Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT THẢI PHÓNG XẠ, NGUỒN PHÓNG XẠ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

Điều 12. Trách nhiệm của chủ nguồn chất thải phóng xạ

1. Chịu trách nhiệm quản lý bảo đảm an toàn, an ninh đối với chất thải phóng xạ từ khi phát sinh cho tới khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại, chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ hoặc chuyển giao cho cơ sở tái chế đối với kim loại nhiễm bẩn phóng xạ.

2. Tiến hành thu gom chất thải phóng xạ dạng rắn và nước thải phóng xạ theo yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Áp dụng các biện pháp lọc và kiểm soát chất thải phóng xạ dạng khí theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này trước khi thải trực tiếp ra môi trường.

4. Áp dụng các biện pháp quản lý chất thải phóng xạ dạng rắn và nước thải phóng xạ sau khi thu gom phù hợp với đặc tính, loại chất thải và điều kiện cụ thể của cơ sở:

a) Lưu giữ chất thải phóng xạ dạng rắn thuộc loại mức thấp, sống rất ngắn tại cơ sở để chờ phân rã và thải bỏ như chất thải không nguy hại theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

b) Đối với chất thải dạng rắn không thuộc loại quy định tại điểm a Khoản này, tiến hành xử lý, điều kiện hóa và lưu giữ lâu dài tại cơ sở nếu có đủ năng lực hoặc phải chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ trong thời hạn không quá 03 năm kể từ sau khi thu gom, lưu giữ trong kho lưu giữ tạm thời;

c) Lưu giữ nước thải phóng xạ để phân rã và xử lý nước thải phóng xạ trước khi thải ra môi trường theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

5. Bảo đảm có kho lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này. Trường hợp tự xử lý, điều kiện hóa, lưu giữ lâu dài tại cơ sở, phải bảo đảm có đủ điều kiện, năng lực của cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quy định tại Điều 10 Thông tư này và phải được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ. Khi chuyển giao chất thải phóng xạ cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

6. Lập và lưu giữ hồ sơ quản lý chất thải phóng xạ từ khi phát sinh cho đến khi thải bỏ hoặc chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ, chuyển giao cho cơ sở tái chế đối với kim loại nhiễm bẩn phóng xạ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

7. Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, vận chuyển an toàn chất phóng xạ.

8. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà chủ nguồn chất thải phóng xạ thuộc đối tượng quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật Năng lượng nguyên tử thì chủ nguồn chất thải phóng xạ có trách nhiệm:

a) Thực hiện quy định tại Điều 36 Luật Năng lượng nguyên tử.

b) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với chất thải phóng xạ theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động.

9. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà chủ nguồn chất thải phóng xạ không thuộc Khoản 8 Điều này thì chủ nguồn chất thải phóng xạ có trách nhiệm:

a) Thông báo với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về lý do, thời gian dự kiến chấm dứt hoạt động;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho chất thải phóng xạ và chuyển giao chất thải phóng xạ cho tổ chức, cá nhân khác có năng lực, điều kiện quản lý theo hướng dẫn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

c) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với chất thải phóng xạ theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động.

Điều 13. Trách nhiệm của chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

1. Lựa chọn và áp dụng một trong các phương án sau đây để quản lý đối với nguồn phóng xạ đã qua sử dụng:

a) Chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng nếu nguồn còn nguyên vẹn, không bị rò rỉ phóng xạ;

b) Chuyển trả lại cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài;

c) Chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ;

d) Lưu giữ lâu dài tại cơ sở nếu có đủ năng lực của cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quy định tại Điều 10 Thông tư này và phải được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ;

đ) Lưu giữ tạm thời tại cơ sở trong thời gian không quá 03 năm cho đến khi thực hiện một trong các phương án quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản này;

2. Kiểm tra, đánh giá sự rò rỉ phóng xạ của nguồn phóng xạ ngay sau khi chấm dứt sử dụng, đưa vào nơi lưu giữ tạm thời và trước khi chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác hoặc chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài.

3. Chịu trách nhiệm quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng bảo đảm an toàn, an ninh từ khi phát sinh cho tới khi chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng hoặc chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ.

4. Khi chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư này; khi lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại cơ sở phải bảo đảm nguồn phóng xạ được lưu giữ trong kho có thiết kế bảo đảm an toàn như quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này và phải được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quy định của pháp luật.

5. Lập và lưu giữ hồ sơ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng từ khi phát sinh cho đến khi được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

6. Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vận chuyển an toàn chất phóng xạ.

7. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng thuộc đối tượng quy định tại các điểm b và c Khoản 1 Điều 34 Luật Năng lượng nguyên tử thì chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có trách nhiệm:

a) Thực hiện quy định tại Điều 36 Luật Năng lượng nguyên tử;

b) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động.

8. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng không thuộc Khoản 7 Điều này thì chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có trách nhiệm:

a) Thông báo với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về lý do, thời gian dự kiến chấm dứt hoạt động;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác có năng lực, điều kiện quản lý theo hướng dẫn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

c) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 63 Luật năng lượng nguyên tửĐiều 35 Thông tư số 23/2012/TT-BKHCN ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ.

2. Chuyển giao đầy đủ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho bên tiếp nhận theo hợp đồng và thực hiện yêu cầu ký xác nhận trong biên bản giao nhận chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 15. Trách nhiệm của chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ

1. Bảo đảm các yêu cầu quy định đối với cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ tại Điều 10 Thông tư này.

2. Chỉ được tiếp nhận chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng khi đã có giấy phép tiến hành công việc bức xạ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

3. Thông báo với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân mỗi khi tiếp nhận chất thải phóng xạ hoặc nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo Mẫu số 4 Phụ lục V Thông tư này.

4. Lập và lưu giữ hồ sơ đối với chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được lưu giữ tại cơ sở theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

5. Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vận chuyển an toàn chất phóng xạ.

6. Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ được đầu tư từ ngân sách nhà nước phải tiếp nhận, xử lý và lưu giữ không điều kiện đối với nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát, chất thải phóng xạ không xác định được chủ nguồn chất thải phóng xạ và các trường hợp đặc biệt khác do yêu cầu quản lý nhà nước.

7. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ thuộc đối tượng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 34 Luật Năng lượng nguyên tử thì chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ có trách nhiệm:

a) Thực hiện quy định tại Điều 36 Luật Năng lượng nguyên tử;

b) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động.

8. Trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động mà chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ không thuộc Khoản 7 Điều này thì chủ chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ có trách nhiệm thực hiện quy định tại Khoản 9 Điều 12 và Khoản 8 Điều 13 Thông tư này.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân

1. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm:

a) Tổ chức, giám sát thu gom chất thải phóng xạ không xác định được chủ nguồn chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát không xác định được chủ nguồn phóng xạ.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biện pháp quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

c) Thẩm định an toàn và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các công việc bức xạ có phát sinh chất thải phóng xạ và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ.

d) Thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong phạm vi cả nước và xử lý đối với các vi phạm.

2. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Tổ chức và phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thu gom chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ được phát hiện trên địa bàn quản lý mà không xác định được chủ.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn quản lý về biện pháp quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

c) Tổ chức thanh tra và phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trên địa bàn quản lý và xử lý đối với các vi phạm.

Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 22/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/08/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 851 đến số 852
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH