Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẾN SỬ DỤNG PHÀ MỘT LƯỠI CHỞ HÀNH KHÁCH VÀ XE Ô TÔ

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại các bến phà sử dụng phà một lưỡi.

Điều 16. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Công bố các mẫu phà một lưỡi được phép chở hành khách và xe ô tô để các địa phương có cơ sở đóng mới hoặc hoán cải phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phà một lưỡi được phép chở hành khách và xe ô tô theo quy định hiện hành.

Điều 17. Trách nhiệm Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Hướng dẫn công tác chuyên môn nghiệp vụ cho địa phương trong việc đảm bảo an toàn vận hành, khai thác bến khách ngang sông; theo dõi, kiểm tra công tác quản lý hoạt động của bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi tại các địa phương.

Điều 18. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện để thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động bên sử dụng phà một lưỡi.

2. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức triển khai Thông tư này để hướng dẫn cho các đối tượng tham gia giao thông, tham gia hoạt động vận tải tại bến biết và thực hiện.

3. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Sở tổ chức đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa; đào tạo và cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa, cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo Thanh tra Sở thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của nhà nước, các quy định tại Thông tư này đối với chủ bến, chủ khai thác bến, chủ phương tiện phà, người lái phà, người lái phương tiện khi tham gia hoạt động vận tải chở hành khách và xe ô tô tại bến; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

5. Đối với bến nằm trên sông, kênh là địa giới hành chính giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp và thống nhất với Sở Giao thông vận tải liên quan về phương án điều hành, giá cước vận tải, mức thu phí để bảo đảm tính đồng bộ của vận tải hành khách, phương tiện giao thông đường bộ tại bến và trật tự an toàn trong quá trình khai thác.

6. Trên cơ sở các quy định chung của Thông tư này, chỉ đạo chủ bến xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế của bến thuộc địa phương quản lý.

Điều 19. Trách nhiệm của chủ bến, chủ khai thác bến

1. Chủ bến chịu trách nhiệm:

a) Hoàn thiện hồ sơ và thủ tục, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động của bến sử dụng phà một lưỡi để chở hành khách và xe ô tô theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của bến;

b) Lập quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Chủ khai thác bến chịu trách nhiệm:

a) Duy trì và đảm bảo các điều kiện an toàn hoạt động của bến theo quy định;

b) Phương tiện thủy nội địa khi đưa vào hoạt động phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định;

c) Công bố thời gian hoạt động của bến, thời gian đóng bến và mở bến;

d) Bố trí đủ số lượng thuyền viên làm việc theo chức danh trên phà và trưởng ca, nhân viên bến để quản lý hoạt động tại bến;

đ) Thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT và các quy định pháp luật khác có liên quan;

e) Thực hiện việc niêm yết nội quy bến, niêm yết giá vé và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản hồi của hành khách;

g) Tùy theo đặc điểm tình hình của từng bến, lựa chọn vị trí quay đầu xe sao cho phù hợp, đảm bảo cho xe ô tô lên, xuống phà an toàn và thuận tiện;

h) Trang bị đủ và yêu cầu phải mặc áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi đối với thuyền viên, người lái phương tiện, nhân viên phục vụ và hành khách trên phương tiện;

i) Chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường, tuân thủ sự điều động và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra;

k) Phối hợp, thống nhất với chủ khai thác bến đối lưu phương án điều hành hoạt động vận tải khách ngang sông đảm bảo trật tự, an toàn;

l) Thực hiện đúng giá cước vận tải, mức thu phí đối với hành khách, hàng hóa, phương tiện giao thông đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

m) Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đường bộ;

n) Giữ gìn phà, bến phà, nhà chờ khách, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ.

Điều 20. Trách nhiệm của thuyền viên, nhân viên bến

1. Thuyền trưởng phải tuân thủ thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các nhiệm vụ được quy định tại Điều 20 của Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Trưởng ca chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ nhân viên trong ca làm việc tại bến.

3. Thuyền viên, nhân viên bến phải mặc đồng phục, đeo thẻ tên, bảo hộ lao động (nếu có) khi làm việc; có thái độ hòa nhã, văn minh, lịch sự, tận tình hướng dẫn hành khách thực hiện nội quy bến và quy định pháp luật.

4. Nhân viên điều hành chịu trách nhiệm hướng dẫn hành khách, xếp hàng, mua vé, lên xuống bến; chỉ dẫn phương tiện giao thông đường bộ lên, xuống phà an toàn, thuận lợi; yêu cầu hành khách mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi cá nhân.

5. Nhân viên bán vé chịu trách nhiệm bán đúng giá vé theo bảng niêm yết giá vé tại bến, đúng đối tượng, đúng chủng loại loại vé.

6. Nhân viên bảo vệ chịu trách nhiệm gìn giữ trật tự tại bến, trông coi tài sản của bến, hướng dẫn hành khách tự bảo quản tài sản, hành lý mang theo.

Điều 21. Trách nhiệm của hành khách

1. Tuân thủ sự hướng dẫn, sắp xếp của thuyền viên, nhân viên; xếp hàng vào bến.

2. Thực hiện mua vé trước khi xuống phà.

3. Thực hiện mang trang bị cứu sinh khi xuống phà và phải trả lại phà trước khi lên bờ.

4. Không được trèo hoặc đứng trên lan can của phà, đứng trên lưỡi phà khi phà đang chạy.

5. Tự bảo quản hành lý, giữ trật tự, vệ sinh.

6. Đối với người lái xe ô tô:

a) Có giấy phép lái xe ô tô từ hạng B1 trở lên và còn hạn sử dụng, không bị cấm hành nghề lái xe theo quy định;

b) Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên bến phà, phối hợp với thuyền viên có biện pháp đảm bảo an toàn cho xe khi lên, xuống phà và đỗ chờ trên bến qua sông.

7. Đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, phải sắp xếp hàng hóa, hành lý mang theo trên phương tiện chuyên chở đảm bảo gọn gàng, chắc chắn.

Điều 22. Xử lý vi phạm

Chủ bến, chủ khai thác bến, chủ phương tiện, người lái phà một lưỡi, người lái phương tiện giao thông đường bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm Thông tư này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đường bộ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thông tư 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/06/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 03/07/2014
  • Số công báo: Từ số 639 đến số 640
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH