Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/2007/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 12 tháng 7 năm 2006;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - UB Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn; - BCĐ Phòng, chống lụt, bão Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC (5b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng |
PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 07 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về phối hợp trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển; trách nhiệm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và các tổ chức, cá nhân.
2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc do Việt Nam quản lý.
Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy chế này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện hoạt động trên biển (sau đây viết tắt là phương tiện) bao gồm tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, thủy phi cơ, phương tiện thủy nội địa và các phương tiện di động và không di động trên biển.
2. Chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện.
3. Tìm kiếm trên biển là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.
4. Cứu nạn trên biển là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
5. Cứu hộ trên biển là hoạt động cứu phương tiện hoặc tài sản trên phương tiện thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) phương tiện đang bị nguy hiểm trên biển; được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ với tổ chức, cá nhân đề nghị cứu hộ.
6. Lai dắt phương tiện là việc lai, kéo, đẩy (hoặc túc trực bên cạnh) phương tiện trên biển và trong vùng nước cảng biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng lai dắt phương tiện giữa chủ phương tiện lai dắt và bên thuê lai dắt.
7. Kênh cấp cứu – khẩn cấp (còn gọi là tần số cấp cứu – khẩn cấp) là kênh phục vụ việc truyền, phát những thông tin cấp cứu – khẩn cấp, tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo quy định của pháp luật và không sử dụng vào các mục đích khác.
8. Tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển là những sự cố do thiên tai, thảm họa tai nạn gây ra trên biển có nguy cơ hoặc thực tế đang đe dọa, gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường, cần thiết phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, thích hợp để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
9. Vùng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam là vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
10. Khu vực hạn chế hoạt động trên biển là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ nhằm bảo vệ môi trường, trục vớt, tìm kiếm, cứu nạn hoặc diễn tập quân sự.
11. Vùng cấm trên biển là vùng được xác định bằng tọa độ trên hải đồ để bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngăn ngừa thảm họa môi trường và dịch bệnh. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định thời hạn, phạm vi cụ thể đối với vùng cấm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
12. Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển (sau đây viết tắt là Chỉ huy hiện trường) là người điều phối hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, duy trì liên lạc giữa hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện các chỉ dẫn của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để thực hiện hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường.
13. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển là các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực biển được phân công.
14. Đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách là đơn vị gồm những người được đào tạo và được cung cấp trang thiết bị phù hợp cho việc tiến hành khẩn trương các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
15. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển là các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của cơ quan chủ trì hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
2. Chủ động xây dựng các phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho hoạt động ứng phó theo khu vực, tính chất vụ việc.
3. Tổ chức thu nhận, xử lý thông tin báo nạn kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu.
4. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển tham gia cứu nạn khi có tình huống.
5. Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 4. Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Lực lượng, phương tiện huy động để tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển bao gồm:
1. Các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hàng hải, các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân.
2. Lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển thuộc các tổ chức, cá nhân được huấn luyện, đào tạo để huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển gồm các phương tiện và thuyền bộ áp dụng các quy định của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 1974), sửa đổi, bổ sung năm 2002 của SOLAS 1974 và Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca (STCW 78/95).
3. Các lực lượng, phương tiện khác hoạt động trên biển.
4. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc, cấp cứu y tế và các bảo đảm khác cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 5. Phân vùng trách nhiệm chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
1. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam; được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; kiến nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chủ trì huy động lực lượng, phương tiện của địa phương; yêu cầu các cơ quan, tổ chức Trung ương có lực lượng, phương tiện đóng tại địa phương tổ chức thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực địa bàn quản lý; đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì thực hiện tìm kiếm, cứu nạn khi vượt khả năng ứng phó của địa phương; kiến nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác tham gia khi cần thiết.
3. Các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:
a) Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ thủy nội địa chủ trì huy động lực lượng phương tiện của cảng và các phương tiện hiện có trong vùng nước trách nhiệm của Cảng vụ để cứu người, phương tiện bị nạn. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân địa phương sử dụng lực lượng, phương tiện của mình và các phương tiện huy động trong vùng nước trách nhiệm tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
b) Lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy, kiểm ngư và các lực lượng liên quan tại địa phương có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân địa phương sử dụng lực lượng phương tiện của mình và lực lượng, phương tiện huy động để tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp tìm kiếm tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trên biển theo Quy chế tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
5. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng cấm trên biển; chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn của mình phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải chịu trách nhiệm trong khu vực để tiến hành tìm kiếm, cứu người bị nạn; huy động lực lượng phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay quân sự lâm nạn trên biển.
6. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
PHỐI HỢP VỀ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN
Điều 6. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
a) Hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh là lực lượng chính tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin cứu nạn (bằng tiếng Việt và tiếng Anh; bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) và phát thông tin an toàn hàng hải liên quan đến những tình huống cứu nạn;
b) Hệ thống Rađa biển của lực lượng hải quân trực canh theo yêu cầu nhiệm vụ phát hiện và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực về vị trí người, phương tiện bị nạn trên biển;
c) Các hệ thống thông tin chuyên ngành khác, các loại hình thông tin khác của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
2. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cứu nạn (bằng tiếng Việt và tiếng Anh; bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn về các tình huống khẩn cấp của tàu bay hoạt động trên biển.
Điều 7. Quy định về thông tin liên lạc trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Sử dụng các kênh (tần số) trực canh, thông tin liên lạc và cấp cứu – khẩn cấp trên biển bằng vô tuyến điện thực hiện theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
2. Nội dung điện cấp cứu – khẩn cấp cần có đủ thông tin giúp cho Cơ quan chủ quản chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết tình huống tai nạn, sự cố để chuẩn bị phương án hỗ trợ hoặc tìm kiếm, cứu nạn. Bao gồm:
a) Tên phương tiện, ký hiệu, hô hiệu, vị trí và thời gian, tình hình thời tiết, cấp sóng, gió tại khu vực gặp nạn;
b) Số lượng thuyền viên, người đang gặp nguy hiểm;
c) Mô tả chung về tai nạn, sự cố và loại tai nạn, sự cố;
d) Các đề nghị cứu người gặp nạn hoặc lai dắt, cứu hộ phương tiện và các yêu cầu khác (nếu có);
đ) Tần số, thiết bị thông tin và cách thức thiết lập liên lạc với phương tiện của mình, các phương thức liên lạc khác (nếu có);
e) Tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với chủ phương tiện hoặc với đại diện của chủ phương tiện.
Điều 8. Phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp
1. Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp theo quy định sau:
a) Thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cho Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết đến tìm kiếm, cứu nạn hoặc trợ giúp;
b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại khoản 2 Điều 7 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện;
c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua đài thông tin duyên hải hoặc trực tiếp);
d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu – khẩn cấp để dừng việc cứu nạn.
2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình;
b) Trong khả năng có thể, phải liên lạc để nắm tình hình và thống nhất cách thức duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn; đồng thời thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực hoặc Trạm tìm kiếm, cứu nạn chịu trách nhiệm và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết.
3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn.
4. Các đài thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh trực 24/24 giờ để thu nhận thông tin cấp cứu – khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm biết về tìm kiếm, cứu nạn.
5. Các cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin, chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 9. Phát thông tin hàng hải về việc người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển
1. Thông tin hàng hải về việc người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển do đài thông tin duyên hải phát trên tần số và theo phương thức quy định.
2. Nội dung thông tin cảnh báo hàng hải về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn do Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải quyết định.
3. Việc dừng phát thông tin hàng hải về tìm kiếm, cứu nạn do cơ quan đề nghị phát quyết định hoặc khi đã giải quyết xong tình huống.
Điều 10. Phát tin cảnh báo và thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển
1. Các đài thông tin duyên hải Việt Nam tổ chức phát tin cảnh báo cho người, phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động có biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng trên biển:
a) Phát các bản tin về áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định của Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
b) Phát thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển theo quy định của Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
c) Phát thông báo khu vực hạn chế hoạt động trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thiết lập khu vực hạn chế hoạt động trên biển;
d) Phát thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Việc dừng phát tin cảnh báo hoặc thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển do cơ quan có thẩm quyền đề nghị phát quyết định.
2. Các phương tiện thông tin đại chúng phát tin cảnh báo về thiên tai, thảm họa trên biển theo quy định.
TỔ CHỨC PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN
Điều 11. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển
1. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình;
b) Tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định;
c) Chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động.
2. Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Trong khả năng có thể, tìm cách liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn đồng thời thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
b) Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết đồng thời yêu cầu người, phương tiện đã phát tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp thông báo ngay cho các cơ quan, tổ chức, người đã báo tin cấp cứu – khẩn cấp để dừng việc hỗ trợ, cứu nạn;
c) Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thống nhất cách thức, tần số liên lạc với cơ quan đó.
d) Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.
3. Chỉ huy hiện trường
a) Trường hợp có một phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì thuyền trưởng phương tiện là Chỉ huy hiện trường. Khi có hai hoặc nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì Chỉ huy hiện trường sẽ do Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định.
Khi có tàu bay tham gia hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, thì Chỉ huy phối hợp hiện trường chung do Chỉ huy hiện trường trên biển chịu trách nhiệm;
b) Chỉ huy hiện trường có trách nhiệm:
- Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
- Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
- Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
- Báo cáo, đề xuất với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Việc thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;
- Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn được quyền điều chỉnh kế hoạch hành động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, sau đó phải báo cáo với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.
4. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Tổ chức nắm bắt tình hình về tai nạn, sự cố để đưa ra phương án tổ chức, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện đến ứng phó kịp thời và hiệu quả;
b) Phối hợp với đài thông tin duyên hải trong việc yêu cầu phát thông tin hàng hải về người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển; dừng phát thông tin hàng hải về cứu nạn, cứu hộ khi đã giải quyết xong tình huống cấp cứu – khẩn cấp; duy trì thông tin liên lạc với Chỉ huy hiện trường, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
c) Phối hợp với người, phương tiện bị nạn, thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Chỉ huy hiện trường tùy theo từng tình huống và diễn biến của vụ việc để nắm, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời;
d) Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; kiến nghị các cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình;
đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để tiến hành và giải quyết hậu quả vụ tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Chấp hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
b) Phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn khác trong việc điều hành phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của đơn vị chủ trì tìm kiếm, cứu nạn. Kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết những thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Chủ phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Chấp hành nghiêm lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện của mình.
7. Doanh nghiệp Bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho phương tiện bị nạn trên biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến người, phương tiện được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp phối hợp với chủ phương tiện tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện.
Điều 12. Phối hợp trong lai dắt, cứu hộ phương tiện bị nạn trên biển
1. Việc lai dắt, cứu hộ phương tiện đang gặp nạn trên biển thoát khỏi nguy hiểm thực hiện theo các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
2. Trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn cho người khi lai dắt, cứu hộ, thuyền trưởng phương tiện bị nạn và phương tiện cứu hộ phải:
a) Thông báo cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết để giám sát và có phương án cứu nạn kịp thời;
b) Trường hợp nguy cơ mất an toàn đã được loại trừ, thông báo ngay cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực đã báo về việc mất an toàn để dừng việc giám sát, cứu nạn.
3. Trong trường hợp khẩn cấp, việc điều động phương tiện chuyên dùng tìm kiếm, cứu nạn, phương tiện quân sự hoặc công vụ tham gia hoạt động cứu hộ do cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Trường hợp phương tiện chuyên dùng tìm kiếm, cứu nạn, phương tiện quân sự hoặc công vụ đã hoàn thành việc cứu hộ, chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng đề nghị cứu hộ phải:
a) Thanh toán chi phí cho việc cứu hộ theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam;
b) Chấp hành các quyết định của cấp có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đóng bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên và thân tàu theo quy định của pháp luật;
Việc cho phép phương tiện hoạt động trở lại chỉ được cấp có thẩm quyền quyết định sau khi đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển.
Điều 13. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì điều động tàu bay tìm kiếm, cứu nạn; xác định hoặc chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam xác định khu vực bay tìm kiếm; chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dich vụ không lưu lập kế hoạch bay tìm kiếm và thông báo kế hoạch bay tìm kiếm cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải thống nhất kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
3. Tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo kết quả quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
4. Việc chỉ huy cứu nạn bằng tàu bay tại hiện trường trên biển do Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển đảm nhiệm.
5. Theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu yêu cầu các tàu bay dân dụng đang hoạt động trong khu vực tìm kiếm, cứu nạn tham gia vào việc tìm kiếm, cứu nạn.
6. Tàu bay của Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn ngoài vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam hoặc tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam thực hiện theo Thỏa thuận song phương về tìm kiếm, cứu nạn giữa hai quốc gia.
Điều 14. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay bị nạn trên biển
1. Trường hợp tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trên biển, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải:
a) Báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn hàng không của Bộ Giao thông vận tải đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để xin ý kiến chỉ đạo;
b) Phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng không và hàng hải;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay lâm nạn theo các hợp đồng đã ký kết.
2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo, điều động tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo khoản 1 Điều 13 Quy chế này và điều động các lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của từng vụ việc.
1. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không lập các kênh thông tin trực tiếp với Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn tương ứng của các quốc gia cần tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn để:
a) Trao đổi thông tin về tình huống tìm kiếm, cứu nạn: tình hình, số lượng người, phương tiện gặp nạn; lực lượng, phương tiện của mỗi quốc gia trong tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
b) Xác định trách nhiệm, phân công phạm vi tìm kiếm, cứu nạn của mỗi bên; các nội dung phối hợp; tần số và cách thức liên lạc của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn;
c) Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn theo phạm vi đã phân công.
2. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với Bộ Ngoại giao và thông qua Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đề nghị Trung tâm Cứu nạn của quốc gia có chung ranh giới đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam vào phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của quốc gia đó để cứu người, phương tiện bị nạn.
1. Trường hợp có đề nghị của Cơ quan cứu nạn có thẩm quyền của quốc gia khác đưa người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng lãnh hải của Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để thống nhất với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc cấp phép.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là đầu mối phối hợp trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thông báo về các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định của Việt Nam và biện pháp, cách thức phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam khi tìm kiếm, cứu nạn trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
2. Người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng lãnh hải của Việt Nam phải:
a) Chịu sự giám sát việc tuân thủ các quy định của Việt Nam và có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;
b) Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam tại hiện trường và cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN BIỂN CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, xây dựng các phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong các tình huống dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Điều động và tổ chức phối hợp các lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân kịp thời ứng phó khi xảy ra tình huống.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của Việt Nam.
4. Trường hợp cần đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam thực hiện tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của quốc gia khác, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề nghị quốc gia đó cấp phép và phối hợp để kịp thời tìm kiếm, cứu những người đang bị nạn trên biển.
5. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển của các lực lượng thuộc Bộ, ngành, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống.
Điều 18. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương
1. Chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trong việc xây dựng các phương án huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có người, phương tiện bị nạn trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới trên biển gây ra.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp và thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển.
2. Huy động lực lượng, phương tiện quân đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
3. Thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển Việt Nam.
4. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của lực lượng quốc phòng theo quy định.
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các tỉnh, thành phố trưc thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành Hàng hải, Hàng không, Đường thủy nội địa thuộc Bộ kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo quy định.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống và theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
4. Thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao chỉ đạo chuyên ngành Hàng hải, Hàng không trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển Việt Nam.
5. Công bố các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu – khẩn cấp của hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với trung tâm và các trạm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của các lực lượng, phương tiện thuộc Bộ theo quy định.
Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Thủy sản
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện nghề cá trên biển theo các tình huống.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển triển khai các phương án kết hợp việc đánh bắt thủy sản của ngư dân theo nhóm với trực và sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu giúp nhau khi xảy ra tai nạn, sự cố.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện chuyên ngành thủy sản tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống và theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
4. Ban hành các tiêu chuẩn ngành về trang thiết bị thông tin liên lạc cho các phương tiện thủy sản hoạt động xa bờ đủ khả năng thông tin liên lạc được với đài thông tin duyên hải theo quy định.
5. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Bộ theo quy định.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo dõi và phát các tin về áp thấp nhiệt đới, bão, thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển theo quy định.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn, động đất, cảnh báo sóng thần theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Bưu chính, Viễn thông
1. Chủ trì, phối hợp với các Bô, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu – khẩn cấp, quy định về thông tin liên lạc vô tuyến; ưu tiên bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, vị trí các cơ sở y tế tổ chức cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo các tình huống bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
2. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực để chỉ dẫn, hướng dẫn việc sơ, cấp cứu từ xa cho người bị nạn trên biển khi cần trợ giúp y tế.
3. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp tham gia cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân Việt Nam gặp tai nạn, sự cố ngoài vùng biển của Việt Nam bao gồm cả vùng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và hàng không.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện của Việt Nam bị tai nạn, sự cố; đồng thời hỗ trợ cứu người, phương tiện, làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh khác để đưa người, phương tiện về nước.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành liên quan làm các thủ tục ngoại giao trong trường hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện nước ngoài bị nạn trong vùng biển Việt Nam khi cần thiết.
Điều 26. Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển bảo đảm ngân sách cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo quy định nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách được cấp.
Điều 27. Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các cấp có thẩm quyền huy động.
Điều 28. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển
1. Xây dựng các phương án huy động lực lượng, trang thiết bị của địa phương, của các cơ quan, tổ chức Trung ương hoạt động tại địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng ven biển thuộc địa bàn quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp lực lượng, phương tiện của địa phương, của các cơ quan, tổ chức Trung ương tại địa phương tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên khu vực ven biển thuộc địa bàn quản lý.
3. Thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực để điều động phương tiện đến tham gia trong trường hợp cần huy động thêm phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.
4. Kiến nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Điều 29. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển
1. Chấp hành lệnh của Cơ quan có thẩm quyền huy động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Phối hợp và thông tin, báo cáo đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để tiến hành và giải quyết vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của mình.
3. Tổ chức, cá nhân có phương tiện và thuyền bộ đủ điều kiện và tình nguyện trực sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để nghiên cứu khả năng tham gia trong kế hoạch và huy động trực hoặc tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm quy định tại Quy chế này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kịp thời đề xuất những vấn đề nảy sinh cần sửa đổi, bổ sung báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
- 1Chỉ thị 08/2007/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 26/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
- 3Quyết định 124/2007/QĐ-TTg về Quy chế quản lý trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 06/2014/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 08/2007/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 26/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 4Quyết định 124/2007/QĐ-TTg về Quy chế quản lý trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 103/2007/QĐ-TTg về quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 103/2007/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/07/2007
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 526 đến số 527
- Ngày hiệu lực: 18/08/2007
- Ngày hết hiệu lực: 10/03/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra