Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 215-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHUYỂN CÁC TỔ CHỨC CUNG TIÊU THÀNH XÍ NGHIỆP KINH DOANH THEO CHẾ ĐỘ HẠCH TOÁN KINH TẾ

I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

Hiện nay, các tổ chức cung tiêu của các Bộ và các ngành vẫn còn quá yếu và tổ chức như các đơn vị hành chính, quản lý theo chế độ cung cấp. Tình hình này gây trở ngại cho việc cung cấp vật tư cho sản xuất và xây dựng cơ bản, cho việc quản lý tốt vật tư và vốn của Nhà nước, đồng thời gây trở ngại cho việc thanh toán nợ giữa các cơ quan và xí nghiệp.

Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 09-9-1959 đã quyết định chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế.

Nhưng cho đến nay, công việc tiến hành còn chậm, một phần vì các Bộ và các ngành còn gặp nhiều khó khăn về mặt tổ chức, và cán bộ; nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì chưa nhận rõ tầm quan trọng của việc lập kế hoạch vật tư và tổ chức cung cấp vật tư ở các Bộ và các ngành.

Trước tình hình trên đây căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08-6-1960, Thủ tướng Chính phủ ra thông tư này nói rõ những điểm chính về nhiệm vụ, tổ chức và nguyên tắc kinh doanh của các tổ chức cung tiêu và định thời gian mà các Bộ, các ngành phải tiến hành.

II. NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC KINH DOANH

a) Nhiệm vụ:

1. Xí nghiệp cung tiêu có nhiệm vụ cung cấp tư liệu sản xuất cho các xí nghiệp và đơn vị xây dựng cơ bản hoạt động liên tục và tiêu thụ một số mặt hàng nhất định, nhằm giúp xí nghiệp và đơn vị xây dựng cơ bản có điều kiện vật chất tốt để sản xuất và xây dựng. Hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của xí nghiệp cung tiêu là làm tốt nhiệm vụ cung cấp. Khi nhiệm vụ này đã được thực hiện tốt các Bộ và các ngành sẽ giao thêm cho xí nghiệp cung tiêu nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm.

2. Danh mục, số lượng và khối lượng hàng kinh doanh của xí nghiệp cung tiêu do các Bộ và các ngành chủ quản quy định cụ thể.

3. Ngoài những nhiệm vụ nói trên, xí nghiệp cung tiêu có thể có nhiệm vụ bảo quản một số vật tư dự trữ của Nhà nước, hoặc tài sản ứ đọng khác coi là hoạt động ngoài kinh doanh của xí nghiệp.

4. Các xí nghiệp cung tiêu không có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch vật tư của các xí nghiệp sản xuất và đơn vị xây dựng cơ bản. Các Bộ và các ngành chủ quản xí nghiệp sẽ giao nhiệm vụ này cho một tổ chức chuyên trách khác.

b) Tổ chức:

1. Xí nghiệp cung tiêu là một tổ chức kinh doanh đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Bộ hoặc ngành chủ quản xí nghiệp.

2. Xí nghiệp cung tiêu được tổ chức những bộ môn và cần thiết như kế hoạch, tài vụ, kỹ thuật, v.v… và tổ chức các đơn vị phụ thuộc (đoàn xe, xưởng sửa chữa, v.v…) như các xí nghiệp kinh doanh khác.

c) Nguyên tắc kinh doanh:

1. Quan hệ kinh doanh giữa xí nghiệp cung tiêu với các xí nghiệp và các ngành khác (kể cả các xí nghiệp và đơn vị xây dựng cơ bản cùng một ngành) là quan hệ mua bán theo chế độ hợp đồng kinh tế.

2. Xí nghiệp cung tiêu cần tránh dự trữ quá nhiều hàng trong kho, tranh thủ chuyển thẳng hàng đến nơi tiêu thụ càng nhiều càng tốt, và luôn luôn phấn đấu hạ phí tổn lưu thông.

3. Xí nghiệp cung tiêu kinh doanh không lấy lãi, nhưng khi giao hàng cho các xí nghiệp sản xuất và các đơn vị xây dựng cơ bản thì được cộng thêm một tỷ lệ phí lưu thông định mức vào nguyên giá mua hàng đối với hàng qua kho, và được cộng thêm một tỷ lệ thủ tục phí nhất định vào nguyên giá mua hàng đối với hàng không qua kho.

4. Tỷ lệ phí lưu thông định mức và thủ tục phí do các Bộ và các ngành chủ quản nghiên cứu, đề nghị và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước duyệt y cho thi hành trong thời gian từ 3 đến 5 năm.

III. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA XÍ NGHIỆP CUNG TIÊU

1. Hàng năm, xí nghiệp cung tiêu được các Bộ hoặc các ngành chủ quản xí nghiệp giao các chỉ tiêu kế hoạch toàn diện về kinh tế và tài vụ. Các xí nghiệp cung tiêu có trách nhiệm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đó.

2. Xí nghiệp cung tiêu được các Bộ hoặc các ngành chủ quản xí nghiệp cấp một số vốn cố định và vốn lưu động định mức để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch. Đối với số vốn lưu động định mức về dự trữ hàng hóa qua kho, Bộ Tài chính cấp 50% số vốn đó. Phần vốn còn lại do Ngân hàng Nhà nước cho vay bằng vốn tính dụng ngắn hạn.

3. Xí nghiệp cung tiêu được quyền giữ chế độ kế toán độc lập, có đủ tư cách pháp nhân, được ký hợp đồng với các xí nghiệp khác và được đặt quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nhà nước.

4. Xí nghiệp cung tiêu được trích lập quỹ xí nghiệp theo thể lệ hiện hành. Số chênh lệch giữa phí lưu thông năm kế hoạch so với năm trước được coi như lãi kế hoạch.

IV. TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN THÔNG TƯ NÀY

Để chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, các Bộ các ngành cần làm những việc sau đây:

1. Các Bộ, các ngành chủ quản xí nghiệp căn cứ vào tình hình cụ thể của Bộ và ngành mình mà xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của xí nghiệp cung tiêu cho thích hợp, trên cơ sở đó mà xúc tiến thành lập các xí nghiệp cung tiêu.

2. Tiến hành kiểm kê đánh giá tài sản và xét định vốn cho các xí nghiệp cung tiêu, theo điều kiện năm 1960.

3. Lãnh đạo các tổ chức cung tiêu lập kế hoạch kinh tế và kế hoạch thu chi tài vụ năm 1960 và chuẩn bị lập kế hoạch năm 1961. Trong bước đầu yêu cầu về chất lượng kế hoạch không cao, nhưng ít nhất các xí nghiệp cung tiêu phải lập được kế hoạch.

4. Kiện toàn bộ phận chuyên trách lập kế hoạch cung cấp vật tư của Bộ hoặc của ngành.

5. Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán cung tiêu để các Bộ và các ngành căn cứ vào đó mà áp dụng cho thống nhất.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt-nam ban hành thể lệ cho vay đối với các tổ chức cung tiêu.

Việc tăng cường công tác cung cấp vật tư, chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh daonh theo chế độ hạch toán kinh tế có một ý nghĩa kinh tế và tài chính rất quan trọng. Nó góp phần ổn định việc cung cấp tư liệu sản xuất cho sản xuất và xây dựng cơ bản và bảo đảm quản lý tốt vốn của Nhà nước. Vì vậy, các Bộ, các ngành cần nghiên cứu thông tư này để thi hành khẩn trương, làm thế nào đến cuối tháng 10 năm 1960 căn bản hoàn thành việc chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 215-TTg năm 1960 về việc chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 215-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/09/1960
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 07/10/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản