Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 14/2010/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương 3.

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT THƯỞNG

Điều 11. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng giải thưởng

1. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở, cấp Bộ và Hội đồng chuyên ngành (sau đây gọi chung là Hội đồng giải thưởng) gồm đại diện cho các cơ sở đã áp dụng kết quả công trình, các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình.

3. Mỗi thành viên Hội đồng giải thưởng có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ đề nghị xét thưởng công trình bằng văn bản. Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở và cấp Bộ phân công 02 chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình làm phản biện viết nhận xét, đánh giá công trình.

4. Các Hội đồng giải thưởng hoạt động theo nguyên tắc sau:

a) Kỳ họp đánh giá xét thưởng (có bỏ phiếu kín) của Hội đồng giải thưởng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch và ít nhất 01 uỷ viên phản biện. Trường hợp uỷ viên phản biện vắng mặt, phải có nhận xét, đánh giá bằng văn bản.

b) Hội đồng đánh giá công trình theo nguyên tắc công bằng, dân chủ và khách quan. Những công trình được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đề nghị mới được chuyển Hội đồng cấp trên xem xét. Phiếu đánh giá xét thưởng hợp lệ là phiếu được thành viên Hội đồng đánh dấu theo quy định vào một trong hai ô tương ứng trên phiếu.

c) Hội đồng giải thưởng cấp trên chỉ xem xét những công trình đã được Hội đồng giải thưởng cấp dưới đề nghị.

d) Thành viên của Hội đồng giải thưởng không tham dự xét thưởng (không tham gia thảo luận và không bỏ phiếu đánh giá) các công trình mà mình là tác giả, đồng tác giả hoặc có quyền, lợi ích liên quan hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của việc xét thưởng.

5. Hội đồng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đề nghị xét thưởng hợp lệ. Hồ sơ hợp lệ là những hồ sơ nộp đúng hạn, có đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 12, Khoản 1 Điều 13 và Khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

Điều 12. Xét thưởng cấp Cơ sở

1. Hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp Cơ sở gồm:

a) Đơn đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước của tác giả, các đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, các đồng tác giả.

b) Báo cáo tóm tắt công trình (theo các Biểu E1-1-KH, E1-1-CN, E1-1-UD tương ứng cho công trình nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu công nghệ, công trình ứng dụng có sáng tạo đặc biệt).

c) Bản giới thiệu tóm tắt công trình với danh sách tác giả (Biểu E1-2).

d) Bản sao các văn bản, tư liệu khoa học và công nghệ liên quan đến công trình:

- Luận văn, sách chuyên khảo, bài báo (trang bìa và trang mục lục).

- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (nếu có).

- Nhận xét của tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả công trình.

- Giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định công nghệ hoặc đo đạc, kiểm nghiệm các sản phẩm khoa học và công nghệ của công trình đối với những công trình là kết quả của các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và được đánh giá nghiệm thu sau năm 2004.

- Tài liệu liên quan khác (nếu có).

đ) Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ hoặc dự án sản xuất thử nghiệm của Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước hoặc của Hội đồng do cấp quản lý đề tài, dự án tương ứng thành lập.

e) Giấy xác nhận đã nộp báo cáo kết quả nghiên cứu theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.

2. Tổ chức xét thưởng cấp Cơ sở:

a) Các công trình sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký và xét thưởng tại cơ sở có tư cách pháp nhân, nơi chủ trì tạo ra công trình, nơi quản lý tác giả công trình hoặc nơi tác giả đang làm việc.

Trong trường hợp các cơ sở nêu trên không còn tồn tại ở thời điểm đăng ký xét thưởng thì Bộ, Tỉnh, Thành phố và tương đương là cơ quan chủ quản cấp trên sau cùng của cơ sở nơi chủ trì tạo ra công trình có trách nhiệm chỉ định tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc có chuyên môn phù hợp với nội dung công trình tổ chức Hội đồng xét giải thưởng cấp Cơ sở.

Các công trình không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký và xét thưởng tại các Hội khoa học chuyên ngành hoặc Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành tương ứng.

Đối với những công trình khoa học xã hội không sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nhưng chưa có các hội khoa học chuyên ngành như xã hội học, tôn giáo, triết học phải được đăng ký và xét thưởng tại các Viện chuyên ngành tương ứng trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

b) Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở có từ 07 đến 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở phải là nhà khoa học có uy tín, am hiểu lĩnh vực khoa học của công trình. Trong trường hợp thiếu chuyên gia am hiểu công trình, Thủ trưởng đơn vị cơ sở có thể mời thêm chuyên gia bên ngoài tham gia Hội đồng giải thưởng cấp cơ sở.

c) Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở có trách nhiệm xem xét, đánh giá từng công trình: viết phiếu nhận xét (Biểu E1-3-KH, E1-3-CN, E1-3-UD) xác nhận danh sách đồng tác giả (nếu có), bỏ phiếu đánh giá (Biểu E1-4, E1-5), kiểm phiếu (Biểu E1-6, E1-7), lập biên bản đánh giá (Biểu E1-8) và gửi hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp Bộ đến các địa chỉ tương ứng sau:

- Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chủ quản;

- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đối với những công trình không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đăng ký xét thưởng qua các Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành).

Điều 13. Xét thưởng cấp Bộ

1. Hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp Bộ gồm:

a) Công văn đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước của Thủ trưởng đơn vị cơ sở.

b) Hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp cơ sở nêu tại Khoản 1, Điều 12 của Thông tư này.

c) Biên bản xét thưởng của Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở.

2. Tổ chức xét thưởng cấp Bộ:

a) Các đơn vị quản lý khoa học và công nghệ trực thuộc các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành, tỉnh thành phố) có trách nhiệm giúp thủ trưởng các bộ, ngành, tỉnh thành phố tổ chức Hội đồng giải thưởng cấp Bộ để đánh giá, xét chọn các công trình.

b) Hội đồng giải thưởng cấp Bộ có từ 09 đến 11 thành viên. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá, lựa chọn các công trình đạt tiêu chuẩn xét thưởng: viết phiếu nhận xét (Biểu E2-1-KH, E2-1-CN, E2-1-UD), bỏ phiếu đánh giá (Biểu E2-2, E2-3), kiểm phiếu (Biểu E2-4, E2-5) lập biên bản đánh giá (Biểu E2-6) và gửi hồ sơ đề nghị xét thưởng tới Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước.

Điều 14. Xét thưởng cấp Nhà nước tại các Hội đồng chuyên ngành

1. Hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp Nhà nước tại các Hội đồng chuyên ngành bao gồm:

a)

Công văn đề nghị xét thưởng của Thủ trưởng các cơ quan nêu tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13 của Thông tư này (theo Biểu E3-1-CV) và kèm theo các Phụ lục 1, 2 và 3

1 bản gốc

b)

Báo cáo tóm tắt công trình (theo các Biểu E1-1-KH, E1-1-CN hoặc E1-1-UD).

15 bản

(01 bản gốc và 14 bản sao)

c)

Bản giới thiệu tóm tắt công trình với danh sách tác giả (Biểu E1-2).

1 bản gốc

(kèm theo bản điện tử)

d)

Bản sao các văn bản, tư liệu liên quan đến công trình:

- Luận văn, sách chuyên khảo, bài báo (trang bìa và mục lục).

- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (nếu có).

- Nhận xét của tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả công trình.

- Giấy chứng nhận giám định công nghệ hoặc đo đạc, kiểm nghiệm sản phẩm khoa học và công nghệ của công trình (đối với những công trình là kết quả của các đề tài khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và được đánh giá nghiệm thu sau năm 2004)

- Tài liệu liên quan khác (nếu có).

Mỗi loại 15 bản

đ)

Biên bản đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ hoặc dự án sản xuất thử nghiệm của Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước hoặc Hội đồng đánh giá do cấp quản lý đề tài, dự ỏn tương ứng thành lập.

15 bản sao

e)

Biên bản xét thưởng của Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở và cấp Bộ.

Mỗi loại 15 bản

(01 bản gốc và 14 bản sao)

g)

Giấy xác nhận đã nộp báo cáo kết quả nghiên cứu theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 của Thông tư này.

1 bản sao

Khi có yêu cầu, tác giả, các đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, các đồng tác giả phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành viên Hội đồng được làm việc trực tiếp với bản gốc của văn bản, tài liệu liên quan đến công trình đã nêu tại Điểm d, Khoản 1 Điều này.

2. Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đề nghị xét thưởng cấp Nhà nước theo thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngày nhận hồ sơ được tính theo dấu bưu điện của Bưu điện Hà Nội (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc dấu “Văn bản đến” của Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ (trường hợp gửi trực tiếp).

Cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập có trách nhiệm cử các chuyên viên kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị xét thưởng.

4. Tổ chức xét thưởng cấp Nhà nước:

a) Hội đồng giải thưởng chuyên ngành có từ 11 đến 13 thành viên, gồm: các thành viên Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước có chuyên môn cùng lĩnh vực với Hội đồng chuyên ngành; các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, có chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình và đại diện các cơ sở đã áp dụng kết quả nghiên cứu của công trình. Hội đồng cử 01 thành viên làm thư ký khoa học của Hội đồng.

b) Hội đồng giải thưởng chuyên ngành phân công 03 chuyên gia viết nhận xét, đánh giá công trình (Biểu E3-2-KH, E3-2-CN, E3-2-UD). Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng giải thưởng chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mời thêm các chuyên gia am hiểu công trình, không phải là thành viên Hội đồng tham gia viết nhận xét, đánh giá về công trình.

c) Hội đồng giải thưởng chuyên ngành căn cứ tiêu chuẩn của mỗi loại giải thưởng để xem xét, đánh giá từng công trình và bỏ phiếu đánh giá (Biểu E3-3 đối với công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Biểu E3-4 cho công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước), đồng thời, lập biên bản kiểm phiếu (Biểu E3-5, E3-6), biên bản xét thưởng (Biểu E3-7), bản tổng hợp kết quả xét thưởng (Biểu E3-8) với danh sách công trình đề nghị tặng giải thưởng (theo hai loại giải thưởng tương ứng) trình Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước xem xét.

Thông tư 14/2010/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/08/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hoàng Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 591 đến số 592
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH