BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2008/TT-BTC | Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2008 |
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 294a/2007NQ-UBTVQH12 ngày 27/9/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng) và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo như sau:
1. Đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn nội dung chi, mức chi, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
2. Kinh phí bảo đảm hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo do ngân sách địa phương bảo đảm và được bố trí là một khoản riêng trong tổng kinh phí của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm các Điều kiện vật chất cho hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
1. Nội dung chi phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo, gồm:
a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân.
- Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn), tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định cho bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng;
- Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo theo quy định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
b) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn, chi hội nghị, tiếp khách, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, chi công tác phí cho bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
c) Các khoản chi phục vụ hoạt động đặc thù của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo:
- Chi công tác phí của các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng đi chỉ đạo, Điều hành, kiểm tra thực hiện chương trình phòng, chống tham nhũng của tỉnh, thành phố;
- Chi tổ chức các cuộc họp về công tác phòng, chống tham nhũng do Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng chủ trì;
- Chi mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
d) Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
đ) Các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
2. Về mức chi:
Các nội dung chi phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Thông tư này hướng dẫn một số mức chi có tính chất đặc thù, cụ thể như sau:
a) Chi mua tin: Tối đa không quá 10.000.000 đồng/tin. Trường hợp yêu cầu thực tế phải chi cao hơn mức chi này do Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng xem xét quyết định.
b) Chi tổ chức các cuộc họp về công tác phòng, chống tham nhũng do Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng chủ trì:
- Chủ trì cuộc họp: 100.000 đồng/người/buổi;
- Các đại biểu khác: 70.000 đồng/người/buổi.
c) Chi trang bị, sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng:
Ngoài các đối tượng được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các đối tượng khác, căn cứ vào nhu cầu thực tế công việc phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng xem xét quyết định việc trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động cho một số cán bộ đảm nhận các nhiệm vụ đặc biệt thực sự cần thiết. Mức khoán thanh toán cước phí sử dụng điện thoại không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và 250.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động.
c) Trong trường hợp một số khoản chi cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng và bộ phận giúp việc nhưng chưa có quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thì Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng quyết định mức chi trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Lập dự toán, giao dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán:
Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù cho phù hợp với hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo, cụ thể như sau:
a) Về lập và giao dự toán: Hàng năm, căn cứ kế hoạch, chương trình về phòng, chống tham nhũng, nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này, bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo lập dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc gửi bộ phận tài chính của Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao dự toán thành một mục riêng trong dự toán giao cho Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
b) Về phân bổ dự toán, quyết toán:
Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thông báo dự toán kinh phí hoạt động trong năm cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo; đồng thời có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo theo dự toán đã thông báo và quyết toán kinh phí hoạt động Ban chỉ đạo cấp tỉnh về nhòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo vào quyết toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo quy định.
Báo cáo quyết toán của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chi tiết quyết toán, thuyết minh rõ kinh phí phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn thực hiện./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 3Nghị định 77/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 4Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
Thông tư 20/2008/TT-BTC hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 20/2008/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/02/2008
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
- Ngày công báo: 29/02/2008
- Số công báo: Từ số 155 đến số 156
- Ngày hiệu lực: 15/03/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực