Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 187/1998/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CƠ BẢN, SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP

Căn cứ vào Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/1997 và Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 và Nghị định số 102/1998/NĐ/CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT.
Căn cứ vào Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 và Thông tư số 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP và Nghị định số 102/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT.
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thực hiện thuế GTGT đối với các hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB), sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp như sau:

I/ HOẠT ĐỘNG XDCB TRONG SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP.

1/Đối tượng chịu thuế GTGT.

Các hoạt động trong XDCB như: Khai hoang, kiến thiết xây dựng vườn cây và các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp do các đơn vị bên ngoài nhận thầu, bộ phận XDCB của đơn vị tự làm mà có tổ chức hạch toán kết quả kinh doanh riêng gọi chung là B xây dựng.

2/ Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.

Các hoạt động XDCB nêu tại điểm 1 trên đây do đơn vị tự làm, không tổ chức hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh riêng.

3/ Thuế suất thuế GTGT.

a) Thuế suất thuế GTGT là 5% đối với các hoạt động XDCB như: Khai hoang, xây dựng kênh, mương nội đồng, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, đường xá và các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp như: Cày, bừa đất, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu bói.

b) Thuế suất thuế GTGT là 10% đối với các hoạt động XDCB khác không được quy định tại tiết a điểm này.

4/ Khấu trừ thuế GTGT

a) Đối với các B xây dựng

Đối với các B xây dựng chịu thuế GTGT đầu ra thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và được xác định số thuế phải nộp như sau:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào

Thuế GTGT đầu ra

=

Giá trị công trình (hoặc hạng mục công trình

x

Thuế suất (%) của loại hàng hóa, dịch vụ XDCB đó

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của toàn bộ các vật tư, nguyên, nhiên liệu mua ngoài của B xây dựng phục vụ cho việc thực hiện khối lượng xây dựng cơ bản đó mà có đầy đủ hoá đơn thuế GTGT được khấu trừ.

Các B xây dựng kê khai nộp thuế GTGT hàng năm theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành do chủ đầu tư (bên A) thanh toán theo từng giai đoạn, từng đợt hoặc từng năm.

b) Đối với các bộ phận XDCB tự làm.

Đối với các hoạt động của bộ phận XDCB tự làm không tổ chức hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh thì không thuộc diện chịu thuế GTGT theo quy định tại điểm 2 nêu trên, đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Các vật tư, nguyên, nhiên liệu mua ngoài phục vụ cho XDCB tự làm có thuế GTGT đầu vào được hạch toán toàn bộ vào giá thành XDCB của công trình hoặc hạng mục công trình để xác định giá trị tài sản cố định (TSCĐ) chuyển giao sang sản xuất, kinh doanh.

c) Đối với bên A.

Bên A khi nhận bàn giao các công trình hoặc hạng mục công trình XDCB hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh, xác định giá trị TSCĐ là giá trị chuyển giao của bộ phận XDCB tự làm; Giá trị thanh toán cho B xây dựng bao gồm toàn bộ giá thanh toán có cả thuế GTGT để tính khấu hao TSCĐ và bảo toàn vốn; Đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán và quyết toán vốn đầu tư XDCB.

II/ THUẾ GTGT ĐỐI VỚI SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP.

1/ Cơ sở sản xuất ra sản phẩm hàng hoá là sản phẩm nông, lâm nghiệp không qua chế biến, trực tiếp bán ra thị trường thuộc diện không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điểm 1, Mục II, Thông tư số 89/1998/TT-BTC và không được khấu trừ thuế GTGT. Những vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu mua ngoài có thuế GTGT phục vụ cho quá trình sản xuất được phân bổ vào giá thành sản phẩm nông, lâm nghiệp.

2/ Sản xuất chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp để tiêu thu nội địa.

Đơn vị áp dụng thuế GTGT theo hình thức khấu trừ trên nguyên tắc:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào

Trong đó:

a)

Thuế đầu ra

=

Giá bán sản phẩm hàng hóa chưa có thuế GTGT

x

Thuế suất thuế GTGT của loại hàng hóa đó

b) Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ xác định như sau:

+ Đối với nguyên liệu là sản phẩm nông, lâm nghiệp thu mua trực tiếp của người tự sản xuất bán, thu mua theo giá chỉ đạo do nông trường cung ứng vật tư, mua sản phẩm nguyên liệu vượt khoán; Sản phẩm nộp để bù đắp cho chi phí quản lý doanh nghiệp, sản phẩm nộp để thành lập các qũy của doanh nghiệp; Sản phẩm hộ nông trường viên giao nộp cho nông trường thay nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các nông trường tổ chức sản xuất theo hình thức khoán và nguyên liệu do đơn vị tự sản xuất đưa vào chế biến. Đơn vị lập bảng kê theo mẫu số: 04/GTGT (Bảng kê thu mua hàng nông sản, lâm sản, thuỷ sản của người trực tiếp sản xuất) quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC.

Căn cứ vào bảng kê theo số lượng và giá mua thực tế chi trả người bán để được xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ ở khâu chế biến cụ thể như sau:

Thuế GTGT được khấu trừ

=

Số lượng nguyên liệu thu mua

x

Giá thu mua đơn vị nguyên liệu đưa vào chế biến theo bảng kê quy định

x

Tỷ lệ (%) theo loại sản phẩm hàng hóa được khấu trừ thuế

Giá thu mua nguyên liệu đưa vào chế biến theo bảng kê là giá mua hoặc giá thanh toán trực tiếp cho người sản xuất sản phẩm đó do đơn vị trực tiếp đứng ra tổ chức thu mua theo các hình thức như: mua tại nơi sản xuất, mua tại các trạm thu mua hoặc mua tại nhà máy.

Đối với các loại sản phẩm do nông trường tự sản xuất ra thì giá đưa vào chế biến là giá thành sản xuất của sản phẩm đó. Riêng đối với sản phẩm do hộ nông trường viên giao nộp thay thuế sử dụng đất nông nghiệp là giá tính thuế ở địa phương.

+ Vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu khác, dịch vụ mua ngoài phục vụ cho chế biến và các chi phí trong quá trình tiêu thụ sản phẩm có thuế GTGT được khấu trừ thuế đầu vào theo quy định chung trong Thông tư số 89/1998/TT-BTC.

3- Đối với vật tư doanh nghiệp mua về cung ứng cho các hộ nông trường viên, cho cán bộ công nhân viên hoặc bán ra cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dưới dạng kinh doanh thương nghiệp phải được theo dõi và hạch toán riêng như khâu kinh doanh thương nghiệp, phải xác định thuế GTGT đầu vào (phần mua ngoài có thuế GTGT) và tính thuế GTGT đầu ra khi bán vật tư hàng hoá để xác định số thuế GTGT phải nộp khâu kinh doanh vật tư.

III/ SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP LÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU:

Sản phẩm nông, lâm nghiệp khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT bằng không (0%) nhưng không được khấu trừ theo tỷ lệ 3-5% trên giá trị hàng nông, lâm nghiệp như đối với sản phẩm nông, lâm nghiệp đã qua chế biến để tiêu thụ nội địa, chỉ được tính khấu trừ và hoàn thuế trong các trường hợp sau:

- Thuế GTGT đầu vào ở khâu chế biến đối với hàng hoá nông, lâm nghiệp đã qua chế biến.

- Thuế GTGT phần thực nộp ở khâu thương nghiệp đối với hàng nông, lâm nghiệp đơn vị xuất khẩu thu mua qua các đơn vị thương nghiệp có đủ hoá đơn thuế GTGT như quy định.

Tất cả các trường hợp thu mua hàng hoá về để xuất khẩu nếu không có đủ hoá đơn thuế GTGT loại được khấu trừ thì khi hàng hoá xuất khẩu không được hoàn thuế (khấu trừ thuế).

IV/ HIỆU LỰC THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài Chính để nghiên cứu, xử lý.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 187/1998/TT-BTC bổ sung thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 187/1998/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản