Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 203-NV/VP

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1946

THÔNG TƯ

Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ thiết lập trên nền tảng dân chủ, có bổn phận bảo đảm công lý và vì thế rất để ý đến nguyện vọng của dân chúng và sẵn lòng xem xét những nỗi oan khuất trong dân gian.

Nhưng Bản bộ phận thấy nhiều người chưa rõ đường lối để minh oan: Việc thuộc quyền cơ quan này lại đưa đơn đến cơ quan khác, vừa mất thì giờ vừa không đạt được ý nguyện.

Bởi vậy Bản bộ chỉ rõ một vài thủ tục cho mọi người biết.

I. NHỮNG VIỆC THUỘC PHẠM VI HÀNH CHÍNH.

– Nghĩa là những việc do sự thi hành các luật lệ của các cơ quan hành chính hay những việc có liên can đến sự xu biến các quyền lợi chung của công dân.

Thí dụ: Các việc tham nhũng hay lạm quyền, quân cấp công điền, công thổ, bầu cử H.Đ.N.D, hợp xã, phân xã v.v…

Đơn kêu những việc này trước hết phải đưa đến các cơ quan hành chính huyện hay thị xã, nơi xẩy ra việc. Quá hạn kỳ 15 ngày nếu chưa được xét xử, hay xét xử rồi mà nguyên đơn cho là bất công thì mới được khiếu nại lên U.B.H.C tỉnh. Ở đây, một tháng không được trả lời, mới tới U.B.H.C kỳ xét và cũng theo thủ tục ấy mới lên Nội vụ.

Đơn khiếu nại không bao giờ được gửi thẳng đến cấp trên nếu chưa đưa qua cấp dưới xét xử.

Một việc mà các cơquan hành chính cần nhớ rõ là xét xử thế nào cũng phải trả lời cho người có đơn biết.

II. NHỮNG VIỆC THUỘC PHẠM VI TƯ PHÁP .

– (Như việc kiện tứ điền, truy tố gian phi, thi hành khế ước, tóm lại là những việc về luật dân sự, luật hình, luật thương mại)

Đơn kêu những việc này phải tùy theo thẩm quyền của các tòa án mà gửi cho ông thẩm phán sơ cấp hay ông biện lý tỉnh tòa án (ở tỉnh nào không có ông biện lý thì gửi cho ông Chánh án).

III. NHỮNG VIỆC BẮT GIAM.

a) Nếu là tội thường và do lệnh của tòa án thì kêu tại các tòa án theo như mục II đã nói.

b) Nếu là việc chính trị do lệnh U.B.H.C tỉnh hay kỳ và chưa có nghị định đi an trí thì phải kêu tại U.B.H.C kỳ.

Nếu đã có nghị định của U.B.H.C kỳ bắt đi an trí thì kêu ở hội đồng phúc thẩm đặt tại Bộ Nội vụ.

Thường lệ, hội đồng phúc thẩm ba tháng họp một lần để xét lại các việc nói trên.

c) Nếu là việc do tòa án quân sự xử rồi thì chỉ có cụ Chủ tịch Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa mới có quyền ân xá.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Huỳnh Thúc Kháng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 203-NV/VP năm 1946 về việc phân định thẩm quyền của cơ quan Tư pháp do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 203-NV/VP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/05/1946
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Huỳnh Thúc Kháng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản