Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 20/2010/TT-BKHCN Quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương III

QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Điều 12. Cơ quan quản lý, điều hành của Chương trình

1. Căn cứ quy định tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Ban Điều hành Chương trình quyết định thành lập Ban điều hành gồm có các thành viên là đại diện của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế và các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Ban Điều hành Chương trình có nhiệm vụ quản lý, điều hành việc tổ chức triển khai Chương trình.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan thường trực của Ban Điều hành, có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Điều hành Chương trình.

2. Cơ quan quản lý dự án năng suất và chất lượng ngành do Bộ trưởng của Bộ chủ trì dự án giao nhiệm vụ, giúp Bộ trưởng quản lý, điều hành thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của Bộ.

3. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý dự án giúp UBN cấp tỉnh quản lý, điều hành thực hiện dự án của địa phương. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ giúp Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, điều hành thực hiện dự án năng suất và chất lượng của địa phương.

Điều 13. Trách nhiệm của Ban Điều hành Chương trình

1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện Chương trình và quản lý, điều hành hoạt động của Chương trình. Phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình công tác năm của Ban Điều hành; Kế hoạch tổng thể, từng giai đoạn và hàng năm của Chương trình.

2. Hướng dẫn các Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương. Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện Chương trình có hiệu quả.

3. Điều phối hoạt động chung giữa các dự án năng suất và chất lượng thuộc Chương trình; hướng dẫn việc lồng ghép các nhiệm vụ thuộc dự án phát triển của ngành, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với các dự án năng suất và chất lượng thuộc Chương trình này để triển khai thực hiện.

4. Hướng dẫn, tổ chức việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Điều 14. Trách nhiệm của Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Ủy viên và Thư ký Ban Điều hành

1. Trưởng Ban Điều hành

a) Trưởng ban phụ trách công tác chung của Ban Điều hành, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Chương trình;

b) Phân công phụ trách và theo dõi hoạt động một số lĩnh vực công việc thuộc Chương trình cho Phó Trưởng ban và các ủy viên.

2. Phó Trưởng Ban Điều hành

a) Phó Trưởng ban được Trưởng ban phân công giúp Trưởng ban chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Chương trình;

b) Thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc của Ban Điều hành theo ủy quyền của Trưởng ban.

3. Ủy viên Ban Điều hành

a) Ủy viên có nhiệm vụ tham gia ý kiến, thảo luận và quyết định các nội dung hoạt động của Ban Điều hành; thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công;

b) Ủy viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Điều hành; trong trường hợp đột xuất nếu không tham dự cuộc họp, phải có văn bản báo cáo gửi Trưởng ban kèm theo ý kiến đóng góp về những vấn đề sẽ thảo luận.

4. Thư ký Ban Điều hành

a) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và điều kiện làm việc cho các phiên họp của Ban Điều hành;

b) Tổng hợp và ghi biên bản các phiên họp của Ban Điều hành;

c) Thông báo kết luận các phiên họp của Ban Điều hành đến các tổ chức và cá nhân có liên quan theo chỉ đạo của Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban.

Điều 15. Trách nhiệm của Cơ quan thường trực của Ban điều hành Chương trình

1. Cơ quan thường trực của Ban điều hành Chương trình giúp Ban Điều hành Chương trình thực hiện trách nhiệm sau:

a) Phối hợp với các cơ quan quản lý dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương triển khai xây dựng, thực hiện dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương;

b) Chuẩn bị báo cáo, tài liệu, điều kiện cần thiết cho các phiên họp của Ban Điều hành;

c) Lập kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động hàng năm cho hoạt động của Ban Điều hành;

d) Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết để nắm tình hình thực hiện Chương trình, dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương; báo cáo và đề xuất với Ban Điều hành Chương trình xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, 5 năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Chương trình;

e) Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện dự án năng suất chất lượng của ngành, địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình;

g) Lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu của Chương trình theo quy định.

2. Cơ quan thường trực được bảo đảm các điều kiện về kinh phí, phương tiện làm việc và các chế độ khác theo quy định hiện hành.

Điều 16. Chế độ làm việc của Ban Điều hành

1. Trong tuần đầu của mỗi quý, Thư ký Chương trình báo cáo tình hình thực hiện và triển khai các nhiệm vụ cho Trưởng ban, Phó Trưởng ban.

2. Tháng 7 hàng năm, Ban Điều hành họp sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng và bàn thực hiện nhiệm vụ 6 tháng tiếp theo.

3. Tháng 1 hàng năm, Ban Điều hành họp tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm trước và bàn triển khai kế hoạch công tác của Ban Điều hành năm sau.

4. Căn cứ tình hình thực tế, Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban có thể tổ chức các cuộc họp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; nội dung, thành phần và thời gian họp của mỗi cuộc họp do Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban quyết định.

5. Trưởng ban Điều hành chủ trì các phiên họp của Ban Điều hành. Trường hợp Trưởng ban đi vắng sẽ ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì.

6. Nội dung, chương trình họp và tài liệu có liên quan gửi đến các thành viên Ban Điều hành trước 10 ngày.

7. Chế độ công tác phí, làm việc ngoài giờ cho các thành viên Ban Điều hành, Cơ quan thường trực Ban Điều hành theo quy định hiện hành; nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp để quản lý và điều hành hoạt động của Chương trình.

Điều 17. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương

1. Tổ chức phổ biến nội dung Chương trình, dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi của ngành, địa phương.

2. Tổ chức xây dựng dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này.

3. Lập kế hoạch, dự toán triển khai thực hiện dự án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 8 Mục 3 Chương II Thông tư này.

4. Tổ chức thực hiện dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương; ký hợp đồng nguyên tắc với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự án; phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Điều hành Chương trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chung của các dự án.

5. Theo dõi, tổ chức kiểm tra việc thực hiện dự án năng suất và chất lượng của doanh nghiệp tham gia dự án năng suất chất lượng của ngành, địa phương.

6. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương, báo cáo Bộ, UBND cấp tỉnh chủ trì dự án; đề xuất, kiến nghị Bộ, UBND cấp tỉnh các giải pháp thực hiện, nội dung, nhiệm vụ cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai thực hiện dự án.

7. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án của doanh nghiệp; tổ chức sơ kết, tổng kết dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương.

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương

1. Tổ chức xây dựng và thực hiện dự án năng suất và chất lượng của doanh nghiệp theo dự án được phê duyệt.

2. Lập kế hoạch, dự toán triển khai thực hiện dự án năng suất và chất lượng của doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 8 Mục 3 Chương II Thông tư này.

3. Bảo đảm lồng ghép các hoạt động có liên quan trực tiếp đến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp để phối hợp thực hiện dự án của doanh nghiệp.

4. Bảo đảm nguồn lực (kinh phí và nhân lực) của doanh nghiệp đã cam kết, phối hợp với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả.

5. Định kỳ đánh giá kết quả thực hiện dự án năng suất và chất lượng của doanh nghiệp, báo cáo cơ quan quản lý dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương; kiến nghị các biện pháp thực hiện, các nội dung, nhiệm vụ cần điều chỉnh của dự án cho phù hợp với các yêu cầu nảy sinh của thực tế triển khai.

6. Chuẩn bị các tài liệu, điều kiện cần thiết để phục vụ việc kiểm tra của cơ quan quản lý dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương về tình hình thực hiện dự án năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp.

7. Sơ kết, tổng kết dự án năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.

Thông tư 20/2010/TT-BKHCN Quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 20/2010/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 59 đến số 60
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH