Chương 1 Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định nguyên tắc và yêu cầu đối với quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan trong quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trừ các nội dung sau đây:
a) Quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
b) Quản lý chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (chất thải NORM) phát sinh từ các hoạt động khai thác, chế biến quặng, khoáng sản và khai thác dầu khí;
c) Chôn cất chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
2. Thông tư này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động tại Việt Nam liên quan tới việc phát sinh chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và tiến hành các hoạt động liên quan trong quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải phóng xạ là chất thải chứa các nhân phóng xạ hoặc vật thể bị nhiễm bẩn các nhân phóng xạ với mức hoạt độ lớn hơn mức thanh lý quy định tại Thông tư này và phải thải bỏ. Chất thải phóng xạ không bao gồm nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
2. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng là nguồn phóng xạ kín mà tổ chức, cá nhân sở hữu không còn sử dụng trong công việc bức xạ được cấp giấy phép và không có ý định tiếp tục sử dụng vào bất kỳ một mục đích nào khác hoặc không được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép cho phép sử dụng tiếp.
3. Chất thải phóng xạ sinh học là chất thải sinh học có chứa hoặc nhiễm bẩn các nhân phóng xạ với mức hoạt độ lớn hơn mức thanh lý. Chất thải sinh học bao gồm chất thải có khả năng phân hủy sinh học và chất thải sinh học y tế.
Chất thải có khả năng phân hủy sinh học là chất thải có khả năng bị phân hủy sau một khoảng thời gian, biến thành hợp chất gốc nhờ các vi sinh vật. Chất thải dạng này bao gồm chất thải sinh hoạt dạng rắn từ cây cỏ, thực phẩm, giấy, nhựa có khả năng phân hủy, chất thải ra từ người, động vật.
Chất thải sinh học y tế là chất thải có khả năng thối rữa hoặc gây bệnh phát sinh từ các hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, phòng thí nghiệm y học và từ nhà xác. Chất thải dạng này bao gồm vật liệu, vật dụng thải bỏ từ các cơ sở nêu trên như bông, băng, gạc, quần áo, găng tay, kim tiêm, xilanh và mô người, mô động vật.
4. Chủ nguồn chất thải phóng xạ là tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có phát sinh chất thải phóng xạ do bản chất của công việc bức xạ hoặc để xảy ra sự cố phát sinh chất thải trong quá trình xử lý sự cố.
5. Chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng là tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phát sinh từ công việc bức xạ đã được cấp phép.
6. Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ là cơ sở được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
7. Mức thanh lý là giá trị nồng độ hoạt độ của các nhân phóng xạ mà khi chất thải chứa các nhân phóng xạ có nồng độ hoạt độ nhỏ hơn hoặc bằng giá trị đó sẽ được coi là không gây nguy hại bức xạ đối với con người và môi trường và được quản lý như chất thải không phóng xạ.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
1. Chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.
2. Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định tại Thông tư số 19/2012/TT- BKHCN ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.
3. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được trả lại cho nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nước ngoài trong trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp có chính sách nhận lại nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
4. Việc quản lý chất thải phóng xạ trong thành phần còn chứa các chất nguy hại không phóng xạ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Thông tư này, phải tuân thủ các quy định pháp luật khác liên quan đến quản lý chất thải nguy hại.
5. Chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
6. Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm (sau đây gọi là kim loại nhiễm bẩn phóng xạ) và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.
7. Cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.
Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- Số hiệu: 22/2014/TT-BKHCN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/08/2014
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 851 đến số 852
- Ngày hiệu lực: 01/11/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 4. Thu gom chất thải phóng xạ
- Điều 5. Thải chất thải ra môi trường
- Điều 6. Chuyển giao chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 7. Xử lý chất thải phóng xạ
- Điều 8. Điều kiện hóa chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 9. Lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 10. Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ
- Điều 11. Hồ sơ quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 12. Trách nhiệm của chủ nguồn chất thải phóng xạ
- Điều 13. Trách nhiệm của chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
- Điều 15. Trách nhiệm của chủ cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ
- Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân