Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-BTC/ĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1993

THÔNG TƯ

SỐ 21-BTC/ĐTNGÀY 19-3-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ SỬ DỤNG KINH PHÍ THẨM TRA LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT

Căn cứ vào Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo nds 385-HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)
Tiếp theo Thông tư Liên Bộ số 01 TT/LB ngày 09-3-1991 của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước - Bộ Xây dựng - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định 385-HĐBT.
Sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan Nhà nước liên quan. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật như sau:

I- NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật đảm bảo chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư của công trình xây dựng cơ bản. Khoản kinh phí này được trích từ kinh phí lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và tối đa không vượt quá 5% kinh phí lập luận chứng kinh tế kỹ thuật.

2. Công trình thuộc nguồn vốn nào thì kinh phí cho công tác thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật được sử dụng từ nguồn vốn đó.

3. Việc quản lý và sử dụng kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật của công trình được thực hiện theo chế độ quản lý xây dựng cơ bản hiện hành và những quy định tại Thông tư này.

II- SỬ DỤNG KINH PHÍ THẨM TRA LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT

1. Kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật được sử dụng vào các mục đích sau:

- Chi phí cho các tổ chức, chuyên gia (bao gồm cả chuyên gia nước ngoài) tham gia nghiên cứu, đánh giá nhận xét luận chứng kinh tế kỹ thuật theo hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân chuyên gia với Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật.

- Chi phí cho các thành viên Hội đồng, tham gia nhận xét đánh giá luận chứng kinh tế kỹ thuật (không bao gồm chi phí tiền lương).

- Chi phí cho công tác xét duyệt của Hội đồng. Bao gồm chi phí đi lại, ăn, ở cho các thành viên Hội đồng trong thời gian thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật.

- Chi phí hướng dẫn nghiệp vụ (nếu có)

- Chi phí thuê các phương tiện làm việc phục vụ cho công tác thẩm tra.

- Chi phí thuê các phương tiện làm việc phục vụ cho công tác thẩm tra.

- Chi phí in, ấn, lưu trữ tài liệu phục vụ công tác thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật.

2. Việc phân cấp quản lý và phân phối kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật được quy định như sau:

- Công trình dưới hạn ngạch: Chủ đầu tư chuyển 100% kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt cho Chủ tịch Hội đồng thẩm tra cấp Bộ, tỉnh, thành phố quản lý sử dụng.

- Công trình trên hạn ngạch: Chủ đầu tư chuyển 60% kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật cho Chủ tịch Hội đồng thẩm tra cấp Bộ, tỉnh, thành phố; còn lại 40% chuyển cho Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật cấp Nhà nước quản lý sử dụng.

- Công trình quan trọng cấp Nhà nước: Chủ đầu tư chuyển 70% kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật duyệt cho Chủ tịch Hội đồng thẩm tra cấp Nhà nước; 30% còn lại chuyển cho Chủ tịch Hội đồng thẩm tra cấp tỉnh, thành phố quản lý sử dụng.

III- QUẢN LÝ KINH PHÍ THẨM TRA LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT

1. Hàng năm căn cứ vào danh mục chuẩn bị đầu tư được Nhà nước giao kế hoạch. Chủ đầu tư lập kế hoạch kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật gửi cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ chủ quản đối với công trình trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với công trình địa phương quản lý) xét duyệt.

Cơ quan chủ quản đầu tư xét duyệt; tổng hợp kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư của ngành, cấp mình để gửi Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính xét duyệt và ghi vào kế hoạch ngân sách hàng năm.

2. Căn cứ kế hoạch kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật của từng công trình đã được phê duyệt, chủ đầu tư thực hiện việc trích và chuyển kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật cho Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật theo hạn ngạch công trình như quy định tại điểm 2 (phần II) nói trên.

3. Chủ tịch Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật các cấp có trách nhiệm lập và quản lý dự toán chi phí, quản lý kinh phí và tiến hành quyết toán kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật hàng năm và mỗi khi công tác thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật của từng công trình hoàn thành với cơ quan tài chính cùng cấp.

Tổng số chi phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật chỉ được sử dụng theo dự toán được duyệt và trong phạm vi số tiền đã trích. Kinh phí còn thừa phải nộp kịp thời, đầy đủ vào ngân sách Nhà nước cùng cấp.

4. Sau khi luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt. Căn cứ quyết toán kinh phí thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật của từng công trình được phê duyệt; chủ đầu tư được quyết toán khoản kinh phí này vào khoản mục chi phí chuẩn bị đầu tư đồng thời tính vào giá trị công trình khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

IV- KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cơ sở phản ảnh, kịp thời những vướng mắc về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 21-BTC/ĐT năm 1993 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thẩm tra luận chứng kinh kế kỹ thuật do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 21-BTC/ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/03/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản