Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 14/2010/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho tác giả của công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ đã được sáng tạo, công bố, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) 02 tháng 9 năm 1945 đến nay, trong đó:

Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xét tặng cho tác giả của công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học và công nghệ; có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ của đất nước.

Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được xét tặng cho tác giả của công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng-an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

2. Thông tư này áp dụng đối với: tác giả, đồng tác giả của công trình, cụm công trình là người Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình khoa học và công nghệ được xét thưởng là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, bao gồm công trình nghiên cứu khoa học và công trình nghiên cứu công nghệ.

a) Công trình nghiên cứu khoa học được xét thưởng là công trình nghiên cứu, khám phá các quy luật tự nhiên và xã hội, các phát minh khoa học, các lý thuyết khoa học dẫn đến những thay đổi quan trọng trong nhận thức, có ảnh hưởng lớn trong khoa học, kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Công trình nghiên cứu công nghệ được xét thưởng, bao gồm Công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ và Công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt.

- Công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ tạo ra các giải pháp kỹ thuật mới, vật liệu mới, giống mới, sản phẩm mới dẫn tới những chuyển biến quan trọng đối với nền công nghệ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

- Công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt là công trình ứng dụng thành công và sáng tạo các thành tựu kỹ thuật trong các công trình kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước như công trình xây dựng - kiến trúc, công trình quốc phòng - an ninh và các công trình khác, có tác động quyết định đến hiệu quả của các công trình kinh tế - kỹ thuật đó.

2. Cụm công trình khoa học và công nghệ được xét thưởng, bao gồm:

a) Tập hợp các công trình của cùng một tác giả hoặc các đồng tác giả đã được xác định thuộc một lĩnh vực khoa học hoặc một lĩnh vực áp dụng.

b) Tập hợp các công trình do nhiều tác giả thực hiện độc lập, tạo ra cùng một kết quả nhưng sử dụng các phương pháp, nguyên lý, kỹ thuật khác nhau.

3. Công trình khoa học và công nghệ và cụm công trình khoa học và công nghệ được gọi tắt là công trình.

4. Tác giả công trình là người bằng lao động của mình trực tiếp sáng tạo ra công trình. Đồng tác giả công trình là hai người hoặc nhiều người bằng lao động của mình cùng trực tiếp sáng tạo ra công trình.

Những người chỉ giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, vật chất, kinh phí cho tác giả, đồng tác giả mà không trực tiếp tham gia sáng tạo ra công trình thì không được coi là tác giả, đồng tác giả công trình.

Điều 3. Quyền lợi của tác giả có công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ

Tác giả có công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ do Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tặng kèm theo tiền thưởng theo quy định của Chính phủ và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Thời gian xét tặng Giải thưởng

1. Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xét tặng và công bố 5 năm 1 lần vào dịp Quốc khánh 02 tháng 9.

2. Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được xét tặng và công bố 2 năm 1 lần vào dịp Quốc khánh 02 tháng 9.

Điều 5. Các cấp xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ

Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (dưới đây được gọi chung là xét thưởng) được tiến hành độc lập và theo 3 cấp:

1. Cấp Cơ sở: xét thưởng tại Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở do Thủ trưởng đơn vị cơ sở thành lập.

2. Cấp Bộ, Tỉnh, Thành phố và tương đương (sau đây gọi chung là cấp Bộ): xét thưởng tại Hội đồng Giải thưởng cấp Bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập.

3. Cấp Nhà nước: xét thưởng theo 2 bước:

- Bước 1: xét thưởng tại các Hội đồng giải thưởng chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập trên cơ sở thống nhất với Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

- Bước 2: xét thưởng tại Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (dưới đây gọi tắt là Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước) do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Điều 6. Trách nhiệm công khai kết quả xét tặng giải thưởng

Trước khi gửi Hồ sơ đề nghị xét thưởng lên Hội đồng giải thưởng cấp trên, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng giải thưởng cấp Cơ sở và cấp Bộ có trách nhiệm thông báo công khai trên một số phương tiện thông tin của nhà nước hoặc của Bộ ngành về kết quả xét thưởng trong đơn vị mình trong thời gian 10 ngày làm việc sau khi có kết quả xét thưởng (Biểu E1-2).

Điều 7. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét thưởng; cá nhân có quyền tố cáo về những hành vi vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét thưởng và chịu trách nhiệm về các nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

a) Đơn khiếu nại của tổ chức phải ghi rõ tên cơ quan, đơn vị khiếu nại, lý do khiếu nại, nội dung khiếu nại; có dấu và chữ ký của cấp có thẩm quyền.

b) Đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân phải ghi rõ họ, tên, chức danh, địa chỉ người khiếu nại, tố cáo, lý do khiếu nại, tố cáo, nội dung khiếu nại, tố cáo và có chữ ký trực tiếp vào đơn.

c) Đơn khiếu nại, tố cáo lần đầu được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng giải thưởng nơi mà tổ chức, cá nhân thấy vi phạm.

2. Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng giải thưởng, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền nhận đơn khiếu nại, tố cáo, có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định; không xem xét đơn không ghi đầy đủ các nội dung quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này hoặc đơn nặc danh.

Thông tư 14/2010/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/08/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hoàng Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 591 đến số 592
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH