Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 14/2023/TT-BGTVT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN

Mục 1. CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI, XÓA GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN

Điều 4. Quy định chung

1. Các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi đưa vào khai thác, vận dụng trên đường sắt phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Chủ sở hữu phương tiện (sau đây gọi là chủ sở hữu) phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định tại Thông tư này trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Đường sắt hoặc trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị hư hỏng hoặc bị mất.

3. Chủ sở hữu phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định tại Thông tư này trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 31 Luật Đường sắt.

4. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Đối với trường hợp cấp lại, trên Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện có thêm dòng chữ "Cấp lại lần 1, Cấp lại lần 2...".

Điều 5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

1. Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị nêu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị theo quy định của Thông tư này.

Điều 6. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

1. Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của chủ sở hữu theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

2. Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực các giấy tờ của phương tiện bao gồm:

Hợp đồng mua bán, cho, tặng; chứng từ đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có); quyết định điều chuyển phương tiện; hóa đơn của tổ chức, cá nhân bán phương tiện (nếu phương tiện đã chuyển qua nhiều tổ chức, cá nhân thì khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện chỉ cần hóa đơn của tổ chức, cá nhân bán cuối cùng); Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cấp còn hiệu lực. Đối với các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt đã được công chứng dịch thuật kèm theo.

3. Trường hợp trong cùng một hợp đồng mua bán, cho, tặng phương tiện, hóa đơn, tờ khai hải quan của hồ sơ có kê khai nhiều phương tiện thì chủ sở hữu có trách nhiệm cung cấp bảng kê khai cho từng phương tiện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc hồ sơ đối với từng phương tiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Đối với phương tiện nhập khẩu, ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì cần phải có thêm bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực tờ khai hải quan dùng cho phương tiện nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan đã được thông quan.

5. Trường hợp phương tiện không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng (do việc mua bán các phương tiện chỉ là hợp phần của gói thầu và không thể tách rời) thì phải có bản chính văn bản giấy hoặc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực hợp đồng gói thầu hoặc hợp phần của gói thầu có thể hiện việc cung cấp phương tiện, biên bản bàn giao phương tiện cho chủ sở hữu.

Điều 7. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

1. Trường hợp chuyển quyền sở hữu

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của chủ sở hữu theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này; bản gốc hoặc bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được cấp;

b) Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phương tiện: Hợp đồng cho, tặng, mua bán, hóa đơn mua bán phương tiện, chứng từ đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có), quyết định điều chuyển phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (nếu chủ sở hữu đổi tên), biên bản bàn giao tài sản kèm theo danh mục phương tiện.

c) Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

2. Trường hợp phương tiện thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của chủ sở hữu theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này; bản gốc hoặc bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được cấp;

b) Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

3. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất hoặc hư hỏng

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của chủ sở hữu theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này; bản gốc hoặc bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được cấp (trường hợp bị hư hỏng);

b) Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

Hồ sơ bao gồm bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này; bản gốc hoặc bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được cấp.

Điều 9. Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

1. Các hình thức nộp hồ sơ

Chủ sở hữu nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Thông tư này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Thông tư này theo một trong các hình thức:

a) Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (sau đây gọi là cơ quan nhà nước có thẩm quyền);

b) Nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cổng dịch vụ công quốc gia;

c) Nộp qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định của Thông tư này, trong vòng 01 ngày làm việc (nếu tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công quốc gia) hoặc 02 ngày làm việc (nếu tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc các qua hình thức phù hợp khác) kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn chủ sở hữu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.

3. Thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (trừ trường hợp cấp lại theo quy định tại điểm b khoản này). Chủ sở hữu có trách nhiệm nộp lệ phí theo quy định. Trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, nếu chủ sở hữu đã nộp bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công quốc gia thì có trách nhiệm nộp lại bản gốc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu Giấy xác nhận đã khai báo mất Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này. Thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện là 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Chủ sở hữu có trách nhiệm nộp lệ phí theo quy định.

c) Trường hợp không cấp, không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, trong thời hạn giải quyết thủ tục hành chính quy định tại điểm a, điểm b Khoản này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu và nêu rõ lý do.

4. Thủ tục thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu về việc thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Trường hợp chủ phương tiện đã nộp bản điện tử Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công quốc gia thì có trách nhiệm nộp lại bản gốc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ SỐ ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN

Điều 10. Nguyên tắc đánh số đăng ký phương tiện

1. Đối với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng

a) Số đăng ký phương tiện gồm 02 nhóm ký hiệu, như sau:

Nhóm 1 ở hàng trên: Tên viết tắt hoặc tên thương mại của doanh nghiệp là chủ sở hữu;

Nhóm 2 ở hàng dưới: Gồm chữ và số do chủ sở hữu đề xuất (không trái với các quy định pháp luật hiện hành), phù hợp với công tác quản lý sản xuất kinh doanh của chủ sở hữu.

Ví dụ: Số đăng ký toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tên thương mại bằng tiếng Anh viết tắt là VNR) như sau:

VNR

H 431328

b) Đối với các phương tiện bị hạn chế kích thước thành, bệ xe hoặc do các yếu tố khách quan khác có thể kẻ ký hiệu nhóm 1, nhóm 2 trên cùng một hàng.

2. Đối với đường sắt đô thị

a) Số đăng ký phương tiện gồm 02 nhóm ký hiệu, như sau:

Nhóm 1 ở hàng trên: Tên viết tắt hoặc tên giao dịch quốc tế của doanh nghiệp là chủ sở hữu;

Nhóm 2 ở hàng dưới: Gồm chữ và số chỉ tuyến đường sắt, số đoàn tàu, số toa tàu hoặc số hiệu đầu máy, phương tiện chuyên dùng do chủ sở hữu đề xuất.

Ví dụ: Số đăng ký toa xe của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Tên giao dịch quốc tế viết tắt là HANOI METRO) như sau:

HANOI METRO

HN02A001-01

b) Đối với các phương tiện bị hạn chế kích thước thành, bệ xe hoặc do các yếu tố khách quan khác có thể kẻ ký hiệu nhóm 1, nhóm 2 trên cùng một hàng.

Điều 11. Quy định về vị trí kẻ số đăng ký, màu của chữ và số đăng ký phương tiện

1. Vị trí kẻ số đăng ký trên phương tiện

Số đăng ký của phương tiện phải được kẻ ở hai bên ngoài thành hoặc ở hai đầu phương tiện tại vị trí thích hợp, bảo đảm dễ quan sát, dễ nhận biết.

2. Màu của số đăng ký phương tiện

a) Màu trắng hoặc màu vàng nếu thành của phương tiện là màu sẫm;

b) Màu xanh cô ban hoặc màu đen nếu thành của phương tiện là màu sáng.

Điều 12. Kiểu chữ, kích thước chữ, số của số đăng ký phương tiện

1. Chữ và chữ số dùng phông chữ Arial, kiểu đậm, đứng.

2. Chiều cao chữ in hoa và chữ số từ 120 mm đến 150 mm.

3. Chiều cao chữ in thường (nếu có) bằng 50% chữ in hoa.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 13. Chế độ báo cáo

1. Tên báo cáo: Báo cáo thống kê tình hình đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.

2. Nội dung yêu cầu báo cáo

a) Tổng số phương tiện tại thời điểm báo cáo;

b) Biến động số lượng phương tiện so với kỳ báo cáo trước;

c) Tổng số phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện tại thời điểm báo cáo;

d) Số liệu cấp, cấp lại, xóa, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trong năm báo cáo;

đ) Dự kiến nhu cầu năm tới;

e) Các nội dung cụ thể;

3. Đối tượng thực hiện báo cáo: Chủ sở hữu, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Cơ quan nhận báo cáo:

a) Cục Đường sắt Việt Nam, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương nhận báo cáo từ Chủ sở hữu;

b) Bộ Giao thông vận tải nhận báo cáo từ Cục Đường sắt Việt Nam.

5. Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

6. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Chủ sở hữu gửi báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương định kỳ từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu;

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương gửi báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam định kỳ từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu;

c) Cục Đường sắt Việt Nam gửi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải định kỳ từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

7. Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu.

8. Thời gian chốt số liệu báo cáo: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo hoặc đến thời điểm theo yêu cầu.

9. Mẫu báo cáo: Theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 14/2023/TT-BGTVT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 14/2023/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Danh Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 897 đến số 898
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH