Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 20/LĐTBXH-TT NGÀY 3 THÁNG 8 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 07/CP NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ, Ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng được phép đi làm việc ở nước ngoài

a. Công nhân, viên chức và những người làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước (kể cả doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ), các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức đoàn thể xã hội;

b. Những người đang làm việc ở các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức của người nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

c. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp ở trong nước và nước ngoài chưa có việc làm;

d. Lao động xã hội.

2. Đối tượng không thuộc diện đưa đi làm việc ở nước ngoài

a. Công chức, viên chức đang làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương (bao gồm các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ) đến địa phương (gồm uỷ ban Nhân dân các cấp, các sở, phòng ban của uỷ ban Nhân dân).

b. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.

c. Những người chưa được phép xuất cảnh theo quy định tại phần A, Mục III, Thông tư số 02/BNV (A18) ngày 30 tháng 4 năm 1995 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 24/CP ngày 23 tháng 3 năm 1995 về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.

3. Những nghề, khu vực không được đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nghiêm cấm các tổ chức kinh tế ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam làm các nghề hoặc đến làm việc ở các khu vực quy định trong phụ lục I kèm theo Thông tư này.

II. TUYỂN CHỌN LAO ĐỘNG

1. Tiêu chuẩn

Người lao động Việt Nam theo quy định tại điểm 1, mục I, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a. Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày làm hồ sơ tuyển chọn);

b. Có năng lực pháp lý và năng lực hành vi, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ công dân theo pháp luật, tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.

c. Có đủ sức khoẻ, trình độ văn hoá, nghề nghiệp và ngoại ngữ theo yêu cầu của hợp đồng mà tổ chức kinh tế ký với bên nước ngoài.

2. Nguyên tắc tuyển chọn

a. Tổ chức kinh tế được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải trực tiếp tổ chức tuyển chọn và tuyển đúng đối tượng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, không được thông qua bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân trung gian nào.

b. Khi tuyển chọn, tổ chức kinh tế phải thông báo công khai về tiêu chuẩn, yêu cầu về giới tính tuổi đời, công việc mà người lao động đảm nhiệm, nơi làm việc và thời hạn của hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh hoạt, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

c. Nếu tuyển chọn lao động ở các đơn vị hoặc địa phương khác thì Tổ chức kinh tế phải xuất trình giấy phép khi làm việc với đơn vị đó hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

d. Tổ chức kinh tế có hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ưu tiên tuyển chọn các đối tượng sau: con liệt sĩ, con thương binh, con của gia đình có công với cách mạng, bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (đặc biệt ở Trường Sa), thanh niên xung phong đã hoàn thành nghĩa vụ.

e. Trước khi đưa đi, tổ chức kinh tế phải: - Ký kết hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với người lao động. Hợp đồng được ký kết theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện và phải nêu rõ các nội dung sau: Thời hạn hợp đồng và nơi làm việc: công việc đảm nhiệm, thời gian làm việc và nghỉ ngơi; điều kiện làm việc và sinh hoạt; quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên và các quy định khác do hai bên thoả thuận.

- Tập huấn cho người lao động về pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước sở tại, quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo hợp đồng đã ký kết, giáo dục ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản của hợp đồng, cam kết của bản thân và kỷ luật lao động; về khó khăn, thuận lợi khi đến làm việc ở nước ngoài, về phong tục tập quán của nước sở tại.

3. Hồ sơ tuyển chọn bao gồm:

a. Đơn tự nguyện xin đi làm việc ở nước ngoài (có cam kết của bản thân và gia đình);

b. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã) nơi cư trú hoặc đơn vị người lao động đang làm việc;

c. Giấy chứng nhận có đủ sức khoẻ của cơ quan Y tế có thẩm quyền (do Bộ Y tế quy định)

d. Các giấy tờ cần thiết khác theo yêu cầu của hợp đồng.

III. THỦ TỤC CẤP PHÉP

1. Giấy phép hoạt động

a. Giấy phép hoạt động về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gọi tắt là giấy phép hoạt động) được cấp cho Tổ chức kinh tế để thực hiện chức năng cung ứng lao động cho nước ngoài. Giấy phép hoạt động có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp và sẽ bị thu hồi nếu trong một năm kể từ ngày cấp, đơn vị không thực hiện được một hợp đồng nào đáng kể.

b. Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động: Các Tổ chức kinh tế muốn được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải có đủ các điều kiện sau:

- Là doanh nghiệp Nhà nước đã được thành lập lại theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Có vốn lưu động từ một tỷ đồng Việt Nam trở lên tại thời điểm xin cấp phép.

- Bộ máy và đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện chức năng cung ứng lao động cho nước ngoài phải có năng lực quản lý; có ít nhất hai phần ba cán bộ lãnh đạo và năm mươi phần trăm cán bộ nghiệp vụ tốt nghiệp Đại học; có cán bộ thông thạo ngoại ngữ nhất là tiếng Anh.

- Am hiểu thị trường lao động, pháp luật lao động, luật nhập cư của nước nhận lao động và pháp luật Quốc tế có liên quan.

c. Quy trình cấp giấy phép hoạt động:

- Hồ sơ xin cấp giấy phép nộp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động có ý kiến xác nhận của Thủ trưởng Bộ hoặc địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo mẫu số 1 kèm Thông tư này.

+ Bản sao Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước có quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức kinh tế có công chứng hợp pháp.

+ Chứng nhận của cơ quan tài chính cấp ngành hoặc tỉnh về vốn lưu động từ một tỷ đồng trở lên.

+ Luận chứng kinh tế về khả năng hoạt động của Tổ chức kinh tế trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có xác nhận của Thủ trưởng Bộ hoặc địa phương và có nội dung như sau: cơ sở, điều kiện vật chất và khả năng tài chính; trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện chức năng cung ứng cho nước ngoài; khả năng khai thác thị trường lao động ngoài nước việc sử dụng nguồn lao động; chỉ tiêu và hiệu quả kinh tế - xã hội, biện pháp quản lý lao động; việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước, Tổ chức kinh tế và người lao động.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và trả lời kết quả cấp giấy phép hoạt động cho Tổ chức kinh tế trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Khi nhận giấy phép hoạt động, Tổ chức kinh tế phải nộp một khoản lệ phí tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

2. Giấy phép thực hiện hợp đồng

a. Giấy phép thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là giấy phép thực hiện hợp đồng) được cấp cho Tổ chức kinh tế có giấy phép hoạt động để thực hiện hợp đồng cung ứng lao động ký với bên nước ngoài. Giá trị của giấy phép thực hiện hợp đồng được xác định tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất của từng hợp đồng, nhưng tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày cấp. Việc gia hạn giấy phép loại này chỉ được giải quyết một lần với thời hạn kéo dài không quá 3 tháng trên cơ sở đề nghị xin gia hạn và báo cáo thực hiện hợp đồng tổ chức kinh tế.

b. Điều kiện để cấp giấy phép thực hiện hợp đồng:

- Tổ chức kinh tế đã có giấy phép hoạt động;

- Có hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hợp đồng của cá nhân người lao động thông qua Tổ chức kinh tế để thực hiện. Hợp đồng ký với bên nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Tổ chức kinh tế và người lao động. Hợp đồng đó có nội dung cơ bản sau: số lượng và cơ cấu lao động; ngành nghề; nơi làm việc và thời hạn làm việc, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tiền lương, tiên thưởng, chế độ làm thêm giờ, chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Điều kiện làm việc và sinh hoạt, chi phí ăn, ở, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, trách nhiệm xử lý khi có biến cố đặc biệt.

c. Quy trình cấp giấy phép thực hiện hợp đồng:

- Hồ sơ xin cấp giấy phép nộp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép thực hiện hợp đồng theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư này.

+ Bản sao hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị và kèm theo bản chính để đối chiếu;

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước nhận lao động về việc đồng ý cho nhập lao động trong những trường hợp cần thiết;

+ Báo cáo thực hiện hợp đồng lần trước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (kể cả chế độ thu, nộp tài chính).

Trường hợp xin giấy phép bổ sung số lượng lao động của hợp đồng đang thực hiện, Tổ chức kinh tế phải báo cáo tình hình thực hiện giấy phép của hợp đồng đó.

- Đối với Tổ chức kinh tế xin cấp giấy phép đưa lao động đi thực hiện hợp đồng nhận thầu, khoán công trình ở nước ngoài theo khoản 4, Điều 13 Nghị định số 07/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995, hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm:

+ Bản sao hợp đồng nhận thầu, khoán công trình.

+ Văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện hợp đồng nhận thầu khoán công trình;

+ Phương án lao động để thực hiện hợp đồng nhận thầu, khoán công trình.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và trả lời kết quả việc cấp giấy phép thực hiện hợp đồng cho Tổ chức kinh tế trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với hợp đồng đưa lao động đến khu vực cần có ý kiến của cơ quan chức năng khác thì thời gian kéo dài không quá 15 ngày.

- Khi nhận giấy phép thực hiện hợp đồng, Tổ chức kinh tế phải nộp khoản lệ phí tính trên số lượng lao động của hợp đồng theo quy định của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

IV. QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC KINH TẾ

1. Người lao động có trách nhiệm

a. Nộp một khoản tiền đặt cọc cho Tổ chức kinh tế đưa đi để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng mà người lao động đã ký với Tổ chức kinh tế. Mức đặt cọc do người lao động và Tổ chức kinh tế thoả thuận, có thể nộp một lần hoặc trừ dần vào tiền lương, nhưng không vượt quá giá vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nơi người lao động làm việc ở nước ngoài.

b. Nộp phí dịch vụ cho Tổ chức kinh tế đưa đi theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

c. Nộp bảo hiểm xã hội thông qua Tổ chức kinh tế đưa đi theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

d. Nộp thuế thu nhập theo quy định tại Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ngày 19-5-1994; Nghị định số 05/CP ngày 20-1-1995 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 27/TC/TCT ngày 30/3/1995 của Bộ Tài chính.

2. Tổ chức kinh tế có trách nhiệm

a. Thu và bảo quản tiền đặt cọc của người lao động. Khoản này hạch toán và khoản phải trả để bảo đảm thanh toán cho người lao động đúng thời hạn.

Trong vòng 1 tháng kể từ ngày người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không gây thiệt hại về kinh tế cho Tổ chức kinh tế thì Tổ chức kinh tế phải hoàn trả tiền đặt cọc cho người lao động bao gồm cả tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm thanh toán. Trường hợp người lao động chưa về nước thì chưa được nhận lại tiền đặt cọc, Tổ chức kinh tế có trách nhiệm quản lý khoản tiền này theo đúng chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng lao động gây thiệt hại về kinh tế cho Tổ chức kinh tế thì Tổ chức kinh tế được khấu trừ vào tiền đặt cọc của người lao động theo đúng chế độ bồi thường vật chất, nhưng phải thông báo công khai cho người lao động biết rõ lý do và mức phải trừ.

b. Thu tiền bảo hiểm xã hội theo tiết c, điểm 1, Mục IV của Thông tư này và nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ.

c. Thu phí dịch vụ của người lao động theo tiết b, điểm 1, Mục IV của Thông tư này. Khoản này là doanh thu của Tổ chức kinh tế dùng để chi phí cho bộ máy hoạt động cung ứng lao động, tuyển chọn; khám sức khoẻ, bồi dưỡng và kiểm tra tay nghề, ngoại ngữ; giáo dục, tập huấn trước khi đi, quản lý lao động ở trong và ngoài nước; làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và chuyển trả người lao động về cơ sở trước khi đi.

d. Thu và nộp thuế thu nhập của người lao động theo quy định của Chính phủ.

Ngoài các khoản thu nêu trên, Tổ chức kinh tế không được thu thêm của người lao động bất kỳ một khoản nào khác.

V. QUẢN LÝ LAO ĐỘNG

1. Quản lý hồ sơ của người lao động: Tổ chức kinh tế có trách nhiệm quản lý hồ sơ của người lao động, hồ sơ đó bao gồm: Đơn tự nguyện xin đi làm việc ở nước ngoài; giấy chứng nhận sức khoẻ, sơ yếu lý lịch: hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài ký với Tổ chức kinh tế và các giấy tờ khác (nếu có).

2. Số lao động: Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Tổ chức kinh tế phải thu sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội của người lao động. Đối với những người chưa có sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội thì Tổ chức kinh tế phải làm thủ tục để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương cấp sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Tổ chức kinh tế đưa đi chịu trách nhiệm bảo quản và xác nhận quá trình làm việc, tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian ở nước ngoài.

3. Lập danh sách lao động theo hợp đồng: Ngay sau khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo từng hợp đồng, Tổ chức kinh tế lập danh sách lao động theo mẫu số 3 kèm Thông tư này và nộp 2 bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm công tác quản lý và chuyển cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại có người lao động làm việc.

4. Quản lý lao động ở nước ngoài: Tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp người lao động ở nước ngoài, được cử người làm đại diện ở nước nhận lao động để quản lý lực lượng lao động của mình; theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng đã ký; xử lý tranh chấp lao động và những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động cho đến khi hoàn thành việc đưa người lao động về nước. Khi cử người làm đại diện ở nước ngoài Tổ chức kinh tế phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại biết. Đại diện của Tổ chức kinh tế ở nước ngoài chịu sự chỉ đạo về mặt quản lý Nhà nước của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Giải quyết thủ tục ở trong nước: Khi người lao động về nước, Tổ chức kinh tế giải quyết thủ tục thanh lý hợp đồng lao động; trả sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận thời gian làm việc và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; xác nhận đã đóng thuế thu nhập; hoàn trả tiền đặt cọc và thực hiện các chính sách, chế độ (nếu có) theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

6. Chế độ báo cáo: Tổ chức kinh tế phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ quý năm theo mẫu số 4 kèm theo Thông tư này. Nếu có vụ việc đột xuất (vi phạm pháp luật, tranh chấp lao động; đánh nhau, tai nạn, chết người v.v...) thì Tổ chức kinh tế phải báo cáo ngay cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng đồng thời đề xuất biện pháp giải quyết.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Tổ chức kinh tế đã được cấp Giấy phép hoạt động trước ngày ban hành Nghị định số 07/CP ngày 20-1-1995 của Chính phủ đều phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định tại Thông tư này trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, sau thời hạn nói trên, giấy phép hoạt động cũ không còn hiệu lực. Trường hợp giấy phép hoạt động hết hiệu lực, Tổ chức kinh tế vẫn phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về số lao động đang còn làm việc ở nước ngoài cho đến ngày hết hạn hợp đồng.

2. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng của mình giúp uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện quản lý và tạo điều kiện cho Tổ chức kinh tế tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 07/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, thanh tra việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu phát hiện có vi phạm gây ảnh hưởng xấu thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước hạn, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, thi hành kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vi phạm.

4. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn, Nghị định 370/HĐBT và các văn bản khác trái với Thông tư này.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, Ngành địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 20/LĐTBXH-TT-1995 hướng dẫn Nghị định 07/CP-1995 về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 20/LĐTBXH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/08/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản