Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2012/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2012

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 63/2010/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 2010 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 65/2011/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHẰM GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG SẢN, THỦY SẢN

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện chính sách cho vay đối với các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, bao gồm: cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản (sau đây gọi là Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg) và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg (sau đây gọi là Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng thực hiện việc cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định tại Điều 3 Thông tư này bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước).

2. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Đối tượng khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất hoặc vay vốn theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển được quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

Điều 3. Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

1. Đối tượng được vay vốn hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg.

2. Điều kiện được vay hỗ trợ lãi suất:

a) Thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Khách hàng có dự án, phương án đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch hiệu quả, khả thi và được ngân hàng thương mại nhà nước cho vay thẩm định và quyết định cho vay theo quy định hiện hành;

c) Khoản vay trung hạn hoặc dài hạn bằng đồng Việt Nam;

d) Máy móc, thiết bị đầu tư bằng vốn vay phải thuộc Danh mục các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trong từng thời kỳ.

3. Mức cho vay:

Mức cho vay được hỗ trợ lãi suất do khách hàng và ngân hàng cho vay thỏa thuận, tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa.

4. Lãi suất cho vay:

Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ.

5. Mức hỗ trợ lãi suất:

Khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay.

Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo thời gian vay thực tế của khách hàng và chỉ áp dụng đối với các khoản vay trả nợ trước hoặc đúng hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất; khoản vay quá hạn không được hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm khoản vay phải chuyển sang nợ quá hạn.

6. Nguồn và hồ sơ, thủ tục cấp bù lãi suất:

a) Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất đối với các khoản vay nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được quy định tại Điều này;

b) Hồ sơ, thủ tục cấp bù lãi suất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 4. Cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển

1. Đối tượng vay vốn:

a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg.

b) Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả, kho tạm trữ cà phê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

2. Điều kiện được vay vốn theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển:

a) Thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Khách hàng có dự án, phương án đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch hiệu quả, khả thi và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thẩm định và quyết định cho vay theo quy định hiện hành;

c) Khoản vay bằng đồng Việt Nam;

d) Máy móc, thiết bị đầu tư bằng vốn vay phải thuộc Danh mục các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trong từng thời kỳ. Riêng các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch phải được thẩm định điều kiện kỹ thuật theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg).

3. Mức cho vay và lãi suất cho vay:

a) Mức cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển do khách hàng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng:

b) Khách hàng vay được áp dụng mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước do Bộ Tài chính công bố trong từng thời kỳ;

c) Lãi suất cho vay thương mại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm cơ sở để được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của Ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ;

d) Việc áp dụng mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển cho khách hàng chỉ thực hiện đối với các khoản vay trả nợ trước hoặc đúng hạn; khoản vay quá hạn không được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển kể từ thời điểm khoản vay phải chuyển sang nợ quá hạn.

4. Nguồn và hồ sơ, thủ tục cấp bù chênh lệch lãi suất:

a) Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

b) Hồ sơ, thủ tục cấp bù chênh lệch lãi suất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 5. Trách nhiệm của các ngân hàng thương mại nhà nước

1. Công bố công khai mức lãi suất cho vay thấp nhất làm cơ sở để ngân hàng nhà nước hỗ trợ hay cấp bù chênh lệch lãi suất.

2. Thực hiện cho vay theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định tại Thông tư này.

3. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), các ngân hàng thương mại nhà nước báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) và Bộ Tài chính kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Mẫu biểu 01 đính kèm Thông tư này. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện báo cáo bổ sung về tình hình cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Mẫu biểu 02 đính kèm Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm của khách hàng vay vốn

1. Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn theo quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.

2. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi theo đúng thỏa thuận với ngân hàng thương mại nhà nước cho vay.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2012 và thay thế Thông tư số 03/2011/TT-NHNN ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22/2012/TT-NHNN hướng dẫn Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và 65/2011/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 22/2012/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/06/2012
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 415 đến số 416
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 12/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản