Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2013/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẦN SỐ CẤP CỨU, AN TOÀN, TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Căn cứ Luật tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật hàng không dân dụng ngày 12 tháng 7 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.

Căn cứ Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Căn cứ Quyết định 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức thông tin an toàn trên biển;

Căn cứ Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển;

Căn cứ Quyết định số 33/2012/QĐ-TTg ngày 06 tháng 08 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định tần số cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng kèm theo điều kiện sử dụng cụ thể.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng tại Việt Nam.

b) Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài được phép sử dụng tần số quy định trong Thông tư này sau khi đã được cấp phép hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Quy định về tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn

1. Tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn và quy định sử dụng các tần số này được quy định cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

2. Tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu theo quy định tại Phụ lục của Thông tư này phải được trực canh theo quy định quốc tế và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

3. Cấm gây nhiễu có hại cho các tần số quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Quy định về phát thử trên tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu để kiểm tra thiết bị vô tuyến điện

Chỉ được phép phát thử trên tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu khi cần phải kiểm tra khả năng hoạt động của thiết bị vô tuyến điện trên các tần số này. Khi phát thử, phải phát đi thông báo để nhận biết thông tin đang phát là để kiểm tra thiết bị.

Trong lĩnh vực hàng hải, không được phát thử trên tần số 156,525 MHz bằng phương thức gọi chọn số; chỉ được phát thử trên tần số 7903 kHz và 156,800 MHz bằng phương thức thoại, trên tần số 2187,5 kHz bằng phương thức gọi chọn số theo hướng dẫn của đài thông tin duyên hải Việt Nam.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, chỉ được phát thử trên tần số 121,500 MHz, tần số 123,100 MHz bằng phương thức thoại theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2014.

Điều 5. Quy định chuyển tiếp

Tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoạt động từ trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với Thông tư có trách nhiệm chuyển đổi tần số, thiết bị vô tuyến điện trong thời hạn tối đa là 5 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự bất hợp lý đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ trưởng & các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT;
- Lưu: VT, CTS, 150.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Bắc Son

PHỤ LỤC

TẦN SỐ SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH CẤP CỨU, AN TOÀN, TÌM KIẾM, CỨU NẠN
(Ban hành kèm theo Thông tư 19/2013/TT-BTTTT ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

BẢNG 1: TẦN SỐ DƯỚI 30 MHz

Tần số (kHz)

Quy định sử dụng

490

Tần số 490 kHz là tần số dành riêng cho thông tin an toàn hàng hải (MSI) sử dụng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

518

Tần số 518 kHz là tần số dành riêng cho hệ thống phát và thu tự động thông tin an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

2174,5

Tần số 2174,5 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

2182

Tần số 2182 kHz là tần số cấp cứu hàng hải quốc tế sử dụng phương thức điều chế biên độ đơn biên với sóng mang nén (J3E).

Tần số này cũng được sử dụng để:

- Gọi và bắt liên lạc theo quy trình quy định tại Điều 57-Thể lệ vô tuyến điện của Liên minh viễn thông Quốc tế.

- Phát thông báo hoặc phát danh sách liên lạc như khuyến nghị ITU-R M.1171.

Sử dụng trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng và trên biển.

2187,5

Tần số 2187,5 kHz là tần số dành riêng cho các cuộc gọi cấp cứu và an toàn hàng hải sử dụng phương thức gọi chọn số.

3023

Tần số 3023 kHz được sử dụng như sau:

- Các đài di động tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sử dụng cho mục đích cấp cứu và an toàn hàng không bằng phương thức thoại.

- Dùng để thông tin liên lạc giữa các đài di động tham gia vào hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, và giữa các đài này với các đài mặt đất tương ứng theo quy định của Phụ lục 27 – Thể lệ thông tin vô tuyến điện của Liên minh viễn thông Quốc tế bằng phương thức thoại.

4125

Tần số 4125 kHz là tần số phát thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

Các đài tàu bay cũng có thể sử dụng để liên lạc với các đài thuộc nghiệp vụ Di động hàng hải với mục đích cấp cứu và an toàn, bao gồm cả tìm kiếm và cứu nạn với công suất bao đỉnh không vượt quá 1kW và phải có khả năng thu và phát loại phát xạ J3E.

4177,5

Tần số 4177,5 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

4207,5

Tần số 4207,5 kHz là tần số dành riêng cho gọi cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức gọi chọn số.

4209,5

Tần số 4209,5 kHz được sử dụng dành riêng cho hệ thống phát và thu tự động thông tin an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

4210

Tần số 4210 kHz là tần số dành riêng cho truyền dẫn bản tin an toàn hàng hải (MSI) ở các vùng biển xa, chiều từ bờ tới tàu, bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

5680

Tần số 5680 kHz được sử dụng như sau:

- Các đài di động tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sử dụng cho mục đích cấp cứu và an toàn hàng không bằng phương thức thoại.

- Dùng để thông tin liên lạc giữa các đài di động tham gia vào hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, và giữa các đài này với các đài mặt đất tương ứng theo quy định của Phụ lục 27 – Thể lệ thông tin vô tuyến điện của Liên minh viễn thông Quốc tế bằng phương thức thoại.

6215

Tần số 6215 kHz được sử dụng như sau:

- Phát thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

- Gọi, bắt liên lạc bằng phương thức thoại đơn biên với công suất bao đỉnh không vượt quá 1 kW.

6268

Tần số 6268 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

6312

Tần số 6312 kHz là tần số dành riêng cho các cuộc gọi cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức gọi chọn số.

6314

Tần số 6314 kHz là tần số dành riêng cho truyền dẫn bản tin an toàn hàng hải (MSI) ở các vùng biển xa, chiều từ bờ tới tàu, bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp

6973

Tần số 6973 kHz là tần số liên lạc giữa Đồn Biên phòng và tàu thuyền bằng phương thức thoại.

7903

Tần số 7903 kHz là tần số cấp cứu hàng hải quốc gia sử dụng phương thức thoại đơn biên. Tàu thuyền được phép gọi bắt liên lạc trên tần số này.

7906

Tần số 7906 kHz là tần số phát thông tin an toàn hàng hải (MSI) và các thông báo liên quan đến phòng chống thiên tai, an toàn, an ninh trên biển; thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước bằng phương thức thoại.

8291

Tần số 8291 kHz là tần số phát thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

8294

Tần số 8294 kHz là tần số phát thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ bằng phương thức thoại.

8376,5

Tần số 8376,5 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

8364

Tần số 8364 kHz là tần số dành cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng sử dụng phương thức thoại.

8414,5

Tần số 8414,5 kHz là tần số dành riêng cho các cuộc gọi cấp cứu và an toàn hàng hải sử dụng phương thức gọi chọn số.

8416,5

Tần số 8416,5 kHz là tần số dành riêng cho truyền dẫn bản tin an toàn hàng hải (MSI) ở các vùng biển xa, chiều từ bờ tới tàu bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

9339

Tần số 9339 kHz là tần số liên lạc giữa Đồn Biên phòng và tàu thuyền bằng phương thức thoại.

12251/13098

12251/13098 kHz là cặp tần số phát/thu giữa tàu – bờ và ngược lại để liên lạc giữa Đài canh dân sự Hải quân và tàu thuyền bằng phương thức thoại.

12290

Tần số 12290 kHz là tần số phát thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

12520

Tần số 12520 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

12577

Tần số 12577 kHz là tần số dành riêng cho các cuộc gọi cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức gọi chọn số.

12579

Tần số 12579 kHz là tần số dành riêng cho truyền dẫn bản tin an toàn hàng hải (MSI) ở các vùng biển xa, chiều từ bờ tới tàu bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

13434

Tần số 13434 kHz là tần số phát thông tin an toàn hàng hải (MSI) và các thông báo liên quan đến phòng chống thiên tai, an toàn, an ninh trên biển; thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước bằng phương thức thoại.

16420

Tần số 16420 kHz là tần số phát thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

16695

Tần số 16695 kHz là tần số dành riêng cho phát bản tin cứu nạn và an toàn hàng hải bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

16804,5

Tần số 16804,5 kHz là tần số dành riêng cho các cuộc gọi cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức gọi chọn số.

16806,5

Các tần số này là tần số dành riêng cho truyền dẫn bản tin an toàn hàng hải (MSI) ở các vùng biển xa, chiều từ bờ tới tàu, bằng phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp.

19680,5

22376

26100,5

Chú thích:

MSI: Thông tin an toàn hàng hải (MSI) gồm các cảnh báo hàng hải và cảnh báo khí tượng, dự báo thời tiết biển, thông tin tìm kiếm cứu nạn và các thông báo liên quan đến an toàn và khẩn cấp khác.

BẢNG 2: TẦN SỐ TRÊN 30 MHz

Tần số (MHz)

Quy định sử dụng

121,500

Tần số 121,500 MHz là tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu và khẩn cấp hàng không bằng phương thức thoại.

- Tần số này cũng có thể sử dụng cho các đài cứu nạn. Phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp sử dụng tần số này cho mục đích cấp cứu và khẩn cấp theo quy định của Liên minh viễn thông Quốc tế.

- Tần số này cũng được các đài di động tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn sử dụng cho mục đích cấp cứu và an toàn.

- Tần số này cũng được sử dụng để liên lạc giữa đài di động thuộc nghiệp vụ Di động hàng hải với các đài thuộc nghiệp vụ Di động hàng không với mục đích cấp cứu và khẩn cấp, sử dụng phương thức phát điều chế biên độ song biên (A3E).

-Tàu bay quân sự Việt Nam sử dụng tần số 121,500 MHz với phương thức phát điều biên để liên lạc hai chiều với tàu thuyền trên biển cho mục đích tìm kiếm và cứu nạn.

123,100

Tần số 123,100 MHz là tần số phụ của tần số cấp cứu, khẩn cấp hàng không 121,500 MHz.

- Tần số này cũng có thể sử dụng cho các đài thuộc nghiệp vụ di động hàng không, các đài mặt đất và đài di động khác khi tham gia vào hoạt động phối hợp tìm kiếm và cứu nạn.

- Tần số này cũng được các đài di động tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn sử dụng cho mục đích cấp cứu và an toàn.

- Các đài di động thuộc nghiệp vụ di động hàng hải có thể liên lạc với các đài thuộc nghiệp vụ di động hàng không trên tần số 123,100 MHz cho hoạt động phối hợp tìm kiếm và cứu nạn, sử dụng loại phát xạ A3E.

156,300

Tần số 156,300 MHz là tần số sử dụng cho thông tin liên lạc trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng không dân dụng và trên biển.

Tần số này cũng có thể được tàu bay sử dụng để liên lạc với các tàu thuyền cho mục đích an toàn.

156,425

Tần số 156,425 MHz là tần số liên lạc giữa Đài canh dân sự Hải quân và tàu thuyền bằng phương thức thoại.

156,525

Tần số 156,525 MHz là tần số gọi cấp cứu và an toàn hàng hải được sử dụng trong nghiệp vụ Di động hàng hải bằng phương thức gọi chọn số.

156,650

Tần số 156,650 MHz là tần số liên lạc giữa tàu thuyền với tàu thuyền liên quan đến an toàn hàng hải sử dụng phương thức thoại.

156,800

Tần số 156,800 MHz là tần số sử dụng cho thông tin liên lạc cấp cứu và an toàn hàng hải bằng phương thức thoại.

Ngoài ra, tần số 156,8 MHz có thể được các đài tàu bay sử dụng chỉ cho mục đích an toàn.

161,500

Tần số 161,500 MHz là tần số phát thông tin an toàn hàng hải (MSI) bằng phương thức thoại của Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam.

161,975

Tần số 161,975 MHz là tần số AIS1, được sử dụng đối với các máy phát AIS tìm kiếm và cứu nạn (AIS-SART) trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

162,025

Tần số 162,025 MHz là tần số AIS 2, được sử dụng đối với các máy phát tìm kiếm và cứu nạn AIS (AIS-SART) trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

406-406,1

Băng tần số này được dành riêng cho phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp qua vệ tinh (EPIRB) công suất thấp hướng từ trái đất đến vũ trụ.

1530-1544

Ngoài việc sử dụng cho thông tin liên lạc, băng tần (1530-1544) MHz còn được sử dụng cho các mục đích cấp cứu và an toàn hàng hải chiều từ vũ trụ tới trái đất trong nghiệp vụ di động hàng hải qua vệ tinh. Thông tin cấp cứu, khẩn cấp và an toàn hàng hải GMDSS phải được ưu tiên trong băng tần này.

1544-1545

Việc sử dụng băng tần 1544-1545 MHz (chiều từ vũ trụ tới trái đất) được hạn chế cho các hoạt động cấp cứu và an toàn, bao gồm các đường tiếp sóng của các vệ tinh cần phải chuyển tiếp các phát xạ của pha vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp tới các đài trái đất và các đường thông tin băng hẹp (chiều từ vũ trụ tới trái đất) từ các đài không gian đến các đài di động.

1626,5-1645,5

Ngoài việc sử dụng cho thông tin liên lạc, băng tần (1626,5-1645,5) MHz được sử dụng cho mục đích cấp cứu và an toàn hàng hải theo chiều từ trái đất tới vũ trụ trong nghiệp vụ Di động hàng hải qua vệ tinh. Thông tin cấp cứu, khẩn cấp và an toàn hàng hải GMDSS được ưu tiên trong băng tần này.

1645,5-1646,5

Việc sử dụng băng tần (1645,5-1646,5) MHz chiều từ trái đất tới vũ trụ được giới hạn cho các hoạt động cấp cứu và an toàn.

9200-9500

Băng tần số này được các bộ phát đáp Ra – đa (SARTS) sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm và cứu nạn.

Chú thích:

AIS: là hệ thống nhận dạng tự động hàng hải để trao đổi thông tin giữa tàu thuyền với tàu thuyền và giữa tàu thuyền với bờ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 19/2013/TT-BTTTT quy định tần số cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 19/2013/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Bắc Son
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 913 đến số 914
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản