NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT |
Số: 68-QĐ | Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 1961 |
BAN HÀNH THỂ LỆ VÀ BIỆN PHÁP TẠM THỜI CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC CUNG TIÊU
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Sắc lệnh số 15-SL ngày 06 tháng 5 năm 1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam;
Thi hành Thông tư số 215-TTg ngày 22-9-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển các tổ chức cung tiêu thành xí nghiệp kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế và giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và ban hành thể lệ cho vay;
Căn cứ Công văn số 264/TN ngày 4 tháng 2 năm 1961 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nội dung bản thể lệ và biện pháp tạm thời cho vay đối với các tổ chức cung tiêu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Ban hành Thể lệ và biện pháp tạm thời cho vay ngắn hạn đối với các tổ chức cung tiêu.
Điều 2. – Thể lệ và biện pháp cho vay này được áp dụng kể từ ngày ban hành.
Điều 3. – Các ông Chánh văn phòng, Giám đốc Vụ, Cục ở Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng Chi nhánh Ngân hàng toàn quốc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM |
Điều 1. – Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức cung tiêu vay nhằm mục đích:
1. Giúp cho các các tổ chức cung tiêu thanh toán kịp thời tiền mua hàng cho các đơn vị bán, thực hiện kế hoạch dự trữ bảo đảm cung cấp hàng hoá cho các xí nghiệp, công trình xây dựng;
2. Thông qua công tác cho vay ngắn hạn, Ngân hàng làm nhiệm vụ kiểm soát bằng đồng tiền hoạt động của các tổ chức cung tiêu, thúc đẩy các tổ chức này tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn, sử dụng vốn hợp lý, giảm bớt phí tổn lưu thông, củng cố chế độ hạch toán kinh tế.
Điều 2. – Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức cung tiêu vay vốn ngắn hạn theo các điều kiện sau đây:
1. Các tổ chức cung tiêu được vay vốn phải là những xí nghiệp đã thi hành chế độ hạch toán kinh tế, nghĩa là phải có tư cách pháp nhân, được quyền ký hợp đồng giao dịch, có quyền được trực tiếp vay Ngân hàng, đã được xét định vốn và được Nhà nước cấp vốn riêng, v.v…
2. Các tổ chức cung tiêu phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc cho vay ngắn hạn, tức là phải trả số tiền vay đúng kỳ hạn, chỉ được dùng số tiền vay vào những mục đích nhất định ghi trong kế hoạch và theo mức thực hiện kế hoạch, số tiền vay phải đảm bảo sử dụng vào việc mua vật tư.
3. Trước mỗi kỳ kế hoạch, tổ chức cung tiêu phải gửi đến Ngân hàng các bảng kế hoạch cung cấp vật tư, kế hoạch tài vụ, kế hoạch vay vốn và sau kỳ kế hoạch thì gửi đến cho Ngân hàng các báo cáo về tình hình thực hiện các kế hoạch ấy và các tài liệu báo cáo kế toán khác.
Điều 3. – Ngân hàng Nhà nước chi cho các tổ chức cung tiêu vay về vốn hàng hoá, bao gồm hàng hoá trên đường, hàng đang gia công, hàng gửi nơi khác giữ hộ, hàng hoá trong kho, kể cả những hàng hoá không qua kho trong trường hợp việc luân chuyển hàng không qua kho nay có sự tham gia thanh toán của tổ chức cung tiêu. Hàng hoá thuộc đối tượng cho vay nói ở đây gồm có nguyên vật liệu, phụ tùng sửa chữa, thiết bị lẻ dùng vào sản xuất cũng như hàng thiết bị lẻ dùng vào xây dựng cơ bản.
Điều 4. – Ngoài các hàng hoá nói trên, những loại vật tư sau đây không thuộc đối tượng cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước:
1. Hàng thiết bị toàn bộ, bao gồm tiền chi phí vận chuyển hàng thiết bị toàn bộ;
2. Hàng sưu tập trong nước;
3. Vật tư ứ đọng;
Đó là những loại vật tư không thuộc phạm vi kinh doanh của tổ chức cung tiêu.
4. Nguyên vật liệu (không thuộc phần hàng hoá);
5. Nhiên liệu;
6. Bao bì;
7. Vật rẻ tiền mau hỏng;
8. Phí đợi phân bổ.
Đó là những khoản vốn định mức không phải hàng hoá đã được Nhà nước cấp vốn tự có cả 100%.
9. Hàng nhập về lỡ kế hoạch hoặc sớm quá hoặc muộn quá mà trong năm kế hoạch không sử dụng đến, hoặc vượt mức dự trù cần thiết cho quý I năm sau. Đối với những loại hàng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ Tài chính và Bộ hoặc ngành chủ quản quyết định cho chuyển sang loại vật tư ứ đọng hay thuộc loại đối tượng cho vay đặc biệt nói ở dưới đây.
Điều 5. – Căn cứ vào tính chất và đặc điểm kinh doanh hiện nay của các tổ chức cung tiêu, và dựa theo nội dung kinh tế khác nhau của việc sử dụng vốn, Ngân hàng Nhà nước tạm thời quy định các loại cho vay sau đây:
1. Cho vay để trả tiền hàng hoá không qua kho, gọi tắt là “loại cho vay hàng không qua kho”;
2. Cho vay luân chuyển hàng hoá qua kho, gọi tắt là “loại cho vay hàng qua kho”;
3. Loại cho vay đặc biệt thuộc phần vốn của Tài chính chuyển sang Ngân hàng cho vay.
Ngoài các loại cho vay chính trên đây có liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh cơ bản của các tổ chức cung tiêu, Ngân hàng Nhà nước còn cho vay:
- Về nhu cầu tạm thời;
- Cho vay thanh toán;
- Cho vay vốn sửa chữa lớn: như đối với các tổ chức Mậu dịch quốc doanh.
Mục A – CHO VAY HÀNG KHÔNG QUA KHO
Điều 6. – Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức cung tiêu vay để trả các khoản tiền hàng không qua kho, căn cứ vào các giấy tờ thanh toán của đơn vị bán hàng, hoặc căn cứ vào giấy tờ xin vay và thanh toán của tổ chức cung tiêu. Để phân biệt với loại cho vay hàng qua kho, trên các giấy tờ thanh toán này phải chú thích thêm khoản “Thanh toán hàng không qua kho”.
Điều 7. – Mức tiền cho vay mỗi lần bằng trị giá hàng hoá đã chuyên chở thẳng cho các đơn vị mua hàng và được ghi trên các giấy tờ thanh toán. Số tiền vay phải được chuyển trả thẳng cho đơn vị bán hàng.
Điều 8. – Sau khi được vay về khoản hàng không qua kho, tổ chức cung tiêu phải làm ngay giấy đòi nợ đơn vị mua hàng.
- Đối với những loại hàng chuyển thẳng đến đơn vị mua hàng, nếu quá hạn 3 ngày mà tổ chức cung tiêu vẫn không làm giấy tờ thanh toán, thì Ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ về từ tài khoản tiền gửi, nếu tài khoản tiền gửi không đủ tiền thì sẽ phải chuyển qua nợ quá hạn;
- Đối với những loại hàng trung chuyển, thì tuỳ theo tình hình giao nhận cụ thể ở ga hay cảng, Ngân hàng và tổ chức cung tiêu sẽ thoả thuận với nhau về thời hạn cần thiết phải làm xong giấy tờ thanh toán. Nếu để quá thời hạn ấy, Ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi nợ như trường hợp trên.
Điều 9. - Thời hạn cho vay về khoản hàng không qua kho được ấn định tuỳ theo:
- Thời gian làm giấy tờ đòi nợ đơn vị mua hàng, nếu làm giấy tờ đòi nợ ngay khi vay vốn thì không tính thời gian này nữa;
- Thời gian cần thiết để làm các thủ tục thanh toán và luân chuyển giấy tờ trong việc thanh toán giữa 2 địa phương hay trong cùng một thành phố.
Mặc dù thời hạn cho vay được ấn định theo thời gian cần thiết để thanh toán, nhưng Ngân hàng có thể thu nợ trước hạn nếu:
- Đơn vị mua hàng thanh toán được sớm,
- Hoặc khi đơn vị mua hàng từ chối chấp nhận trả.
Trường hợp nợ đến hạn, nhưng Ngân hàng chưa nhận được giấy báo của Ngân hàng bên mua, thì có thể cho gia hạn cho đến khi nào nhận được giấy báo của Ngân hàng bên mua cho biết về lý do không trả mới tiến hành thu hồi số tiền đã cho vay.
Điều 10. – Tổ chức cung tiêu chỉ được dùng số tiền thanh toán của đơn vị mua hàng để trả nợ về khoản đã vay về hàng không qua kho, và khi tiến hành thu nợ, Ngân hàng chỉ thu số tiền trị giá hàng hoá theo giá vốn, còn số tiền thủ tục phí thu thêm sẽ được ghi vào tài khoản tiền gửi của tổ chức cung tiêu.
Điều 11. – Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức cung tiêu vay để trả tiền mua hàng căn cứ vào các giấy tờ thanh toán của đơn vị bán hàng, hoặc căn cứ vào giấy tờ xin vay và thanh toán của tổ chức cung tiêu. Trên các giấy tờ thanh toán thuộc loại vay này phải có khoản chú thích “thanh toán hàng qua kho”. Số tiền vay sẽ được ghi thẳng cho đơn vị bán hàng.
Điều 12. – Tất cả các khoản tiền bán hàng theo giá vốn phải được dùng vào trả nợ về khoản cho vay hàng qua kho. Số tiền chênh lệch thu thêm trong số tiền bán hàng sẽ được chuyển vào tài khoản tiền gửi thanh toán để tổ chức cung tiêu sử dụng. Để giúp Ngân hàng có căn cứ phân tích được các khoản thu hồi nợ và thu tiền gửi, trên các giấy tờ đòi nợ người mua hàng, tổ chức cung tiêu phải chú thích rõ các phần thuộc giá vốn hàng hoá bán ra và khoản thu thêm.
Tiền bán hàng nói ở đây là khoản thu về việc bán hàng thuộc vốn kinh doanh của tổ chức cung tiêu, còn các khoản thu tiền bán hàng không thuộc vốn kinh doanh của tổ chức cung tiêu như tiền bán các vật tư ứ đọng, bán các nguyên vật liệu hoặc tài sản khác, thì Ngân hàng ghi thẳng vào tài khoản tiền gửi thanh toán của tổ chức cung tiêu.
Điều 13. – Để việc luân chuyển vốn được nhanh, trong các trường hợp bán hàng theo hình thức thanh toán nhờ thu nhận trả, tổ chức cung tiêu có thể đề nghị Ngân hàng cho vay về “giấy tờ thanh toán trên đường đi” để trả bớt khoản đã vay về hàng qua kho. Khi giấy đòi nợ được đơn vị mua hàng chuyển tiền trả, Ngân hàng sẽ thu nợ về khoản cho vay thanh toán và ghi số thu thêm vào tài khoản tiền gửi của tổ chức cung tiêu.
Điều 14. – Hàng tháng Ngân hàng sẽ tính toán điều chỉnh “nợ về hàng qua kho” một lần vào khoảng thời gian từ ngày đầu tháng đến ngày 10 tháng sau. Để Ngân hàng có tài liệu tính toán điều chỉnh nợ chính xác, các tổ chức cung tiêu phải gửi đến Ngân hàng các báo biểu kế toán hàng tháng và tình hình dự trữ vật tư cuối tháng. Nếu sắp đến kỳ điều chỉnh nợ mà chưa làm xong các báo biểu kế toán, thì tổ chức cung tiêu có thể báo cáo trước cho Ngân hàng những chi tiêu về tình hình thực hiện luân chuyển hàng hoá qua kho, và hàng hoá không qua kho, tình hình tồn kho vật tư cuối tháng.
Khi điều chỉnh nợ, Ngân hàng sẽ kiểm tra:
1. Việc trả nợ thực tế với giá vốn hàng bán ra thực tế. Nếu việc trả nợ trong tháng trước ít hơn số tiền hàng bán ra tính theo giá vốn thì Ngân hàng sẽ thu nợ thêm, nếu ngược lại nhiều hơn, thì Ngân hàng cũng có thể cho vay thêm.
2. Số dư nợ về hàng qua kho với số hàng hoá đảm bảo. Khi tính toán hàng hoá đảm bảo có chú ý cả khoản hàng hoá đã xuất bán nhưng chưa kịp làm giấy tờ thanh toán, và loại trừ các khoản sau đây:
- Hàng hoá ứ đọng đã được (hoặc chưa được) Bộ Tài chính cấp vốn riêng.
- Hàng chưa trả tiền cho người bán.
- Hàng hoá vượt mức kế hoạch dự trữ (phần vượt kế hoạch dự trữ này sẽ được vay về vốn nhu cầu tạm thời nếu như việc dự trữ vượt kế hoạch đó là do hoàn cảnh khách quan gây nên).
- Vốn tự có trong hàng hoá (tính theo định mức duyệt cấp vốn hàng năm).
Sau khi tính toán nếu thấy nợ không đủ đảm bảo thì Ngân hàng sẽ thu hồi khoản nợ thiếu đảm bảo, ngược lại nếu gặp trường hợp có thừa đảm bảo thì Ngân hàng xét có thể cho vay thêm để trả cho người có nợ.
Điều 15. – Qua các kỳ điều chỉnh nợ hàng tháng, nếu tổ chức cung tiêu phải chịu nợ quá hạn vì không đủ tiền trả các khoản nộp thêm về tiền bán hàng, về tiền nợ thiếu đảm bảo, thì Ngân hàng bắt buộc phải hạn chế việc cho vay để mua hàng cho đến khi thanh toán hết nợ quá hạn.
Nếu tình trạng nợ quá hạn xảy ra liên tiếp trong các tháng của quý kế hoạch thì Ngân hàng sẽ báo cho Bộ hoặc Cục chủ quản biết và nếu cần thì đình chỉ cho vay hoặc vẫn tiếp tục cho vay nhưng phải có sự đảm bảo của Bộ hoặc Cục chủ quản.
Điều 16. – Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức cung tiêu vay vốn đặc biệt trong các trường hợp:
1. Khi các tổ chức cung tiêu dự trữ một số hàng hoá cũ chậm tiêu thụ, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn liệt vào loại hàng ứ đọng nên không được Nhà nước cấp vốn riêng;
2. Hoặc tổ chức cung tiêu phải nhận một số hàng phải mua không đúng kế hoạch (về sớm hay về muộn) quá niên độ kế hoạch hoặc vượt mức dự trữ cần thiết cho quý I năm sau và những hàng đó cũng không thể coi là hàng ứ đọng được.
Điều 17. – Nguồn vốn cho vay đặc biệt không phải là khoản vốn huy động ngắn hạn của Ngân hàng, mà do vốn của Bộ Tài chính chuyển sang, vì thế khi tổ chức cung tiêu sử dụng đến các loại hàng thuộc đối tượng cho vay đặc biệt, thì Ngân hàng sẽ thu hồi vốn để trả lại cho Bộ Tài chính.
Để giúp cho Ngân hàng có thể theo dõi việc sử dụng các khoản cho vay đặc biệt, tổ chức cung tiêu phải có sổ sách ghi chép riêng về các loại hàng hoá thuộc đối tượng cho vay đặc biệt và thường xuyên có báo cáo riêng về tình hình dự trữ các loại hàng hoá này cho Ngân hàng.
Điều 18. – Lợi suất cho vay được ấn định riêng theo từng loại cho vay:
1. Cho vay hàng không qua kho theo lợi suất áp dụng đối với các khoản cho vay thanh toán (hiện nay là 0,2% một tháng).
2. Cho vay hàng qua kho theo như lợi suất cho vay dự trữ vật tư trên định mức trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (hiện nay là 0,4% một tháng).
3. Cho vay đặc biệt áp dụng định mức lợi suất 0,1% một tháng.
Điều 19. - Thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các tổ chức cung tiêu này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành theo Quyết định số 68/QT ngày 22 tháng 2 năm 1961.
Quyết định 68-QĐ năm 1961 về thể lệ và biện pháp tạm thời cho vay ngắn hạn đối với các tổ chức cung tiêu do Tổng Giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.
- Số hiệu: 68-QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/02/1961
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Lê Viết Lượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 22/02/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định