Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2011

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP, TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và các văn bản hướng dẫn;
Căn cứ Luật khoa học công nghệ số 21/2000/QH10 ngày 28 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (sau đây gọi chung là Quỹ) theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối tượng được thành lập Quỹ theo quy định tại Thông tư này là các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp (sau đây gọi chung là doanh nghiệp)

Điều 2. Mục đích thành lập, thẩm quyền và hình thức tổ chức Quỹ

1. Mục đích thành lập

Quỹ do doanh nghiệp thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

2. Thẩm quyền thành lập

Căn cứ nhu cầu và khả năng tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức của Quỹ. Người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp bao gồm:

a) Chủ tịch hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần);

b) Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh);

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc tổng giám đốc, giám đốc (đối với doanh nghiệp không có hội đồng quản trị) của doanh nghiệp.

3. Hình thức tổ chức Quỹ

Quỹ là một bộ phận, không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp, do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp chịu trách nhiệm điều hành.

Điều 3. Nguồn hình thành Quỹ

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ để thực hiện cho các mục đích quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này. Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:

1. Một phần từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế (doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế trong kỳ).

Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi đã kết chuyển hết các khoản lỗ theo quy định.

2. Một phần điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ (đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên) hoặc điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con, doanh nghiệp thành viên về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ (đối với tổng công ty, công ty mẹ). Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển nguồn giữa các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ với các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con, doanh nghiệp thành viên và ngược lại do chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc, giám đốc quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.

Việc điều chuyển Quỹ quy định tại khoản 2 Điều này chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn.

3. Các nguồn khác theo quy định của Pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Thủ tục thành lập Quỹ

Tuỳ theo quy mô của Quỹ và nhu cầu đầu tư khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định hình thức tổ chức, hoạt động, quản lý và chịu trách nhiệm về các hoạt động của Quỹ.

Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước hoặc cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.

Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.

Điều 5. Sử dụng Quỹ từ nguồn trích lập thu nhập tính thuế

Việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư này phục vụ cho mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

1. Nguồn vốn của Quỹ dùng để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sau đây:

1.1 Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đề tài, dự án khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải được xây dựng và chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu (có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả đầu ra) và kết quả đề tài được hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về khoa học và công nghệ, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2 Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển).

b) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin khoa học và công nghệ, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.

Đối với tài sản cố định nêu tại tiết a, b điểm 1.2 khoản 1 Điều này, doanh nghiệp ghi giảm Quỹ tương ứng và không phải trích khấu hao mà theo dõi hao mòn tài sản cố định.

c) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

d) Chi phí cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

đ) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.

Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất phải có xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

e) Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước.

Các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ nêu tại điểm này phải được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Việt Nam phê duyệt.

1.3. Đối với công ty trực thuộc tổng công ty hoặc là công ty con được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để chi nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty hoặc công ty mẹ và ngược lại theo tỷ lệ được quy định tại khoản 2, Điều 3 của Thông tư này.

2. Quỹ chỉ được sử dụng cho hoạt động đầu tư khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Doanh nghiệp không được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để đầu tư cho các hoạt động khác không gắn với việc phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ đã được tài trợ bởi các nguồn vốn khác.

Hàng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo trích, sử dụng Quỹ và kê khai số liệu về mức trích lập, số tiền trích lập vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ được gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp các tổng công ty, công ty mẹ có Quỹ phát triển khoa học công nghệ được hình thành từ nguồn điều chuyển Quỹ phát triển khoa học công nghệ của công ty con, doanh nghiệp thành viên hoặc ngược lại thì đơn vị nhận điều chuyển và sử dụng Quỹ phải báo cáo tình hình nhận điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được điều chuyển với cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị nhận điều chuyển và trực tiếp sử dụng Quỹ

3. Các khoản chi từ Quỹ phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp trong năm bất kỳ, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cho hoạt động khoa học công nghệ vượt mức số dư hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn hoặc lấy từ số trích lập Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nếu cần thiết có thể phân bổ cho các năm tiếp sau để không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế các khoản chi đã được bảo đảm từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

5. Trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

Số tiền sử dụng không đúng mục đích không được tính vào tổng số tiền sử dụng cho mục đích phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Việc xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp bị thu hồi do Quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó theo nguyên tắc sau:

5.1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là mức thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập quỹ. Trường hợp trong thời hạn 5 năm, doanh nghiệp áp dụng các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất tại thời điểm trích của khoản thu hồi theo nguyên tắc số tiền trích trước sử dụng trước.

Đối với các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình tổng công ty, công ty mẹ - công ty con thành lập Quỹ để phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ của toàn hệ thống thì thực hiện truy thu số thuế thu nhập doanh nghiệp do sử dụng không đúng mục đích tại đơn vị nhận điều chuyển tại tổng công ty, công ty mẹ - công ty con. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ tính số thuế thu hồi là mức thuế suất áp dụng tại công ty nhận điều chuyển trong thời điểm điều chuyển theo nguyên tắc trích trước sử dụng trước.

5.2. Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm.

Ví dụ 1: Công ty A năm 2011 xác định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Quỹ) là 10% trên thu nhập tính thuế và Công ty đã thực hiện trích lập Quỹ hàng năm từ năm 2011 đến năm 2016. Đầu năm 2017 khi lập báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016, Công ty A lập báo cáo tình hình trích lập và sử dụng Quỹ sau 5 năm căn cứ theo báo cáo trích, sử dụng Quỹ hàng năm như sau:

Mức trích lập Quỹ năm 2011 là 2 tỷ đồng. Đến hết kỳ tính thuế năm 2016, Công ty A mới sử dụng cho nghiên cứu khoa học là 1,2 tỷ đồng. Do sử dụng Quỹ không hết 70% nên Công ty thuộc diện bị truy thu thuế đối với số tiền Quỹ sử dụng không hết và trên số lãi phát sinh từ số tiền đã trích Quỹ theo quy định. Giả sử mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với Công ty trong giai đoạn trích Quỹ là 25%. Trường hợp này, số tiền thuế bị truy thu được xác định như sau:

Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng không hết 70% Quỹ (giả sử thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trích lập Quỹ là 25%):

(2 tỷ - 1,2 tỷ) x 25% = 200 triệu đồng

Số tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng không hết 70% Quỹ (giả sử lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 1 năm là 12%):

200 triệu x 12% x 2 năm = 48 triệu đồng

Các năm sau năm 2011 mức trích lập và sử dụng Quỹ được tính theo nguyên tắc số tiền trích quỹ trước thì sử dụng trước nêu trên.

5.3. Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng sai mục đích là mức lãi tính theo tỷ lệ phạt chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế và thời gian tính lãi là khoảng thời gian kể từ khi trích lập Quỹ đến khi thu hồi. Ngày thu hồi là ngày hành vi vi phạm được phát hiện và lập biên bản (trừ trường hợp không phải lập biên bản).

Việc xác định thời điểm trích Quỹ của số tiền sử dụng sai mục đích làm căn cứ tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng sai mục đích theo nguyên tắc số tiền trích quỹ trước thì sử dụng trước.

Ví dụ 2: Công ty B trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ như sau: kỳ tính thuế năm 2011 trích 200 triệu đồng, năm 2012 trích 300 triệu đồng, năm 2013 trích 300 triệu đồng, năm 2014 trích 500 triệu đồng, năm 2015 trích 700 triệu đồng, năm 2016 trích 800 triệu đồng. Đến hết năm 2013, Công ty sử dụng 300 triệu đồng từ Quỹ. Hàng năm, Công ty lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ. Đến ngày 05/5/2014, qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện năm 2013 Công ty sử dụng 40 triệu đồng từ Quỹ sai mục đích và lập biên bản xử phạt. Lãi phạt nộp chậm theo quy định hiện hành của Luật quản lý thuế là 0,05%/ngày.

Giả sử năm 2012, Công ty đã sử dụng 150 triệu đồng cho đề án khoa học công nghệ thì số tiền 40 triệu đồng sử dụng sai được xác định là từ tiền trích Quỹ của kỳ tính thuế năm 2011. Trường hợp này, xác định số tiền thuế và số tiền lãi bị truy thu như sau:

Số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng sai mục đích là:

40 triệu đồng x 25% = 10 triệu đồng

Số ngày tính phạt chậm nộp: từ ngày 01/4/2012 đến hết ngày 05/5/2014: 765 ngày.

Số tiền lãi bị truy thu (theo lãi phạt nộp chậm): 10 triệu x 0,05%/ngày x 765 ngày = 3,825 triệu đồng

Ví dụ 3: Với các dữ liệu về trích lập, sử dụng Quỹ và thời điểm kiểm tra của cơ quan thuế nêu tại ví dụ 2 trên, giả sử, năm 2012, Công ty đã sử dụng 200 triệu đồng cho đề án khoa học công nghệ thì số tiền 40 triệu đồng sử dụng sai mục đích được xác định là từ tiền trích Quỹ của kỳ tính thuế năm 2012. Trường hợp này, xác định số tiền thuế và tiền lãi bị truy thu như sau:

Số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng sai mục đích là:

40 triệu đồng x 25% = 10 triệu đồng

Số ngày tính phạt chậm nộp: từ ngày 01/4/2013 đến hết ngày 05/5/2014: 400 ngày.

Số tiền lãi bị truy thu (theo lãi phạt nộp chậm): 10 triệu đồng x 0,05%/ngày x 400 ngày = 2 triệu đồng

5.4. Trường hợp trong thời gian trích lập Quỹ, doanh nghiệp đang thuộc diện được ưu đãi thuế (được áp dụng thuế suất ưu đãi, được miễn thuế, giảm thuế) thì số tiền thuế thu hồi do Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích được xác định trên số thu nhập đã được áp dụng ưu đãi thuế tại thời điểm trích lập Quỹ và bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.

Ví dụ 4: Với các dữ liệu nêu tại Ví dụ 1 nêu trên, giả sử : Công ty A năm 2011 xác định mức trích lập Quỹ là 10% trên thu nhập tính thuế, hàng năm từ năm 2011 đến năm 2016, Công ty đã thực hiện trích lập Quỹ. Đầu năm 2017, khi lập báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm 2016, Công ty A đã lập báo cáo tình hình trích lập và sử dụng Quỹ sau 5 năm căn cứ theo báo cáo trích, sử dụng Quỹ hàng năm như sau:

Mức trích lập quỹ năm 2011 là 2 tỷ đồng. Đến hết năm 2016 Công ty A mới sử dụng cho nghiên cứu khoa học là 1,2 tỷ đồng. Trường hợp này Công ty A chỉ sử dụng 60% số tiền Quỹ đã trích. Giả sử tại thời điểm trích lập Quỹ năm 2011, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng tại Công ty A là 10% và Công ty đang thuộc diện được ưu đãi giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Do sử dụng Quỹ không hết 70% nên Công ty thuộc diện bị truy thu thuế đối với số tiền quỹ đã trích nhưng không sử dụng hết và trên số lãi phát sinh trên số tiền đã trích quỹ theo quy định. Trường hợp này, số tiền thuế truy thu được xác định như sau:

Số thu nhập bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu do sử dụng không hết 70% là:

(2 tỷ - 1,2 tỷ) : 2 = 0,4 tỷ đồng

Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng không hết 70% quỹ:

0,4 tỷ đồng x 10% = 0,04 tỷ đồng

Số tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng không hết 70% quỹ (giả sử lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 1 năm là 12%):

0,04 tỷ đồng x 12% x 2 năm = 0,0096 tỷ đồng (tương đương 9,6 triệu đồng)

Các năm sau năm 2011 mức trích lập và sử dụng Quỹ được tính theo nguyên tắc số tiền trích quỹ trước thì sử dụng trước nêu trên.

Ví dụ 5: với dữ liệu nêu tại ví dụ 4 trên, trường hợp đến hết năm 2016 Công ty A đã sử dụng cho nghiên cứu khoa học trên 70% số tiền quỹ đã trích của năm 2011. Khi đó số dư Quỹ còn lại (sau khi đã sử dụng hết 70% số trích lập cho hoạt động khoa học và công nghệ của công ty theo quy định) của năm 2011, Công ty tiếp tục được để sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp trong các năm tiếp theo và không bị truy thu hoặc phạt theo các quy định tại khoản này.

6. Doanh nghiệp chủ động kê khai điều chỉnh tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên khoản thu nhập đã trích Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

Điều 6. Quản lý Quỹ khi có sự thay đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp đang hoạt động mà có sự thay đổi về hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc thay đổi hình thức sở hữu, hợp nhất và doanh nghiệp nhận sáp nhập được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập.

2. Doanh nghiệp đang hoạt động nếu có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng hết khi thực hiện chia, tách doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc chia, tách được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chia, tách. Việc phân chia Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan thuế trước khi thực hiện.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, các quy định về trích, sử dụng Quỹ quy định tại Điều 3 và Điều 7 quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) trái với quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Nghị định số 124/2008/NĐ-CP và thực hiện theo Thông tư này kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST (TN).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

PHỤ LỤC

BÁO CÁO TRÍCH, SỬ DỤNG QUỸ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Kèm theo Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm ....

Người nộp thuế..................................…………………………………..

Mã số thuế:.......................................……………………………………

I. Xác định số trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong kỳ tính thuế:

1. Mức trích lập

2. Số tiền trích lập

II. Theo dõi việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ các kỳ tính thuế trước và kỳ này:

Đơn vị tiền: đồng Việt Nam

Năm trích lập

Mức trích lập trong kỳ tính thuế này

Số tiền trích lập trong kỳ tính thuế này

Số tiền đã sử dụng trong kỳ tính thuế này

Số tiền đã trích lập được chuyển từ các kỳ tính thuế trước

Số tiền đã trích lập được chuyển sang các kỳ tính thuế sau

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

20...

20...

...

Tổng cộng:

Tài liệu kèm theo:

- Bản liệt kê các Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Bản liệt kê các Hợp đồng dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ;

- Bản liệt kê các hoạt động khoa học và công nghệ của Quỹ trong kỳ tính thuế.

........, ngày......... tháng........... năm..........

NGƯỜI NỘP THUẾ hoặc

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ

Ký tên, đóng dấu (ghi rõ họ tên và chức vụ)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 15/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/02/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 105 đến số 106
  • Ngày hiệu lực: 26/03/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản