Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2013/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM VIÊN TÀU CÁ

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ; các hạng đăng kiểm viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyền hạn, trách nhiệm của đăng kiểm viên tàu cá.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễm nhiệm đăng kiểm viên tàu cá.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Đăng kiểm viên tàu cá (sau đây gọi tắt là đăng kiểm viên) là công chức, viên chức, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc các chuyên ngành vỏ tàu, máy tàu, điện tàu thuỷ, cơ khí tàu thuyền, khai thác thuỷ sản, nhiệt lạnh, đảm bảo an toàn hàng hải; đã được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá và được bổ nhiệm đăng kiểm viên tàu cá theo quy định của Thông tư này.

Điều 3. Các hạng Đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên được phân thành các hạng:

1. Đăng kiểm viên hạng III;

2. Đăng kiểm viên hạng II;

3. Đăng kiểm viên hạng I.

Chương II

CÁC HẠNG ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 4. Đăng kiểm viên hạng III

1. Nhiệm vụ:

a) Thẩm định thiết kế thi công, hoàn công trong quá trình đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá;

b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật hàng năm các loại tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam theo chuyên ngành đã được đào tạo;

c) Kiểm tra vật liệu, máy móc, trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá;

d) Lập hồ sơ đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra;

đ) Tính phí, lệ phí đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra;

e) Nghiên cứu, góp ý cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm.

2. Trình độ chuyên môn:

a) Đã tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu, máy tàu, điện tàu thuỷ, cơ khí tàu thuyền, khai thác thuỷ sản, nhiệt lạnh, đảm bảo an toàn hàng hải;

b) Được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng kiểm viên hạng III;

c) Có ngoại ngữ Anh văn trình độ A trở lên;

d) Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm tối thiểu là 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên.

Điều 5. Đăng kiểm viên hạng II

1. Nhiệm vụ:

Ngoài các nhiệm vụ như đối với Đăng kiểm viên tàu cá hạng III, Đăng kiểm viên tàu cá hạng II còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Xét duyệt thiết kế đóng mới, cải hoán, thiết kế khôi phục hồ sơ kỹ thuật các loại tàu cá, trừ tàu cá nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật lần đầu, định kỳ, hàng năm, bất thường các loại tàu cá theo chuyên ngành đã được đào tạo;

c) Kiểm tra, kiểm định trong chế tạo, nhập khẩu vật liệu, máy móc và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá;

d) Tham gia giám định kỹ thuật, điều tra tai nạn đối với tàu cá;

đ) Tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm.

e) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Đăng kiểm viên tàu cá hạng III.

2. Trình độ chuyên môn:

Ngoài yêu cầu như Đăng kiểm viên tàu cá hạng III, Đăng kiểm viên tàu cá hạng II phải biết chủ trì, tổ chức thực hiện đầy đủ việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá tình trạng kỹ thuật chung của tàu cá và phải thoả mãn các điều kiện:

a) Đã được bổ nhiệm Đăng kiểm viên hạng III và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu là 3 năm đối với người có trình độ đại học; tối thiểu 5 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Đã được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng kiểm viên hạng II;

c) Đã tốt nghiệp Đại học thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu, máy tàu, điện tàu thuỷ, cơ khí tàu thuyền, khai thác thuỷ sản, nhiệt lạnh, đảm bảo an toàn hàng hải;

d) Có ngoại ngữ Anh văn trình độ B trở lên.

Điều 6. Đăng kiểm viên hạng I

1. Nhiệm vụ:

Ngoài các nhiệm vụ như đối với Đăng kiểm viên tàu cá hạng II, Đăng kiểm viên tàu cá hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về công tác đăng kiểm tàu cá;

b) Chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

c) Xét duyệt thiết kế đóng mới, cải hoán cho tất cả các loại tàu cá;

d) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật lần đầu, định kỳ cho tất cả các loại tàu cá theo chuyên ngành được đào tạo;

đ) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Đăng kiểm viên tàu cá hạng II.

2. Trình độ chuyên môn:

Ngoài yêu cầu như Đăng kiểm viên tàu cá hạng II, Đăng kiểm viên tàu cá hạng I còn phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Là Đăng kiểm viên tàu cá hạng II và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu là 3 năm.

b) Đã tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành vỏ tàu, máy tàu, điện tàu thuỷ, cơ khí tàu thuyền, nhiệt lạnh, đảm bảo an toàn hàng hải;

c) Đã được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng kiểm viên tàu cá hạng I;

d) Có ngoại ngữ Anh văn trình độ B trở lên.

Chương III

BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 7. Bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận

Tổng cục Thủy sản công nhận đơn vị đủ điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên. Đơn vị bồi dưỡng đăng kiểm viên cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng kiểm viên tàu cá (Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng kiểm viên tàu cá theo mẫu quy định tại phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 8. Hồ sơ học viên

1. Công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học.

2. Sơ yếu lý lịch

3. Giấy chứng nhận sức khỏe.

4. Văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định (Bản sao có chứng thực).

5. 02 ảnh màu cỡ 3x4 cm.

Điều 9. Chương trình bồi dưỡng đăng kiểm viên

1. Chương trình khung bồi dưỡng đăng kiểm viên (theo mẫu quy định tại phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này);

2. Căn cứ chương trình khung bồi dưỡng, đơn vị bồi dưỡng xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng chi tiết hàng năm và biên soạn tài liệu bồi dưỡng trình Bộ phê duyệt.

Điều 10. Tiêu chuẩn giảng viên

1. Giảng viên bồi dưỡng đăng kiểm viên hạng III phải có đủ các điều kiện sau:

a) Là đăng kiểm viên hạng II trở lên.

b) Có trình độ đại học các chuyên ngành tương ứng với nội dung bồi dưỡng.

c) Có thời gian làm việc thực tế tại các cơ sở đóng sửa tàu cá hoặc làm công tác quản lý tàu cá từ 5 năm trở lên.

2. Giảng viên bồi dưỡng đăng kiểm viên hạng II phải có đủ các điều kiện sau:

a) Là đăng kiểm viên hạng II trở lên.

b) Có trình độ đại học các chuyên ngành tương ứng với nội dung bồi dưỡng.

c) Có 10 năm làm công tác đăng kiểm tàu cá.

d) Có thời gian làm việc thực tế tại các cơ sở đóng sửa tàu cá hoặc làm công tác quản lý tàu cá từ 5 năm trở lên.

đ) Đã tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tàu cá hoặc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tàu cá.

3. Giảng viên bồi dưỡng đăng kiểm viên hạng I phải có đủ các điều kiện sau:

a) Là đăng kiểm viên hạng I trở lên.

b) Có trình độ đại học các chuyên ngành tương ứng với nội dung bồi dưỡng.

c) Có 15 năm làm công tác đăng kiểm tàu cá.

d) Có thời gian làm việc thực tế tại các cơ sở đóng sửa tàu cá hoặc làm công tác quản lý tàu cá từ 10 năm trở lên.

đ) Đã tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tàu cá hoặc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tàu cá.

4. Ngoài ra, đơn vị bồi dưỡng có thể thuê các chuyên gia trong và ngoài ngành, có thời gian làm công tác chuyên môn liên quan đến lĩnh vực bồi dưỡng trên 05 năm, có uy tín, trình độ cao tham gia giảng dạy các chuyên đề liên quan.

Điều 11. Điều kiện đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên

1. Có chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên;

2. Có chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với chương trình khung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;

3. Giảng viên bồi dưỡng đăng kiểm viên phải có đủ các điều kiện quy định tại Thông tư này.

Chương IV

BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 12. Thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ đăng kiểm viên

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm đăng kiểm viên; Cấp thẻ và thu hồi biển hiệu, dấu kỹ thuật Đăng kiểm viên tàu cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm đăng kiểm viên

1. Đối với Đăng kiểm viên hạng III

a) Văn bản đề nghị bổ nhiệm đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Chứng chỉ Anh văn trình độ A (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

d) Bản tóm tắt quá trình công tác có xác nhận của cơ quan chủ quản;

đ) Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng III (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

e) Bản xác nhận thời gian thực tập tại các đơn vị đăng kiểm;

d) Ảnh màu 3 x 4 (03 chiếc).

2. Đối với Đăng kiểm viên hạng II

a) Văn bản đề nghị bổ nhiệm đăng kiểm viên hạng II của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Chứng chỉ Anh văn trình độ B (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

d) Bản tóm tắt quá trình công tác có xác nhận của cơ quan chủ quản;

đ) Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng II (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

e) Ảnh màu 3 x 4 (03 chiếc).

3. Đối với Đăng kiểm viên hạng I:

a) Văn bản đề nghị bổ nhiệm đăng kiểm viên hạng I của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Chứng chỉ Anh văn trình độ B (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

d) Bản tóm tắt quá trình công tác có xác nhận của cơ quan chủ quản;

đ) Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng I (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

e) Ảnh màu 3 x 4 (03 chiếc).

4. Đối với đăng kiểm viên đổi thẻ:

a) Văn bản đề nghị đổi thẻ đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Thẻ đăng kiểm viên đã hết hạn (bản chính);

d) Ảnh màu 3 x 4 (03 chiếc).

Điều 14. Bổ nhiệm đăng kiểm viên

1. Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Tổng cục Thủy sản. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm đăng kiểm viên đối với từng hạng đăng kiểm viên được quy định cụ thể tại Điều 13 của Thông tư này.

2. Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

3. Sau khi được bổ nhiệm, Đăng kiểm viên được cấp thẻ, dấu kỹ thuật và biển hiệu đăng kiểm viên tàu cá để thực thi nhiệm vụ. Dấu kỹ thuật, biển hiệu được giao kèm khi cấp thẻ và được sử dụng theo thời hạn của thẻ đăng kiểm viên.

4. Thẻ, biển hiệu đăng kiểm viên có thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp.

5. Mẫu thẻ và biển hiệu đăng kiểm viên tàu cá (theo mẫu quy định tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này);

6. Đăng kiểm viên tàu cá chỉ được sử dụng thẻ, biển hiệu đăng kiểm viên tàu cá và con dấu kỹ thuật trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật.

7. Việc xét, bổ nhiệm đăng kiểm viên được tiến hành 2 đợt/năm.

Điều 15. Miễn nhiệm Đăng kiểm viên

1. Đăng kiểm viên bị miễn nhiệm và thu hồi Thẻ Đăng kiểm viên khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây với mức độ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên:

a) Vi phạm các quy định hiện hành khi thực thi nhiệm vụ.

b) Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho cơ sở sản xuất trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

2. Đăng kiểm viên bị miễn nhiệm, nghỉ hưu, thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác, đơn vị chủ quản có trách nhiệm thu hồi thẻ, biển hiệu và con dấu kỹ thuật và báo cáo về Tổng cục Thủy sản.

Chương V

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 16. Quyền hạn của đăng kiểm viên

1. Được yêu cầu chủ tàu cá hoặc cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá cung cấp thiết kế kỹ thuật và hoàn công, tạo điều kiện cần thiết tại hiện trường để đăng kiểm viên giám sát, kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Được bảo lưu và báo cáo lên cấp trên các ý kiến khác với quyết định của thủ trưởng đơn vị về kết luận đánh giá trạng thái kỹ thuật của tàu cá và trang thiết bị.

3. Được ký và sử dụng dấu, ấn chỉ nghiệp vụ khi lập hồ sơ đăng kiểm cho tàu cá và trang thiết bị theo quy định.

4. Đăng kiểm viên được hưởng chế độ phụ cấp; được trang bị các dụng cụ phục vụ công tác kiểm tra kỹ thuật, trang phục và phù hiệu theo quy định của pháp luật.

5. Được quyền từ chối thực hiện yêu cầu kiểm tra kỹ thuật khi xét thấy chưa hội đủ các yếu tố, điều kiện phục vụ cho công tác kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định.

Điều 17. Trách nhiệm của Đăng kiểm viên

1. Giám sát, kiểm tra kỹ thuật tàu cá theo quy định.

2. Tham gia biên soạn quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm viên.

3. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo hạng đăng kiểm viên tàu cá được bổ nhiệm. Khi thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm viên phải đeo thẻ đăng kiểm viên.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đăng kiểm viên tàu cá.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thuỷ sản) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2013.

Thông tư này thay thế Quyết định số 05/2006/QĐ-BTS ngày 06/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành Quy chế đăng kiểm viên tàu cá.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UB Quốc gia Tìm kiếm CN;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Website Bộ;
- Công báo;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13/2013/TT-BNNPTNT về Quy định đăng kiểm viên tàu cá do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 13/2013/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/02/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 135 đến số 136
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản