Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 370-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 370-HĐBT NGÀY 9-11-1991 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội dồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy chế về đưa người lao động Việt nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ

VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 370-HĐBT ngày 9-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - văn hoá khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Điều 2. Việc đưa người lao động đi làm việc nói ở Điều 1 được thực hiện theo các Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (nếu có); theo các hợp đồng cung ứng lao động giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam với các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân người nước ngoài; theo các hợp đồng lao động giữa người lao động với các tổ chức kinh tế Việt Nam, hoặc các tổ chức kinh tế và cá nhân người nước ngoài (gọi tắt là bên sử dụng lao động), trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt Nam đến làm việc, phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam và nước sử dụng lao động ký kết hoặc tham gia theo nguyên tắc các bên cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Điều 3. Việc đưa người lao động đi làm việc phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền lợi của người lao động theo chính sách của Nhà nước, quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm về tài chính của các tổ chức kinh tế đưa người đi làm việc.

Điều 4. Đối tượng và hình thức đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được quy định như sau:

1. Đối tượng đi làm việc bao gồm những người có nghề hoặc chưa có nghề, học sinh mới tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước; người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý, kể cả người đi làm chuyên gia (trừ một số nghề và công việc đặc biệt Nhà nước không cho phép làm việc ở nước ngoài).

Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật và hợp tác đào tạo do nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ hoặc những người đi làm cho các tổ chức quốc tế phi kinh tế ở nước ngoài không thuộc đối tượng chấp hành của Quy chế này.

2. Việc tổ chức người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể thực hiện dưới các hình thức như đội, tổ hoặc cá nhân, đi làm việc độc lập hoặc xen ghép với người nước ngoài; nhận khoán khối lượng công việc; nhận khai thác, sản xuất chia sản phẩm; nhận thầu công trình xây dựng và các hình thức khác phù hợp với yêu cầu của bên sử dụng lao động ở nước ngoài.

Chương 2:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 5. Những đối tượng đi làm việc nói ở điều 4 phải là những công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (không phân biệt giới tính) có đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ công dân theo pháp luật và tự nguyện đi làm việc.

Điều 6. Người lao động có những quyền lợi sau:

1. Khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức kinh tế đưa đi và ký hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động, người lao động có quyền yêu cầu được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về việc làm, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc, ăn, ở và nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và những điều kiện cần thiết khác.

2. Được hưởng các quyền lợi ghi trong hợp đồng đã được hai bên ký kết và các văn bản khác có liên quan mà Nhà nước ta và nước ngoài đã thoả thuận.

3. Được các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam ở nước ngoài bảo hộ pháp lý về mặt lãnh sự và tư pháp theo các điều khoản đã ký kết giữa nước ta và nước ngoài.

4. Được mang ra nước ngoài hoặc đưa về nước những công cụ làm việc cần thiết của cá nhân, được chuyển thu nhập bằng ngoại tệ và tài sản cá nhân về nước theo các Hiệp định, hợp đồng đã ký với nước ngoài và theo pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

5. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chính sách, chế độ khác theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

6. Có quyền khiếu nại với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước xem xét và giải quyết việc bên sử dụng lao động vi phạm hợp đồng ảnh hưởng đến lao động và quyền lợi chính đáng của người lao động. Nếu kiến nghị nhiều lần không được giải quyết thì người lao động có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và được hưởng các chế độ theo pháp luật lao động của nước sở tại.

Điều 7.Người lao động có những nghĩa vụ sau:

1. Ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức kinh tế đưa đi, ký hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động nước ngoài. Chấp hành đầy đủ các điều khoản đã ký trong hợp đồng, trong các văn bản khác có liên quan mà Nhà nước ta và nước ngoài thoả thuận, hoặc các tổ chức kinh tế đã thoả thuận với bên sử dụng lao động.

2. Nộp lệ phí cho tổ chức kinh tế đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Nộp cho tổ chức kinh tế đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài một khoản tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Mức và thể thức đặt cọc do người lao động và tổ chức kinh tế thoả thuận. Khi hoàn thành hợp đồng, tổ chức kinh tế phải hoàn trả cho người lao động khoản tiền đặt cọc đó.

4. Trích không quá 30% thu nhập cơ bản hàng tháng theo hợp đồng để làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước Việt Nam và đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện khoản thu này.

5. Tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại do bản thân mình vi phạm hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài gây ra và về những quan hệ tài sản khác của cá nhân theo pháp luật.

6. Giữ gìn bí mật quốc gia và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý công dân Việt nam ở nước ngoài.

7. Tuân thủ pháp luật và tôn trọng phong tục, tập quán và có quan hệ tốt với nhân dân nước đến lao động.

Chương 3:

TỔ CHỨC KINH TẾ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 8. Các tổ chức kinh tế (bao gồm các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ cung ứng lao động) được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc, ngoài những điều kiện chung do pháp luật quy định đối với một tổ chức kinh tế, còn cần có các điều kiện sau đây:

- Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

- Có tài sản thế chấp hoặc có tài sản tương ứng với quy mô hoạt động;

- Am hiểu thị trường lao động, luật lao động của nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan;

- Hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Điều 9.

Các tổ chức kinh tế đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

1. Lựa chọn hình thức đưa người lao động đi làm việc phù hợp với yêu cầu công việc, phát huy tốt khả năng lao động và hoàn thành tốt hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động.

2. Chủ động tìm kiếm và khảo sát thị trường lao động; ký kết các hợp đồng cung ứng lao động hoặc hợp đồng lao động khi dược cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức kinh tế khác ở trong nước tuyển chọn và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo người lao động phù hợp với yêu cầu của bên sử dụng lao động, theo đúng các quy định của Nhà nước.

4. Được thu một khoản tiền của người lao động tại điều 7 khoản 2 và khoản tiền đặt cọc quy định tại điều 7 khoản 3 của Quy chế này. Ngoài các khoản nói trên, không được tự ý đặt ra một chế độ thu nào khác.

5. Có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của người lao động ở nước ngoài, bảo đảm các điều khoản của hợp đồng lao động, sinh hoạt, các quyền lợi chính đáng khác; can thiệp với bên sử dụng lao động xử lý các vi phạm hợp đồng lao động theo đúng hợp đồng đã ký kết và pháp luật quốc tế.

6. Được đòi bồi thường thiệt hại về vi phạm hợp đồng do người lao động gây ra.

7. Thực hiện việc ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo nguyên tắc thoả thuận, tự nguyện, không được ép buộc.

8. Thực hiện đầy đủ các quyền lợi và chế độ đối với người lao động theo hợp đồng đã ký kết và theo các quy định của Nhà nước về phạm vi trách nhiệm của các tổ chức kinh tế.

9. Làm nghĩa vụ nộp thuế, chấp hành đầy đủ các chính sách, chế độ tài chính và sử dụng ngoại tệ của Nhà nước.

10. Tuân thủ đúng phạm vi quy định trong giấy phép đã được cấp. Khi giấy phép hết hạn hoặc việc đưa người đi làm việc vượt ra ngoài phạm vi quy định, phải xin gia hạn, bổ sung hoặc thay đổi giấy phép tại cơ quan cấp giấy phép.

11. Chịu trách nhiệm về việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài, đưa về nước và giải quyết chính sách, chế độ cho người lao động theo quy định của Nhà nước.

Điều 10. Để thực hiện các hợp đồng cung ứng lao động, các tổ chức kinh tế được phép mang ra nước ngoài một số phương tiện sản xuất cần thiết (nhưng phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế) và mang về nước các thiết bị và nguyên vật liệu quý.

Điều 11. Biên chế và bộ máy quản lý người lao động ở nước ngoài do Thủ trưởng của tổ chức kinh tế đưa người đi làm việc quyết định có tham khảo ý kiến của Bộ; ngành, địa phương chủ quản trên cơ sở quy mô của hợp đồng ký kết và các quy định có liên quan của Nhà nước.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, CÁC CẤP TRONG VIỆC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 12. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Ký kết các hiệp định Chính phủ về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

2. Trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chủ trương chính sách có liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện.

3. Tìm hiểu thị trường lao động, hướng dẫn các Bộ, ngành, các địa phương tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, tổ chức sự hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nếu nhu cầu thuê lao động của nước ngoài có quy mô lớn hoặc do yêu cầu về kỹ thuật cần thiết.

4. Xét và cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế thuộc các Bộ, ngành và địa phương có đủ điều kiện quy định ở điều 8 quy chế này.

5. Thống nhất với Bộ tư pháp để hướng dẫn mẫu và các nguyên tắc về hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

6. Theo dõi tình hình người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, định kỳ báo cáo với Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng và cùng Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành có liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Điều 13. Các Bộ, ngành có liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế đã được cấp giấy phép thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc.

Điều 14. Các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Bộ, địa phương) có nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Tìm hiểu thị trường lao động; định hướng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Bộ, địa phương; ký kết các thoả thuận về nguyên tắc giữa Bộ với Bộ; giữa địa phương với địa phương trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức hợp tác trực tiếp sau khi đã thống nhất với Bộ lao động - Thương binh và Xã hội; đối với những thoả thuận có quy mô lớn (số lượng lao động đông, vốn lớn), ở những địa bàn phức tạp hoặc hình thức nhận thầu công trình hợp tác sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài phải xin phép Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

2. Quyết định thành lập các tổ chức kinh tế làm nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trực thuộc Bộ, địa phương theo đúng pháp luật Nhà nước; đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép cho các tổ chức này.

3. Phê duyệt các hợp đồng cung ứng lao động của các tổ chức kinh tế trực thuộc ký với nước ngoài; hướng dẫn việc phân phối thu nhập của các tổ chức kinh tế trực thuộc và chỉ đạo chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Quy chế này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 15. Tổ chức hoặc cá nhân thực hiện tốt việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể sẽ được khen thưởng; trường hợp vi phạm quy chế gây hậu quả xấu sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị thi hành kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Điều 16. Những tổ chức kinh tế của các Bộ, địa phương đang thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nay đều thống nhất thi hành Quy chế này; những quy định ban hành trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 17. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 370-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

  • Số hiệu: 370-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/11/1991
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản