Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 18/2009/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2009

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐỒ CHƠI TRẺ EM”

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến trước ngày 15 tháng 4 năm 2010, việc sản xuất, nhập khẩu đồ chơi trẻ em tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành hoặc thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu VT, PC, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Thắng

QCVN 3: 2009/BKHCN

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐỒ CHƠI TRẺ EM

National technical regulation on safety of toys

LỜI NÓI ĐẦU

QCVN 3: 2009/BKHCN do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ em, các phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Các sản phẩm nêu tại danh mục ở Phụ lục không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, đồ chơi trẻ em được hiểu là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế để trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng khi chơi.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu về an toàn đối với đồ chơi trẻ em

2.1.1. Yêu cầu về cơ lý

Yêu cầu về cơ lý theo TCVN 6238-1 : 2008 (ISO 8124-1:2000) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 1: Các khía cạnh an toàn liên quan đến tính chất cơ lý.

2.1.2. Yêu cầu về chống cháy.

Yêu cầu về chống cháy theo TCVN 6238-2 : 2008 (ISO 8124-2:2007) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 2: Yêu cầu chống cháy.

2.1.3. Yêu cầu về hóa học

2.1.3.1. Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại

Yêu cầu về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3 : 2008 (ISO 8124-3:1997) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 3: Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố.

2.1.3.2. Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại

2.1.3.2.1. Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em

Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0 khi thử nghiệm theo ISO 787-9. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ để viết.

2.1.3.2.2. Formaldehyt trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi

- Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg.

- Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

- Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

2.1.3.2.3. Các amin thơm trong đồ chơi trẻ em

Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong bảng dưới đây:

Bảng – Các amin thơm

Tên hợp chất

Số CAS

Mức quy định, max (mg/kg)

Benzidine

92-87-5

5

2-Naphthylamine

91-59-8

5

4-Chloroaniline

106-47-8

5

3.3'-Dichlorobenzidine

91-94-1

5

3,3'-Dimethoxybenzidine

119-90-4

5

3.3'-Dimethylbenzidine

119-93-7

5

o-Toluidine

95-53-4

5

2-Methoxyaniline (o-Anisidine)

90-04-0

5

Aniline

62-53-3

5

Quy định này áp dụng đối với các loại vật liệu sản xuất đồ chơi và bộ phận của đồ chơi theo hướng dẫn tại bảng dưới đây:

Loại đồ chơi/bộ phận của đồ chơi

Vật liệu

Đồ chơi hoặc bộ phận có thể tiếp xúc được của đồ chơi có khối lượng 150g hoặc nhỏ hơn được thiết kế cho trẻ em dưới 3 tuổi có thể cầm tay khi chơi.

Gỗ

Giấy

Đồ chơi hoặc bộ phận có thể tiếp xúc được của đồ chơi được thiết kế cho trẻ em dưới 3 tuổi

Vật liệu dệt

Da thuộc

Bộ phận để cho vào miệng của các loại đồ chơi được khởi động bằng cách sử dụng miệng

Gỗ

Giấy

Đồ chơi được mang trùm lên mũi hoặc miệng.

Vật liệu dệt

Giấy

Các loại vật liệu rắn làm đồ chơi với chủ định để lại vết

Tất cả

Các loại chất lỏng có màu có thể tiếp xúc được trong đồ chơi

Chất lỏng

Các loại đất sét nặn, các loại đất sét dùng để chơi hoặc tương tự, ngoại trừ các loại đồ chơi hóa học (hóa chất) được quy định tại TCVN 6238-5:1997 (EN 71-5:1993)

Tất cả

Các chất tạo bong bóng khí

Tất cả

Các loại mô phỏng hình xăm làm đồ chơi

Tất cả

2.1.3.2.4. Ngoài các yêu cầu quy định tại điểm 2.1.3.2.1; điểm 2.1.3.2.2 và điểm 2.1.3.2.3 của Quy chuẩn này, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác được quy định tại các văn bản có liên quan.

2.1.4. Yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em dùng điện

Ngoài các yêu cầu quy định tại các điểm 2.1.1, 2.1.2 và 2.1.3. của Quy chuẩn này, đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.

2.2. Ghi nhãn

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Các quy định về cảnh báo nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa.

3. PHƯƠNG PHÁP THỬ

3.1. Thử cơ lý

Phương pháp thử về yêu cầu cơ lý theo TCVN 6238-1: 2008 (ISO 8124-1:2000) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 1: Các khía cạnh an toàn liên quan đến tính chất cơ lý.

3.2. Thử chống cháy.

Phương pháp thử về yêu cầu chống cháy theo TCVN 6238-2: 2008 (ISO 8124-2:2007) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 2: Yêu cầu chống cháy.

3.3. Thử hóa học

3.3.1. Các nguyên tố độc hại

Phương pháp thử về mức thôi nhiễm của các độc tố theo TCVN 6238-3: 2008 (ISO 8124-3:1997) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 3: Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố.

3.3.2. Các hợp chất hữu cơ độc hại

3.3.2.1. Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em

Phương pháp thử về chất lỏng có thể tiếp xúc được có chứa trong đồ chơi trẻ em theo ISO 787-9: 1981 Phương pháp thử chung đối với chất màu và chất độn – Phần 9: Xác định giá trị pH trong dung dịch nước (General methods of test for pigments and extenders – Part 9: Determination of pH value of aqueous suspension).

3.3.2.2. Hàm lượng formaldehyt trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi

- Phương pháp thử đối với các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được của đồ chơi cho trẻ em theo TCVN 7421-1: 2004 (ISO 14184-1: 1998) Vật liệu dệt – Xác định formaldehyt – Phần 1: Formaldehyt tự do và thủy phân (phương pháp chiết trong nước).

- Phương pháp thử đối với các chi tiết giấy có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em theo EN 645 Giấy và các tông tiếp xúc với thực phẩm – Chuẩn bị theo phương pháp chiết nước lạnh [Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Preparation of cold water extract] và EN 1541 Giấy và các tông tiếp xúc với thực phẩm – Xác định formaldehyt trong phần chiết nước (Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Determination of formaldehyde in an aqueous extract).

- Phương pháp thử đối với các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em theo EN 717-3 Ván gỗ nhân tạo – Xác định formaldehyt giải phóng – Phần 3: Phương pháp bình thí nghiệm xác định formaldehyt giải phóng (Wood-based panels – Determination of formaldehyde release – Part 3: Formaldehyde release by the flask method).

3.3.2.3. Hàm lượng các amin thơm trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em

Phương pháp xác định hàm lượng các amin thơm theo EN 71-10: 2005 An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 10: Hợp chất hóa hữu cơ – Chuẩn bị mẫu và chiết mẫu (Safety of toys – Part 10: Organic chemical compounds – Sample preparation and extraction) và EN 71-11: 2005 An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 11: Hợp chất hóa hữu cơ – Phương pháp phân tích (Safety of toys – Part 11: Organic chemical compounds – Methods of analysis).

4. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

4.1. Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước

4.1.1. Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

Việc đánh giá sự phù hợp được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

- Phương thức 1: thử nghiệm mẫu điển hình;

- Phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;

- Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

4.1.2. Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy.

4.2. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu

4.2.1 Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này. Việc chứng nhận hợp quy đồ chơi trẻ em nhập khẩu do tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định (hoặc thừa nhận) thực hiện.

Việc chứng nhận hợp quy được tiến hành theo một trong các phương thức sau:

- Phương thức 1: thử nghiệm mẫu điển hình;

- Phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;

- Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

4.2.2. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy

4.3. Đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường

Đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy và nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

4.4. Kiểm tra về chất lượng

Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải chịu sự kiểm tra về chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4.5. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp.

Việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại các điểm 4.1, 4.2 và điểm 4.3 của mục này thực hiện theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4.6. Việc chỉ định tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định quy định tại 4.1.1 và 4.2.1 được thực hiện theo Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

5.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước phải công bố hợp quy phù hợp với các yêu cầu quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này và bảo đảm chất lượng đồ chơi trẻ em theo đúng nội dung công bố, thực hiện trách nhiệm theo Điều 20 của Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

5.2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy và bảo đảm chất lượng đồ chơi trẻ em phù hợp với các yêu cầu quy định trong mục 2 của Quy chuẩn này.

5.3. Tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em bảo đảm chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành.

6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

6.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn và tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn này.

Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

6.2. Trong trường hợp các văn bản luật, quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn được viện dẫn tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM KHÔNG ĐƯỢC COI LÀ ĐỒ CHƠI

Trong Quy chuẩn này, các sản phẩm sau không được coi là đồ chơi:

- Xe đạp, ngoại trừ các xe được coi là đồ chơi, nghĩa là có chiều cao yên tối đa là 435 mm;

- Súng cao su (ná bắn đá cũng được coi là súng cao su);

- Mũi tên có đầu nhọn kim loại;

- Thiết bị trong các sân chơi gia đình và công cộng;

- Súng và súng ngắn hoạt động bằng hơi hay khí nén;

- Diều (ngoại trừ độ cách điện của dây diều được quy định trong TCVN 6238-1:2008 (ISO 8124-1:2000);

- Các bộ mô hình lắp ráp, mô hình máy bay hay tàu thủy không được thiết kế dùng để chơi;

- Các dụng cụ và thiết bị luyện tập thể thao, dùng để cắm trại, thiết bị dành cho điền kinh, các loại nhạc cụ và dụng cụ biểu diễn; tuy nhiên các loại đồ chơi mô phỏng các thiết bị và dụng cụ này vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này;

Có sự khác biệt rất nhỏ giữa các thiết bị, dụng cụ thể thao và nhạc cụ và đồ chơi mô phỏng. Mục đích của nhà sản xuất hay nhà phân phối cũng như cách sử dụng thông thường hoặc có thể dự đoán trước sẽ xác định có phải là đồ chơi mô phỏng hay không;

- Các loại mô hình máy bay, tên lửa, tàu thuyền và các loại xe chạy trên mặt đất bằng động cơ nổ. Tuy nhiên các loại đồ chơi mô phỏng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này.

- Các loại sản phẩm sưu tầm không phải cho trẻ em dưới 16 tuổi;

- Các loại sản phẩm dùng để trang trí trong các ngày lễ;

- Các thiết bị sử dụng ở chỗ nước sâu, dụng cụ tập bơi và thiết bị giúp nổi trên mặt nước dành cho trẻ em như là phao bơi dạng ghế ngồi và các phao dạng khác;

- Đồ chơi lắp đặt tại các nơi công cộng (ví dụ như khu giải trí, trung tâm thương mại);

- Các bộ đồ chơi ghép hình có nhiều hơn 500 miếng ghép hoặc không có hình, sử dụng cho mục đích chuyên nghiệp;

- Pháo, bao gồm cả ngòi nổ, ngoại trừ các loại ngòi nổ được thiết kế riêng cho đồ chơi;

- Các loại sản phẩm có bộ phận đốt nóng với mục đích sử dụng dưới sự giám sát của người lớn dùng trong giảng dạy;

- Các loại xe có động cơ hơi nước;

- Các loại đồ chơi nghe nhìn có thể kết nối với màn hình vận hành ở điện áp danh định lớn hơn 24 V;

- Núm vú cao su giả dành cho trẻ em (đầu vú giả cho trẻ em ngậm);

- Các loại vũ khí mô phỏng trung thực;

- Các loại lò điện, bàn là hoặc sản phẩm có chức năng khác vận hành với điện áp danh định lớn hơn 24V;

- Cung có chiều dài tĩnh lớn hơn 120 cm;

- Đồ trang sức thời trang dành cho trẻ em.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ban hành và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 18/2009/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/06/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Quốc Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 421 đến số 422
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản