Hệ thống pháp luật

Điều 83 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Điều 83. Quy định chuyển tiếp

1. Thuốc bảo vệ thực vật đã có trong Danh mục nhưng không đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư này được phép lưu hành tối đa sau 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Trước 01 năm đến ngày thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư này phải đăng ký 01 hàm lượng với Cục Bảo vệ thực vật để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục theo quy định.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có nhiều hàm lượng không thực hiện đăng ký 01 hàm lượng, Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn 01 hàm lượng cao nhất trong số các hàm lượng mà thuốc đó đã được đăng ký để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục.

3. Thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5; khoản 2 Điều 6; điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 6; khoản 6 Điều 6 của Thông tư này:

a) Đã được cấp Giấy phép khảo nghiệm nhưng chưa thực hiện khảo nghiệm: phải hủy bỏ những đối tượng không đúng quy định của Thông tư này trong giấy phép kể từ ngày Thông tư có hiệu lực;

b) Đối với thuốc đang thực hiện khảo nghiệm hoặc đã khảo nghiệm xong nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký thì được tiếp tục khảo nghiệm và đăng ký vào Danh mục. Nếu được đăng ký vào Danh mục thì chỉ được lưu hành tối đa 05 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực;

c) Đối với thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 6; điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 6; khoản 6 Điều 6 của Thông tư này đã đăng ký vào Danh mục trước khi Thông tư này có hiệu lực, khi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hết hạn: chỉ được gia hạn cho đủ 02 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 6 của Thông tư này có độ độc cấp tính loại III, loại IV theo phân loại GHS, chỉ được nhập khẩu, sản xuất tối đa là 01 năm; chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 02 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

5. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứa hoạt chất pyrethrins, rotenone, nhóm avermectin đăng ký trên cây rau, cây ăn quả và cây chè đã được cấp Giấy phép khảo nghiệm mà không quy định khảo nghiệm thời gian cách ly trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì phải khảo nghiệm thời gian cách ly.

6. Nhãn thuốc bảo vệ thực vật có nội dung theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật được tiếp tục sử dụng tối đa 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

7. Giấy chứng nhận huấn luyện chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được coi là tương đương với Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Thông tư này.

8. Các khảo nghiệm đã ký hợp đồng với tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm trước khi Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 21/2015/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 28/06/2015
  • Số công báo: Từ số 631 đến số 632
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH