BỘ TƯ PHÁP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 1869-VHC | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1955 |
VỀ HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ỦY BAN HÀNH CHÍNH XÃ VỀ MẶT TƯ PHÁP SAU CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Kính gửi: Các Ủy ban hành chính liên khu và tỉnh, các ông Công tố ủy viên Tòa án nhân dân liên khu và Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố.
Hiện nay ở những xã đã cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ tuy đã đánh đổ nhưng nhiều tên địa chủ còn đang có nhiều phản ứng, đế quốc Mỹ dựa vào giai cấp địa chủ làm nòng cốt để phá hoại ta.
Trong nội bộ nông dân còn có một số việc xích mích, tranh chấp nhau về quyền lợi. Những vụ trộm cắp, thông gian, hủ hóa, v.v…còn ít nhiều xảy ra.
Trước tình hình đó, phần lớn cán bộ tư pháp xã chưa được huấn luyện về mặt tư pháp, cán bộ tư pháp huyện cũng đang lúng túng trong việc hướng dẫn Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp. Quan niệm về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức; về lề lối làm việc của Ủy ban hành chính về mặt tư pháp cũng chưa được thống nhất ở tất cả mọi nơi.
Bộ Tư pháp đã triệu tập một hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất trong hai ngày 15 và 16-9-1955. Căn cứ vào ý kiến của hội nghị, Bộ đã xây dựng được một hướng củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất (kèm theo Thông tư này) để các Ủy ban hành chính và Tòa án nhân dân khu và tỉnh cho tạm thời thực hiện và rút kinh nghiệm.
Trong khi thực nghiệm, xin báo cáo cho Bộ biết những kinh nghiệm đã thu lượm được và ý kiến xây dựng.
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ỦY BAN HÀNH CHÍNH XÃ VỀ MẶT TƯ PHÁP SAU CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
1. – Mục đích, yêu cầu của việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất
Mục đích của việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất là: góp phần vào việc củng cố chính quyền ở xã, góp phần vào việc tăng cường đoàn kết ở nông thôn và việc trấn áp được kịp thời và có hiệu quả những hành động phá hoại trị an, phá hoại sản xuất của giai cấp địa chủ và của bọn phản động.
Trong việc củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất, chủ yếu là phải bồi dưỡng lập trường, tư tưởng cho cán bộ phụ trách công việc tư pháp xã, đồng thời cũng phải chú ý hướng dẫn anh em về tổ chức và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp xã.
2. – Nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp
1) Nhiệm vụ và quyền hạn về mặt tư pháp của Ủy ban hành chính xã:
Nội dung nhiệm vụ về mặt tư pháp của Ủy ban hành chính xã là:
a) Hòa giải những việc xích mích, tranh chấp về quyền lợi trong nhân dân (trường hợp địa chủ tranh chấp với nhau thì Ủy ban hành chính xã cũng phải giáo dục và giải quyết cho chúng).
Ủy ban hành chính xã có quyền công nhận những việc thuận tình ly hôn mà hai bên không có tranh chấp nhau về con cái hoặc tài sản.
b) Kiểm thảo giáo dục những người phạm lỗi nhỏ làm mất trật tự ở nông thôn như: say rượu, làm huyên náo thôn xóm, đánh chửi nhau thường, trộm cắp vặt, hủ hôn thường, v.v…Nếu có gây thịêt hại cho người khác, Ủy ban hành chính xã có thể bắt người phạm lỗi phải bồi thường.
c) Nghiêm khắc cảnh cáo những tên địa chủ có những phản ứng nhỏ như: láo xược với nông dân, không chịu lao động, trộm cắp vặt, dây dưa thuế, không chịu đi dân công, v.v…
d) Thi hành mệnh lệnh của cấp trên như: tống đạt giấy gọi, tống đạt án, điều tra cung cấp thêm tài liệu về một vụ án theo yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hoặc của Tòa án nhân dân tỉnh, v.v…
Ủy ban hành chính xã không có quyền phạt giam hoặc giữ người phạm lỗi một vài ngày để bắt họ quét trụ sở, đắp đường, đào ao, đào giếng,v.v…
Bỏ phạt vi cảnh ở xã, vì đối với nông dân, kiểm thảo giáo dục là chính, còn đối với địa chủ, chúng ta phải dựa vào lực lượng của nhân dân mà nghiêm khắc cảnh cáo, trấn áp những phản ứng của chúng.
Nên bỏ khoản phạt tiền trong hương ước của xóm đối với những việc gia súc phá hoại hoa màu, vì nhiều nơi thường phạt nặng quá, tùy trường hợp sẽ kiển thảo, phê bình người chủ gia súc và bắt bồi thường cho người có hoa màu bị thiệt hại, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ sản xuất cho các em thiếu nhi chăn trâu bò.
2) Vấn đề phân công phụ trách trong công việc tư pháp xã trong Ủy ban hành chính:
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương mà phân công Chủ tịch, phó Chủ tịch hay Ủy viên công an phụ trách công việc tư pháp xã. Một điều cần thiết phải nhấn mạnh là: nếu có sự lãnh đạo chặt chẽ, những việc hòa giải, kiểm thảo trong thực tế sẽ được giải quyết một phần lớn trong Nông hội và các đoàn thể quần chúng, như thanh niên, phụ nữ,v.v….vì vậy không nên phân công một ủy viên Ủy ban hành chính xã chỉ chuyên trách riêng về vấn đề tư pháp, mà không phụ trách thêm những công tác khác. Chỉ có một điều cần chú ý là: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hoặc Ủy viên công an phụ trách cả công việc tư pháp xã không nên kiêm nhiệm nhiều việc quá thì những công việc phũ tráchmới thực hiện được có hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của một số lớn xã thì nên giao cho Ủy viên công an xã kiêm tư pháp xã vì những thuận lợi sau đây:
- Công an và tư pháp có chung một nhiệm vụ là trấn áp địch. Nếu một ủy viên kiêm nhiệm cả hai việc thì đường lối, chủ trương, kế hoạch trấn áp sẽ được thống nhất.
- Ủy viên Công an thường là chi ủy viên hoặc thường vụ chi ủy viên. Nếu Ủy viên công an kiêm cả công việc tư pháp thì sự lãnh đạo của chi ủy đối với công việc tư pháp dễ dàng được chặt chẽ hơn.
3) Vấn đề điều tra ở xã:
Nói chung công việc điều tra những vụ phạm pháp thường và phạm pháp quan trọng, những hành động của bọn phản cách mạng, bọn lưu manh, côn đồ ở xã là do công an xã phụ trách. Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách cả công việc tư pháp xã chỉ điều tra những vụ nhân dân tranh chấp về quyền lợi để hòa giải, hoặc những vụ nhân dân phạm lỗi nhẹ để kiểm thảo là những vụ tương đối dễ dàng điều tra.
4) Lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp:
a) Ủy ban hành chính xã cần phối hợp công tác chặt chẽ với Nông hội; những việc hòa giải, kiểm thảo, Ủy ban hành chính cần đưa cho tổ Nông hội hoặc đoàn thể thanh niên, phụ nữ ở xóm giải quyết trước, nếu đòan thể giải quyết không xong thì Ủy ban hành chính xã mới giải quyết.
Đối với những phản ứng nhỏ của bọn địa chủ, tùy trường hợp Ủy ban hành chính xã có thể góp ý kiến để cho trưởng xóm, công an và Nông hội xóm gọi chúng đến để cảnh cáo, nếu cần thì họp tổ Nông hội hoặc họp nhân dân trong xóm để cảnh cáo chúng. Nếu không xong, Ủy ban hành chính xã phối hợp với Ban chấp hành Nông hội xã đễ tổ chức nghiêm khắc cảnh cáo chúng (có thể lại họp tổ Nông hội xóm, hoặc họp nhân dân trong xóm do Ủy ban hành chính xã và Nông hội xã chủ tọa để nghiêm khắc cảnh cáo chúng).
b) Khi hòa giải hoặc khi kiểm thảo trong nội bộ nhân dân, không cần có một hội đồng hòa giải gồm ba ủy viên trong Ủy ban hoặc một ủy viên và hai hội viên hội đồng nhân dân, hay đại biểu đoàn thể nhân dân như đã quy định trong Thông tư số 09-NC/TC ngày 13 tháng 3 năm 1952 của Bộ Nội vụ; đây quan niệm là một cuộc họp không phải là để xét xử mà là để thân ái, đoàn kết giúp đỡ nhau một việc trong nội bộ nhân dân. Vì vậy tùy từng trường hợp có thể Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hoặc Ủy viên công an phụ trách công việc tư pháp xã làm chủ tọa cuộc họp, hoặc thêm một hai người nữa làm Chủ tịch đoàn. Những người này có thể là bí thư Nông hội xã, ủy viên chấp hành Nông hội, hoặc đại biểu của các đoàn thể nhân dân khác.
c) Trước khi giải quyết một việc về tư pháp (trừ trường hợp việc quá nhỏ phải có chủ trương chung của Ủy ban hành chính xã. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hoặc Ủy viên công an phụ trách công việc tư pháp sẽ nhân danh Ủy ban hành chính xã thực hiện chủ trương đó trong những cuộc họp gần đó để hòa giải, kiểm thảo trong nội bô nhân dân, hoặc họp để cảnh cáo những tên địa chủ có phản ứng nhỏ.
d) Cần phải tránh giấy tờ quan liêu:
- Khi hòa giải hoặc kiểm thảo ở tổ Nông hội, không cần phải ghi chép giấy tờ gì. Tổ trưởng Nông hội báo cáo miệng lên Ban chấp hành Nông hội và Ủy ban hành chính xã.
- Khi việc đã đến Ủy ban hành chính xã, nếu hòa giải hoặc kiểm thảo xong thì cũng không cần phải lập biên bản. Chỉ khi nào việc không giải quyết xong, cần đưa lên Tòa án nhân dân huyện, thì Ủy ban hành chính xã lập biên bản để gửi lên Tòa án nhân dân huyện. Biên bản này sẽ thay báo cáo.
Ở mỗi Ủy ban hành chính xã sẽ có một quyển sổ để ghi sơ lược những việc tư pháp mà Ủy ban hành chính xã đã giải quyết (sẽ có mẫu riêng).
5) Chế độ báo cáo và xin chỉ thị giữa Ủy ban hành chính xã và Tòa án nhân dân huyện:
Trước khi công nhận thuận tình ly hôn, Ủy ban hành chính xã phải xin ý kiến của Tòa án nhân dân huyện, sau khi công nhận, Ủy ban hành chính xã cũng lại phải báo cáo cho Tòa án nhân dân huyện biết. Ngoài ra trong công tác hàng ngày nếu gặp khó khăn gì, Ủy ban hành chính xã phải báo cáo và xin chỉ thị ngay Tòa án nhân dân huyện.
Những việc hòa giải và kiểm thảo thuộc phạm vi Ủy ban hành chính xã, Ủy ban hành chính xã phải báo cáo thẳng với Tòa án nhân dân huyện.
Trong báo cáo hàng tháng của Ủy ban hành chính xã với Ủy ban hành chính huyện, cần có báo cáo về công việc tư pháp xã, Tòa án nhân dân huyện cần liên lạc với văn phòng Ủy ban hành chính huyện xem những báo cáo đó.
1) Cách tổ chức: Có hai hình thức:
a) Phối hợp với Ty Công an tỉnh để giảng về tư pháp ở những lớp của Ty Công an mở cho Ủy viên công an xã (nhiều nơi kiêm tư pháp xã).
b) Ở những nơi Ủy viên công an không kiêm tư pháp xã, nếu có điều kiện, Tòa án nhân dân tỉnh hoặc Tòa án nhân dân huyện sẽ lưu động để mở những lớp huấn luyện tập trung cho Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách tư pháp xã. Nếu không có điều kiện, Tòa án nhân dân huyện sẽ đi lưu động mở những lớp huấn luyện nhỏ cho hai hay ba xã lân cận. Trong những lớp này, có thể mời thêm một số ủy viên chấp hành, tổ trưởng Nông hội, thanh niên, phụ nữ xã và xóm tham dự.
2) Nội dung huấn luyện:
a) Trường hợp tư pháp mở lớp huấn luyện riêng:
- Đường lối, chủ trương, tổ chức và phương pháp hòa giải ở xã.
- Chủ trương kế hoạch kiểm thảo những việc nhân dân phạm lỗi nhẹ ở xã.
- Đường lối, chủ trương, trấn áp những phản ứng và những hành động phá hoại của giai cấp địa chủ, của bọn tay sai của đế quốc và của bọn lưu manh, côn đồ.
- Phương pháp điều tra, thể lệ bắt người và khám nhà.
- Liên hệ giữa tư pháp xã và Tòa án nhân dân huyện.
b) Trường hợp tư pháp giảng ở những lớp huấn luyện Ủy viên công an xã (kiêm tư pháp xã) do Ty công an tỉnh mở;
Vì Công an đã có những bài giảng về chủ trương, đường lối chung để trấn áp những hành động phá hoại của giai cấp địa chủ, của bọn phản động tay sai của đế quốc và của bọn lưu manh, côn đồ. Tòa án nhân dân tỉnh thảo luận trước với ban lãnh đạo lớp huấn luyện để bài giảng của Công an và của Tòa án không trùng nhau, đồng thời cũng không bỏ sót những điểm cần thiết mà Tòa án cần phải hướng dẫn cho Ủy viên công an kiêm tư pháp xã.
3) Tài liệu:
Tòa án nhân dân khu phải thảo ra bài giảng để thống nhất trong toàn khu. Trong khi chờ đợi, nếu cần giảng ngay, Tòa án nhân dân tỉnh sẽ tự thảo lấy bài giảng, sau đó gửi lên Tòa án nhân dân khu để báo cáo.
4) Phương pháp huấn luyện:
Cần chú ý:
- Phải xác định cho học viên một thái độ học tập đúng đắn để tránh cho anh em khỏi coi thường vấn đề, không chú ý học tập.
- Cần chú ý khêu gợi để anh em liên hệ tình hình công việc ở xã, tự tìm ra những cái sai cái đúng trong những công việc mà anh em đã làm về tư pháp xã (chú ý nhiều về mặt lập trường tư tưởng).
5) Sau lớp học:
- Phải căn dặn học viên về báo cáo với chi ủy và Ủy ban hành chính xã về kết quả của lớp học, sau đó đề nghị với chi ủy và Ủy ban hành chính xã cho học viên phổ biến cho các trưởng xóm, các tổ trưởng Nông hội, các phân đoàn trưởng thanh niên, các phân chi trưởng phụ nữ về những điểm chính trong công tác hòa giải những tranh chấp, kiểm thảo những lỗi nhỏ trong nhân dân và cảnh cáo những phản ứng nhỏ của giai cấp địa chủ.
- Cán bộ tư pháp huyện phải thường xuyên xuống xã để giúp đỡ cán bộ xóm giải quyết công việc.
Khi trong huyện có một công tác lớn (như thu thuế nông nghiệp, cứu đói,v.v…) cán bộ tư pháp huyện phải tự mình tham gia thực hiện công tác đó ở một xã trọng điểm của phong trào để thấy tình hình cụ thể về công tác tư pháp kết hợp giúp đỡ xã giải quyết công việc tư pháp, rút kinh nghiệm và phổ biến những kinh nghiệm đó cho các xã khác trong huyện.
Khi xuống xã phải đi sâu xuống từng xóm để tìm hiểu tình hình, giúp đỡ cán bộ xóm, xã giải quyết công việc. Tùy tính chất của công việc có thể cùng với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hoặc Ủy viên công an phụ trách tư pháp xã tổ chức tại xóm những cuộc hòa giải, kiểm thảo hoặc cảnh cáo địa chủ có phản ứng nhỏ. Mời Ban chấp hành Nông hội, một số tổ trưởng Nông hội, đại biểu thanh niên, phụ nữ dự những cuộc họp này để qua thực tế công tác mà thiết thực bồi dưỡng cán bộ. Trong bất cứ trường hợp nào, cần phải khêu gợi để các cán bộ xã và xóm tự tìm tìm lấy cách giải quyết công việc, có kế hoạch giáo dục đương sự, vận động nhân dân tham gia các cuộc hòa giải, kiểm thảo hoặc cảnh cáo địa chủ. Cán bộ tư pháp huyện chỉ tham gia ý kiến khi anh em có những ý kiến lệch lạc. Sau mỗi phiên họp, cần họp với các cán bộ xã và xóm để rút kinh nghiệm.
SỔ ĐỂ GHI NHỮNG VIỆC TƯ PHÁP CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH XÃ
Số thứ tự | Ngày tháng nhận đơn | Họ, tên, tuổi, thành phần và chỗ ở của người đi kiện | Họ, tên, tuổi, thành phần và chỗ ở của người bị kiện | Kiện về việc gì? | U.B.H.C. xã đã giải quyết ra sao? | CƯỚC CHÚ |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) |
Thông tư 1869-VHC năm 1956 hướng xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất do Bộ Tư Pháp ban hành.
- Số hiệu: 1869-VHC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/10/1955
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Vũ Đình Hoè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 09/11/1955
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định