Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 1966

THÔNG TƯ

VỀCHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÂN DÂN BỊ TAI NẠN CHIẾN TRANH

Để cứu vãn tình trạng ngày càng nguy khốn của chúng, đế quốc Mỹ đang ra sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô ngày càng rộng lớn, tính chất ngày càng ác liệt. Mở rộng chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ hòng ngăn cản miền Bắc giúp miền Nam và hòng uy hiếp tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Chúng gây những tội ác vô cùng dã man, điên cuồng ném bom, bắn phá những vùng đông dân cư, chợ búa, bệnh viện, trường học, v.v… làm cho số người bị tai nạn chiến tranh ngày thêm nhiều.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta không hề nhụt ý chí chiến đấu, trái lại càng tăng thêm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân dân ta đã hết lòng giúp những người bị tai nạn chiến tranh. Cử chỉ tốt đẹp đó đã động viên được nhiều người thêm hăng hái sản xuất và chiến đấu.

Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề những người bị tai nạn chiến tranh ở một số nơi cũng còn lúng túng, chưa nhanh, chưa gọn làm cho đời sống nhân dân chậm được ổn định.

Rút kinh nghiệm trong thời gian qua, Hội đồng Chính phủ quyết định một số vấn đề về phương hướng công tác và chính sách như sau đối với những người bị tai nạn chiến tranh.

Phải giáo dục, khơi sâu lòng căm thù địch, nâng cao nhiệt tình cách mạng, làm cho mọi người quyết tâm vượt mọi khó khăn, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phải dựa vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phát huy truyền thống giúp đỡ, đùm bọc nhau trong nhân dân, làm cho các đoàn thể quần chúng, nhất là các hợp tác xã, thấy rõ trách nhiệm của mình, tìm mọi biện pháp giúp đỡ những người bị tai nạn chiến tranh.

Dựa trên tư tưởng và tình cảm của nhân dân được nâng cao, các Ủy ban hành chính địa phương cần vận dụng các chính sách cụ thể dưới đây cho phù hợp với tình hình từng nơi:

1. Đối với người bị thương.

Mỗi khi địch bắn phá một nơi nào, Ủy ban hành chính địa phương phải lãnh đạo các lực lượng phòng không nhân dân nhanh chóng tổ chức việc tìm kiếm người bị thương, đào bới hầm sập và cấp cứu những người bị nạn.

Khi có người bị thương, ban y tế cơ sở nơi xảy ra tai nạn phải tổ chức ngay việc cấp cứu. Nếu tình hình nghiêm trọng, có nhiều người bị tai nạn, thì các ban y tế lân cận, các bệnh viện, bệnh xá gần đó phải cử người đến giúp đỡ.

Đối với những người bị thương nặng, sau khi cấp cứu bước đầu, phải đưa ngay đến bệnh viện, bệnh xá để tiếp tục cứu chữa. Trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, Nhà nước trợ cấp các khoản tiền thuốc, tiền ăn và tiền bồi dưỡng theo chế độ.

2. Đối với người chết.

Khi có người chết, phải tổ chức chôn cất nhanh, gọn, chu đáo, nhưng đơn giản, thích hợp với thời chiến.

Việc chôn cất do gia đình người bị nạn lo liệu với sự giúp đỡ của hợp tác xã và các đoàn thể, nếu gia đình không đủ khả năng thì Ủy ban hành chính địa phương vận động hợp tác xã và các đoàn thể lo liệu việc chôn cất.

Gặp trường hợp người chết không có gia đình, hoặc là người ở nơi khác đến, thì Ủy ban hành chính địa phương dựa vào hợp tác xã và các đoàn thể, tổ chức việc chôn cất.

Ở những nơi bị địch bắn phá nhiều lần, hoặc ở nơi xảy ra tai nạn lớn, có nhiều người chết mà khả năng của nhân dân, của hợp tác xã ở đó không giải quyết được chôn cất kịp thời, thì Ủy ban hành chính huyện, thị xã, thành phố sở tại cần xem xét từng trường hợp cụ thể mà trích quỹ cứu tế để giúp các hợp tác xã và nhân dân địa phương tổ chức chôn cất.

3. Đối với trẻ mồ côi.

Đối với trẻ mồ côi vì tai nạn chiến tranh, Ủy ban hành chính địa phương cùng các đoàn thể nhân dân (thanh niên, phụ nữ, công đoàn) các cơ sở sản xuất, nơi làm việc của bố mẹ các cháu có trách nhiệm tìm mọi biện pháp để đảm bảo đời sống cho các cháu, nhất là các cháu nhỏ.

Trước hết phải vận động bà con thân thuộc của các cháu hoặc những người hiếm con, những người có khả năng nhận các cháu về nuôi.

Đối với những gia đình nuôi các cháu mà túng thiếu thì hợp tác xã hoặc tổ chức công đoàn cơ sở cần có biện pháp giúp đỡ (điều hòa lương thực, trợ cấp v.v…). Nếu những biện pháp trên đây không đủ bảo đảm đời sống cho các cháu thì Ủy ban hành chính địa phương đề nghị lên Ủy ban hành chính cấp trên xét trợ cấp thêm cho các cháu.

Các cháu nhỏ gửi vào nhà trẻ được miễn tiền gửi trẻ. Các cháu đi học được miễn học phí và mọi khoản đóng góp khác cho nhà trường.

Đối với các cháu có khả năng lao động, hợp tác xã sở tại cố gắng sắp xếp công việc nhẹ, thích hợp với sức khỏe của các cháu để tăng thu nhập cho gia đình nuôi các cháu, nhưng cần tạo điều kiện cho các cháu có thì giờ đi học.

Ủy ban hành chính địa phương, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn, các ban quản trị hợp tác xã cần thường xuyên quan tâm đến đời sống của các cháu, nhất thiết không để cháu nào đói rét, bơ vơ, mất học, cần chú ý giáo dục, động viên những gia đình nuôi các cháu và có biện pháp giúp đỡ các gia đình ấy khi gặp khó khăn.

Đối với những trẻ mồ côi bị tàn phế vì tai nạn chiến tranh mà không có người nhận nuôi, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tổ chức các cơ sở để thu nhận các cháu.

4. Đối với những người tàn tật và những người già cả, mất người nương tựa vì tai nạn chiến tranh.

Đối với những người tàn tật, những người già cả mất người nương tựa vì tai nạn chiến tranh, Ủy ban hành chính địa phương cùng hợp tác xã có trách nhiệm tìm mọi biện pháp để bảo đảm đời sống cho họ.

Đối với những người còn khả năng lao động, hợp tác xã tùy theo sức khỏe của từng người mà bố trí việc làm thích hợp, và cần chiếu cố trong lúc tính công điểm, điều hòa lương thực, v.v…

Tùy theo khả năng của mình, Nhà nước sẽ cung cấp lần đầu không lấy tiền nạng hoặc chân giả cho những người què để tạo thêm điều kiện cho họ lao động.

Đối với những người tàn phế và những người già yếu không còn khả năng lao động (kể cả những người mất trí) và tai nạn chiến tranh mà gia đình túng thiếu hoặc không có họ hàng giúp đỡ, thì Ủy ban hành chính địa phương vận động nhân dân giúp và hợp tác xã trích quỹ xã hội để giúp thêm. Nếu những biện pháp trên đây không đủ đảm bảo đời sống cho họ thì Ủy ban hành chính địa phương đề nghị lên cấp trên xét để trợ cấp cứu tế hoặc thu nhận vào các trại an dưỡng.

5. Đối với những người mất hết lương thực, quần áo, nhà cửa vì tai nạn chiến tranh.

Đối với những người mất hết lương thực, quần áo, nhà cửa thì Ủy ban hành chính địa phương vận động tác hợp tác xã và nhân dân trong địa phương giúp đỡ.

Đối với những nơi bị thiệt hại nặng thì có thể vận động nhân dân các địa phương lân cận và công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp đóng trong địa phương giúp đỡ thêm. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét để trợ cấp cứu tế (lương thực, quần áo, v.v…) nhằm bước đầu ổn định đời sống cho những người bị thịêt hại.

Thực hiện chính sách đối với nhân dân bị tai nạn chiến tranh và một vấn đề quan trọng và cấp bách trong tình hình hiện nay, Ủy ban hành chính các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, phải dựa vào nhân dân, động viên mọi khả năng tiềm tàng trong nhân dân để giải quyết tốt vấn đề này, phải giáo dục cho nhân dân, trước hết là cho cán bộ (nhất là cán bộ cơ sở, các ban quản trị hợp tác xã) thấy rõ ý nghĩa quan trọng của vấn đề, thông suốt chính sách của Nhà nước để tích cực thực hiện.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm bàn bạc cụ thể với các ngành có liên quan để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thông tư này.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 157-CP-1966 về chính sách đối với nhân dân bị tai nạn chiến tranh do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 157-CP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/08/1966
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản