Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 133-TCTK/NN

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1969

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC TÍNH NĂNG SUẤT LÚAVÀ LƯƠNG THỰC BÌNH QUÂN TRÊN MỘT ĐƠN VỊ DIỆN TÍCH (HÉCTA) CANH TÁC TRONG MỘT NĂM

Ngày 07-8-1967 Tổng cục Thống kê đã ra thông tư số 721-TCTK/NN quy định phương pháp tính năng suất lúa và lương thực bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác trong một năm.

Căn cứ vào thông tư trên, cuối năm 1967, nhiều địa phương đã tính được năng suất lúa bình quân trên chân ruộng hai vụ lúa trong một năm (1]).

Song, đây là một chỉ tiêu tính toán tổng hợp tương đối phức tạp, nó đòi hỏi các cuộc điều tra kết thúc diện tích gieo trồng, điều tra năng suất, sản lượng các loại cây trồng (lúa, các loại màu lương thực) phải mở rộngthêm chỉ tiêu, mở rộng phạm vi điều tra, cải tiến phương pháp thu thập, tổng hợp số liệu thì mớibảođảmnguồn số liệu tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tính toán.

Nhưng do thời gian chuẩn bị quá gấp, các địa phương lại còn ít kinh nghiệm nên việc tính toán trong năm qua còn bộc lộ một số nhược điểm, khuyết điểm và tồn tại.

Để đảm bảo cho công tác tính toán trong những năm tới thực hiện đúng những điểm quy định trong thông tư số 721-TCTK/NN ngày 07-8-1967, Tổng cục Thống kê ra thông tư này lưu ý các địa phương thêm một số điểm sau đây:

I. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC TÍNH NĂNG SUẤT LÚA VÀ LƯƠNG THỰC BÌNH QUÂN TRÊN MỘT ĐƠN VỊ DIỆN TÍCH CANH TÁC TRONG NĂM 1967.

Nhìn chung việc tính chỉ tiêu năng suất lúa và lương thực bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác trong năm 1967 đã đạt được một số kết quả bước đầu như sau:

- Sau khi nhận được thông tư số 721-TCTK/NN của Tổng cục Thống kê, hầu hết các tỉnhđãkhẩn trương mở hội nghị đại biểu các ngành liên quan, đại biểu Ủy ban hành chính các huyện để phổ biến nội dung thông tư và hướng dẫn cụ thể cách tính toán cho cấp dưới. Một số địa phương còn in thông tư gửi tới xã, hợp tác xã nông nghiệp để phổ biến rộng rãi cho cán bộ và nhân dân.

- Để có số liệu về diện tích, năng suất, sản lượng đầy đủ, chính xác, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tính toán, một số địa phương đã cố gắng tăng cường lãnh đạo các cuộc điều tra về diện tích, năng suất và sản lượng. Một số địa phương đã bổ sung một số chỉ tiêu điều tra diện tích gieo trồng mà trước đây chưa điều tra, như diện tích lúa thực cấy trên chân ruộng hai vụ lúa, diện tích lúa dành cho chăn nuôi tập thể, diện tích lúa của xã viên làm riêng.

Nhiều địa phương đã chuyển phương pháp điều tra kết thúc diện tích gieo cấy từ cách khai báo sang phương pháp dựa vào đồ bản để đối chiếu với thực địa, kiểm tra xác minh từng thửa có gieo trồng hoặc không gieo trồng.

Về điều tra năng suất, sản lượng, 10 tỉnhđãmở rộng diện gặt thống kê ra tất cả các hợp tác xã trong tỉnh, 7 tỉnh đã mở rộng diệngặt thống kê ra các hợp tác xã trong một số lớnhuyện. Nhiều tỉnh đã tiến hành điều tra và tính riêng được năng suất lúa trên chân ruộng hai vụ lúa.

- Trên cơ sở số liệu về diện tích và năng suất, sản lượng đã thu thập và xác minh được, cuối năm 1967 nhiều tỉnh đã tiến hành tính được năng suất lúa bình quân trên chân ruộng hai vụ thực tế có cấy lúa trong năm cho một số hợp tác xã, xã, huyện và toàn tỉnh. Theo số liệu của các tỉnh tổng hợp lại thì trong năm 1967, toàn miền Bắc đã tính được 2.485 hợp tác xã, 868 xã, 30 huyện và 2 tỉnh đạt mục tiêu 5 tấn thóc trở lên 1 hécta.

Việc tính toán và xác minh được năng suất lúa bình quân cả năm trên chân ruộng hai vụ lúa, chẳng những đã có tác dụng giúp cho các đơn vị, các địa phương đánh giá đúng thành tích, kết quả sản xuất, làm cơ sở cho việc kiểm tra mức độ phấn đấuđạtmục tiêu “5 tấn thóc 1 hécta” của địa phương, của đơn vị mình, mà còn có tác dụng động viên, cổ vũ phong trào quần chúng rộng rãi tiến lên đạt và vượt mục tiêu “5 tấn thóc 1 hécta” của Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Song, bên cạnh những thành tích trên thì công tác tính toán còn bộc lộ một số nhược điểm, khuyết điểm và tồn tại sau đây:

- Hầu hết các địa phương chưa bảo đảm tính được đầy đủ hai chỉ tiêu về năng suất lúa và năng suất lương thực bình quân theo như thông tư đã quy định, mà chỉ mới tính được năng suất lúa. Và, ngay đối với lúa, nhiều tỉnh cũng chỉ tính được năng suất lúa bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác trong một năm cho những đơn vị có khả năng đạt 5 tấn thóc trở lên 1 hécta, chưa tính được cho tất cả các đơn vị, các địa phương trong tỉnh.

- Mức độ chính xác của số liệu nói chung chưa cao, ở một số nơi, số liệu về năng suất đã tính toán được cóxu hướng cao hơn thực tế.

- Việc kiểm tra, xét duyệt và công bố đơn vị đạt chỉ tiêu “5 tấn thóc 1 héc ta” ở nhiều địa phương làm chưa chặt chẽ, chưa đúng với những điều đã quy định. Báo cáo của nhiều địa phương gửi lên cấp trên còn chậm.

Sở dĩ có những khuyết điểm và tồn tại trên là do:

Về khách quan, công tác tính hai chỉ tiêu trên còn mới mẻ, khối lượng tính toán rất lớn, nội dung tính toán phức tạp, thời gian lại khẩn trương, nhưng kinh nghiệm còn ít; do đó việc tính toán năm đầu khó tránh khỏi những thiếu sót.

Nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan sau đây:

a) Nhận thức của nhiều cán bộ đối với việc tính toán hai chỉ tiêu nóitrên chưa đầy đủ và chưa đúng đắn.

Ở nhiều địa phương, do không tính chỉ tiêu năng suất lương thực bình quân trên một hécta trong năm, cho nên đã không nói lên được thành tích thâm canh tăng năng suất của nông dân xã viên trên chân ruộng một vụ lúa và trên đất trồng màu, điều đó hạn chế việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện của Đảng.

Do tư tưởng thành tích, trong khichỉ đạo tính toán, có nơi, có lúc, một số đồng chí cán bộ lãnh đạo một số địa phương đã dùng cách này hay cách khác để kích năng suất, sản lượng của địa phương, của đơn vị mình lên cao hơn thực tếđểcho địa phương mình, đơn vị mình đạt hoặc vượt 5 tấn thóc 1 hécta.

Tình hình trên dẫn đến việc chấp hành những nguyên tắc và quy định về tính toán còn có nhiều sai sót, tình trạng tính toán tùy tiện còn khá phổ biến:

- Một số địa phương đã tùy tiện điều chỉnh số liệu điều tra kết thúc diện tích gieo trồng bằng cách gạt bớt một số diện tíchcủa chân ruộng hai vụ lúa mà có năng suất thấp ra ngoài, lấy lý do là ruộng cấy cưỡng ổn định và cấy ngoài xã, mục đích là để tạo ra năng suất bình quân cao hơn thực tế nhằm mục tiêu thi đua;

- Một số địa phương khác đã tuỳ tiện điều chỉnh năng suất, sản lượng lên cao hơnthực tế bằng cáchcộng thêm sản lượng vụ thu không thuộc chân ruộng hai vụ lúa vào sản lượng chân ruộng hai vụ lúa để tính, hoặc hạ thấp năng suất lúa trên chân ruộng một vụ, nâng năng suất lúa trên chân ruộng hai vụ lên mà vẫn giữ nguyên được tổng sản lượng lúa.

b) Tổ chức bộ máy thống kê và công tác thống kê còn quáyếu. Nhiều địa phương chưa phân công cán bộ có trình độ khá chuyên trách theo dõi, kiểm tra việc tính toán như thông tư quy định. Một số nơi, trước đây có cán bộ làm việc lâu năm, thành thạo về nghiệp vụ chuyên trách công tác này, nhưng gần đây lại chuyển đi bộ đội hoặc công tác khác không được bổ sung kịp thời, hoặc mới được bổ sung nhưng trình độ và khả năng nghiệp vụ quá yếu:

Ở nhiều địa phương, công tác điều tra thống kê kém phát triển. Do đó, chưa bảo đảm việc thu thập, xác minh số liệu về diện tích, năng suất, sản lượng một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác, nhất là việc xác minh cụ thể diện tích lúa thực cấy trên chân ruộng hai vụ lúa, năng suất lúa và năng suất lương thực bình quân như thông tư quy định. Do thiếu số liệu điều tra thống kê, nên ở một số địa phương, cấp huyện nhận định và tự đề rasố liệu cho xã, hợp tác xã, hoặc chỉ dựa vào báo cáo rất sơ bộ của cơ sở mà không có kiểm tra, xem xét đầy đủ.

Tất cả tình hình trênđãảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của số liệu.

Ngoài ra, việc xét duyệt, công nhận, công bố số liệu và việc chấp hành chế độ báo cáo cũng còn tùy tiện, chưa theo đúng tinh thần và nội dung như thông tư đã quy định. Một số đơn vị khi báo cáo kết quả thâm canh tăng năng suất thì báo cáo số liệu cao, nhưng khi báo cáo số liệuđể nhận nhiệm vụ thu mua lương thực thì lại báo cáo số liệu thấp, không dựa vào nguồn số liệu thống nhất của ngành thống kê.

Những thiếu sót và tồn tại trên gây rất nhiều khó khăn cho việc tính toán, xác minh chỉ tiêu năng suất bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác trong năm, ảnh hưởng không tốt đến việc đánh giá kết quả sản xuất, đến việc nhận định phong trào thi đua thâm canh tăng năng suất của một số địa phương và đến việc nghiên cứu các vấn đề liên quan khác.

II. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC TÍNH NĂNG SUẤT LÚA VÀ LƯƠNG THỰC BÌNH QUÂN TRÊN MỘT ĐƠN VỊ DIỆN TÍCH CANH TÁC TRONG NĂM TRONG THỜI GIAN TỚI.

Để phát huy kịp thời ưu điểm và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, tồn tại, bảo đảm cho công tác tính toán được đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng thông tư quy định, cung cấp được số liệu ngày càng tốt hơn cho cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, Tổng cục Thống kê lưu ý các địa phương một số vấn đề sau:

Như thông tư số 721-TCTK/NN ngày 7-8-1967 của Tổng cục Thống kê đã quy định, hàng năm tất cả các đơn vị, các địa phương phải tính toán và báo cáo được hai chỉ tiêu:

a) Năng suất lúa bình quân trên đơn vị diện tích canh tác thực tế có cấy hai vụ lúa trong năm;

b) Năng suất lương thực (quy thóc) bình quân một hécta trên toàn bộ diện tích canh tác thực tế có trồng cây lương thực trong năm.

Công thức và phương pháp tính toán cụ thể hai chỉ tiêu trên cần theođúng như thông tư số 721-TCTK/NN ngày 07-8-1967 của Tổng cục Thống kê quy định. Ở đây, chúng tôi xin nhắc và nhấn mạnh thêm một số điểm như sau:

a) Công thức tính chỉ tiêu năng suất lúa bình quân một hécta trên diện tích canh tác hai vụ lúa thực tế có gieo trồng lúa trong năm là (công thức I):

Năng suất lúa bình quân một hécta trong năm trên toàn bộ diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm

=

(Sản lượng lúa vụ chiêm trên diện tích canh tác hai vụ lúa) + (Sản lượng lúa vụ mùatrên diện tích canh tác hai vụ lúa)

Toàn bộ diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm

Hoặc có thể dùng công thức sau đây (công thức II):

Năng suất lúa bình quân một hécta trong năm trên toàn bộ diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm

=

Năng suất lúa bìnhquânmột hécta vụ chiêm trên diện tích canh tác hai vụ lúa

+

Năng suất lúa bình quân một hécta vụ mùa trên diện tích canh tác hai vụ lúa

- Trong công thức I:

Năng suấtbình quân một hécta trong năm trêndiện tích canh tác hai vụ lúa trong năm

=

(Sản lượngvụ chiêm trên diện tích canh tác hai vụ lúa) + (Sản lượng vụ mùa trên diện tích canh tác hai vụ lúa) + (Sản lượng vụ thu trên diện tích canh tác ba vụ lúa, nếu có)

Toàn bộ diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm

- Trong công thức II:

(Năng suấtbình quân một hécta trong năm trên diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm) = (Năng suất bình quân một hécta vụ chiêm trên diện tích canh tác hai vụ lúa) + (Năng suất bình quân một hécta vụ mùa trên diện tích canh tác2 vụ lúa) + (Sản lượng lúavụ thu tính bình quân chomột hécta diện tích canh tác hai vụ lúa, nếu có).

b) Công thức tính chỉ tiêu năng suất lương thực bình quân một hécta trên toàn bộ diện tích canh tác thực tế trong năm có gieo trồng cây lương thực là:

Năng suất lương thực bình quân một hécta trên toàn bộ diện tích canh tác thực tế trong năm có gieo trồng cây lương thực

=

Tổng sản lượng lương thực cả năm (quy ra thóc)

Toàn bộ diện tích canh tác trồng cây lương thực trong năm

Để bảođảm tính đúng hai công thức trên, thống nhất trong toàn miền Bắc, cần lưu ý các điểm sau đây:

Về chỉ tiêu năng suất lúa:

Diện tích lúa để tính chỉ tiêu này là diện tích canh tác thực tế trong năm có cấy hai vụ lúa chính của tất cả các thành phần kinh tế, không phân biệt diện tích có cấy trong xã hay, ngoài xã. Hai vụ chính trong năm là bao gồm một vụ chiêm (hoặc xuân) và một vụ mùa:

Như vậy có nghĩa là trên diện tích canh tác hai vụ lúa nhưng trong năm chỉ cấy một vụ lúa (chiêm, thu hoặc mùa), hoặc một vụ chính và vụ thu, hoặc vì lý do gì mà trong năm không cấy được thì những diện tích đó đều không tính.

Diện tích canh tác mà mấy năm trước đây chỉ cấy một vụlúa hoặc hai vụ lúa trong đó một vụ cấy cưỡng, nhưng nay nhờ đã giải quyết được thủy lợi nên đã chuyển lên làm hai vụ lúa chính trong năm tương đối ổn định (kể cả một vụ cấy cưỡng nhưng ăn chắc) thì những diện tích đó đều tính cả.

- Năng suất, sản lượng lúa để tính chỉ tiêu này là năng suất, sản lượng lúa vụ chiêm,vụ thu,vụmùa trên diện tích canh tác hai vụ lúa, hai vụ lúa một vụ màu hoặc ba vụ lúa. Vì vậy năng suất được tính là năng suất bình quân một hécta vụ chiêm trên diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm cộng với (+) năng suất bình quân một hécta vụ mùa trên diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm cộng với (+) sản lượng lúa thu tính bình quân cho một hécta diện tích canh tác hai vụ lúa trong năm. Sản lượng lúa thutính bình quân cho một hécta diện tích canh táchai vụ lúa tính bằng cách lấy sản lượng lúa thuchia cho (:) toàn bộ diện tích canh tác 2 vụ lúa. Khi lấy sản lượng lúa thu chia cho (:) toàn bộ diện tích canh tác hai vụ lúa thì chỉ lấy sản lượng lúa thu trên những diện tích nào thực tế có cấy ba vụ lúa trong năm.

Các địa phương phải có kế hoạch bố trí điều tra và tính riêng được năng suất lúa trên chân ruộng hai vụ lúa. Trường hợp do hoàn cảnh khó khăn quá không tổ chức điều tra, xác minh được năng suất lúa bình quân trên chân ruộng hai vụ lúa thì phảidùng năng suất bình quân chung các chân ruộng, nhưng phải được sự đồng ý của cấp trên.

Về chỉ tiêu năng suất lương thực (quy thóc) bình quân:

- Diện tích lương thực để tính là diện tích canh tác trong năm thực tế có trồng cây lương thực của tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm diện tích chuyên trồng lúa (một, hai hoặc ba vụ lúa), diện tích vừa trồng lúa vừa trồngmàu (một lúa hai màu, hai lúa một màu, một lúa một màu) và diện tích chuyên trồng màu như trồng khoai lang, sắn, ngô, các loại khoai khác, mỳ mạch, cao lương. Diện tích này là bao gồm cả diện tích trồng trong xã hoặc ngoài xã. Đối với những diện tích vừa trồng màu lương thực vừa trồng cây công nghiệp, nếu trồng màu lương thực là chủ yếu thì vẫn tính vào chỉ tiêu này.

- Sản lượng lương thực để tính là sản lượng thực quy thóc trong năm bao gồm sản lượng lúa chiêm, lúa thu, lúa mùa, sản lượng khoai lang, sắn, ngô, các loại khoaikhác, mỳ mạch, cao lương thuộc các chân ruộng quy định trên.

Tổng cục Thống kê đã có thông tư quy định màu lương thực quy thóc như sau:

1kg ngô hạt

=

1 kg thóc

3 kg khoai lang tươi

=

1 kg thóc

3 kg sắn tươi

=

1 kg thóc

5 kg giong riềng

=

1 kg thóc

5 kg khoai nước

=

1 kg thóc

Riêng mỳ mạch, cao lương và các loại khoai khác trongthông tư số 815-TCTK/NN ngày 04-9-1967 chưa quy định, nay quy định như sau:

1 kg mỳ mạch, cao lương

=

1 kg thóc

5 kg khoai khác

=

1 kg thóc

Nguồn số liệu để tính toán hai chỉ tiêu trên phải là số liệu chính thức của ngành thống kê:

- Số liệu về diện tích gieo trồng là số liệu điều tra kết thúc diện tích gieo trồng của từng vụ trong năm của ngành thống kê. Nếu thấy số liệu điều tra có chỗ chưa hợp lý thì giao cho ngành thống kê và các ngành có liên quan tổ chức xác minh lại số liệu trước khi sử dụng, nhất thiết không được tuỳ tiện thay đổi số liệu điều tra thống kê theo ý kiến chủ quan của mình. Ở những nơi vì lý do gì đó màkhông có số liệu điều tra thống kê thì phải tổ chức kiểm tra xác minh số liệu báo cáo tiến độ sản xuất cuối cùng, và trong trường hợp này các đồng chí lãnh đạo đơn vị sản xuất đó, địa phương đó phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của số liệu đó.

- Số liệu về năng suất sản lượng lúa thì phải thống nhất đúng số liệu gặt thống kê của từng vụ, không được dùng số liệu ước tính. Trường hợp không tổ chức điều tra được thì phải báo cáo cấp trên và tiến hành kiểm tra lại số liệu về sản lượng thựcthu cuối cùng của các hợp tác xã để sử dụng; các đồng chí lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của số liệu.

Riêng năng suất sản lượng màu thì dùng số liệu thực thu cuối cùng của hợp tác xã nhưng phải kiểm tra lại số liệu và tính toán cho chính xác trong khi chưa có điều kiện gặt thống kê.

Muốn bảo đảm tính toán và báo cáo được đầy đủ hai chỉ tiêu trên, các địa phương cần tích cực tiến hành tốt các biện pháp cụ thể sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho cán bộ và nhân dân quán triệt đầy đủ mụcđích nội dung tính toán các chỉ tiêu nói trên. Trên cơ sở đó khắc phục kịp thời những nhận thức, khuynh hướng, tư tưởng và hành động không đúng trong quá trình tính toán.

2. Cần quan tâm tăng cường và củng cố bộ máy thống kê nhất là thống kê huyện, xã, hợp tác xã nông nghiệp, bảo đảm có đủ cán bộ thống kê chuyên trách, đồng thời tăng cường việc huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ để cán bộ thống kê có khả năng làm tròn nhiệm vụ.

Đi đôi với việc tăng cường, củng cố bộ máy thống kê, cần tăng cường chỉ đạo các mặt công tác thống kê, nhất là chỉ đạo các cuộc điều tra, như điều tra kết thúc diện tích gieo trồng, điều tra năng suất, sản lượng lúa, màu lương thực, hướng dẫn cho cấp dưới chấp hành đúng nội dung, nguyên tắc và phương pháp điều tra đã quy định.

3. Song song với việc tính toán hai chỉ tiêu trên phải tiến hành xét duyệt, công nhận các đơn vị đạt mục tiêu 5 tấn thóc trở lên 1 hécta và báo cáo về Tổng cục Thống kê theo những điều đã quy định.

Tổng cục Thống kê yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố sau khi nhậnđược thông tư này, liên hệ kiểm điểm lại tình hình thực hiện của địa phương, kịp thời có biện pháp uốn nắn lại những lệch lạc đã bộc lộ trong năm qua, tổ chức phổ biến cho các ngành liên quan, các huyện cho đến ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp, bảo đảm cho việc tính năng suất lúa và màu lương thực của các đơn vị và địa phương trong năm 1968 và các năm tới được tiến hành chặt chẽ theo quy định thống nhất và đạt mức độ chính xác cao như đã nêu trong thông tư số 721-TCTK/NN nói trên.

Rất mong Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố quan tâm giải quyết tốt vấn đề này.





TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỒNG KÊ




Nguyễn Đức Dương

(1) Nếu có cấy lúa thu thì làba vụ lúa; ở đây nói chung là ruộng hai vụ lúa

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 133-TCTK/NN-1969 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tính năng suất lúa và lương thực bình quân trên một đơn vị diện tích (hécta) canh tác trong một năm do Tổng cục Thống kê ban hành

  • Số hiệu: 133-TCTK/NN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/02/1969
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Nguyễn Đức Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản