóc tôm nuôi. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Thuỷ sản hướng dẫn cụ thể việc thuê lao động và việc giảm, tạm hoãn lao động nghĩa vụ cho các đối tượng trong thời kỳ xây dựng các công trình nuôi tôm phù hợp với chế độ nghĩa vụ lao động hiện hành.

Ngành thuỷ sản phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi và có chế độ khuyến khích thoả đáng cán bộ khoa học kỹ thuật đi sâu vào nghiên cứu, thực nghiệm và trực tiếp sản xuất ở các cơ sở nuôi tôm, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có, nhanh chóng đào tạo kỹ thuật nuôi tôm và cán bộ nghiệp vụ, quản lý cho cơ sở, tích cực bồi dưỡng chuyên gia giỏi về cho tôm đẻ, ương ấp tôm giống, quản lý chăm sóc tôm nuôi...

6. Thuế:

Mọi tổ chức và cá nhân sử dụng đất có mặt nước để nuôi tôm đều có nghĩa vụ nộp thuế theo chính sách thuế nông nghiệp hiện hành. Thuế thu chủ yếu bằng tôm, nếu thu bằng tiền thì phải tính thuế theo giá tôm do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quy định, căn cứ vào thời giá ở địa phương. Mức thuế được ổn định trong một số năm và chỉ thu một loại thuế đối với người sản xuất. Đất có mặt nước đã quy hoạch nuôi tôm, địa phương, đơn vị hoặc cá nhân không sử dụng nuôi tôm vẫn phải chịu thuế. Đất trồng lúa, trồng dừa, làm muối là chính có kết hợp nuôi tôm thì không phải nộp thuế về sản phẩm tôm. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thuỷ sản hướng dẫn cụ thể việc thu thuế, mức thuế, giảm hoặc miễn thuế đối với từng loại đất có mặt nước dùng để nuôi tôm.

7. Mua bán sản phẩm, vật tư, lương thực:

Ngành thuỷ sản chịu trách nhiệm thống nhất việc quản lý và bán vật tư chuyên dùng cho người nuôi tôm và mua tôm tận gốc. Về phương thức, cần vận dụng rộng rãi phương thức mua, bán, thanh toán ngay theo giá cả đã thoả thuận ghi trong hợp đồng kinh tế hoặc ứng trước vật tư cho người sản xuất, mua lại sản phẩm sau và mua theo giá thoả thuận, tuỳ theo điều kiện và tập quán của từng nơi. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, bán theo hợp đồng, người sản xuất được tự do lưu thông số tôm còn lại.

Các tổ chức thu mua của ngành thuỷ sản phải chủ động, có phương tiện đến tận cơ sở sản xuất để mua tôm. Nghiêm cấm việc ép cấp, ép giá, mua tôm theo tổ chức hành chính, gây thiệt hại cho người sản xuất. Nghiêm cấm tư thương và các tổ chức không có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thuỷ sản mua, bán tôm xuất khẩu.

Các Công ty lương thực tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm bán lương thực cho các đơn vị tập thể, các gia đình, tư nhân làm nghề nuôi tôm xuất khảu như các đối tượng làm hàng xuất khẩu khác ở địa phương mình theo cơ chế kinh doanh lương thực thống nhất của Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Thuỷ sản cùng các Bộ có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Ngân hàng, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Tổng cục quản lý ruộng đất... khẩn trương hướng dẫn cụ thể thi hành Quyết định này.

Uỷ ban Nhân dân các cấp có kế hoạch phổ biến Quyết định này cho toàn dân, phát động phong trào nuôi tôm trong nhân dân, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời nơi làm tốt.

Bộ Thuỷ sản kiểm tra, đôn đốc và cùng Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 347-CT năm 1987 về việc đẩy mạnh nuôi tôm xuất khẩu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 347-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/12/1987
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 14/12/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản