Hệ thống pháp luật

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-PC/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1981

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 18-PC/TT NGÀY 17-9-1981 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 24-HĐBT NGÀY 10/8/1981 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC TRỌNG TÀI NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

Để thực hiện một bước những quy định trong Hiến pháp, trong Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng và trong nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác tổ chức, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 24-HĐBT ngày 10/8/1981 sửa đổi, bổ sung một số điểm về tổ chức trọng tài Nhà nước về kinh tế, nhằm đề cao vai trò và kiện toàn tổ chức trọng tài kinh tế ở các cấp, các ngành. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào hai vấn để chủ yếu: bãi bỏ chế độ thành viên kiêm chức và thành lập ngạch Trọng tài viên.

Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành những quy định trong nghị định của Hội đồng Bộ trưởng.

I. VIỆC BÃI BỎ CHẾ ĐỘ THÀNH VIÊN KIÊM CHỨC

Công tác Trọng tài kinh tế đòi hỏi sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của cơ quan chính quyền mà tổ chức Trọng tài kinh tế là cơ quan trực thuộc, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kế hoạch, vật giá, ngân hàng, tài chính và các cơ quan pháp luật khác. Vì vậy, từ năm 1960 đến nay, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng các cơ quan chính quyền kiêm chức chủ tịch Trọng tài kinh tế và phó trưởng các cơ quan kế hoạch, vật giá, ngân hàng, tài chính kiêm chức uỷ viên Trọng tài kinh tế. Tổ chức theo kiểu này có nơi, có lúc, có việc đã đem lại kết quả tốt trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế, nhưng còn có mặt bị hạn chế, vì người nào cũng bận công tác chính của ngành mình, không thể tham gia đều đặn công tác Trọng tài kinh tế. Việc bãi bỏ chế độ thành viên kiêm chức và thay thế bằng tổ chức chuyên trách vừa phát huy hiệu lực của tổ chức Trọng tài kinh tế, vừa tạo điều kiện để các ngành đó chủ động công tác của mình. Khi thay thế chế độ bán chuyên trách bằng chế độ chuyên trách, cần chú ý tăng cường sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan chính quyền đối với tổ chức Trọng tài kinh tế trực thuộc. Ở mỗi cơ quan chính quyền (Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu) cần phân công một đồng chí thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng phụ trách công tác Trọng tài kinh tế. Các đồng chí này chỉ đạo chặt chẽ công tác xét xử, thanh tra của tổ chức Trọng tài kinh tế. Các tổ chức Trọng tài kinh tế phải thực hiện đúng chế độ báo cáo và thỉnh thị với cơ quan chính quyền mà mình trực thuộc. Mặt khác, phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế; phải thực hiện đúng các Thông tư liên bộ số 573-TTLB ngày 10/7/1975 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước, số 770-TTLB ngày 10/6/1976 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước và các thông tư Toà án nhân dân tối cao, của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành quyết định số 6-CP ngày 5/1/1981 về thẩm quyền xử lý của tổ chức Trọng tài kinh tế đối với các tranh chấp về hợp đồng kinh tế.

II. VIỆC THÀNH LẬP NGẠCH TRỌNG TÀI VIÊN THUỘC HỆ THỐNG CÁC CƠ QUAN TRỌNG TÀI KINH TẾ

Xét xử các tranh chấp về hợp đồng kinh tế và thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế là nhiệm vụ của các cơ quan Trọng tài kinh tế. Để làm nhiệm vụ này, phải có người chuyên trách như thẩm phán ở các toà án nhân dân, như kiểm sát viên ở viện kiểm sát nhân dân. Việc thành lập ngạch Trọng tài viên thuộc hệ thống các cơ quan trọng tài kinh tế là để đáp ứng yêu cầu công tác xét xử, thanh tra hiện nay. Do vậy, các quy định trước đây ở điểm 5, Điều 6, chương II của bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành theo Nghị định số 75-CP ngày 14/4/1975 của Hội đồng Chính phủ; và ở điểm 1, mục C, chương III của Thông tư số 306-TTHĐ ngày 3/10/1979 của Chủ tịch Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, không còn phù hợp nữa.

A. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRỌNG TÀI VIÊN

1. Về công tác xét xử: Trong công tác xét xử, Trọng tài viên phải tuân thủ sự phân công và chỉ đạo trực tiếp của chủ tich Trọng tài kinh tế; phải thực hiện đầy đủ các quy định trong Thông tư số 180-TTHĐ ngày 10/7/1979 về các văn bản khác có liên quan của chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Trong khi tiến hành xét xử, trọng tài viên có quyền:

a. Sử dụng cán bộ và phương tiện của cơ quan phục vụ công tác xét xử theo quy định của chủ tịch trọng tài kinh tế cùng cấp;

b. Yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu, chứng lý cần thiết làm sáng tỏ vụ, việc tranh chấp;

c. Yêu cầu các cơ quan quản lý cấp trên của đương sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ, việc tranh chấp;

d. Chỉ định ban giám định để giám định các vấn đề có liên quan đến vụ, việc tranh chấp;

đ. Triệu tập các đương sự đến để xét xử. Mời đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự xét xử.

e. Phạt vi phạm hợp đồng kinh tế, buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm đối với những tổ chức và cá nhân phạm lỗi, gây ra vụ vi phạm hợp đồng kinh tế, làm thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa;

g. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan những biện pháp nhằm khắc phục ngăn ngừa các thiếu sót trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế.

h. Thừa lệnh chủ tịch trọng tài kinh tế ký công văn về các việc làm nói ở các điểm b, c, d, đ, g và nhân danh cơ quan trọng tài kinh tế ký biên bản xét xử và quyết định xét xử. Những công văn về việc xét xử gửi đến các cơ quan cấp trên hoặc cơ quan đồng cấp của cơ quan trọng tài kinh tế đều do chủ tịch hoặc phó chủ tịch trọng tài kinh tế ký.

2. Về công tác thanh tra: Trong công tác thanh tra, trọng tài viên phải tuân thủ sự phân công và chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch trọng tài kinh tế; phải làm đầy đủ các quy định trong Thông tư số 306-TTHĐ ngày 3/10/1979 và các văn bản khác có liên quan của chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước.

Trong khi tiến hành thanh tra, trọng tài viên có quyền:

a. Sử dụng cán bộ và phương tiện của cơ quan phục vụ công tác thanh tra theo quy định của chủ tịch trọng tài kinh tế cùng cấp;

b. Yêu cầu đơn vị được thanh tra cung cấp những tài liệu, chứng lý cần thiết cho việc thanh tra.

c. Yêu cầu các cơ quan hữu quan cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, và nếu xét thấy cần thiết yêu cầu cơ quan này cử cán bộ cùng tham gia việc thanh tra;

d. Yêu cầu đơn vị được thanh tra sửa chữa những thiếu sót do chính mình gây ra, đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý cấp trên, có biện pháp sửa chữa những thiếu sót (nếu có);

đ. Kiến nghị với chủ tịch trọng tài kinh tế xét xử những vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế phát hiện qua thanh tra, làm thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa;

e. Thừa lệnh chủ tịch trọng tài kinh tế ký công văn về các việc làm nói ở điểm b, c, d trên đây và nhân danh cơ quan trọng tài kinh tế ký biên bản thanh tra. Những công văn về việc thanh tra gửi đến các cơ quan cấp trên hoặc cơ quan đồng cấp của cơ quan trọng tài kinh tế đều do chủ tịch hoặc phó chủ tịch trọng tài kinh tế ký.

B. TIÊU CHUẨN CỦA TRỌNG TÀI VIÊN:

Trọng tài viên là người được chủ tịch trọng tài kinh tế phân công xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế và thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế. Đối tượng làm việc của trọng tài viên là các đơn vị kinh tế cơ sở mà thủ trường đơn vị là người đại diện và các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị kinh tế cơ sở mà thủ trưởng cơ quan là người đại diện. Xuất phát từ nhu cầu công tác và đối tượng làm việc trên đây mà Chính phủ đề ra tiêu chuẩn trọng tài viên phải là người trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất chính trị tốt, liêm khiết, công minh, có kiến thức pháp lý và kiến thức quản lý kinh tế cần thiết, hiểu biết về nghiệp vụ hợp đồng kinh tế và có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời quy định trọng tài viên ở cấp Trung ương là cán bộ cấp vụ, ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương là cán bộ cấp sở, ty.

Khi bố trí, sắp xếp cán bộ làm trọng tài viên phải căn cứ vào tiêu chuẩn và ngạch bậc trên đây. Trong việc bố trí, sắp xếp trọng tài viên theo tiêu chuẩn ngạch bậc và số lượng quy định trong nghị định, nếu chỉ nhằm vào số cán bộ hiện có ở các tổ chức trọng tài kinh tế thì không giải quyết được vấn đề mà phải nhằm vào số cán bộ hiện cơ ở toàn ngành, toàn địa phương. Do vậy, cần cất nhắc, đề bạt những cán bộ đã trưởng thành và có triển vọng trong các ngành quản lý kinh tế, các đơn vị kinh tế cơ sở, các cơ quan pháp luật hoặc trong nội bộ cơ quan trọng tài kinh tế, tiến tới các trọng tài viên phải được bồi dưỡng về lý luận Mác-Lênin, phải có trình độ trung học hoặc đại học về pháp lý, về quản lý kinh tế, và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ trọng tài kinh tế. Có như vậy, trọng tài viên mới làm tốt nhiệm vụ công tác được giao.

Trong khi chờ đợi ban hành thang lương cho ngạch trọng tài viên, thì các trọng tài viên vẫn được hưởng lương và quyện lợi khác theo quy định của Nghị định số 24-HĐBT ngày 10/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, tức là trọng tài viên ở cấp Trung ương được hưởng lương theo cấp vụ, ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu được hưởng lương theo cấp sở, ty.

Trong nghị định của Hội đồng Bộ trưởng có đề cập vấn đề cấp tương đương đối với trọng tài viên. Ở đây chỉ vận dụng vào trường hợp cán bộ có khả năng làm trọng tài viên nhưng có mức lương cao hơn hoặc có mức lương thấp hơn so với cấp vụ, cấp sở, ty. Có mức lương cao hơn, tức là vượt mức lương khởi điểm của cấp vụ, cấp sở, ty; có mức lương thấp hơn cũng chỉ được thấp hơn một bậc lương so với ngạch bậc quy định đối với trọng tài viên. Đây cũng chỉ là trường hợp cá biệt, không nên vận dụng phổ biến trường hợp này đối với việc bố trí, sắp xếp vào ngạch trọng tài viên.

C. SỐ LƯỢNG TRỌNG TÀI VIÊN

Căn cứ vào khối lượng công việc xét xử, thanh tra ở mỗi cơ quan trọng tài kinh tế mà quy định cụ thể số lượng trọng tài viên. Các tỉnh, thành phố có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thì có thể bố trí 5 trọng tài viên. Các tỉnh có ít cơ sở sản xuất kinh doanh và các Bộ, Tổng cục thì bố trí 3 trọng tài viên. Tuỳ theo công việc phát triển đến đâu, thì bố trí thêm trọng tài viên đến đó. Đi đôi với phát triển số lượng, cần chú trọng củng cố chất lượng của trọng tài viên. Quy chế làm việc của trọng tài viên sẽ có bản quy định riêng.

D. THỦ TỤC BỔ NHIỆM VÀ BÃI MIỄN TRỌNG TÀI VIÊN

Theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng thì việc bổ nhiệm và bãi miễn trọng tài viên thuộc trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do thủ trưởng cơ quan chính quyền cấp đó quyết định sau khi có văn bản thảo thuận của chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước. Để thực hiện quy định trên, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương gửi sớm danh sách và lý lịch của các trọng tài viên được đề nghị bổ nhiệm đến Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước để làm thủ tục.

Trọng tài viên có thể bị bãi miễn trong trường hợp không đảm đương được nhiệm vụ được giao, vi phạm nghiêm trọng những quy định ở điểm b, Điều 4 của Nghị định số 24-HĐBT ngày 10/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng hoặc là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước. Đối với các trường hợp này, đề nghị các đồng chí thủ trưởng các ngành, các địa phương thông báo cụ thể sự việc và nguyên nhân gây ra vi phạm để Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước góp ý kiến giải quyết.

Đề nghị các đồng chí bộ trưởng các Bộ, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phổ biến Nghị định số 24-HĐBT ngày 10/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư hướng dẫn này đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đồng thời giao trách nhiệm cho cơ quan trọng tài kinh tế phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng đề án kiện toàn tổ chức trọng tài kinh tế của ngành, của địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đề nghị các đồng chí thủ trưởng các ngành, các địa phương gửi danh sách và lý lịch của các Chủ tịch, Phó chủ tịch trọng tài kinh tế và các trọng tài viên thuộc mình quản lý đến các cơ quan có thẩm quyền tham gia ý kiến hoặc ký quyết định bổ nhiệm trước ngày 30-11-1981.

Yêu cầu các đồng chí chủ tịch trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục và địa phương tổ chức nghiên cứu kỹ nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư hướng dẫn này.

Nguyễn Quang Xá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18-PC/TT-1981 hướng dẫn thi hành Nghị định 24-HĐBT-1981 sửa đổi một số điểm về tổ chức trọng tài Nhà nước về kinh tế do Trọng tài Kinh tế Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 18-PC/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/09/1981
  • Nơi ban hành: Trọng tài kinh tế Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Quang Xá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản