Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TC/NSĐP

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1984

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 17-TC/NSĐP NGÀY 2-4-1984 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU VỀ KHUYẾN KHÍCH GIAO NỘP NÔNG SẢN

Để khuyến khích các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố, đặc khu, quận, huyện, xã) trong việc đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tập trung được nhiều sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản vào Nhà nước, tích cực giao nộp lên cấp trên, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tại Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định khoản thu về khuyến khích giao nộp nông, lâm, thuỷ hải sản (gọi tắt là khoản thu về giao nộp nông sản).

Bộ Tài chính hướng dẫn những điểm cụ thể chế độ thu về khuyến khích giao nộp nông sản nói trên như sau.

A- CƠ SỞ, GIÁ CẢ ĐỂ TÍNH TOÁN SỐ THU VÀ MỨC THU

1. Tất cả các sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản và các sản phẩm do hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và tư nhân chế biến từ nông, lâm, thuỷ hải sản như chè sơ chế, đường mật, chượp, nước mắm, v.v... (dưới đây gọi tắt là nông sản) bán cho Nhà nước (trừ thóc và hiện vật giao nộp về thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí, công cày máy, thuốc trừ sâu, mua công trái xây dựng Tổ quốc hoặc trả nợ Nhà nước... dù là cấp Trung ương mua trực tiếp hoặc cấp tỉnh hay cấp quận, huyện mua và giao nộp lên cấp trên thì ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, thành phố, đặc khu, quận, huyện, xã) được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản của cấp dưới giao cho cấp trên.

Những sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản của các xí nghiệp quốc doanh, các trạm trại thuộc trung ương, tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là tỉnh), quận, huyện quản lý, giao nộp cho Nhà nước thì bất kể giao nộp cho cấp nào đều không được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản (vì vốn do ngân sách Nhà nước đầu tư, ngân sách các cấp đã thu quốc doanh và lợi nhuận của các cơ sở xí nghiệp đó rồi).

2. Mức thu.

Đối với khoản thu về giao nộp nông sản được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị nông sản giao nộp cho các xí nghiệp và tổ chức kinh tế (dưới đây gọi tắt là các xí nghiệp) từng cấp trung ương, tỉnh, quận, huyện và có ưu tiên đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, cụ thể là:

- Nông sản giao cho các xí nghiệp trung ương để sản xuất và tiêu dùng trong nước dù nhận ở tỉnh, quận, huyện, hay ở xã thì mức thu là 15% trên giá trị nông sản giao nhận giữa địa phương và xí nghiệp trung ương. Nếu là nông sản giao cho công ty ngoại thương, các tổ chức thu mua của trung ương để xuất khẩu và các xí nghiệp trung ương chuyên trách chế biến để xuất khẩu (các xí nghiệp này phải đăng ký với Bộ Tài chính để thông báo cho địa phương) thì mức thu là 20% trên giá trị nông sản giao nhận giữa địa phương này và các đơn vị này.

- Nông sản giao cho các xí nghiệp tỉnh để sản xuất và tiêu dùng cho tỉnh dù nhận ở quận, huyện hay ở xã thì mức thu là 10% trên giá trị nông sản giao nhận, giữa quận, huyện hoặc xã và xí nghiệp tỉnh.

- Nông sản do xí nghiệp quận, huyện thu mua của xã để sản xuất và tiêu dùng cho quận, huyện thì mức thu là 5% trên giá trị nông sản giao nhận giữa xã và xí nghiệp quận, huyện.

- Nông sản giao cho các tỉnh khác theo kế hoạch điều động phân phối của trung ương thì mức thu như giao cho trung ương bằng 15% trên giá trị nông sản giao nhận.

3. Giá và cách tính thu:

Giá để tính khoản thu về giao nộp nông sản là giá chỉ đạo thu mua nghĩa vụ của Nhà nước quy định cho địa phương. Trường hợp không có giá chỉ đạo thu mua nghĩa vụ thì phải tính theo giá chỉ đạo thu mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều của Nhà nước quy định.

Về lương thực tính theo giá thanh toán thóc thuế nông nghiệp với Bộ Lương thực; về thịt lợn tính theo giá thống nhất trong cả nước là 40đ/kg thịt lợn hơi (Công văn số 41-V13 ngày 5-1-1984 của Hội đồng Bộ trưởng). Đối với các giá nông sản khác, Bộ Tài chính sẽ cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào giá chỉ đạo thu mua từng vùng do Uỷ ban Vật giá Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu đã quy định để hệ thống lại và sẽ thông báo cho các tỉnh thống nhất thực hiện.

Khi tính khoản thu về giao nộp nông sản phải căn cứ chủ yếu vào số lượng nông sản thực tế đã giao nhận giữa nơi giao (tỉnh, huyện, xã) với đơn vị thu mua nhân (x) với giá chỉ đạo thu mua để tìm ra giá trị nông sản giao nhận. Căn cứ vào tổng giá trị nông sản đã giao nhận nhân (x) với tỷ lệ được hưởng để tính ra khoản thu về giao nộp nông sản.

Thí dụ: Một đơn vị ở tỉnh A đã giao 5.000 kilôgam chè sơ chế các loại với giá 26,5 đ/kg và 3.000 kilôgam đậu tương với giá 10 đ/kg. Tổng giá trị nông sản của đơn vị đó đã giao là (26,5 đ/kg x 5.000 kg) + (10 đ/kg x 3.000 kg) = 162.500 đồng.

Số thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương sẽ là:

- Nếu giao cho xí nghiệp trung ương, để chế biến:

162.500 đ x 15% = 24.375 đồng.

- Nếu giao cho trung ương để xuất khẩu:

162.500 đ x 20% = 32.500 đồng.

- Nếu giao cho xí nghiệp tỉnh:

162.500 đ x 10% = 16.250 đồng.

- Nếu giao cho xí nghiệp quận, huyện:

162.500 đ x 5% = 8.125 đồng.

4. Giao nộp vượt kế hoạch:

Để thúc đẩy địa phương quan tâm đầy đủ đến tất cả các loại nông sản mà địa phương có nhiệm vụ giao nộp cho trung ương, tránh tình trạng chỉ chú ý đến loại nông sản này mà coi nhẹ việc thu mua và giao nộp các loại nông sản khác, việc giao nộp vượt kế hoạch cho trung ương sẽ được xác định sau khi tổng kết toàn bộ các loại nông sản đã giao nộp cho trung ương. Hết năm, Sở Tài chính tổng hợp toàn bộ số lượng các loại nông sản đã giao nộp cho trung ương kể cả nông sản giao nộp ngoài kế hoạch, tính ra tổng trị giá nông sản đã giao nộp đối chiếu với chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước; nếu vượt thì ngân sách trung ương sẽ trích thưởng cho ngân sách tỉnh bằng 10% trên phần tổng giá trị nông sản đã giao vượt kế hoạch cả năm.

Việc xét thưởng cho các huyện, xã trong tỉnh giao nộp vượt kế hoạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

B- ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG KHOẢN THU VỀ GIAO NỘP NÔNG SẢN

Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng đã nêu rõ "Khoản thu về giao nộp nông sản do cơ quan thu mua trực tiếp thanh toán cho ngân sách địa phương, cơ quan tài chính cùng cấp hoàn trả lại cho cơ quan thu mua".

Do đó:

1. Đối tượng nộp khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương là cơ quan thu mua. Cơ quan thu mua phải là những tổ chức sản xuất kinh doanh của Nhà nước được giao trách nhiệm thu mua để trực tiếp sản xuất chế biến, xuất khẩu hoặc để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước thì mới được cơ quan tài chính cùng cấp dùng ngân sách cấp mình cấp phát số tiền để nộp cho ngân sách cấp dưới khoản thu về giao nộp nông sản.

Nếu cơ quan thu mua không phải là những tổ chức sản xuất, kinh doanh của Nhà nước thì ngân sách các cấp không được cấp chi khoản thu về giao nộp nông sản theo như quy định trên. Trường hợp hàng hoá nông, lâm, thuỷ, hải sản trao đổi giữa các tỉnh, quận, huyện với nhau theo hợp đồng liên kết kinh tế, thì hai bên phải thoả thuận với nhau để bảo đảm cho ngân sách quận, huyện, xã nơi giao nông sản có khoản thu về giao nộp nông sản.

2. Đối tượng được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản là ngân sách địa phương (tỉnh, quận, huyện, xã) nơi giao nộp nông sản.

Nông sản giao cho xí nghiệp trung ương hoặc các tỉnh khác (theo chỉ tiêu điều động của Nhà nước) thì tỷ lệ khoản thu về giao nộp nông sản là 15%, trong đó ngân sách cấp tỉnh được hưởng 5%, ngân sách quận, huyện 5% và ngân sách xã 5%. Nếu giao trung ương để xuất khẩu thì tỷ lệ khuyến khích là 20%, trong đó ngân sách cấp tỉnh 10%, ngân sách cấp quận, huyện 5%, ngân sách xã 5%.

Nông sản giao cho xí nghiệp tỉnh thì tỷ lệ khoản thu về giao nộp nông sản là 10%, trong đó ngân sách quận, huyện được hưởng 5% và ngân sách xã 5%.

Nông sản giao cho xí nghiệp quận, huyện thì tỷ lệ khoản thu về giao nộp nông sản là 5% thu cho ngân sách xã.

3. Nguồn vốn cấp phát để cơ quan thu mua nộp khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách cấp dưới là vốn ngân sách đồng cấp. Cơ quan thu mua thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó cấp phát chi để cơ quan thu mua có tiền nộp cho ngân sách cấp dưới. Cụ thể là:

- Các xí nghiệp quốc doanh trung ương thu mua để sản xuất chế biến, các Công ty kinh doanh ngoại thương thuộc Bộ Ngoại thương thu mua để xuất khẩu, các Công ty cấp I thuộc Bộ Nội thương, Bộ Lương thực, Bộ Thuỷ sản... thu mua nông sản để cung cấp tiêu dùng trong nước thì ngân sách trung ương chi.

- Các xí nghiệp quốc doanh của tỉnh thu mua để sản xuất chế biến, các Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu của địa phương, Công ty thu mua cấp II thuộc các ngành của tỉnh thu mua để cung cấp tiêu dùng trong tỉnh thì ngân sách cấp tỉnh chi.

- Các xí nghiệp quốc doanh của quận, huyện thu mua để sản xuất chế biến, các tổ chức kinh doanh của quận, huyện thu mua để tiêu dùng trong quận, huyện thì ngân sách quận, huyện chi.

- Đối với nông sản do các Công ty kinh doanh của tỉnh hoặc quận, huyện thu mua mà ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách quận, huyện đã cấp phát để nộp khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách cấp dưới, nhưng sau đó lại giao cho xí nghiệp trung ương để sản xuất chế biến, hoặc cung cấp cho lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và người ăn theo thuộc đối tượng trung ương quản lý đóng trên địa bàn địa phương thì ngân sách trung ương sẽ chi trả cho ngân sách địa phương 15% trên giá trị nông sản giao nhận hoặc đã bán cung cấp.

- Đối với các nông sản do các Công ty kinh doanh của quận, huyện thu mua mà đã được ngân sách quận, huyện thanh toán khuyến khích cho ngân sách xã, sau đó Công ty quận, huyện lại giao cho xí nghiệp tỉnh hoặc bán cung cấp cho cán bộ công nhân viên và người ăn theo thuộc đối tượng tỉnh quản lý đóng trên địa bàn quận, huyện thì ngân sách cấp tỉnh sẽ chi trả cho ngân sách quận, huyện 10%.

C- THỂ THỨC THANH TOÁN KHOẢN THU VỀ GIAO NỘP NÔNG SẢN

Để bảo đảm thu nhanh, gọn, đầy đủ khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương (tỉnh, quận, huyện, xã); đồng thời đỡ phiền phức cho cơ quan thu mua mà vẫn tăng cường được trách nhiệm của cơ quan thu mua, Bộ Tài chính quy định thể thức cấp phát, thanh toán và thu nộp khoản về giao nộp nông sản cho các cấp ngân sách như sau:

1. Đối với nông sản giao nộp cho các xí nghiệp Trung ương:

Căn cứ vào kế hoạch năm và chia ra từng quý của tỉnh, thành phố, đặc khu (do Sở Tài chính tổng hợp gửi về Bộ) về số lượng và giá trị nông sản địa phương thu mua và giao nộp cho Trung ương, Bộ Tài chính tạm ứng cho các Sở Tài chính một khoản kinh phí gửi vào tài khoản Vốn uỷ quyền (795-05) tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh (do Sở Tài chính làm chủ tài khoản) để dùng vào việc cấp phát cho các xí nghiệp Trung ương thu mua nông sản ở địa phương có tiền nộp khoản thu về giao nộp nông sản vào ngân sách địa phương. Tuỳ theo từng tỉnh, thành phố và đặc khu, ở những huyện có nhiều nông sản giao nộp cho Trung ương, Sở Tài chính có thể phân phối số vốn uỷ quyền của ngân sách Trung ương giao cho quận, huyện, gửi tại ngân hàng Nhà nước quận, huyện (do Trưởng phòng tài chính quận, huyện làm chủ tài khoản 795-05) để thực hiện việc cấp phát cho các xí nghiệp Trung ương thu mua nông sản có tiền nộp vào ngân sách địa phương.

Sau mỗi thời vụ hoặc mỗi đợt thu mua (tuỳ theo hợp đồng giao nhận từng loại nông sản), các xí nghiệp Trung ương khi về địa phương thu mua nông sản phải cùng chính quyền quận, huyện hoặc cơ quan giao nộp nông sản lập biên bản giao nhận, xác nhận số lượng nông sản và số tiền khuyến khích phải nộp về số nông sản đã giao nhận giữa bên mua và bên bán gửi cho Sở Tài chính (hoặc Phòng tài chính quận, huyện) nơi giao bán nông sản làm chứng từ thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương. Biên bản này do các xí nghiệp và tổ chức kinh tế thu mua Trung ương tự in sẵn, ghi rõ tên đơn vị xí nghiệp hoặc công ty và dấu đóng ở tiêu đề góc trái để mỗi khi cử cán bộ về địa phương thu mua nông sản sẽ cùng cơ quan giao nộp địa phương ký kết việc giao nhận và nộp cho Sở Tài chính (hoặc Phòng tài chính quận, huyện) nơi giao bán nông sản 4 bản để làm thủ tục thanh toán. Sau khi thanh toán xong, 1 bản được lưu ở Ngân hàng Nhà nước nơi thanh toán, 1 bản được trả lại đơn vị thu mua để thay chứng từ đã nộp khoản thu về giao nộp nông sản, 1 bản lưu ở Phòng tài chính, còn một bản Sở Tài chính kèm theo giấy báo nợ thanh toán với Bộ Tài chính về số vốn uỷ quyền.

Sở Tài chính (hoặc Phòng tài chính quận, huyện nếu được Sở Tài chính uỷ quyền) căn cứ vào biên bản giao nhận, làm uỷ nhiệm chi trích từ tài khoản 795-05 vốn uỷ quyền của Ngân sách Trung ương và khuyến khích giao nộp nông sản nộp vào ngân sách địa phương. Nội dung ghi rõ là cấp cho đơn vị A của Trung ương để nộp về khuyến khích nông sản (kèm theo biên bản giao nhận) gửi sang Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc thanh toán.

Khi trích tài khoản 795-05 (vốn uỷ quyền và khuyến khích giao nộp nông sản của Ngân sách Trung ương) chuyển cho ngân sách địa phương Ngân hàng Nhà nước quận, huyện có trách nhiệm kiểm soát số tiền trích, bảo đảm đúng chế độ quy định về cơ sở, giá cả, mức thu khuyến khích và đối tượng thu, nộp như đã hướng dẫn ở điểm A và B trong Thông tư này.

Cuối mỗi tháng hoặc cuối quý, Sở Tài chính tập trung các biên bản giao nhận nông sản của các xí nghiệp Trung ương đã được thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản kèm theo các giấy báo nợ về sử dụng nguồn vốn uỷ quyền của Ngân sách Trung ương (795-05) gửi về Bộ Tài chính để thanh toán và xin tạm ứng tiếp vốn uỷ quyền cho quý sau (nếu không làm đủ các thủ tục thanh toán quý trước thì Bộ Tài chính tạm thời đình chỉ việc chuyển vốn uỷ quyền cho quý sau).

2. Nông sản bán cung cấp cho lực lượng vũ trang và công nhân viên chức Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đối với nông sản là lương thực, thực phẩm bán cung cấp cho lực lượng vũ trang, công nhân viên chức Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu thì hàng tháng Sở Tài chính căn cứ vào số lượng lương thực và thực phẩm do ngành lương thực và nội thương đã bán cung cấp bằng hiện vật cho lực lượng vũ trang, công nhân viên chức thuộc trung ương quản lý, tính ra mức khuyến khích giao nộp nông sản (theo tỷ lệ 15% như nông sản giao nộp cho Trung ương) gửi Bộ Tài chính để xét trả cho Ngân sách địa phương. Khi xét thanh toán phải tính trừ phần lương thực và thực phẩm là nông sản của cấp I đã điều động từ nơi khác về cho tỉnh, thành phố, đặc khu (vì số này đã được Ngân sách trung ương thanh toán cho ngân sách địa phương nơi giao nộp rồi).

3. Đối với nông sản giao nộp cho các xí nghiệp của tỉnh.

Nguồn vốn để cấp phát cho các xí nghiệp và tổ chức kinh tế của tỉnh thu mua để sản xuất chế biến, xuất khẩu địa phương hoặc cung cấp tiêu dùng trong tỉnh do ngân sách tỉnh chi, do đó Sở Tài chính quy định cách cấp phát để cơ quan thu mua của tỉnh có tiền nộp cho ngân sách quận, huyện (bao gồm cả phần thu cho ngân sách xã). Có thể thực hiện bằng hai cách:

a) Vận dụng thể thức thanh toán đối với nông sản giao nộp cho xí nghiệp trung ương; cụ thể là Sở Tài chính dùng ngân sách cấp tỉnh tạm ứng vốn uỷ quyền cho quận, huyện để quận, huyện cấp phát cho xí nghiệp tỉnh có tiền nộp vào ngân sách huyện. Sở Tài chính bàn với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và quận, huyện mở tài khoản riêng gửi tại ngân hàng Nhà nước quận, huyện, không được để lẫn với tài khoản 795-05 (Vốn uỷ quyền của ngân sách Trung ương).

b) Cuối mỗi tháng, phòng Tài chính quận, huyện tập trung các biên bản do xí nghiệp, và tổ chức kinh doanh của tỉnh đã thu mua tại quận, huyện và xã gửi về Sở Tài chính để Sở Tài chính cấp phát chi ngân sách tỉnh chuyển cho ngân sách quận, huyện (bao gồm cả phần thu trong ngân sách xã). 4. Thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách xã.

Hiện nay ngân sách xã chưa hạch toán và quản lý thống nhất trong hệ thống ngân sách Nhà nước, do đó, khi các đơn vị thu mua của Trung ương hay tỉnh nộp khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương thì phần thu cho ngân sách xã được thu tập trung vào ngân sách quận, huyện. Sau đó, Uỷ ban nhân dân quận, huyện (phòng Tài chính) làm thủ tục cấp phát thanh toán cho ngân sách xã (kể cả phần nông sản mà quận, huyện thu mua để lại sử dụng cho quận, huyện).

Cách thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách xã như sau:

Hàng tháng Uỷ ban nhân dân xã lập bản kê về nông sản đã giao nộp giữa xã, hợp tác xã và hộ nông dân cá thể cho các xí nghiệp huyện, tỉnh và trung ương gửi lên Uỷ ban nhân dân quận, huyện. Uỷ ban nhân dân quận, huyện, (Phòng tài chính) soát xét kiểm tra, loại trừ số lượng và hiện vật về thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí, công cày máy, thuốc trừ sâu, thóc mua công trái và thóc trả nợ Nhà nước trích ngân sách quận, huyện cấp chuyển cho ngân sách từng xã khoản thu về giao nộp nông sản bằng 5% tổng giá trị nông sản như đã quy định trên.

D- XỬ LÝ MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

1. Về giá tính thu.

Để thi hành thống nhất trong toàn tỉnh giá để tính khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu cần thông báo cho Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị trong tỉnh biết giá chỉ đạo thu mua đối với từng mặt hàng nông sản đã được Nhà nước quy định cho tỉnh để Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị xí nghiệp sản xuất - kinh doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh, huyện thống nhất tính toán khoản thu này.

2. Về mức thu khuyến khích đối với lương thực.

Trong tổng số lương thực thu mua có số thóc về thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí, v.v... không được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản. Do đó, số lương thực giao nộp cho tỉnh, quận, huyện và cho Trung ương phải trừ phần lương thực không được hưởng khoản thu và giao nộp nông sản.

Ví dụ: Tổng số thóc huy động theo kế hoạch cả năm của tỉnh A là 10 vạn tấn, trong đó thóc thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí v.v... là 3 vạn tấn, thóc mua là 7 vạn tấn. Từ đó, xác định phần lương thực không được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản là 30% trong tổng số lương thực huy động. Hệ số trừ là 30%.

Khi tính mức thu và giao nộp nông sản đối với số lương thực giao cho các đơn vị trung ương, cho tỉnh, quận, huyện và số lương thực bán cung cấp cho lực lượng vũ trang, công nhân viên chức thuộc Trung ương hoặc tỉnh quản lý, đều được trừ theo tỷ lệ đã được xác định về phần lương thực không được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản như ví dụ nêu trên.

Tỷ lệ trừ này, Sở Tài chính tính toán theo kế hoạch huy động lương thực cả năm của tỉnh báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính biết và thông báo cho Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị thu mua trung ương và của tỉnh biết để thi hành thống nhất trong toàn tỉnh. Phần quận, huyện thanh toán cho ngân sách xã thì tính theo thực tế cho từng xã đã trừ thóc thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí... như nêu trên.

E- CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC

1. Để phản ánh trong ngân sách Nhà nước khoản thu, chi về giao nộp nông sản, mục lục ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung:

- Mở thêm khoản 93, loại 8 để ghi thu "thu về giao nộp nông sản" và khoản 83, loại 10 để ghi chi "chi trả ngân sách cấp dưới về giao nộp nông sản".

- Đối với ngân sách xã khoản thu về giao nộp nông sản được ghi vào khoản 16, loại 2.A của mục lục ngân sách xã.

2. Tăng cường kiểm tra công tác thu mua và giao nộp nông, lâm, thuỷ, hải sản.

Thu mua và giao nộp nông, lâm, thuỷ, hải sản tập trung vào Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Vì vậy, các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã cần tăng cường chỉ đạo thu mua và giao nộp nông sản cấp trên, thực hiện thống nhất quản lý theo đúng Nghị quyết số 50-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, không được bất kỳ một cơ quan, đơn vị, tổ chức nào trực tiếp thu mua tại các hợp tác xã và hộ nông dân mà không qua Uỷ ban nhân dân quận, huyện và Uỷ ban nhân dân xã.

Tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, các cấp được giao trách nhiệm đến địa phương thu mua nông, lâm, thuỷ hải sản đều phải thông qua cấp quận, huyện và phải nộp khoản thu về khuyến khích giao nộp nông sản vào ngân sách địa phương tại ngân hàng quận, huyện nơi giao bán nông sản.

3. Thời gian thi hành.

Khoản thu về giao nộp nông sản được thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1984.

Để thuận tiện cho việc thanh toán, bảo đảm khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương và không làm xáo trộn hạch toán kế toán của xí nghiệp, nay quy định:

a) Đối với các nông sản mà địa phương (tỉnh, quận, huyện, xã) đã giao nộp cho các xí nghiệp và đơn vị thu mua trung ương từ ngày 1-1-1984 đến ngày ban hành Thông tư này chưa được thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản thì xí nghiệp và đơn vị thu mua trung ương phải cùng địa phương nơi giao nộp nông sản lập lại biên bản giao nhận để Sở Tài chính (hoặc Phòng tài chính quận, huyện nếu được Sở uỷ quyền) làm thủ tục thanh toán khoản thu về giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương như đã hướng dẫn trên.

b) Đối với bốn mặt hàng nông sản (thuốc lá, lợn thịt, cà phê, quế) giao nộp từ đầu năm 1984 đến nay đã được xí nghiệp hoặc đơn vị thu mua trung ương thanh toán khoản thu về khuyến khích giao nộp nông sản cho ngân sách địa phương, xí nghiệp cũng đã hạch toán và giá vốn hoặc giá thành sản phẩm theo như chế độ trước đây thì nay không phải thanh toán lại, do đó không phải lập lại biên bản về số nông sản (thuốc lá, lợn thịt, cà phê, quế) đã có thu về khuyến khích giao nộp nông sản.

Các khoản thu về khuyến khích giao nộp thuốc lá, thịt lợn, cà phê, quế quy định trước đây đều bãi bỏ và thi hành thống nhất theo chế độ này.

Chu Tam Thức

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-TC/NSĐP-1984 hướng dẫn chế độ thu về khuyến khích giao nộp nông sản do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 17-TC/NSĐP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/04/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Chu Tam Thức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1984
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản