BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ****** | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 18-PC | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1965 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG KHÔNG VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG TRONG NHỮNG VÙNG CÓ MÁY BAY ĐỊCH HOẠT ĐỘNG, PHÁ HOẠI
Để đảm bảo giao thông vận tải được an toàn và liên tục trong những vùng có máy bay địch hoạt động, phá hoại, căn cứ vào luật lệ giao thông vận tải đường sông hiện hành và trong khi chờ đợi Liên bộ giao thông vận tải, Quốc phòng và Công an ban hành thông tư chung, Bộ giao thông vận tải tạm thời quy định một số biện pháp phòng không và bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sông như sau:
I. ĐÈN – TÍN HIỆU – ÂM HIỆU
Điều 1: Tất cả đèn tín hiệu trên các luồng lạch, các đèn hành trình của tàu, thuyền, ca-nô, bè mảng đi trên sông ban đêm đều phải được che đậy, không để ánh sáng chiếu tỏa lên trời. Đèn trong buồng làm việc, phòng ngủ trên phương tiện không được để ánh sáng lọt ra ngoài; các tàu công trình phải cố gắng hạn chế ánh sáng đèn công tác.
Điều 2: Đèn tín hiệu cho các phương tiện lai áp mạn hoặc lai nối đuôi quy định như sau:
a) Nếu lai áp mạn, phương tiện lai không phải có đủ đèn như khi đi một mình, chỉ cần một đèn trắng ở mũi, một đèn trắng ở lái; mạn phía ngoài phương tiện bị lai áp mạn để một đèn;
b) Nếu lai nối đuôi, tầu lai không phải có đèn ở sau lái, chỉ cần có một đèn sau lái của phương tiện bị lai cuối cùng.
Điều 3: Trên các luồng lạch có nhiều trở ngại cho các phương tiện qua lại, các sở, ty giao thông vận tải và đoạn quản lý đường sông phải tăng cường thêm các tín hiệu chỉ đường.
Trên các cửa sông giáp biển và những đoạn có chướng ngại nguy hiểm nếu cần phải tổ chức người chỉ dẫn hoặc dẫn dắt phương tiện qua lại cả ngày và đêm.
Điều 4: Trên cột tín hiệu báo động phòng không ban ngày kéo một quả bóng đen, ban đêm một đèn mầu vàng báo hiệu không có báo động.
Ngày và đêm nếu cột tín hiệu không có tín hiệu tức là có báo động.
Điều 5: Tất cả mọi phương tiện đi trên sống phải bố trí người canh máy bay và quan sát các tín hiệu báo động phòng không. Đèn tín hiệu, đèn hành trình nếu thắp bằng dầu phải có nguời phụ trách để khi có báo động tắt đèn được kịp thời.
Điêu 6: Khi phương tiện đi trên đường, nếu phát hiện có máy bay địch hoặc có tín hiệu báo động phòng không, phải tắt đèn và phải phát âm hiệu báo động cho các phương tiện khác biết:
a) Âm hiệu báo động đối với phương tiện cơ giới thì kéo một tiếng còi ngắn; một tiếng còi dài, ngắt quãng, liên tục một phút nếu phương tiện đó có còi. Trường hợp không có còi thì phát âm hiệu báo động như phương tiện thô sơ;
b) Âm hiệu báo động của phương tiện thô sơ bằng tù và, trống, kẻng gõ hai tiếng một, liên hồi.
Người phụ trách phương tiện tùy theo tình hình thực tế mà tiếp tục hành trình hay cho đỗ lại, ẩn núp để có gắng tránh bị địch bắn phá và hạn chế sự thiệt hại đến mức độ thấp nhất. Nếu nơi nào có lệnh của công an hoặc người gác phòng không thì phải nghiêm chỉnh chấp hành.
II. TRANG BỊ AN TOÀN VÀ CẤP CỨU
Điều 7: Tất cả các phương tiện giao thông vận tải phải có dụng cụ cứu thương, cứu đắm và chữa cháy; phương tiện cơ giới phải tiến tới dần dần trang bị ống nhòm.
Mỗi bến, cảng phải có đầy đủ dụng cụ cứu thương, cứu đắm, chữa cháy. Ở những bến, cảng lớn phải có một suồng máy chuẩn bị sẵn sàng cho việc cấp cứu.
Điều 8: Trên các phương tiện phải có đủ phao cho thủy thủ và hành khách; người phụ trách phương tiện phải kiểm tra thường xuyên, phao nào hỏng phải thay thế ngay (có thể dùng cả phao tre).
Đối với tầu, ca – nô chở khách, khi hành khách xuống phương tiện phải phát ngay cho mỗi hành khách một phao và hướng dẫn cách sử dụng khi cần thiết.
Điều 9: Khi có chiến sự nếu có phương tiện bị đắm hoặc bị đánh phá, các phương tiện ở gần phải có nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu (nếu có khả năng) hoặc làm nhiệm vụ cứu người, cứu phương tiện kể cả các phương tiện của các bến, cảng và các đò ngang. Nếu không có điều kiện, phải tìm mọi cách nhanh chóng nhất báo ngay địa điểm phương tiện bị nạn cho cơ quan có trách nhiệm gần nhất.
Điều 10: Khi có tai nạn va chạm nhau trên sông, các phương tiện có trách nhiệm tổ chức cứu người, đồ đạc, nhưng không phải lập biên bản ngay tại chỗ. Phương tiện được phép tiếp tục hành trình, nhưng phải làm đủ các thủ tục như sau:
a) Ghi rõ tên, nơi đăng ký của phương tiện, ngày, giờ, địa điểm xẩy ra tai nạn để đổi cho nhau;
b) Điện báo về cơ quan quản lý mình biết;
c) Ghi nhật ký rành mạch rõ ràng;
d) Làm báo cáo cụ thể, rõ ràng cho cảng nơi phương tiện đến.
Trường hợp người phụ trách phương tiện bị nạn thì người có chức vụ cao nhất còn lại của phương tiện có trách nhiệm thay thế và làm những thủ tục trên.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11: Ở mỗi cảng, bến và trên các luồng sông phải tổ chức trạm báo động phòng không. Việc tổ chức trạm báo động ở cảng, bến do cảng, bến phụ trách. Ở những nơi có dân cư, nông trường, lâm trường gần ven sông thì Ủy ban hành chính địa phương huy động cắt cử dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phòng không; ở những trạm hàng giang và trên dọc sông, ở những nơi xa dân cư xét cần thiết phải tổ chức báo động phòng không thì do ban đảm bảo giao thông vận tải, các trạm hàng giang địa phương phụ trách.
Điều 12: Các cột tín hiệu phòng không phải dựng ở những nơi tàu thuyền đi lại dễ trông thấy nhất, khoảng cách giữa các tín hiệu phải bảo đảm cho tầu, thuyền khi qua cột tín hiệu thứ nhất thì nhìn ngay thấy tín hiệu của cột thứ hai.
Địa điểm đặt trạm báo động phòng không do ban đảm bảo giao thông vận tại và cảng, bến địa phương ấn định.
Điều 13: Các bến, cảng đều phải có kế hoạch bố trí phân tán phương tiện. Chỗ đậu của phương tiện cơ giới riêng, thô sơ riêng, hành khách riêng và phương tiện chở hàng nguy hiểm riêng, Khoảng cách càng xa càng tốt, ở những bến, cảng trọng điểm phải có hẩm trú ẩn, giao thông hào và công sự chiến đấu.
Điều 14: Các sở, ty giao thông vận tải và các đoạn quản lý đường sông có nhiệm vụ bố trí những nơi trú ẩn cho phương tiện trên các đoạn sông. Nơi phương tiện trú ẩn phải có hầm ẩn núp, giao thông hào và biển báo hiệu để ban đêm và ban ngày tầu thuyền đi lại có thể thấy.
Điều 15: Mọi chi phí về cột, tín hiệu, dầu đèn dùng cho việc báo động phòng không và chi phí cho người gác phòng không ở các trạm do quỹ tu dưỡng luồng lạch đài thọ.
Điều 16: Tất cả các tàu, thuyền đi trên sông đều phải có những hình thức ngụy trang đế đánh lạc mục tiêu bắn phá của địch. Việc ngụy trang tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương mà ngụy trang cho thích hợp. Tất cả mọi vật có ánh sáng phản chiếu phải được sơn hoặc che đậy, không được để ánh sáng phản chiếu.
Điều 17: Phương tiện đậu tại cảng, bến cửa sông, cửa âu hoặc ở nơi ẩn núp phải đậu cách xa nhau và phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy và sự hướng dẫn của ban phụ trách phòng không (nếu có). Người phụ trách phương tiện phải bố trí người gác phòng không, tổ chức lực lượng chiến đấu, cấp cứu,v.v...
Những cán bộ, nhân viên khác nếu sơ tán khỏi tầu thì phải ở nơi thuận tiện nhất và phải báo cho thuyền trưởng biết để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh của thuyền trưởng.
Điều 18: Khi đi trên đường, nếu thuyền đi đoàn phải chia thành từng tốp nhỏ hai hoặc ba thuyền và phải đi xa nhau.
Điều 19: Tất cả phương tiện vận tải sông phải có nội quy phòng không. Người phụ trách phương tiện phải phân công nhiệm vụ cho từng người làm việc trên phương tiện khi có báo động và phải thường xuyên tổ chức tập dượt.
Điều 20: Những quy định trước đây của Trung ương hoặc của địa phương đã ban hành trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Điều 21: Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải, cục trưởng Cục vận tải đường sông, các ban đảm bảo giao thông vận tải, các ông giám đốc, trưởng ty giao thông vận tải chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỨ TRƯỞNG Dương Bạch Liên |