Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-PC

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 1987

THÔNG TƯ

SỐ 13-PC NGÀY 7-9-1987 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

Hội đồng Bộ trưởng đã công bố Nghị định số 121-HĐBT ngày 15-8-1987 ban hành Điều lệ Bưu chính và viễn thông để thay thế các Nghị định số 91-CP ngày 2-5-1973, 94-CP ngày 7-5-1973 ban hành các Điều lệ gửi, nhận và chuyển phát bưu phẩm bưu kiện, thông tin điện báo, điện thoại và các Nghị định số 344-TTg, số 345-TTg ngày 25-9-1959 về quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Hội đồng Bộ trưởng giao, Tổng cục Bưu điện hướng dẫn việc thi hành Điều lệ như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ

Điều lệ Bưu chính và viễn thông đề cập một cách toàn diện về công tác quản lý các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông, nhằm những mục đích và yêu cầu sau đây:

1. Ngành Bưu điện được quyền quản lý thống nhất trong cả nước mạng lưới và các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông. Điều 2 của Điều lệ đã xác định " ngành Bưu điện có nhiệm vụ:

a) Tổ chức kinh doanh các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông ở trong nước và với nước ngoài.

b) Quản lý Nhà nước các mạng lưới bưu chính và viễn thông chuyên dùng theo quy định của Điều lệ này.

c) Ban hành các thể lệ, quy chế quản lý nghiệp vụ bưu chính viễn thông trong nước; thực hiện các công ước, hiệp định, thể lệ bưu chính, viễn thông quốc tế nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận".

Việc quản lý thống nhất trong cả nước mạng lưới và các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông nhằm tăng cường chất lượng thông tin liên lạc, nâng cao năng suất lao động, tận dụng công suất thiết bị để đem lại hiệu quả ngày càng cao, khắc phục tình trạng phân tán hiện nay về mạng lưới, về vốn đầu tư, về trang thiết bị, về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Việc quản lý thống nhất trong cả nước mạng lưới và các nghiệp vụ bưu chính viễn thông còn nhằm kết hợp chặt chẽ mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia với các mạng lưới bưu chính, viễn thông chuyên dùng, tạo nên mạng lưới bưu chính viễn thông đồng bộ của cả nước, phục vụ tốt nhất 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Chuyển hẳn các hoạt động bưu chính, viễn thông của ngành Bưu điện từ chế độ bao cấp sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa và thực hiện hạch toán kinh tế:

Ngành Bưu điện có trách nhiệm khai thác mạng lưới bưu chính viễn thông quốc gia, mở các nghiệp vụ bưu chính viễn thông để phục vụ nhu cầu truyền tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế xã hội và nhân dân với chất lượng ngày càng cao và trong thời gian trước mắt, phải phục vụ tốt 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước. Thông qua hiệu quả phục vụ, ngành Bưu điện có trách nhiệm phát triển mạng lưới, mở rộng nghiệp vụ và mở rộng diện phục vụ. Vì vậy, bưu điện phải hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và thực hiện hạch toán kinh tế, lấy đó làm phương tiện cơ bản để phát triển ngành và để phục vụ ngày càng tốt hơn.

Để đạt được mục đích trên, tại điều 48 của Điều lệ, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định: "Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng bưu điện, đều phải trả cước phí". Cước phí bưu điện được tính toán đủ để bù đắp các chi phí hợp lý và có tích luỹ để tái sản xuất mở rộng.

3. Nâng cao trách nhiệm của ngành Bưu điện trong việc phục vụ người sử dụng bưu điện, chống mọi hiện tượng tiêu cực, cửa quyền trong ngành Bưu điện:

Trách nhiệm của ngành Bưu điện như đã ghi trong Điều lệ, trước hết là mở rộng mạng lưới, mở rộng các nghiệp vụ, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để phục vụ người sử dụng bưu điện với chất lượng ngày càng cao.

Trách nhiệm của ngành Bưu điện còn thể hiện ở chỗ "Nếu do lỗi của Bưu điện gây nên mất, hưu hỏng, chậm trễ bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu phẩm bưu kiện khai giá, phiếu chuyển tiền, điện báo, điện thoại hoặc để kênh và các loại thiết bị viễn thông cho thuê bị hư hỏng không hoạt động được thì cơ sở bưu điện phạm lỗi không được thu cước hoặc phải hoàn lại cước đã thu và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Điều lệ này (điều 50). Việc khiếu nại, bồi thường bưu phẩm, bưu kiện đã được Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể, công bằng theo pháp luật của Nhà nước và công ước, thể lệ bưu chính quốc tế. Tại điều 57, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã quy định những trường hợp mà Bưu điện không phải bồi thường, đặc biệt là không bồi thường những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại gián tiếp khác.

Trong nội bộ ngành Bưu điện, phải nghiêm túc chống mọi biểu hiện trái pháp luật như làm lộ bí mật thông tin, trộm cắp tài sản, vật phẩm, hàng hoá của Nhà nước và của công dân, gửi qua bưu điện, chống mọi biểu hiện cửa quyền, thiếu trách nhiệm như thu cước khống, nâng cước tuỳ tiện, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại, có thái độ thiếu văn hoá với người sử dụng bưu điện...

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢN ĐIỀU LỆ

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền bản Điều lệ:

a) Tổng cục Bưu điện đề nghị các ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các cơ quan, các cấp thuộc quyền tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung bản Điều lệ đến mọi cán bộ, viên chức, mọi chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang và đến mọi công dân. Đặc biệt, cần nêu rõ được vai trò và tác dụng của bưu chính, viễn thông đối với ngành, địa phương mình, trách nhiệm và quyền của Bưu điện trong việc quản lý các mạng lưới bưu chính viễn thông và trong việc phục vụ người sử dụng bưu điện, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và công dân trong việc bảo vệ mạng lưới bưu chính, viễn thông và trong việc sử dụng bưu điện, trách nhiệm của ngành, địa phương mình trong việc thực hiện bản Điều lệ.

d) ở các tỉnh, thành phố, đặc khu, bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu phải làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền bản Điều lệ, đề xuất với địa phương những chủ trương, biện pháp, hình thức tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân ở địa phương để việc thi hành Điều lệ và những quy định khác của Nhà nước và của địa phương có liên quan đến hoạt động bưu chính, viễn thông được nghiêm túc, đầy đủ.

2. Tổ chức cụ thể hoá các quy định trong Điều lệ:

a) Trong thời gian trước mắt, Tổng cục Bưu điện sẽ trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những chế định về việc xuất nhập khẩu tem chơi, về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban phân bổ tần số quốc gia, về quản lý thống nhất vật tư viễn thông và về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư sau khi trao đổi thống nhất với các ngành có liên quan.

Trong ngành Bưu điện, Tổng cục Bưu điện sẽ ban hành ngay những chế định nhằm chống mọi hiện tượng tiêu cực, mọi biểu hiện cửa quyền để bảo đảm quyền của người sử dụng bưu điện như giải quyết khiếu nại và bồi thường bưu phẩm bưu kiện, thanh toán cước phí bưu điện...

b) Tổng cục Bưu điện sẽ cùng với các Bộ, ngành quy định chi tiết những nội dung có liên quan, trước hết là những nội dung sau đây:

- Vận chuyển thư báo.

- Xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.

- Xuất nhập khẩu bưu phẩm bưu kiện.

- Trả bưu phẩm, bưu kiện, điện báo trong các cơ quan, tổ chức và lực lượng vũ trang.

- Quản lý mạng lưới viễn thông chuyên dùng.

- Quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện, đặc biệt là quản lý nghiệp vụ vô tuyến điện lưu động (hàng không, hàng hải).

- Chống nhiễu cho các mạng lưới viễn thông.

- Xây dựng các công trình viễn thông.

- Đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật viễn thông.

- Xử phạt hành chính.

- Bảo vệ mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia.

c) Về phần mình, căn cứ vào chức năng quản lý Nhà nước, chức trách nhiệm vụ và căn cứ vào nội dung Điều lệ, Tổng cục Bưu điện sẽ bổ sung, sửa đổi những thể lệ nghiệp vụ và quy chế quản lý hiện hành, ban hành những thể lệ, quy chế và quy trình kỹ thuật mới trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Tổng cục Bưu điện sẽ chỉ đạo Bưu điện các tỉnh, thành phố, đặc khu giúp Uỷ ban Nhân dân địa phương xây dựng các nội quy, quy ước, quy định về việc bảo vệ các công trình bưu chính viễn thông, về việc sử dụng bưu điện và về các điều kiện phải bảo đảm để mạng lưới bưu chính, viễn thông ở địa phương hoạt động liên tục.

3. Quyền và nghĩa vụ của các ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp trong việc thi hành Điều lệ:

Là một bộ phận của kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia cần được "nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ và giảm nhẹ tình trạng lạc hậu về thông tin liên lạc, hiện đại hoá những khâu có điều kiện" như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 đã chỉ rõ.

Song song với nỗ lực phấn đấu chủ quan của ngành Bưu điện, Tổng cục Bưu điện đề nghị các ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp:

a) Đối với các ngành:

- Bảo đảm các điều kiện để mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia hoạt động tốt và liên tục.

Tổng cục Bưu điện sẽ cùng với các ngành có liên quan như Nội vụ, Điện lực, Hải quan, Giao thông vận tải v.v... quyết định những điều kiện cần thiết mà các ngành có trách nhiệm bảo đảm.

- Phối hợp và giúp đỡ ngành Bưu điện trong việc nâng cao chất lượng các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông, nhất là trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để từng bước hiện đại hoá mạng lưới, kịp với yêu cầu trong nước và trình độ của thế giới.

- Thực hiện những quy định của ngành Bưu điện về quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ. Đối với những ngành có mạng lưới viễn thông chuyên dùng, ngành bưu điện sẽ tổ chức đăng ký và sẽ cùng với từng ngành bàn chi tiết việc thi hành những nội dung ghi trong Điều lệ.

b) Đối với Uỷ ban Nhân dân các cấp:

Chỉ đạo ngành Bưu điện và các ngành ở địa phương:

- Củng cố và phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông ở địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.

- Kiểm tra, đôn đốc và tạo các điều kiện về cơ sở vật chất cho Bưu điện địa phương trong việc nâng cao chất lượng các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông ở địa phương, trước hết phải bảo đảm yêu cầu phục vụ sự phát triển kinh tế, phục vụ công tác trị an và công tác củng cố quốc phòng ở địa phương.

- Chỉ đạo Bưu điện địa phương định kỳ báo cáo trước Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân địa phương về việc thực hiện kế hoạch, về chất lượng phục vụ, về bảo đảm quyền của người sử dụng Bưu điện và về việc chống những hiện tượng tiêu cực, cửa quyền trong nội bộ ngành Bưu điện ở địa phương.

- Tổ chức bảo vệ mạng lưới bưu chính, viễn thông và các cơ sở Bưu điện ở địa phương.

- Xoá bỏ mọi biểu hiện bao cấp, chuyển mọi hoạt động bưu chính, viễn thông ở địa phương sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hạch toán kinh tế.

Trong quá trình thi hành Điều lệ này, Tổng cục Bưu điện mong được sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ của các ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp và mong được sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát, của nhân dân.

Đặng Văn Thân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-PC-1987 hướng dẫn thi hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông do Tổng cục Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 13-PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/09/1987
  • Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Đặng Văn Thân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 22/10/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản