Hệ thống pháp luật

Điều 9 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Điều 9. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn giao quyền

1. Phiên họp Hội đồng tư vấn giao quyền phải có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền.

Đối với thành viên vắng mặt, Hội đồng lấy ý kiến bằng cách gửi phiếu đánh giá. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền chủ trì phiên họp và đưa ra kết luận của Hội đồng.

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức phiên họp, Hội đồng lấy ý kiến bằng cách gửi phiếu đánh giá cho tất cả các thành viên Hội đồng.

2. Hội đồng xem xét những trường hợp thuộc phạm vi được giao quyền để thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này và kiến nghị từ chối giao quyền đối với những trường hợp không thuộc phạm vi được giao quyền.

3. Trong trường hợp có một tổ chức đề nghị giao quyền, Hội đồng làm việc theo nguyên tắc đa số (trên 50%) thành viên Hội đồng nhất trí trên cơ sở phiếu đánh giá:

a) Nội dung đưa ra phiếu đánh giá bao gồm:

- Giao quyền hoặc từ chối giao quyền;

- Giao quyền sở hữu hoặc giao quyền sử dụng;

- Giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu, quyền sử dụng;

- Giao quyền sở hữu đối với một phần kết quả nghiên cứu hoặc quyền đồng sở hữu đối với kết quả nghiên cứu;

- Giao quyền sử dụng một phần kết quả nghiên cứu hoặc quyền sử dụng không độc quyền kết quả nghiên cứu;

- Đồng ý hoặc không đồng ý với phương án đề nghị giao. Trong trường hợp không đồng ý, thành viên có thể đề xuất phương án khác.

b) Trong trường hợp số phiếu đánh giá bằng nhau, ý kiến của Chủ tịch Hội đồng hoặc của Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền là ý kiến quyết định.

4. Trong trường hợp kết quả nghiên cứu có từ hai tổ chức đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng độc quyền trở lên, Hội đồng làm việc theo phương thức chấm điểm, tối đa là 100 điểm cho mỗi hồ sơ, theo tiêu chí và thang điểm như sau:

a) Phương án ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tối đa 50 điểm, trong đó:

- Tiềm năng thị trường đối với kết quả nghiên cứu hoặc sản phẩm tạo ra từ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, tối đa 20 điểm;

- Phương án tiếp cận nhu cầu thị trường đối với kết quả nghiên cứu hoặc sản phẩm tạo ra từ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, tối đa 20 điểm;

- Kết quả định giá đối với kết quả nghiên cứu, tối đa 10 điểm.

b) Phương án về bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tối đa 40 điểm, trong đó:

- Số lượng, năng lực của nhân lực trong ứng dụng, đánh giá, định giá, đàm phán, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ, tối đa 10 điểm;

- Số lượng, năng lực của nhân lực về pháp luật sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tối đa 10 điểm;

- Phương án về sử dụng tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tối đa 10 điểm;

- Cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tối đa 10 điểm.

c) Phương án ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lãnh thổ Việt Nam, tối đa 10 điểm.

5. Đối với trường hợp nêu tại Khoản 4 Điều này, Hội đồng xếp hạng hồ sơ dựa trên tổng điểm trung bình của các thành viên theo thứ tự từ cao xuống thấp và kiến nghị như sau:

a) Trong trường hợp có một tổ chức có điểm cao nhất, tổ chức đó là tổ chức được giao quyền sở hữu hoặc sử dụng độc quyền kết quả nghiên cứu theo đề nghị giao;

b) Trong trường hợp tổ chức chủ trì và tổ chức khác đạt số điểm cao bằng nhau, tổ chức chủ trì được ưu tiên giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng độc quyền kết quả nghiên cứu;

c) Trong trường hợp có từ hai tổ chức trở lên không phải là tổ chức chủ trì cùng đạt số điểm cao bằng nhau, các tổ chức đó thỏa thuận để một tổ chức được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng độc quyền hoặc các tổ chức cùng được giao quyền sử dụng không độc quyền kết quả nghiên cứu. Trong trường hợp các tổ chức không thể thỏa thuận được, Hội đồng kiến nghị đại diện chủ sở hữu giao quyền cho tổ chức khác.

6. Trong các trường hợp không quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này, Hội đồng đưa ra các tiêu chí đánh giá dựa trên nội dung yêu cầu tư vấn của Hội đồng.

7. Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn, kiến nghị của mình. Kết luận của Hội đồng tư vấn là một căn cứ cho đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định phương án giao quyền.

8. Sau khi có kết quả làm việc, Hội đồng xây dựng biên bản làm việc gửi đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền để trình đại diện chủ sở hữu nhà nước.

9. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

10. Đơn vị thụ lý hồ sơ đề nghị giao quyền được sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hoặc kinh phí hoạt động thường xuyên để trả cho chi phí hoạt động của Hội đồng tư vấn giao quyền theo quy định hiện hành.

Thông tư 15/2014/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 15/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/06/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: 26/07/2014
  • Số công báo: Từ số 709 đến số 710
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra