Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 1966

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ CHỮA BỆNH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH,QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN, QUÂN NHÂN DỰ BỊ, DÂN QUÂN DU KÍCH, TỰ VỆ, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT, VÀ ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, GIA ĐÌNH THƯƠNG BINH.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Kính gửi : Các ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, các sở, ty y tế,

Để việc thi hành các chế độ chữa bệnh trên được tốt, sau khi trao đổi ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ tổng hợp, hướng dẫn các điểm đã được quy định trong các Thông tư Liên Bộ Nội vụ - Y tế - Tài chính số 19-TT/LB ngày 19-3-1962, Thông tư số 51-TTg của Hội đồng Chính phủ ngày 17-5-1965 và điều lệ tạm thời ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 30-10-1964 về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết…, cụ thể như sau.

I. CHẾ ĐỘ KHÁM VÀ CHỮA BỆNH, CHỮA VẾT THƯƠNG TRONG BỆNH VIỆN

A. Đối với những người đã về địa phương.

1. Thương binh (gồm cả thương binh cũ và thương binh mới):

a) Khi đau ốm, được đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện nơi gần nhất, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng như công nhân, viên chức Nhà nước và phải trả tiền ăn cho bệnh viện. Nếu tiền ăn cao hơn tiền trợ cấp hàng tháng thì chỉ trả bằng số tiền trợ cấp được lĩnh, số tiền còn thiếu sẽ do Nhà nước đài thọ. Nếu hoàn cảnh gia đình túng thiếu có chứng nhận của Ủy ban hành chính xã hoặc khu phố thì có thể được miễn hoặc giảm một phần tiền ăn.

b) Khi vết thương cũ hoặc bệnh cũ mắc trong thời gian tại ngũ tái phát, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng (khi điều trị và sau khi ra viện) như công nhân, viên chức Nhà nước và không phải trả tiền ăn.

c) Khi chết ở bệnh viện, bệnh viện có trách nhiệm chôn cất chu đáo, tùy điều kiện từng địa phương mà chinhững khoản cần thiết về chôn cất như đối với công nhân, viên chức Nhà nước (không quá 150đ).

2. Dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ bị thương tật (vì chiến đấu với địch), khi ốm đau, khi vết thương cũ tái phát, được hưởng chế độ điều trị như quy định đối với thương binh.

3. Bệnh binh, quân nhân phục viên, khi bệnh cũ mắc trong thời gian tại ngũ tái phát, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng (khi điều trị và sau khi ra viện) như công nhân, viên chức Nhà nước và không phải trả tiền ăn. Khi ốm đau thông thường không phải do bệnh cũ tái phát thì hưởng chế độ điều trị như nhân dân, nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, có chứng nhận của Ủy ban hành chính xã hoặc khu phố thì có thể được miễn hoặc giảm tiền viện phí.

B. Đối với những người là công nhân, viên chức Nhà nước hoặc hiện nay ở nhà an dưỡng, trại thương binh:

- Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì được hưởng chế độ điều trị như quy định đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

- Nếu ở nhà an dưỡng hay trại thương binh thì được hưởng chế độ thuốc men bồi dưỡng như công nhân, viên chức Nhà nước đi điều trị, anh chị em phải trả tiền ăn cho bệnh viện (không phân biệt trường hợp ốm đau hoặc vết thương hay bệnh cũ tái phát). Khi chết ở bệnh viện thì bệnh viện chịu trách nhiệm chôn cất và chi những khoản cần thiết như đối với công nhân, viên chức Nhà nước (không quá 150đ).

C. Đối với gia đình liệt sĩ, gia đình của thương binh tàn phế như:

- Cha mẹ (đẻ), vợ, con (dưới 18 hoặc trên 18 tuổi nếu còn đi học) của liệt sĩ,

- Vợ, con (dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nếu còn đi học) của thương binh hạng đặc biệt và hạng 1 (cũ), của thương binh hạng 8, 7 và 6 (mới),

- Vợ, con (dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nếu còn đi học) của dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật hạng đặc biệt và hạng 1, của quân nhân dự bị dân quân tự vệ, thanh niên xung phong bị thương tật (vì chiến đấu với địch) hạng 8, 7 và 6,

Khi ốm đau vào chữa ở bệnh viện được miễn viện phí (gồm tiền ăn theo mức ăn của nhân dân, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng nếu có), nếu chết ở bệnh viện thì bệnh viện có trách nhiệm chôn cất chu đáo và được chi các khoản cần thiết như đối với nhân dân.

II. CHẾ ĐỘ CHỮA BỆNH, CHỮA VẾT THƯƠNG NGOÀI BỆNH VIỆN

Những thương binh bị vết thương, bệnh cũ tái phát, dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị vết thương (vì chiến đấu với địch) tái phát, bệnh binh và quân nhân phục viên bị bệnh cũ tái phát, khi chữa bệnh ngoại trú (theo quy định của bệnh viện) hoặc cần nằm ở bệnh viện mà bệnh viện chưa có điều kiện thu nhận, nếu không có điều kiện về ăn, ở ở gia đình, thì được hưởng chế độ như sau:

- Tiền ăn, mỗi ngày 0đ80 ở các thành phố Hà-nội, Hải-phòng; ở các tỉnh khác 0đ60 một ngày do (Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp);

- Tiền trọ, (nếu cần thiết) mỗi ngày từ 0đ20 đến 0đ30 theo giá trọ ở địa phương (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp);

- Tiền bồi dưỡng, nếu bệnh viện xét cần thiết (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp);

- Thuốc, bệnh viện sẽ cấp theo nhu cầu của bệnh và khả năng của bệnh viện. Trường hợp bệnh viện không có thuốc cấp mà cấp đơn thì được thanh toán tiền thuốc theo đơn như đối với công nhân, viên chức Nhà nước (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp), nhưng bệnh viện phải cố gắng cấp thuốc và hạn chế cho đơn.

- Nếu chết, được trợ cấp chi phí chôn cất như trường hợp chết ở bệnh viện (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp).

Những trường hợp ốm đau thông thường (không phải do bệnh cũ tái phát) thì không cấp tiền ăn, tiền trọ như quy định ở trên, bệnh viện sẽ xét cấp thuốc tùy theo khả năng của bệnh viện. Và nếu chết thì tùy theo hoàn cảnh khó khăn của gia đình và điều kiện của địa phương mà giúp đỡ chi phí về chôn cất (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp).

III. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ BỆNH TINH THẦN KINH.

Những thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương tật, bệnh binh và quân nhân phục viên bị bệnh tinh thần kinh (điên) sẽ được các bệnh viện thu nhận và chữa bệnh. Nếu chưa có điều kiện thu nhận ngay các bệnh viện cần khám bệnh và cấp thuốc cho anh chị em. Nếu bệnh viện cấp đơn thuốc thì anh chị em được thanh toán tiền thuốc (do Ủy ban hành chính thành, tỉnh cấp).

Trong thời gian chưa được thu nhận vào bệnh viện, anh chị em được hưởng trợ cấp hàng tháng tùy theo mức độ bệnh:

- Hoàn toàn mất trí không lao động được, được trợ cấp 18đ một tháng;

- Hoàn toàn mất trí không lao động được; có những cơn kích động như đập phá, đánh người, xé quần áo, đi lang thang, cần có người coi giữ, được trợ cấp 22đ00 một tháng.

Những anh chị em đã được hưởng trợ cấp thương tật, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, mà mức trợ cấp thấp hơn mức 18 đồng hoặc 22 đồng, thì được trợ cấp thêm cho đủ 18 đồng hoặc 22 đồng.

Việc trợ cấp này do Ủy ban hành chính thành, tỉnh, khu quyết định, căn cứ vào đề nghị của Ủy ban hành chính xã và sự khám xét của hội đồng giám định y khoa địa phương. Cứ hai năm một lần anh chị em được khám xét lại, nếu bệnh đã khỏi thì không được hưởng khoản trợ cấp này nữa.

Khi được thu nhận vào bệnh viện, viện điều dưỡng, thì anh chị em không được hưởng khoản trợ cấp nói trên, mà hưởng theo chế độ điều trị ở bệnh viện hoặc chế độ điều dưỡng.

IV. CHẾ ĐỘ CHỮA RĂNG VÀ CHỮA MẮT

Những thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương tật ở mắt, ở răng, được chữa răng, chữa mắt tại các bệnh viện, nếu cần thiết được lắp răng giả và mắt giả không phải trả tiền. Mọi chi phí đều do Nhà nước đài thọ. Khi được thu nhận vào bệnh viện để chữa răng, chữa mắt hoặc để lắp răng giả, mắt giả anh chị em được hưởng chế độ điều trị như công nhân, viên chức Nhà nước, được miễn viện phí bao gồm tiền ăn, tiền thuốc và tiền bồi dưỡng (nếu có).

V. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cấp tiền ăn và tiền đi đường:

Tiền ăn và đi đường từ nhà đến bệnh viện do anh chị em tự túc. Nếu anh chị em được khám và chữa bệnh rồi trở về nhà hoặc được bệnh viện giới thiệu đến một bệnh viện khác mà phải đi xa tốn kém (từ 10 cây số trở lên) thì được cấp tiền ăn và tiền đi đường (gồm tiền ăn dọc đường, tiền tầu, xe ô tô nếu cần).

Bệnhviện cấp tiền ăn và đi đường cho những anh chị em được khám bệnh rồi trở về nhà, được khám bệnh rồi giới thiệu đến một bệnh viện khác, được chữa bệnh ngoại trú rồi trở về nhà.

Đối với gia đình liệt sĩ và gia đình thươngbinh tàn phế nếu gặp khó khăn thì tùy hoàn cảnh cụ thể, có thể xét giúp đỡ một phần tiền ăn và đi đường khi đi chữa bệnh.

2. Khi anh chị em và gia đình đến khám bệnh, chữa bệnh, các bệnh viện cần ưu tiên khám hoặc thu nhận vào điều trị ở bệnh viện (sau các bệnh cấp cứu và trẻ em). Anh chị em và gia đình phải có đủ các giấy tờ cần thiết như giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính, giấy giới thiệu của bệnh viện, giấy chứng nhận thương binh, gia đình liệt sĩ.

Trong điều kiện hiện nay để thuận tiện cho việc chuyển viện, mỗi khi anh chị em hoặc gia đình được giới thiệu đến bệnh viện tỉnh hay thành phố, hoặc bệnh viện ngoài tỉnh hay thành phố thì cần phải có:

- Giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính huyện hay khu phố kèm theo giấy giới thiệu của bệnh viện, bệnh xá huyện hay khu phố, nếu đi khám ở bệnh viện tỉnh hay thành phố;

- Giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố kèm theo giấy giới thiệu của bệnh viện tỉnh hay thành phố khi đi khám và chữa ở bệnh viện tỉnh hay thành phố khác. Trường hợp cơ quan Ủy ban hành chính thành, tỉnh ở xa, bệnh viện tỉnh, thành phố đã sơ tán, Ủy ban hành chính huyện và bệnh viện, bệnh xá huyện giới thiệu thẳng đến bệnh viện tỉnh hay thành phố khác.

Để tiện việc theo dõi điều trị và chữa vết thương, anh chị em và gia đình thương binh liệt sĩ (quy định trong thông tư này) đều dần dần sẽ được cấp sổ y bạ. Khi đi khám và chữa bệnh, anh chị em gia đình phải mang theo sổ y bạ ngoài các giấy tờ nói trên.

3. Các khoản chi nói trong thông tư này do ngân sách địa phương đài thọ (phần chi về công tác thương binh liệt sĩ). Các bệnh viện sẽ thống kê các khoản chi phí cho từng bệnh nhân, lập phiếu thanh toán với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố theo thể lệ hiện hành.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành

Để đảm bảo thực hiện tốt chế độ ưu tiên khám và chữa bệnh đối với thương binh và gia đình liệt sĩ trong hoàn cảnh sơ tán hiện nay của các bệnh viện, các Ủy ban hành chính và các sở, ty y tế có thể quy định thêm những thủ tục cần thiết và những biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo thi hành đúng chế độ, chính sách đã ban hành. Trường hợp có quy định thêm những điều gì thì yêu cầu các địa phương báo cáo cho Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để tiện việc theo dõi.

Trong khi thực hiện các chế độ chữa bệnh nói trên, nếu gặp khó khăn trở ngại, đề nghị các Ủy ban hành chính, các sở, ty y tế phản ánh cho Bộ biết để kịp thời giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Bác sĩ Nguyễn Văn Tín