Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1418 NV/PC | Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1946 |
THÔNG TƯ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi các ông Chủ tịch U.B.H.C. Bắc bộ, Trung bộ
Các ủy viên hành chính do dân bầu lên chỉ làm việc trong một thời gian (1 năm hay hai năm), và phần nhiều chưa quen với các thủ tục hành chính phải áp dụng tuỳ theo trường hợp. Vì vậy, ở các cấp và nhất là ở cấp tỉnh và cấp huyện, cần có nhân viên chuyên môn ngạch hành chính giúp việc, để thi hành các luật lệ hay chỉ thị do Chính phủ hay Ủy ban hành chính kỳ ban bổ. Và, cũng nên xếp đặt các phòng giấy ở các tỉnh và huyện theo một kiểu mẫu chung, để cho sự tổ chức được nhất luật, và sự phân công được rõ ràng. Đó là mục đích đạo nghị định số 143-NV/PC ngày 11 tháng 05 năm 1946 của Bản bộ.
Nghị định ấy không tổ chức các phòng tài chính, kinh tế, thông tin tuyên truyền, vì những phòng đó thuộc các ngành chuyên môn sẽ theo tổ chức dọc. Ty thông tin tuyên truyền và phòng thuế trực thu đã tổ chức rồi. Trong một thời gian ngắn sẽ có các nghị định tổ chức những ty khác ở các tỉnh và huyện. Khi đó U.B.H.C. tỉnh và huyện sẽ đối với những ty ấy cũng như là đối với các ty chuyên môn khác: bưu chính, địa chính, công chính, … theo điều 38 94 và 95 sắc lệnh số 63 ngày 22 tháng 11 năm 1945.
Một điều nữa các ông nên lưu ý tới là hiện nay, tại nhiều nơi, ở khắp tất cả các cấp tỉnh, huyện và xã vẫn còn chưa thi hành triệt để các sắc lệnh và nghị định tổ chức H.Đ.N.D. và U.B.H.C. Ngoài U.B.H.C. chính thức vẫn thường thấy còn có nhiều ủy viên: ủy viên kinh tế, ủy viên tài chính, ủy viên tiếp tế… hoặc là hội viên H.Đ.N.D. hoặc là người ngoài do U.B.H.C. lấy vào để giúp việc, một cách bất hợp pháp.
Điều thứ 8 nghị định 143-NV/PC ngày 11 tháng 05 năm 1946 cấm đặt những ủy viên ấy.
Ở các cấp tỉnh và huyện, trừ ba viên chánh, phó chủ tịch và thư ký, của U.B.H.C. ra, thì tất cả những người làm việc ở các phòng giấy ủy ban phải là những công chức tuyển dụng và bổ nhiệm do nghị định của U.B.H.C. cấp kỳ. Ở tỉnh và huyện không thể có những tiểu ban mà trưởng ban và nhân viên không phải là một trong 3 ủy viên của U.B.H.C. hay không phải là công chức cho Chính phủ bổ đến.
Riêng về cấp xã, điều thứ 77 sắc lệnh số 63 ngày 22 tháng 11 năm 1945 cho phép lập những tiểu ban để giúp việc U.B.H.C. Những người làm việc trong các tiểu ban ấy có thể là người ngoài U.B.H.C. và sẽ do người có chân trong U.B.H.C. làm trưởng ban; người ấy sẽ chịu trách nhiệm về sự hoạt động của tiểu ban. Ngoài 5 người có chân trong U.B.H.C. xã, không thể lấy hội viên H.Đ.N.D. xã hay người ngoài vào làm “ủy viên” hay “trưởng ban”, vì như thế thì mục đích định rõ quyền hạn và trách nhiệm của U.B.H.C. các cấp do sắc lệnh nói trên nêu ra sẽ không đạt được.
Bản bộ yêu cầu ông đặc biệt lưu ý đến việc này và:
1) trù bị và thi hành ngay việc cử những viên hiệp lý đi các tỉnh và các huyện,
2) ra lệnh cho các U.B.H.C. các cấp (xã, huyện, tỉnh) phải cấp tốc cải tổ lại theo đúng nghị định 143-NV/PC ngày 11 tháng 05 năm 1946 và chỉ thị trên đây.
Trước ngày 20 tháng 06 năm 1946 cho Bắc bộ, và 30 tháng 06 năm 1946 cho Trung bộ, các ông sẽ báo cáo cho Bản bộ biết rằng những việc kể trên đã được thi hành chu tất ở khắp các cấp hay chưa.
Huỳnh Thúc Kháng |