Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

XÂY DỰNG QUY TRÌNH VẬN HÀNH, KHAI THÁC BẾN SỬ DỤNG PHÀ MỘT LƯỠI CHỞ HÀNH KHÁCH VÀ XE Ô TÔ

Điều 6. Yêu cầu về quy trình vận hành, khai thác bến

1. Quy trình vận hành, khai thác bến được lập phải phù hợp với quy mô của bến, chủng loại phà một lưỡi, các thiết bị phục vụ hoạt động của bến và mục đích sử dụng của bến.

2. Quy trình vận hành, khai thác bến phải đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện; đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, cứu đắm, cứu nạn khi xảy ra sự cố; đảm bảo tối đa sự vận hành liên tục của bến.

Điều 7. Căn cứ lập quy trình vận hành, khai thác bến

Căn cứ lập quy trình vận hành, khai thác bến gồm:

a) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật;

b) Điều kiện tự nhiên nơi xây dựng bến;

c) Công năng, công suất, đặc điểm, tính chất của phà một lưỡi;

d) Sổ tay, tài liệu hướng dẫn vận hành thiết bị của nhà chế tạo;

đ) Các quy định về đảm bảo giao thông, an toàn giao thông, an toàn lao động và bảo vệ môi trường;

e) Các quy định liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Nội dung quy trình vận hành, khai thác bến

Nội dung quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi phải bao gồm các quy định về tổ chức giao thông, tải trọng khai thác, độ dốc đường lên, xuống phà tốc độ quy định lên xuống phà, bố trí làn xe, chỗ chờ xuống phà, chỗ quay đầu xe trình tự lên phà, xuống phà; trình tự vận hành phà một lưỡi và các thiết bị phục vụ hoạt động của bến phà, thiết bị cứu nạn, cứu sinh, cứu đắm, cấp cứu, các quy định về cứu nạn, cứu sinh, an toàn cháy nổ; quy định về chuyên chở hành khách và phương tiện giao thông đường bộ; quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong vận hành, khai thác bến; quy định nội quy hoạt động của bến; quy định về các đối tượng được phép chuyên chở; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của bến.

Điều 9. Lập, thẩm định và phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến

1. Chủ bến chịu trách nhiệm lập quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi, trình Sở Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.

2. Trường hợp chủ bến không lập được quy trình vận hành, khai thác bến, chủ bến có thể thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để lập quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi và có trách nhiệm chi trả chi phí tư vấn.

3. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm tra, phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có xét đến điều kiện thực tế của bến.

Điều 10. Hồ sơ và trình tự thủ tục phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến

1. Thành phần hồ sơ:

a) Đơn đề nghị phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục của Thông tư này (bản chính);

b) Quyết định thành lập hoặc giấy cấp phép hoạt động của bến còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao công chứng);

c) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (bản sao công chứng);

d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực (bản sao công chứng);

đ) Dự thảo Quy trình vận hành, khai thác bến;

e) Các tài liệu khác liên quan.

2. Chủ bến gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Sở Giao thông vận tải để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ phải ghi rõ địa chỉ và số điện thoại của người gửi. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày được nhận hồ sơ, nếu kiểm tra không đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định.

3. Thời gian thẩm định và ra quyết định phê duyệt là 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Điều 11. Điều chỉnh quy trình vận hành, khai thác bến

Trong quá trình vận hành, khai thác bến, nếu phát hiện những yếu tố bất hợp lý ảnh hưởng đến an toàn khai thác bến, chủ bến đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành, khai thác cho phù hợp với điều kiện khai thác của bến, trình Sở Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt điều chỉnh. Hồ sơ và trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy trình vận hành, khai thác bến tuân thủ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

Điều 12. Quy định về chuyên chở

1. Trước khi chuyên chở:

a) Hàng ngày, trước khi đưa phà ra chuyên chở, trưởng ca phải cùng thuyền viên, nhân viên kiểm tra toàn bộ bến bãi, phà, trang thiết bị an toàn. Không được chuyên chở nếu xét thấy không đảm bảo an toàn (điều kiện kỹ thuật hoặc gặp thời tiết nguy hiểm);

b) Bàn giao giữa hai ca cho nhau, hai trưởng ca tiến hành kiểm tra lại toàn bộ bến bãi, phương tiện thủy nội địa, trang thiết bị an toàn trên phương tiện thủy nội địa. Nếu hư hỏng phải sửa chữa, khắc phục ngay;

c) Bố trí đủ nhân viên, thuyền viên (thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ) sẵn sàng làm việc, hướng dẫn hành khách và phương tiện giao thông đường bộ xuống phà;

d) Phải có đủ các dây neo (dây đầu nước và dây cuối nước), các dây buộc phà phải căng, đúng quy định;

đ) Phà cập thẳng bến và cửa phà mở.

2. Xuống phà:

a) Khi thấy đủ điều kiện an toàn, trưởng ca yêu cầu hành khách ra khỏi xe trước khi xe ô tô xuống phà, sau đó ra hiệu lệnh xuống phà bằng còi, cờ hiệu hoặc bằng tay;

b) Trình tự xuống phà theo thứ tự lần lượt như sau: xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ;

c) Cho lần lượt từng xe xuống phà. Khi xe ô tô bị chết máy ở dốc bến, nhân viên điều hành phải giúp người điều khiển phương tiện chèn xe. Nếu xe ô tô không tự nổ máy được phải dùng các biện pháp kéo xe ô tô ra khỏi mặt bến;

d) Quy định cho xe ô tô tiến xuống phà: Nhân viên chỉ dẫn cho xe ô tô tiến chính giữa lưỡi phà với vận tốc không lớn hơn 5 km/h, hướng dẫn và sắp xếp xe ô tô vào vị trí trên phà. Sau khi xe ô tô đã ổn định vào vị trí trên phà, tiếp tục ra hiệu lệnh cho các xe ô tô tiếp theo xuống phà;

đ) Quy định cho xe ô tô lùi xuống phà: Nhân viên ra hiệu lệnh cho xe ô tô tiến vào vị trí quay đầu xe tại đỉnh bến và lùi xe ô tô xuống dốc bến với vận tốc không lớn hơn 5km/h. Nhân viên quan sát, chỉ dẫn cho người lái xe điều khiển lùi xe ô tô xuống phà và hướng dẫn và sắp xếp xe ô tô vào vị trí trên phà. Sau khi xe ô tô đã ổn định vào vị trí trên phà, tiếp tục ra hiệu lệnh cho các xe ô tô tiếp theo lùi xuống phà và đưa vào vị trí đỗ trên phà;

e) Việc xếp hành khách, hàng hóa và phương tiện giao thông đường bộ trên phà phải đảm bảo phà cân bằng, không nghiêng lệch, không chúi mũi, không quá mớn nước cho phép. Không để xe ô tô và hành khách đứng trên lưỡi phà hoặc ở các vị trí ảnh hưởng đến thao tác chuyên chở như: trên thành phà, gần cần bẩy phà và ở các vị trí làm khuất tầm nhìn của người lái phà;

g) Khi đủ tải trọng cho phép, đóng cửa phà, nhắc nhở, kiểm tra hành khách mang dụng cụ cứu sinh;

h) Phải kiểm tra lại tình trạng an toàn của phà, nếu đảm bảo điều kiện an toàn báo cáo thuyền trưởng ra lệnh cho phà dời bến.

3. Qua sông:

a) Khi đảm bảo điều kiện an toàn, trưởng ca quyết định cho phà dời bến để qua sông; phải bố trí người hoa tiêu để đảm bảo tầm nhìn cho thuyền trưởng nếu cần thiết, thông tin liên lạc giữa thuyền trưởng với hoa tiêu phải bằng máy bộ đàm;

b) Khi phà đã dời bến, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh cho phà cân bằng, sắp xếp lại xe, thuyền trưởng phải cho phà cập lại bến, buộc đủ các dây neo và không cho hành khách ở trên phà mới được điều chỉnh;

c) Phà qua sông phải theo luồng đã quy định, gắn đầy đủ hệ thống tín hiệu như đèn, còi để báo hiệu cho các phương tiện thủy nội địa đi lại trên sông biết;

d) Ban đêm, ban ngày nếu trời có sương mù hay mưa to không rõ, trên bến và trên phà phải bật các đèn tín hiệu theo quy định.

4. Cập bến, lên bờ:

a) Trước khi cập bến, thuyền trưởng báo hiệu cho hành khách biết;

b) Phà chỉ được cập bến khi lưỡi bến không có người;

c) Trình tự lên bến theo thứ tự lần lượt như sau: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô;

d) Quy định cho xe ô tô lùi lên bến: Sau khi hành khách và phương tiện khác đã lên dốc an toàn, thuyền viên ra hiệu lệnh cho xe ô tô lùi lên bến và chỉ dẫn cho xe ô tô lùi đến vị trí quay đầu trên bến. Khi xe ô tô đã đến vị trí quay đầu trên bến, nhân viên tiếp tục ra hiệu lệnh cho xe ô tô tiếp theo lùi lên bến và chỉ dẫn đến vị trí quay đầu xe;

đ) Quy định cho xe ô tô tiến lên bến: Sau khi hành khách và phương tiện khác đã lên dốc an toàn, thuyền viên ra hiệu lệnh cho xe ô tô tiến lên bến. Khi xe ô tô lên hết dốc, tiếp tục ra hiệu cho xe ô tô tiếp theo lên bến.

Điều 13. Xử lý tình huống

1. Khi phà gặp tai nạn phải dùng các tín hiệu (còi, kẻng, đèn ...) để báo cho hai đầu bến và các phương tiện thủy nội địa khác đang lưu thông đến ứng cứu kịp thời. Khẩn trương, tích cực dùng mọi biện pháp cứu người, cứu phà, tài sản và các phương tiện thủy nội địa khác trên sông để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại xảy ra.

2. Trường hợp thả neo phải có tín hiệu báo cho các phương tiện thủy nội địa khác biết.

Điều 14. Phục vụ và từ chối chuyên chở

1. Nhân viên phục vụ thực hiện đúng vị trí, nhiệm vụ được phân công; chấp hành nghiêm các quy định, thao tác, lệnh của người chỉ huy hướng dẫn cho hành khách và phương tiện giao thông đường bộ lên, xuống phà.

2. Nhân viên bến từ chối phục vụ hành khách và phương tiện giao thông đường bộ xuống phà khi:

a) Tổng trọng tải của xe và hàng hóa xếp trên xe hoặc số lượng hành khách trên phà vượt quá trọng tải được phép chở của phà ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (còn hạn) do cơ quan đăng kiểm cấp;

b) Xe có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép theo cấp thiết kế của bến hoặc tải trọng được phép chở của phà;

c) Phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn, kỹ thuật, không có đèn chiếu sáng vào ban đêm; xe chở hàng nặng, hàng cồng kềnh không chằng buộc chắc chắn;

d) Xe ô tô khách có ghế ngồi lớn hơn 16 chỗ; xe ô tô tải có tổng trọng tải lớn hơn 3,5 tấn;

đ) Hành khách không chấp hành nội quy qua phà, làm mất trật tự công cộng bến, người say rượu; người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người thân hay người giám hộ đi cùng;

e) Điều kiện an toàn của bến không đảm bảo như: đường dẫn xuống bến lầy lội mà chưa thể khắc phục ngay được; thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế; gió, bão, nước sông dâng cao vượt cấp quy định;

g) Người điều khiển xe ô tô đang trong tình trạng say rượu, ma túy không còn đủ khả năng điều khiển xe ô tô xuống phà theo sự hướng dẫn của nhân viên bến.

Thông tư 22/2014/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/06/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 03/07/2014
  • Số công báo: Từ số 639 đến số 640
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH